1. Thời điểm người bào chữa tham gia tố tụng
Để khắc phục những bất cập trong quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 về thời điểm tham gia tố tụng của người bào chữa, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 đã quy định rõ ràng và cụ thể, tạo điều kiện cho người bị buộc tội nhận được sự trợ giúp nhiều hơn từ phía người bào chữa. Theo đó, người bào chữa tham gia tố tụng từ khi khởi tố bị can. Trường hợp bắt, tạm giữ người thì người bào chữa tham gia tố tụng từ khi người bị bắt có mặt tại trụ sở của Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điểu tra hoặc từ khi có quyết định tạm giữ. Trường hợp cẩn giữ bí mật điều tra đối với các tội xâm phạm an ninh quốc gia thì Viện trưởng Viện kiểm sát có thẩm quyền quyết định để người bào chữa tham gia tố tụng từ khi kết thúc điều tra.
2. Trách nhiệm thông báo cho người bào chữa
Cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải báo trước một thời gian hợp lý cho người bào chữa về thời gian, địa điểm tiến hành hoạt động tố tụng mà họ có quyền tham gia theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự. Trường hợp người bào chữa đã được cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng báo trước mà không có mặt thì hoạt động tố tụng vẫn được tiến hành, trừ trường hợp quy định tại Điều 291 Bộ luật Tố tụng hình sự. Theo đó, trường hợp người bào chữa vắng mặt lần thứ nhất vì lý do bất khả kháng hoặc do trở ngại khách quan thì Tòa án phải hoãn phiên tòa, trừ trường hợp bị cáo đồng ý xét xử vắng mặt người bào chữa. Nếu người bào chữa vắng mặt không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan hoặc được triệu tập hợp lệ lần thứ hai mà vẫn vắng mặt thì Tòa án vẫn mở phiên tòa xét xử. Trường hợp chỉ định người bào chữa quy định tại khoản 1 Điều 76 Bộ luật Tố tụng hình sự mà người bào chữa vắng mặt thì Hội đồng xét xử phải hoãn phiên tòa, trừ trường hợp bị cáo hoặc người đại diện của bị cáo đồng ý xét xử vắng mặt người bào chữa.
Xem thêm: Quy định của pháp luật về người bào chữa