1. Thời hạn kháng cáo
Thời hạn kháng cáo là thời hạn mà pháp luật quy định cho người có quyền kháng cáo thực hiện quyền kháng cáo của mình, hết thời hạn này, việc kháng cáo không được chấp nhận, trừ trường hợp quy định tại Điều 335 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015.
Theo quy định của Điều 333 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, thời hạn kháng cáo đối với bản án sơ thẩm là 15 ngày kể từ ngày tuyên án. Đối với bị cáo, đương sự vắng mặt tại phiên tòa thì thời hạn kháng cáo tính từ ngày họ nhận được bản án hoặc ngày bản án được niêm yết theo quy định của pháp luật. Quy định chặt chẽ về thời hạn kháng cáo nhằm bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp cho những người tham gia kháng cáo, đồng thời bảo đảm trình tự tố tụng được thuận lợi.
Thời hạn kháng cáo đối với quyết định sơ thẩm là 07 ngày kể từ ngày người có quyền kháng cáo nhận được quyết định. Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2003 không quy định cụ thể về thời hạn kháng cáo đối với quyết định sơ thẩm, do đó thực tiễn áp dụng gặp nhiều vướng mắc khi những người có quyền kháng cáo không biết hoặc không thực hiện việc kháng cáo đúng thời hạn. Để khắc phục tình trạng này, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 đã bổ sung thời hạn kháng cáo đối với quyết định sơ thẩm là 07 ngày kể từ ngày người có quyền kháng cáo nhận được quyết định. Quy định này đã đáp ứng được yêu cầu toàn diện, đầy đủ trong kỹ thuật lập pháp, bảo đảm thuận lợi cho các hoạt động tố tụng và bảo đảm được quyền và lợi ích hợp pháp của người kháng cáo.
Ngày kháng cáo được xác định như sau:
Trong trường hợp đơn kháng cáo gửi qua dịch vụ bưu chính thì ngày kháng cáo là ngày theo dấu bưu chính nơi gửi. Dịch vụ bưu chính là dịch vụ chấp nhận, vận chuyển và phát bưu gửi bằng các phương thức từ địa điểm của người gửi đến địa điểm của người nhận qua mạng bưu chính, trừ phương thức điện tử. Bưu gửi bao gồm thư, gói, kiện hàng hóa được chấp nhận, vận chuyển và phát hợp pháp qua mạng bưu chính. Như vậy cụm từ “bưu chính” được thay thế cho cụm từ “bưu điện” trong Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 để phù hợp với Luật Bưu chính năm 2010.
Trong trường hợp đơn kháng cáo gửi qua Giám thị Trại tạm giam, Trưởng Nhà tạm giữ thì ngày kháng cáo là ngày Giám thị Trại tạm giam, Trưởng Nhà tạm giữ nhận được đơn. Giám thị Trại tạm giam, Trưởng Nhà tạm giữ phải ghi rõ ngày nhận đơn và ký xác nhận vào đơn.
Trường hợp người kháng cáo nộp đơn kháng cáo tại Tòa án thì ngày kháng cáo là ngày Tòa án nhận đơn. Trường hợp người kháng cáo trình bày trực tiếp với Tòa án thì ngày kháng cáo là ngày Tòa án lập biên bản về việc kháng cáo.
Người kháng cáo có thể thực hiện việc kháng cáo của mình thông qua hình thức nộp đơn kháng cáo hoặc trình bày trực tiếp với Tòa án. Những người kháng cáo bằng cách trình bày trực tiếp tới trụ sở Tòa án đã xử sơ thẩm và trình bày ý kiến của mình về lý do và nội dung kháng cáo. Ngày kháng cáo trong trường hợp này sẽ được tính là ngày Tòa án lập biên bản về việc kháng cáo. Người kháng cáo bằng đơn có thể gửi đơn tới Tòa án đã xử sơ thẩm hoặc Tòa án cấp trên sẽ xét xử phúc thẩm. Ngày kháng cáo là ngày Tòa án nhận đơn của người kháng cáo.
2. Thời hạn kháng nghị
Thời hạn kháng nghị là thời hạn mà pháp luật quy định cho người có thẩm quyền kháng nghị thực hiện quyền kháng nghị của mình; hết thời hạn này, việc kháng nghị không được chấp nhận.
Theo quy định của Điều 337 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, thời hạn kháng nghị của Viện kiểm sát cùng cấp đối với bản án là 15 ngày, của Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp là 30 ngày kể từ ngày Tòa tuyên án. Bộ luật Tố tụng hình sự không quy định về kháng nghị phúc thẩm quá hạn vì trong trường hợp đã quá thời hạn kháng nghị phúc thẩm mà có căn cứ để kháng nghị giám đốc thẩm hoặc tái thẩm thì Viện kiểm sát có thẩm quyền phải tiến hành kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc tái thẩm.
Đối với quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm thì thời hạn kháng nghị của Viện kiểm sát cùng cấp là 07 ngày, của Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp là 15 ngày kể từ ngày Tòa án ra quyết định. Quy định này nhằm xác định rõ thời hạn kháng nghị của Viện kiểm sát cùng cấp, Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp đối với các quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm, bảo đảm việc kháng nghị được kịp thời, nhanh chóng và thống nhất với thời hạn kháng cáo các quyết định của những người có quyền kháng cáo.