1. Khái niệm thẩm quyền xét xử sơ thẩm vụ án hình sự
Thẩm quyền xét xử sơ thẩm vụ án hình sự là việc phân chia vụ án hình sự cho Tòa án thuộc các cấp xét xử, được tiến hành giải quyết vụ án hình sự này hay vụ án hình sự khác theo thủ tục luật định.
Dựa vào điều kiện chính trị – xã hội, đặc điểm lịch sử và địa lý, đặc điểm tình hình tội phạm và đặc điểm của nền pháp luật truyền thống cũng như dựa vào các yếu tố về nguồn lực con người, phương tiện điều tra, xét xử mà nhà làm luật phân định thẩm quyền xét xử. Trong đó, yếu tố quản lý hành chính và yếu tố lãnh thổ chi phối nhiều đến việc phân chia thẩm quyền xét xử.
Thông thường, thẩm quyền xét xử được phân chia dựa vào các tiêu chí, đó là: (i) Thẩm quyền theo vụ việc (còn có thể gọi theo cấp của Tòa án); (ii) Thẩm quyền theo lãnh thổ; (iii) Thẩm quyền theo đối tượng người phạm tội.
2. Thẩm quyền xét xử sơ thẩm vụ án hình sự theo vụ việc
Thẩm quyền xét xử sơ thẩm vụ án hình sự theo vụ việc là sự phân chia vụ án để Tòa án các cấp được xét xử vụ án này hay vụ án khác, trên cơ sở dựa vào đặc điểm, tình hình tội phạm và cách thức tổ chức bộ máy của Tòa án.
Việc phân loại tội phạm như quy định của Bộ luật Hình sự, gồm có loại tội phạm ít nghiêm trọng, tội phạm nghiêm trọng, tội phạm rất nghiêm trọng và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, bản thân nó đã nói lên tính chất, mức độ, đặc điểm của tội phạm. Bộ luật Hình sự quy định rất nhiều tội phạm khác nhau, ở mỗi tội phạm có nhiều khung hình phạt, mà mỗi khung hình phạt lại được phân loại tội phạm, do đó, đòi hỏi phải phân chia rõ Tòa án nào được xét xử loại việc nào, nếu không sẽ dễ xảy ra tranh chấp. Ví dụ như cùng một cấp xét xử sơ thẩm, nhưng Tòa án cấp huyện xét xử đối với loại tội phạm gây nguy hại không cao bằng Tòa án cấp tỉnh.
2.1. Thẩm quyền xét xử của Tòa án cấp huyện
Thẩm quyền xét xử của Tòa án nhân dân cấp huyện và Tòa án quân sự khu vực (gọi chung là thẩm quyền xét xử của Tòa án cấp huyện) được pháp luật quy định qua các giai đoạn như sau:
– Theo quy định tại khoản 1 Điều 145 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 1988 thì Tòa án nhân dân cấp huyện và Tòa án quân sự khu vực có thẩm quyền xét xử sơ thẩm những tội phạm mà Bộ luật Hình sự quy định hình phạt tù có thời hạn từ 7 năm trở xuống, trừ các tội đặc biệt nguy hiểm xâm phạm an ninh quốc gia và các tội quy định tại các điều 89, 90, 91, 92, 93, 101 (khoản 3), 102, 179, 231, 232 của Bộ luật Hình sự năm 1985.
– Quá trình cải cách tư pháp ở nước ta đã chuyển trọng tâm tăng thẩm quyền xét xử cho Tòa án cấp huyện. Theo đó, Tòa án nhân dân cấp huyện và Tòa án quân sự khu vực có thẩm quyền xét xử sơ thẩm vụ án hình sự đối với những tội phạm ít nghiêm trọng, tội phạm nghiêm trọng, tội phạm rất nghiêm trọng mà Bộ luật Hình sự quy định khung hình phạt tù có mức cao nhất là 15 năm, trừ những trường hợp quy định tại điểm a, b, c của khoản 1 Điều 170 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003, (gồm có các tội xâm phạm an ninh quốc gia quy định tại Chương XI Bộ luật Hình sự năm 1999; các tội phá hoại hòa bình, chống loài người và tội phạm chiến tranh tại Chương XXIV Bộ luật Hình sự năm 1999; các loại tội phạm khác như tội giết người…).
– Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2018 đã kế thừa và bổ sung về thẩm quyền xét xử của Tòa án so với quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003. Theo đó, khoản 1 Điều 268 của Bộ luật quy định Tòa án cấp huyện có thẩm quyền xét xử sơ thẩm những vụ án hình sự về tội phạm ít nghiêm trọng, tội phạm nghiêm trọng và tội phạm rất nghiêm trọng, trừ những tội phạm sau đây:
+ Các tội xâm phạm an ninh quốc gia;
+ Các tội phá hoại hòa bình, chống loài người và tội phạm chiến tranh;
+ Các tội phạm được thực hiện ở bên ngoài lãnh thổ Việt Nam;
+ Các tội quy định tại các điều: 123,125,126, 227, 277, 278, 279, 280, 282, 283, 284, 286, 287, 288, 337, 368, 369, 370, 371, 399 và 400 của Bộ luật Hình sự năm 2015 bao gồm: Tội giết người, Tội giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh, Tội giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng hoặc vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội, Tội vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên, Tội vi phạm quy định về điều khiển tàu bay, Tội cản trở giao thông đường không, Tội đưa vào sử dụng tàu bay, thiết bị bảo đảm hoạt động bay không bảo đảm an toàn, Tội điều động hoặc giao cho người không đủ điều kiện điều khiển tàu bay, Tội chiếm đoạt tàu bay, tàu thủy, Tội điều khiển tàu bay vi phạm quy định về hàng không của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Tội điều khiển phương tiện hàng hải vi phạm quy định về hàng hải của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Tội phát tán chương trình tin học gây hại cho hoạt động của mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử, Tội cản trở hoặc gây rối loạn hoạt động của mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử, Tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông, Tội cố ý làm lộ bí mật nhà nước, Tội chiếm đoạt, mua bán hoặc tiêu hủy vật hoặc tài liệu bí mật nhà nước, Tội truy cứu trách nhiệm hình sự người không có tội, Tội không truy cứu trách nhiệm hình sự người có tội, Tội ra bản án trái pháp luật, Tội ra quyết định trái pháp luật, Tội đầu hàng địch, Tội khai báo hoặc tự nguyện làm việc cho địch khi bị bắt làm tù binh.
Như vậy, Tòa án nhân dân cấp huyện có thẩm quyền xét xử các vụ án hình sự mà khung hình phạt tù có thời hạn cao nhất đến 15 năm, trừ những tội phạm được quy định tại điểm a, b, c, d khoản 1 Điều 268 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015.
2.2. Thẩm quyền xét xử của Tòa án cấp tỉnh
Thẩm quyền xét xử của Tòa án nhân dân cấp tỉnh và Tòa án quân sự cấp quân khu (gọi chung là thẩm quyền xét xử của Tòa án cấp tỉnh) được xác định tại khoản 2 Điều 268 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, như sau:
– Những vụ án không thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án cấp huyện: Tòa án cấp tỉnh xét xử những vụ án hình sự về tội phạm đặc biệt nghiêm trọng (vụ án có mức cao nhất của khung hình phạt tù có thời hạn trên 15 năm, tù chung thân hoặc tử hình).
– Vụ án hình sự có bị cáo, bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đến vụ án ở nước ngoài hoặc tài sản có liên quan đến vụ án ở nước ngoài. Đây là những vụ án có yếu tố nước ngoài, luật tố tụng hình sự giao cho Tòa án cấp tỉnh giải quyết là phù hợp điều kiện thực tế.
– Những vụ án hình sự thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án cấp huyện nhưng có nhiều tình tiết phức tạp khó đánh giá, thống nhất về tính chất vụ án hoặc liên quan đến nhiều cấp, nhiều ngành; vụ án mà bị cáo là Thẩm phán, Kiểm sát viên, Điều tra viên, cán bộ lãnh đạo chủ chốt ở huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành pho trực thuộc trung ương, người có chức săc trong tôn giáo hoặc có uy tín cao trong dân tộc ít người. Đây là những trường hợp mà trên thực tế, Tòa án cấp huyện gặp phải vụ án khó, hay mắc sai sót trong việc xét xử. Tuy nhiên, quy định trường hợp xác định vụ án có nhiều tình tiết phức tạp khó đánh giá, không thống nhất được quan điểm được Tòa án cấp tỉnh rút lên để giải quyết là chưa hợp lý, có thể dẫn đến khả năng Tòa án cấp tỉnh tùy tiện khi rút vụ án lên để giải quyết. Với án khó và phức tạp, việc không thống nhất quan điểm trong đánh giá chứng cứ là rất bình thường. Không lẽ cứ vụ án nào khó, phức tạp là cấp trên rút lên để giải quyết, trong khi đó về mặt nghiệp vụ Tòa án cấp huyện có quyền thỉnh thị đến các Tòa án cấp trên bằng văn bản để được giải đáp, tham vấn về đường lối giải quyết vụ án. Các vụ án liên quan đến người phạm tội có chức vụ, quyền hạn, có chức sắc tôn giáo ở địa phương thì Tòa án cấp trên giải quyết để bảo đảm tính khách quan một cách cần thiết.
Ngoài ra, Tòa án cấp tỉnh còn có thẩm quyền phúc thẩm các vụ việc mà bản án, quyết định của Tòa án cấp huyện chưa có hiệu lực pháp luật bị kháng cáo, kháng nghị theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 và tại Điều 37 Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014.
Trường hợp bị cáo phạm nhiều tội, trong đó có tội phạm thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án cấp trên, thì Tòa án cấp trên xét xử toàn bộ vụ án. Như vậy, một bị cáo phạm hai tội trở lên, trong đó có một tội thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án cấp trên, thì Tòa án cấp trên có quyền xét xử toàn bộ vụ án.
3. Thẩm quyền xét xử sơ thẩm vụ án hình sự theo lãnh thổ
Thẩm quyên xét xử sơ thẩm vụ án hình sự theo lãnh thổ là sự phân chia thẩm quyền xét xử giữa các Tòa án dựa vào địa giới hành chính lãnh thổ để xác định nơi tội phạm đã thực hiện hoặc nơi kết thúc điều tra.
Việc phân chia thẩm quyền xét xử giữa các Tòa án phải dựa vào nhiều yếu tố nhằm bảo đảm tính toàn diện và phù hợp với thực tế khách quan, không chỉ dựa vào tính chất tội phạm, sự phân cấp trong tổ chức bộ máy, nguồn lực xét xử vì điều đó là chưa đầy đủ, vẫn xảy ra tranh chấp trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của các Tòa án. Do đó, nhà làm luật đã phân chia thẩm quyền xét xử dựa trên giới hạn của địa giới hành chính, theo đó:
– Tòa án có thẩm quyền xét xử vụ án hình sự là Tòa án nơi tội phạm được thực hiện. Tội phạm được thực hiện ở nhiều nơi khác nhau hoặc không xác định được nơi thực hiện tội phạm thì nơi nào kết thúc việc điều tra thì Tòa án ở đó có thẩm quyển xét xử. “Nơi tội phạm” ở đây được hiểu là ở địa bàn cấp huyện, căn cứ vào địa giới hành chính. Nghĩa là tội phạm xảy ra ở địa giới huyện nào thì Tòa án ở huyện đó có quyền xét xử. Trên thực tế xảy ra không ít trường hợp, tội phạm đã xảy ra nhưng không thể xác định ở địa điểm nào, thuộc địa giới hành chính nào, do người phạm tội không nhớ, do thay đổi tên gọi vùng miền, chia tách lãnh thổ, hoặc có những loại tội phạm như buôn bán người, buôn bán ma túy, cướp tài sản, buôn lậu…, tội phạm được thực hiện tại nhiều địa điểm khác nhau, vào ban đêm, nơi hoang vắng, rừng núi, tội phạm xảy ra đã lâu khó xác định… Trường hợp này luật xác định nơi nào kết thúc điều tra thì Tòa án ở đó được xét xử. Nơi kết thúc điều tra thông thường được xác định là nơi Cơ quan điều tra ở đó bắt được người phạm tội hoặc xác minh được tội phạm bắt nguồn từ việc thụ lý tin báo, tố giác tội phạm.
– Tội phạm không chỉ được thực hiện trên đất liền, mà còn ở trên không và trên biển. Tội phạm xảy ra ở trên tàu bay, tàu biển, khi các phương tiện này đang hoạt động ở ngoài không phận hoặc ngoài lãnh hải Việt Nam, thì thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án Việt Nam nơi có sân bay hoặc bến cảng trở về đầu tiên hoặc nơi tàu bay, tàu biển đó được đăng ký. Xét đến cùng thì nơi trỏ về hoặc nơi đăng ký của tàu bay, tàu biển cũng đã phân chia lãnh thổ trên đất liền. Như vậy việc xem xét không gian tội phạm đã thực hiện là rất quan trọng, còn phải dựa vào pháp luật về biển đảo ở Việt Nam và Công ước quốc tế liên quan đến biển và không phận.
4. Thẩm quyền xét xử sơ thẩm vụ án hình sự theo đối tượng
Thẩm quyền xét xử vụ án hình sự theo đối tượng là việc phân chia thẩm quyền xét xử cho các Tòa án dựa trên đối tượng phạm tội có tính chất đặc biệt, để phân biệt rõ và xử lý phù hợp với tính chất khách quan, hiệu quả trong việc xét xử và tuyên án.
– Mục đích phân chia thẩm quyền xét xử của Tòa án là để phân biệt đối tượng phạm tội do Tòa án quân sự hay Tòa án nhân dân xét xử. Tòa án quân sự xét xử những vụ án hình sự mà bị cáo là:
+ Quân nhân tại ngũ.
+ Công chức, công nhân, viên chức quốc phòng, quân nhân dự bị trong thời gian tập trung huấn luyện hoặc kiểm tra tình trạng sẵn sàng chiến đấu.
+ Dân quân, tự vệ trong thời gian tập trung huấn luyện hoặc phối thuộc với Quân đội nhân dân trong chiến đấu, phục vụ chiến đấu.
+ Công dân được điều động, trưng tập hoặc hợp đồng vào phục vụ trong Quân đội nhân dân.
– Bị cáo không thuộc các đối tượng nêu trên, nhưng hành vi phạm tội của họ liên quan đến bí mật quân sự hoặc gây thiệt hại cho quân đội, hoặc phạm tội trong doanh trại quân đội, khu vực quân sự do Quân đội nhân dân quản lý, bảo vệ, thì thẩm quyền xét xử thuộc về Tòa án quân sự. Thiệt hại cho Quân đội ở đây là thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của quân nhân tại ngũ, công chức, viên chức quốc phòng…; uy tín, tài sản, danh dự của Quân đội nhân dân.
– Tòa án quân sự có thẩm quyền xét xử tất cả các tội phạm xảy ra trong địa bàn thiết quân luật.
Lưu ý: khi vụ án vừa có bị cáo hoặc tội phạm thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án quân sự, vừa có bị cáo hoặc tội phạm thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án nhân dân, thì có thể tách vụ án để xét xử (ở đây còn được hiểu là bị cáo phạm nhiều tội, nghĩa là một bị cáo vừa phạm một tội thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án nhân dân, một tội phạm thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án quân sự). Nếu không thể tách vụ án thì Tòa án quân sự xét xử toàn bộ vụ án. Điều 273 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 trao quyền xét xử có tính chủ động cho Tòa án quân sự là nhằm tạo thuận lợi cho Cơ quan điều tra và Tòa án quân sự thực hiện việc chứng minh, xét xử và thi hành án người phạm tội; bảo vệ bí mật quân sự và lợi ích của quân đội.
Quá trình cải cách tư pháp ở nước ta đã tăng thẩm quyền xét xử cho Tòa án cấp huyện; ngày càng phân định cụ thể, rõ ràng hơn thẩm quyền xét xử của Tòa án các cấp. Tòa án cấp trên chủ yếu xét xử sơ thẩm đối với những vụ án rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng mà hành vi phạm tội gây nguy hại đặc biệt cho xã hội, đó là những vụ án khó và phức tạp. Ngoài ra, sự khác nhau về nhiệm vụ, liên quan đến thẩm quyền xét xử, đó là Tòa án cấp trên tập trung giải quyết vụ án phúc thẩm, kiểm tra bản án đã có hiệu lực pháp luật và hướng dẫn nghiệp vụ cho Tòa án cấp dưới. Vì sao Tòa án cấp huyện không được xét xử các vụ án hình sự xâm phạm an ninh quốc gia? Cho dù các vụ án hình sự xâm phạm an ninh quốc gia có khung hình phạt dưới 15 năm tù giam, nhưng vẫn không thuộc thẩm quyền của Tòa án cấp huyện, là bởi vì: Một là, Tòa án cấp huyện không đủ nguồn lực để điều tra loại tội phạm phức tạp này, mà thông thường đối tượng phạm tội có yếu tố nước ngoài. Nguồn lực ở đây bao gồm con người, phương tiện, công nghệ, cơ sở vật chất, kể cả chuyên môn, nghiệp vụ; hai là, về mặt tổ chức bộ máy Cơ quan điều tra, thì cơ quan an ninh điều tra trong lực lượng công an, cũng như quân đội được tổ chức từ cấp tỉnh trở lên mà thôi.