Thời hiệu thi hành bản án hình sự là bao nhiêu năm?
1. Thời hiệu thi hành bản án hình sự là gì?
Thời hiệu thi hành bản án hình sự là thời hạn do Bộ luật Hình sự quy định mà khi kết thúc thời hạn đó thì người bị kết án, pháp nhân thương mại bị kết án không phải thi hành bản án đã tuyên. (Khoản 1 Điều 60 Bộ luật Hình sự 2015)
Thời hiệu thi hành bản án là thời hiệu thi hành bản án về quyết định hình phạt. Thời hiệu thi hành bản án đối với quyết định về bồi thường thiệt hại, án phí và quyết định khác về tài sản trong bản án hình sự được thực hiện theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự.
Đặc điểm thời hiệu thi hành bản án hình sự:
– Là thời hạn do Bộ luật hình sự quy định, nghĩa là việc thi hành bản án phải được thực hiện trong một khoảng thời gian nhất định, có điểm bắt đầu và có điểm kết thúc. Nó bắt đầu từ khi bản án có hiệu lực pháp luật và kết thúc khi hết một khoảng thời hạn luật định.
– Hậu quả pháp lý của việc không thi hành bản án trong thời hạn do luật định: Khi kết thúc thời hạn mà bản án đã tuyên, có hiệu lực pháp luật đối với người bị kết án, pháp nhân thương mại bị kết án không được thi hành thì đương nhiên những đối tượng bị kết án sẽ không phải thi hành bản án đó nữa.
2. Thời hiệu thi hành bản án hình sự là bao nhiêu năm?
2.1. Thời hiệu thi hành bản án đối với người bị kết án
Một số quy định của pháp luật hình sự khi đáng giá tội phạm thường dựa trên mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội hay nói cách khác là dựa vào loại tội phạm, loại tội phạm đó được thể hiện ở các mức độ mà chúng ta đã tìm hiểu như: tội ít nghiêm trọng, tội nghiêm trọng, tội rất nghiêm trọng, tội đặc biệt nghiêm trọng. Tương ứng với từng loại tội phạm mà pháp luật phân hóa loại hình phạt cũng như thời hạn truy cứu trách nhiệm hình sự khác nhau, đối với hành vi phạm tội càng nguy hiểm thì hình phạt, thời hiệu truy cứu theo đó cũng càng cao, nó tương thích, tỷ lệ thuận, phản ánh được ý chí, tính nghiêm khắc trong công cuộc đấu tranh phòng chống tội phạm của giai cấp thống trị. Không ngoại lệ, việc quy định thời hạn thi hành bản án tuy không chỉ đích danh căn cứ vào loại tội phạm như một số quy định khác nhưng xét cho cùng việc các nhà làm luật dựa vào hình phạt cụ thể cũng là gián tiếp căn cứ trên loại tội phạm mà cụ thể hóa thời hiệu thi hành bản án cho tương xứng. Bởi lẽ, thời hiệu thi hành bản án gia tăng theo mức độ của hình phạt mà trong khi đó mức độ hình phạt lại gia tăng/tỷ lệ thuận theo loại tội phạm. Theo đó, thời hiệu thi hành bản án hình sự đối với người bị kết án được quy định như sau:
– 05 năm đối với các trường hợp xử phạt tiền, cải tạo không giam giữ hoặc xử phạt tù từ 03 năm trở xuống;
– 10 năm đối với các trường hợp xử phạt tù từ trên 03 năm đến 15 năm;
– 15 năm đối với các trường hợp xử phạt tù từ trên 15 năm đến 30 năm;
– 20 năm đối với các trường hợp xử phạt tù chung thân hoặc tử hình.
Đối chiếu với các quy định trước đây thì cách quy định thời hiệu tại Điều này có điểm mới hoàn toàn khác biệt. Cụ thể Bộ luật hình sự 1999 quy định: “Việc áp dụng thời hiệu đối với các trường hợp xử phạt tù chung thân hoặc tử hình, sau khi đã qua thời hạn mười lăm năm, do Chánh án Tòa án nhân dân tối cao quyết định theo đề nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao. Trong trường hợp không cho áp dụng thời hiệu thì hình phạt tử hình được chuyển thành tù chung thân, tù chung thân được chuyển thành tù ba mươi năm”. Với cách quy định này đã bộc lộ nhiều điểm bất cập, rất khó áp dụng trên thực tế như sau:
– Không đưa ra được thời hiệu cụ thể mà phụ thuộc vào ý chí của các Cơ quan có thẩm quyền mà cụ thể ở đây là quyền quyết định của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao. Việc quyết định một vấn đề không chỉ ảnh hưởng đến cá nhân người phạm tội mà còn ảnh hưởng nhất định đến đời sống xã hội lại do một cá nhân thực hiện thì không thể đảm bảo được yếu tố khách quan.
– Việc thi hành một bản án có hiệu lực pháp luật thuộc về trách nhiệm, nghĩa vụ của những Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền nhất định. Do vậy cần quy định thời hiệu để đưa ra một giới hạn nhất định cho các Cơ quan chức năng phối hợp thực hiện nghĩa vụ của mình và khi hết thời hiệu đó mà bản án không được thi hành thì các bên liên quan phải chịu trách nhiệm. Đồng thời việc quy định thời hiệu còn nhằm đảm bảo những quyền cơ bản, nhất định của con người, mặc dù hành vi phạm tội của họ đã gây ra hậu quả nghiệm trọng, tác động đến các quan hệ xã hội được pháp luật hình sự bảo vệ và cần đặt ra các chế tài nghiêm khắc nhưng việc không thi hành các chế tài không phải xuất phát từ yếu tố lỗi của người bị kết án mà nó lại xuất phát từ phía các Cơ quan Nhà nước khi không tổ chức thi hành bản án. Do vậy, khi không có lỗi thì người phạm tội đương nhiên được hưởng quyền không chấp hành hình phạt tương ứng khi đã quá thời hiệu thi hành mà bản án không được thực hiện.
– Điều luật này tại Bộ luật hình sự 1999 đã đưa ra được một mốc thời hạn là “sau khi đã qua thời hạn mười lăm năm”, vậy với cách quy định này chúng ta có được quyền hiểu thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự đối với tù chung thân và tử hình có phải là mười lăm năm hay không hay một khoảng thời gian khác dài hơn? Nếu cho rằng thời hiệu là mười lăm năm thì hoàn toàn không phù hợp vì đối với hình phạt tù có thời hạn trên mười lăm năm đến ba mươi năm đã quy định thời hiệu mười lăm năm thì không có lý do gì mà chúng ta lại áp dụng thời hiệu này trong khi đối với hình phạt tù chung thân hay tử hình thì đương nhiên ai trong chúng ta đều hiểu hành vi phạm tội là cực kỳ nguy hiểm cho xã hội, nó nguy hiểm đến mức mà người thực hiện hành vi bị xem xét là cần thiết phải loại trừ vĩnh viễn ra khỏi đời sống xã hội. Như vậy cách hiểu này hoàn toàn không phù hợp. Tuy nhiên nếu xét thêm một yếu tố nữa thì có lẽ chúng ta cần phải nhìn nhận lại. Nội dung Điều luật thể hiện khi đã qua mười lăm năm, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao quyết định việc có áp dụng thời hiệu hay không theo đề nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao. Như vậy với ý kiến cho rằng thời hiệu thi hành bản án đối với tù chung thân và tử hình là mười lăm năm không phải là hoàn toàn sai, mà nó đúng ở khía cạnh đây là thời hạn tối thiểu để Chánh án Tòa án nhân dân tối cao xem xét việc có áp dụng thời hiệu hay không. Trường hợp Chánh án Tòa án nhân dân tối cao quyết định áp dụng thời hiệu thì người bị kết án tù chung thân hoặc tử hình đương nhiên không phải chấp hành bản án này nữa và trường hợp này thì thời hiệu áp dụng là mười lăm năm. Còn trường hợp không áp dụng thời hiệu, khung hình phạt giảm xuống khung liền kề, tử hình xuống chung thân, chung thân xuống tù có thời hạn ba mươi năm.
Từ những phân tích nêu trên, rõ ràng quy định tại Bộ luật hình sự trước đây là hoàn toàn không phù hợp, bất cập. Do vậy với quy định thời hiệu thi hành bản án: “20 năm đối với các trường hợp xử phạt tù chung thân hoặc tử hình” tại Bộ luật hình sự hiện hành đã khắc phục được những điểm còn bất cập của luật cũ.
2.2. Thời hiệu thi hành bản án đối với pháp nhân thương mại
Đây là chủ thể mới của Luật hình sự, nếu như trước đây chủ thể này không bị xem xét hình sự hóa hành vi thì đến nay nhiều hành vi đã bị định danh tội phạm với các chế tài tương ứng. Pháp luật quy định thời hiệu thi hành bản án áp dụng đối với chủ thể là pháp nhân thương mại chỉ ở một mức nhất định mà không có sự phân hóa như chủ thể là cá nhân người phạm tội và chính vì vậy mà thời hiệu cũng không bị phụ thuộc vào loại hình phạt áp dụng được nêu trong bán ản. Theo đó thời hiệu thi hành bản án hình sự đối với pháp nhân thương mại là 5 năm.
2.3. Thời điểm tính thời hiệu thi hành bản án hình sự
Thời hiệu thi hành bản án được tính kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật. Khi xác định thời điểm tính thời hiệu thi hành bản án đối với một đối tượng (đối tượng này có thể là cá nhân người phạm tội hoặc pháp nhân thương mại) thì cần phải căn cứ vào các yếu tố sau:
– Từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật: Như vậy bản án sẽ có hiệu lực từ khi nào? Căn cứ vào đâu để xác định một bản án đã có hiệu lực pháp luật hay chưa? Về vấn đề này, chúng ta cần phải xem xét các quy định tương ứng tại Bộ luật tố tụng hình sự 2015 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018. Theo đó, việc xác định hiệu lực của bản án, quyết định sơ thẩm căn cứ Điều 343 Bộ luật này, cụ thể: “Bản án, quyết định và những phần của bản án, quyết định sơ thẩm của Tòa án không bị kháng cáo, kháng nghị thì có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị”. Đối với Bản án phúc thẩm, khoản 2 Điều 355 quy định: “Bản án phúc thẩm có hiệu lực kể từ ngày tuyên án”.
– Không thực hiện hành vi phạm tội mới: Như vậy để thời hiệu được liên tục, không rơi vào trường hợp bị tính lại thì trong thời hạn áp dụng thời hiệu, người bị kết án, pháp nhân thương mại bị kết án không được thực hiện hành vi phạm tội mới. Nếu trong khoảng thời hạn này, mà đối tượng bị kết án lại thực hiện một hành vi mới và hành vi này theo bản án kết luận của Tòa án có thẩm quyền là phạm tội thì thời hiệu đối với tội đang bị áp dụng sẽ được tính lại từ ngày thực hiện hành vi phạm tội đó.
Ví dụ: ngày 01/02/2024, Nguyễn Văn A bị Tòa án phạt 02 năm tù về tội cố ý gây thương tích tại Bản án số 01/2024/HS-ST (đã có hiệu lực pháp luật). Nguyễn Văn A chưa chấp hành hình phạt tù. Ngày 10/3/2024, Nguyễn Văn A phạm tội trộm cắp tài sản. Như vậy, thời hiệu thi hành Bản án số 01/2024/HS-ST ngày 01/02/2024 là 05 năm tính từ ngày 10/3/2024; thời hiệu thi hành bản án đối với tội trộm cắp tài sản tính từ ngày bản án kết án về tội trộm cắp tài sản có hiệu lực pháp luật.
– Trường hợp bản án hình sự tổng hợp hình phạt của nhiều tội thì thời hiệu thi hành bản án được tính theo hình phạt chung của hình phạt chính nặng nhất.
Ví dụ: tại Bản án hình sự phúc thẩm số 01/2024/HS-PT ngày 10/01/2024, Tòa án nhân dân cấp cao quyết định không chấp nhận kháng cáo của bị cáo Nguyễn Văn H và giữ nguyên Bản án hình sự sơ thẩm số 60/2023/HS-ST ngày 02/9/2023 của Toà án nhân dân tỉnh T; tuyên bị cáo Nguyễn Văn H phạm tội giết người, tội cố ý gây thương tích và tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự; xử phạt bị cáo Nguyễn Văn H 12 năm tủ về tội giết người, 02 năm tù về tội cố ý gây thương tích, 70.000.000 đồng về tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự; tổng hợp hình phạt buộc bị cáo Nguyễn Văn H phải chấp hành hình phạt chung là 14 năm tù và 70.000.000 đồng. Trường hợp này, căn cứ vào hình phạt chung của hình phạt chính nặng nhất là 14 năm tù để tính thời hiệu thi hành Bản án hình sự phúc thẩm số 01/2024/HS-PT. Căn cứ điểm b khoản 2 Điều 60 của Bộ luật Hình sự thì thời hiệu thi hành bản án phúc thẩm này là 10 năm.
– Trường hợp bản án hình sự có nhiều người bị kết án thì căn cứ vào mức hình phạt đối với từng người để tính thời hiệu thi hành bản án hình sự đối với họ.
– Trường hợp bản án hình sự tổng hợp hình phạt của nhiều bản án thì căn cứ vào mức hình phạt trong từng bản án để tính thời hiệu thi hành cho mỗi bản án hình sự đó mà không căn cứ vào mức tổng hợp hình phạt chung.
Ví dụ: Nguyễn Văn A bị Tòa án phạt 01 năm 06 tháng tù về tội trộm cắp tài sản tại Bản án số 01/2024/HS-ST (đã có hiệu lực pháp luật). Tại Bản án số 15/2024/HS-ST phạt Nguyễn Văn A 07 năm tù về tội cố ý gây thương tích và tổng hợp với hình phạt của Bản án số 01/2024/HS-ST, buộc Nguyễn Văn A phải chấp hành hình phạt chung là 08 năm 06 tháng tù (đã có hiệu lực pháp luật). Theo đó, thời hiệu thi hành bản án đối với Bản án số 01/2024/HS-ST là 05 năm; Bản án số 15/2024/HS-ST là 10 năm.
– Trường hợp người bị kết án cố tình trốn tránh, nhưng cơ quan công an không ra quyết định truy nã hoặc có ra quyết định truy nã nhưng không đúng quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự trừ những việc không thể thực hiện được (ví dụ: phải dán ảnh kèm theo nhưng không có ảnh) thì thời gian trốn tránh vẫn được tính để xác định thời hiệu thi hành bản án hình sự.
– Trường hợp người bị kết án phạt tù được hoãn hoặc tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù thì thời hạn được hoãn hoặc tạm đình chỉ không được trừ vào thời hiệu thi hành bản án, trừ trường hợp được hoãn hoặc tạm đình chỉ để áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh.
Thời hiệu thi hành bản án hình sự được tính kể từ ngày hết thời hạn hoãn hoặc tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù và căn cứ vào mức hình phạt tù còn lại mà người bị kết án chưa chấp hành.
Ví dụ: Nguyễn Văn A chấp hành hình phạt 04 năm tù về tội cố ý gây thương tích từ ngày 01/01/2023. Ngày 01/01/2024, Nguyễn Văn A được tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù. Ngày 01/5/2024, Nguyễn Văn A hết thời hạn tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù. Trường hợp này, thời hiệu thi hành bản án hình sự là 05 năm được tính kể từ ngày 01/5/2024 và căn cứ vào hình phạt tù còn lại chưa chấp hành là 03 năm.
Về nguyên tắc thì thời hiệu thi hành bản án được tính kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật. Tuy nhiên trong nhiều trường hợp, sau khi bản án đã có hiệu lực pháp luật, người bị kết án tẩu thoát, tìm mọi cách cố tính trốn tránh việc áp dụng các chế tài được nêu trong bản án thì thời hiệu được bắt đầu tính hoặc tính lại khi người này ra trình diện hoặc bị bắt giữ.
Điều kiện áp dụng: Khi và chi khi đáp ứng đầy đủ hai điều kiện sau thì thời hiệu mới được tính lại, cụ thể:
– Người bị kết án cố tình trốn tránh: Cố tình trốn tránh là cố tình giấu hoặc khai không đúng nơi thường trú, nơi tạm trú, nơi ở hiện tại; thay đổi thông tin cá nhân, nhân dạng hoặc giới tính nhằm gây khó khăn cho cơ quan có thẩm quyền trong việc nhận dạng, xác định nơi ở hiện tại…
Thông tin cá nhân gồm quốc tịch; họ tên, ngày, tháng, năm sinh; nghề nghiệp; chứng minh nhân dân, căn cước công dân, căn cước hoặc hộ chiếu; thông tin khác gắn liền với việc xác định danh tính của một người cụ thể.
– Đã có quyết định truy nã: đây rõ ràng là yếu tố quyết định việc có cơ sở để tính lại thời hiệu hay không vì nếu người bị kết án trên thực tế có thực hiện hành vi cố tình trốn tránh đi nữa mà Cơ quan có thẩm quyền vẫn chưa ra quyết định truy nã có hiệu lực thì dù thời hiệu đã trôi qua bao nhiêu cũng hoàn toàn không có căn cứ để tính lại thời hiệu.
3. Tải file Bình luận Bộ luật Hình sự 2015 (hợp nhất năm 2017) – Phần chung
Tải về: Bình luận Bộ luật Hình sự 2015 (hợp nhất năm 2017) – Phần chung