Thu giữ, tạm giữ tài sản trong tố tụng hình sự

0 135

1. Thu giữ phương tiện điện tử, dữ liệu điện tử

Chứng cứ có thể chứa trong dữ liệu điện tử, phương tiện điện tử. Đây là những thông tin có liên quan đến vụ án được lưu trữ hoặc truyền đi bởi một máy tính, mạng máy tính hoặc thiết bị điện tử kỹ thuật số khác. Chính vì vậy, thu giữ phương tiện điện tử, dữ liệu điện tử là một trong các biện pháp điều tra nhằm thu thập chứng cứ từ các nguồn này thông qua việc người có thẩm quyền tiến hành các hoạt động phát hiện, ghi nhận, thu giữ, tạm giữ, bảo quản tại chỗ đối với dữ liệu điện tử, phương tiện điện tử theo đúng trình tự, thủ tục mà pháp luật quy định.

Căn cứ để thu giữ phương tiện điện tử, dữ liệu điện tử là khi có thông tin cho rằng trong phương tiện điện tử, dữ liệu điện tử của người có chứa các thông tin liên quan đến vụ án hình sự cần thu giữ để tìm kiếm chứng cứ phục vụ việc giải quyết vụ án hình sự.

Việc thu giữ phương tiện điện tử, dữ liệu điện tử do người có thẩm quyền tiến hành tố tụng thực hiện và có thể mời người có chuyên môn liên quan tham gia. Trường hợp không thể thu giữ được thì phải sao lưu vào phương tiện lưu trữ và thu giữ như đối với vật chứng. Khi thu giữ các phương tiện điện tử có thể thu thiết bị ngoại vi kèm theo và các tài liệu có liên quan.

Hình minh họa. thu-giu-tam-giu-tai-san-trong-to-tung-hinh-su

2. Thu giữ thư tín, điện tín, bưu kiện, bưu phẩm tại cơ quan, tổ chức bưu chính, viễn thông

Quyền bí mật về thư tín, điện tín, bưu phẩm là bất khả xâm phạm được Hiến pháp ghi nhận. Tuy nhiên, để thu thập chứng cứ nhằm giải quyết vụ án hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định khi có căn cứ cho rằng trong thư tín, điện tín, bưu kiện, bưu phẩm tại cơ quan, tổ chức bưu chính, viễn thông có chứa thông tin, đồ vật có liên quan đến vụ án thì người có thẩm quyền có quyền thu giữ.

Các thư tín, điện tín, bưu kiện, bưu phẩm bị thu giữ khi chúng đang nằm trong quản lý của cơ quan, tổ chức bưu chính, viễn thông, chưa giao cho người nhận. Nếu giao cho người nhận thì thư tín, điện tín, bưu kiện, bưu phẩm được coi là tài liệu, đồ vật và được thu giữ cùng với quá trình khám xét.

Việc thu giữ thư tín, điện tín, bưu kiện, bưu phẩm tại cơ quan, tổ chức bưu chính, viễn thông phải có lệnh của người có thẩm quyền và được Viện kiểm sát phê chuẩn trước khi thi hành.

Trường hợp không thể trì hoãn việc thu giữ thư tín, điện tín, bưu phẩm tại cơ quan, tổ chức bưu chính, viễn thông thì Cơ quan điều tra có thể tiến hành thu giữ nhưng phải ghi rõ lý do vào biên bản. Sau khi thu giữ phải thông báo ngay cho Viện kiểm sát cùng cấp bằng văn bản kèm theo tài liệu liên quan đến việc thu giữ để Viện kiểm sát xem xét tính có căn cứ và hợp pháp của việc thu giữ, trên cơ sở đó phê chuẩn lệnh thu giữ. Trong thời hạn 24 giờ kể từ khi nhận được đề nghị xét phê chuẩn và tài liệu liên quan đến việc thu giữ thư tín, điện tín, bưu kiện, bưu phẩm, Viện kiểm sát phải ra quyết định phê chuẩn hoặc quyết định không phê chuẩn. Nếu Viện kiểm sát quyết định không phê chuẩn thì người đã ra lệnh thu giữ phải trả lại ngay cho cơ quan, tổ chức bưu chính, viễn thông, đồng thời thông báo cho người có thư tín, điện tín, bưu kiện, bưu phẩm bị thu giữ biết.

Người thi hành lệnh phải thông báo cho người phụ trách cơ quan, tổ chức bưu chính, viễn thông hữu quan trước khi tiến hành thu giữ. Người quản lý cơ quan, tổ chức bưu chính, viễn thông hữu quan phải tạo điều kiện để người thi hành lệnh thu giữ hoàn thành nhiệm vụ.

Khi thu giữ thư tín, điện tín, bưu kiện, bưu phẩm, phải có đại diện của cơ quan, tổ chức bưu chính, viễn thông chứng kiến và ký xác nhận vào biên bản.

Cơ quan ra lệnh thu giữ phải thông báo cho người có thư tín, điện tín, bưu kiện, bưu phẩm bị thu giữ biết. Nếu việc thông báo cản trở điều tra thì sau khi cản trở đó không còn nữa, cơ quan ra lệnh thu giữ phải thông báo ngay.


3. Tạm giữ đồ vật, tài liệu khi khám xét

Khám xét là biện pháp điều tra với mục đích thu thập chứng cứ phục vụ cho việc điều tra, giải quyết đúng đắn vụ án hình sự. Trong quá trình khám xét, Điều tra viên có thể thu thập được tài liệu, đổ vật có liên quan trực tiếp đến vụ án hoặc các đồ vật thuộc loại cấm tàng trữ, lưu hành như tài liệu phản động, chống phá Nhà nước Việt Nam, tài liệu đồi trụy V.V., và có quyền tạm giữ các tài liệu, đổ vật này.

Việc tạm giữ đồ vật cần phải theo đúng thủ tục sau đây: đối với đồ vật thuộc loại cấm tàng trữ, lưu hành thì phải thu giữ và chuyển ngay cho cơ quan quản lý có thẩm quyền. Trường hợp cần thiết phải niêm phong thì tiến hành trước mặt chủ sở hữu đổ vật, người quản lý đồ vật, người chứng kiến, đại diện gia đình, đại diện chính quyền xã, phường, thị trấn nơi khám xét.

Việc tạm giữ tài liệu, đồ vật khi tiến hành khám xét được lập biên bản theo quy định tại Điều 133 của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015. Biên bản tạm giữ được lập thành bốn bản, trong đó một bản giao cho người chủ tài liệu, đồ vật hoặc người quản lý tài liệu, đồ vật, một bản đưa vào hồ sơ vụ án, một bản giao cho Viện kiểm sát cùng cấp và một bản giao cho cơ quan quản lý tài liệu, đồ vật bị tạm giữ.

Sau khi tạm giữ phương tiện, tài liệu, đồ vật, dữ liệu điện tử, thư tín, bưu kiện, bưu phẩm liên quan đến vụ án, phải có biện pháp bảo quản cẩn thận. Theo đó, phương tiện, tài liệu, đồ vật, dữ liệu điện tử, thư tín, điện tín, bưu kiện, bưu phẩm bị thu giữ, tạm giữ hoặc bị niêm phong phải được bảo quản nguyên vẹn. Người nào phá hủy niêm phong, tiêu dùng, chuyển nhượng, đánh tráo, cất giấu hoặc hủy hoại phương tiện, tài liệu, đồ vật, dữ liệu điện tử, thư tín, điện tín, bưu kiện, bưu phẩm thì phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật Hình sự.

4.8/5 - (99 bình chọn)

 
® 2024 LawFirm.Vn - Thông tin do LawFirm.Vn cung cấp không thay thế cho tư vấn pháp lý. Nếu bạn yêu cầu bất kỳ thông tin nào, bạn có thể nhận được cuộc gọi điện thoại hoặc email từ một trong những Quản lý của chúng tôi. Để biết thêm thông tin, vui lòng xem chính sách bảo mật, điều khoản sử dụng, chính sách cookie và tuyên bố miễn trừ trách nhiệm của chúng tôi.
Có thể bạn quan tâm
Để lại câu trả lời

Trường "Địa chỉ email" của bạn sẽ không được công khai.

ZaloFacebookMailMap