1. Khái niệm thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự
Người đứng đầu cơ quan thi hành án dân sự được gọi là thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự. Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự chịu trách nhiệm về các hoạt động của cơ quan thi hành án dân sự.
Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự là người đứng đầu cơ quan thi hành án dân sự, tổ chức và chịu trách nhiệm về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan thi hành án dân sự.
Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự được bổ nhiệm trong số các chấp hành viên. Chấp hành viên cơ quan thi hành án cấp tỉnh, cấp huyện có năng lực quản lý, điều hành công việc của cơ quan thi hành án cấp huyện thì có thể được xét bổ nhiệm làm thủ trưởng cơ quan thi hành án cấp huyện. Chấp hành viên thi hành án cấp tỉnh hoặc thủ trưởng thi hành án cấp huyện có năng lực quản lý, điều hành công việc của cơ quan thi hành án dân sự cấp tỉnh thì có thể được xét bổ nhiệm làm thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự cấp tỉnh.
Việc bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức thủ trưởng các cơ quan thi hành án dân sự cấp tỉnh, cấp huyện do Bộ trưởng Bộ tư pháp quyết định. Việc bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức thủ trưởng cơ quan thi hành án cấp quân khu do Bộ trưởng Bộ quốc phòng quyết định. Chính phủ quy định thủ tục bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức thủ trưởng cơ quan thi hành án.

2. Nhiệm vụ và quyền hạn của thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự
Để thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn trong thi hành án có hiệu quả, pháp luật thi hành án dân sự đã quy định cho thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự có những nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:
– Ra các quyết định về thi hành án.
– Quản lý, chỉ đạo hoạt động thi hành án của cơ quan thi hành án dân sự, bao gồm các công việc như phân công chấp hành viên thực hiện việc thi hành án, hướng dẫn nghiệp vụ, chỉ đạo, kiểm tra công tác thi hành án đối với chấp hành viên hoặc cơ quan thi hành án cấp dưới theo quy định của pháp luật…
– Yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân phối hợp tổ chức thi hành án. Để nâng cao trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong thi hành án, thủ trưởng cơ quan thi hành án có quyền đề nghị các cơ quan, tổ chức, cá nhân này tham gia vào việc định giá tài sản, tham gia hội đồng cưỡng chế thi hành án, tham gia xác định tình trạng của tài sản khi giao nhận tài sản, xử lý vật chứng, tiêu huỷ tài sản…
– Yêu cầu tòa án đã ra bản án, quyết định, trọng tài và hội đồng xử lý vụ việc cạnh tranh đã ra quyết định giải thích bằng văn bản những điểm chưa rõ trong bản án, quyết định đó để thi hành. Trong quá trình thi hành án, nếu thấy trong bản án, quyết định có những điểm chưa rõ, có sai sót về số liệu do tính toán sai, chấp hành viên sẽ báo cáo với thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự. Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự xem xét đề nghị của chấp hành viên, nếu thấy đề nghị đó là có căn cứ sẽ yêu cầu tòa án, trọng tài hoặc hội đồng xử lý vụ việc cạnh tranh đã ra bản án, quyết định giải thích bằng văn bản những điểm chưa rõ trong bản án, quyết định trong thời hạn do pháp luật quy định.
– Kiến nghị người có thẩm quyền xem xét việc kháng nghị giám đốc thẩm hoặc tái thẩm đối với bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật nếu có căn cứ cho thấy có vi phạm pháp luật trong việc giải quyết vụ án hoặc phát hiện có tình tiết mới.
– Trả lời kháng nghị, kiến nghị của viện kiểm sát; giải quyết khiếu nại, tố cáo về thi hành án; xử phạt vi phạm hành chính theo thẩm quyền; kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lí kỉ luật, xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người vi phạm.
– Báo cáo công tác thi hành án trước cơ quan thi hành án dân sự cấp trên và uỷ ban nhân dân cùng cấp. Việc báo cáo về công tác thi hành án của thủ trưởng cơ quan thi hành án cấp quân khu theo quy định của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.
Ngoài ra, với tư cách là chấp hành viên nên khi thi hành án vụ việc cụ thể thì thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự cũng có những nhiệm vụ, quyền hạn của chấp hành viên. | Để thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự thực hiện tốt vai trò của người đứng đầu cơ quan thi hành án dân sự, pháp luật thi hành án dân sự đã quy định cụ thể quyền và nghĩa vụ của thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự tại Điều 23 LTHADS. Ngoài ra, để bảo đảm thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự, khoản 2 Điều 23 LTHADS còn quy định khi được thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự uỷ quyền hoặc phân công thì phó thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự sẽ được thực hiện một số nhiệm vụ, quyền hạn của thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về nhiệm vụ được giao.