Thanh lý TSCĐ cũ với giá thấp hơn giá trị còn lại có được không?
Trong quá trình sử dụng tài sản cố định (TSCĐ), doanh nghiệp có thể gặp được những trường hợp gây giảm TSCĐ như nhượng bán, thanh lý tài sản cố định, mất mát, kiểm kê và phát hiện thừa thiếu, góp vốn kinh doanh, chuyển giao cho doanh nghiệp khác, tháo dỡ… cần phải được xử lý và hạch toán theo đúng quy định. Trong bài viết này, LawFirm.Vn sẽ cung cấp một số thông tin liên quan đến vấn đề thanh lý tài sản cố định cũ với giá thấp hơn giá trị còn lại có sao không ?
1. Thanh lý tài sản cố định là gì ?
Theo quy định tại điểm 3.2 khoản 3 Điều 35 Thông tư 200/2014/TT-BTC và khoản 1 Điều 31 Thông tư 133/2016/TT-BTC như sau:
Trường hợp nhượng bán tài sản cố định dùng vào sản xuất, kinh doanh, dùng cho hoạt động sự nghiệp, dự án: tài sản cố định nhượng bán thường là những tài sản cố định không cần dùng hoặc xét thấy sử dụng không có hiệu quả. Khi nhượng bán tài sản cố định hữu hình phải làm đầy đủ các thủ tục cần thiết theo quy định của pháp luật.
Hiểu đơn giản là tài sản cố định được đem đi thanh lý, nhượng bán là những tài sản đã thu hồi đủ vốn đầu tư, hết thời gian trích khấu hao tài sản cố định, hoặc bị hư hỏng nặng, lỗi thời, lạc hậu, không dùng đến hoặc vì một lý do nào đó (doanh nghiệp sát nhập, nhượng bán hoặc giải thể,…) đơn vị, doanh nghiệp muốn bán tài sản cố định đó đi để thay thế bằng một tài sản mới, hay xử lý để thu hồi vốn để đầu tư sản xuất kinh doanh.
2. Thanh lý tài sản cố định cũ với giá thấp hơn giá trị còn lại.
Tài sản cố định như: Xe ô tô, máy móc nhưng giá thanh lý thấp hơn giá trị sử dụng còn lại của tài sản vậy phải xử lý như thế nào ?
Thuế TNDN
Căn cứ:
– Điều 6 Thông tư số 78/2014/TT-BTC ngày 18/6/2014 của Bộ Tài Chính hướng dẫn về các khoản chi được trừ và không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế.
– Điểm 4 Thông tư 96/2015/ TT-BTC sửa đổi, bổ sung Điểm 2.31 Khoản 2 Điều 6 Thông tư 78/2014/TT-BTC quy định những khoản chi không được trừ.
Theo đó: Về Thuế TNDN:
– Khoản chi thực tế phát sinh liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của Doanh nghiệp;
– Khoản chi có đủ hóa đơn, chứng từ hợp pháp theo quy định của pháp luật.
– Khoản chi nếu có hóa đơn mua hàng hóa, dịch vụ từng lần có giá trị từ 20 triệu đồng trở lên (Giá đã bao gồm thuế GTGT) khi thanh toán phải có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt.
– Thu nhập từ chuyển nhượng tài sản, thanh lý tài sản (Trừ bất động sản) các loại giấy tờ có giá khác. Khoản thu nhập này được xác định bằng Doanh thu thu được do chuyển nhượng tài sản, Thanh lý tài sản trừ (-) Giá trị còn lại của tài sản chuyển nhượng, Thanh lý ghi trên sổ sách kế toán tại thời điểm chuyển nhượng, thanh lý và các khoản chi phí được trừ liên quan đến việc chuyển nhượng thanh lý tài sản.
Như vậy: Khi phá dỡ, đập bỏ, tháo dỡ,… thanh lý TSCĐ mà chưa khấu hao hết, phần chênh lệch còn thiếu do chưa trích khấu hao hết và phần chi phí phá dỡ có đầy đủ hóa đơn, chứng từ hợp pháp theo quy định của pháp luật, Doanh nghiệp được tính vào chi phí hợp lý khi xác định thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định hiện hành.
Các trường hợp bị Ấn định thuế
Căn cứ:
– Điểm e khoản 01 Điều 37 Luật Quản lý thuế số 78/2006/QH11 quy định về ấn định thuế đối với người nộp thuế theo phương pháp kê khai trong trường hợp vi phạm pháp luật về thuế.
– Điều 25 Thông tư 156/2013/TT-BTC – Hướng dẫn thi hành Luật quản lý thuế
- Người nộp thuế nộp thuế theo phương pháp kê khai bị Ấn định thuế trong các trường hợp sau đây:
- Không đăng ký thuế;
- Không nộp hồ sơ khai thuế: Nộp hồ sơ khai thuế sau mười ngày, kể từ ngày hết thời hạn nộp hồ sơ khai thuế hoặc ngày hết thời hạn gia hạn nộp hồ sơ khai thuế;
- Không khai thuế, không nộp bổ sung hồ sơ thuế theo yêu cầu của cơ quan thuế hoặc khai thuế không chính xác, trung thực, đầy đủ về căn cứ tính thuế;
- Không phản ánh hoặc phản ánh không đầy đủ, trung thực, chính xác số liệu trên sổ kế toán để xác định nghĩa vụ thuế;
đ. Không xuất trình sổ kế toán, hóa đơn, chứng từ và các tài liệu cần thiết liên quan đến việc xác định sổ thuế phải nộp trong thời hạn quy định;
- Mua, bán, trao đổi và hạch toán giá trị hàng hóa, dịch vụ không theo giá trị giao dịch thông thường trên thị trường;
- Có dấu hiệu bỏ trốn hoặc phát tán tài sản để không thực hiện nghĩa vụ thuế.
Các căn cứ ấn định thuế bao gồm:
- Cơ sở dữ liệu của cơ quan thuế;
- So sánh số thuế phải nộp của cơ sở kinh doanh cùng mặt hàng, ngành nghề, quy mô;
- Tài liệu và kết quả kiểm tra, thanh tra còn hiệu lực.
Do đó: Cán bộ thuế sẽ tập trung tìm chứng cứ để chứng minh là giá bán hàng hóa và hạch toán giá trị, không theo giá trị giao dịch thông thường trên thị trường => Qua đó, cơ quan thuế sẽ không chấp nhận giá bán kê khai và đương nhiên Ấn định lại giá bán hoặc giá trị còn lại tài sản, theo giá thông thường trên thị trường nếu phát hiện người nộp thuế có dấu hiệu vi phạm; Cụ thể như sau:
+ Qua kiểm tra hàng hóa mua vào, bán ra thấy người nộp thuế hạch toán giá trị hàng hóa mua vào, bán ra không theo giá giao dịch thông thường trên thị trường.
+ Giá giao dịch thông thường trên thị trường là giá giao dịch theo thỏa thuận khách quan giữa các bên không có quan hệ liên kết.
+ Cơ quan thuế có thể tham khảo giá hàng hóa, dịch vụ do cơ quan quản lý nhà nước công bố cùng thời điểm, hoặc giá mua, giá bán của các doanh nghiệp kinh doanh cùng ngành nghề, cùng mặt hàng hoặc giá bán của doanh nghiệp kinh doanh cùng mặt hàng có quy mô kinh doanh và số khách hàng lớn tại địa phương để xác định giá giao dịch thông thường làm căn cứ Ấn định giá bán, giá mua và số thuế phải nộp.
Về chế độ kế toán:
– Thủ tục thanh lý và hoạch toán: Để có thể thanh lý tài sản cố định thì cần một số giấy tờ và thủ tục sau (Có thể bỏ một số thủ tục không cần thiết cho phù hợp với quy mô Doanh nghiệp):
+ Thành lập Hội đồng thanh lý TSCĐ.
+ Biên bản họp hội đồng thanh lý TSCĐ.
+ Quyết định Thanh lý TSCĐ.
+ Biên bản họp Hội đồng định giá TSCĐ (Định giá bán thanh lý).
+ Biên bản Thanh lý TSCĐ.
+ Hợp đồng kinh tế bán TSCĐ được thanh lý.
+ Hóa đơn bán TSCĐ.
+ Thanh lý Hợp đồng kinh tế bán TSCĐ.
+ ……
– Hạch toán nghiệp vụ nhượng bán, thanh lý TSCĐ:
+ Ghi nhận thu nhập khác do nhượng bán, thanh lý TSCĐ, ghi:
Nợ các TK 111, 112, 131,… = ?
Có TK 711 – Thu nhập khác = ?
Có TK 3331 – Thuế GTGT phải nộp (TK 33311) (Nếu có) = ?
+ Ghi giảm TSCĐ dùng vào SXKD đã nhượng bán, thanh lý, ghi:
Nợ TK 214 – Hao mòn TSCĐ (Giá trị hao mòn)
Nợ TK 811 – Chi phí khác (Giá trị còn lại)
Có TK 211 – TSCĐ hữu hình (Nguyên giá)
+ Ghi nhận các chi phí phát sinh cho hoạt động nhượng bán, thanh lý TSCĐ, ghi:
Nợ TK 811 – Chi phí khác
Nợ TK 133 – Thuế GTGT được khấu trừ (TK 1331) (Nếu có)
Có các TK 111, 112, 141,…
Căn cứ:
– Thông tư 133/2016/TT-BTC ngày 26/08/2016 thay thế Quyết định 48/2006/QĐ-BTC Ban hành chế độ kế toán Doanh nghiệp nhỏ và vừa do Bộ trưởng Bộ Tài Chính ban hành.
– Thông tư 200/2014/TT-BTC hướng dẫn chế độ kế toán Doanh nghiệp do Bộ Tài Chính ban hành thay thế cho Quyết định 15/2006/QĐ-BTC.
3. Quy định về thanh lý tài sản cố định.
Khoản 1 Điều 32 Thông tư 133/2016/TT- BTC quy định:
Các tài sản cố định chưa tính đủ khấu hao (tức chưa thu hồi đủ vốn) mà đã hư hỏng, cần thanh lý thì phải tìm ra được nguyên nhân, trách nhiệm của tập thể, cá nhân để tìm cách bồi thường và phần giá trị còn lại của tài sản cố định chưa thể thu hồi, không thể được bồi thường phải được bù đắp bằng số thu do thanh lý của chính tài sản cố định đó, số tiền bồi thường do lãnh đạo của doanh nghiệp quyết định;
Nếu số thu để thanh lý và số thu để bồi thường không đủ bù đắp phần giá trị còn lại của tài sản cố định chưa được thu hồi hoặc phần giá trị tài sản cố định bị mất thì phần giá trị chênh lệch còn lại được xem là lỗ về thanh lý tài sản cố định và kế toán vào chi phí khác.
Như vậy, các chi phí và doanh thu từ hoạt động thanh lý, bồi thường tài sản được hạch toán vào chi phí và doanh thu khác.
4. Khi nào được thanh lý tài sản cố định ?
Các trường hợp doanh nghiệp phát sinh nhu cầu thanh lý tài sản cố định như sau:
– Tài sản đã hư hỏng và không thể sử dụng được nữa.
– Tài sản lạc hậu và không còn phù hợp với nhu cầu của doanh nghiệp.
– Sáp nhập, nhượng bán hoặc giải thể doanh nghiệp.
Đồng thời, Khoản 1 Điều 38 Thông tư 200/2014/TT-BTC và Khoản 1 Điều 32 Thông tư 133/2016/TT-BTC quy định:
Đối với các TSCĐ đã khấu hao hết (đã thu hồi đủ vốn), nhưng vẫn còn sử dụng
vào hoạt động sản xuất, kinh doanh thì không được tiếp tục trích khấu hao.
Các TSCĐ chưa tính đủ khấu hao (chưa thu hồi đủ vốn) mà đã hư hỏng, cần thanh lý, thì phải xác định nguyên nhân, trách nhiệm của tập thể, cá nhân để xử lý bồi thường và phần giá trị còn lại của TSCĐ chưa thu hồi, không được bồi thường phải được bù đắp bằng số thu do thanh lý của chính TSCĐ đó, số tiền bồi thường do lãnh đạo doanh nghiệp quyết định.
Nếu số thu thanh lý và số thu bồi thường không đủ bù đắp phần giá trị còn lại của TSCĐ chưa thu hồi, hoặc giá trị TSCĐ bị mất thì chênh lệch còn lại được coi là lỗ về thanh lý TSCĐ và kế toán vào chi phí khác.
Lưu ý: Đối với những TSCĐ không cần dùng, chờ thanh lý nhưng chưa hết khấu hao, doanh nghiệp phải thực hiện quản lý, theo dõi, bảo quản theo quy định hiện hành và trích khấu hao theo quy định tại Thông tư 45/2013/TT-BTC.