Cơ quan điều tra là cơ quan nhà nước có thẩm quyền, được tổ chức và hoạt động theo nguyên tắc nhất định, được phép tiến hành các hoạt động điều tra nhằm thu thập chứng cứ chứng minh tội phạm, người phạm tội và các vấn đề khác có liên quan trong vụ án hình sự.
Cơ quan điều tra trong tố tụng hình sự được tổ chức theo hệ thống tạo nên hệ thống Cơ quan điều tra với nguyên tắc tổ chức và hoạt động bao trùm là thống nhất lãnh đạo trong ngành. Cơ quan điều tra cấp dưới phải phục tùng Cơ quan điều tra cấp trên. Các Cơ quan điều tra phân định bởi thẩm quyền điều tra. Thẩm quyền của một cơ quan nhà nước nói chung là phạm vi quyền lực mà cơ quan đó được phép thực hiện. Thẩm quyền được hiểu là tổng hợp các quyền và nghĩa vụ hành động, quyết định của các cơ quan, tổ chức thuộc hệ thống bộ máy nhà nước do pháp luật quy định. Trên cơ sở đó, thẩm quyền điều tra là phạm vi quyền và nghĩa vụ mà Cơ quan điều tra thực hiện các hoạt động điều tra và ra quyết định về vụ việc đó. Thẩm quyền của Cơ quan điều tra được xác định theo: đối tượng, tính chất của vụ việc và phạm vi lãnh thổ. Thẩm quyền điều tra được quy định trong Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 và Luật Tổ chức Cơ quan điều tra hình sự năm 2015.
1. Thẩm quyền điều tra theo vụ việc
1.1. Thẩm quyền điều tra của Cơ quan điều tra của Công an nhân dân
Thẩm quyền điều tra của Cơ quan điều tra của Công an nhân dân rất rộng, các cơ quan này được quyền điều tra tất cả các tội phạm, trừ những tội thuộc thẩm quyền điều tra của Cơ quan điều tra trong Quân đội nhân dân và Cơ quan điều tra của Viện kiểm sát nhân dân tối cao. Cơ quan điều tra của Công an nhân dân được chia thành Cơ quan An ninh điều tra và Cơ quan Cảnh sát điều tra. Thẩm quyền cụ thể được quy định trong Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 và Luật Tổ chức Cơ quan điều tra hình sự năm 2015 như sau:
– Cơ quan An ninh điều tra: điều tra vụ án hình sự về các tội phạm quy định tại Chương XIII, Chương XXVI và các tội phạm quy định tại các điều 207, 208, 282, 283, 284, 299, 300, 303, 304, 305, 309, 337, 338, 347, 348, 349 và 350 của Bộ luật Hình sự năm 2015.
– Cơ quan Cảnh sát điều tra: điều tra vụ án hình sự về các tội phạm quy định tại các chương từ Chương XIV đến Chương XXIV của Bộ luật Hình sự năm 2015, trừ các tội phạm thuộc thẩm quyền điều tra của Cơ quan điều tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Cơ quan An ninh Điều tra của Công an nhân dân.
– Cơ quan điều tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Cơ quan điều tra Viện kiểm sát quân sự Trung ương có thẩm quyền đỉêu tra đối với hai nhóm tội: tội phạm về chức vụ quy định tại Chương XXIII và tội xâm phạm hoạt động tư pháp quy định tại Chương XXIV Bộ luật Hình sự năm 2015. Các tội phạm này phải xảy ra trong hoạt động tư pháp mà người phạm tội là cán bộ, công chức thuộc Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân, cơ quan thi hành án, người có thẩm quyền tiến hành hoạt động tư pháp.
– Thẩm quyền điều tra của Cơ quan điều tra trong Quân đội nhân dân: Cơ quan điều tra trong Quân đội nhân dân điều tra các tội phạm thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án quân sự.
1.2. Thẩm quyền điều tra của các cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra
Các cơ quan này chỉ được tiến hành các hoạt động điều tra đối với một số tội phạm xảy ra trong quá trình thực hiện nhiệm vụ của mình mà phát hiện ra tội phạm thì tùy từng trường hợp các cơ quan này tiến hành các hoạt động điều tra toàn bộ vụ án hoặc điều tra ban đẩu rồi chuyển cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền trong thời hạn luật định. Đối với tội phạm ít nghiêm trọng trong trường hợp phạm tội quả tang, chứng cứ và lai lịch người phạm tội rõ ràng thì quyết định khởi tố vụ án hình sự, khám nghiệm hiện trường, khám xét, lấy lời khai, thu giữ, tạm giữ và bảo quản vật chứng, tài liệu liên quan trực tiếp đến vụ án, trưng cầu giám định khi cần thiết, khởi tố bị can, tiến hành các biện pháp điều tra khác theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự, kết thúc điều tra và chuyển hồ sơ vụ án cho Viện kiểm sát có thẩm quyền trong thời hạn 01 tháng, kể từ ngày ra quyết định khởi tố vụ án.
Đối với tội phạm nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng hoặc tội phạm ít nghiêm trọng nhưng phức tạp thì quyết định khởi tố vụ án hình sự, khám nghiệm hiện trường, khám xét, thu giữ, tạm giữ và bảo quản vật chứng, tài liệu liên quan trực tiếp đến việc giải quyết, lấy lời khai, trưng cầu giám định khi cần thiết và chuyển hồ sơ vụ án cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền trong thời hạn 07 ngày, kể từ ngày ra quyết định khởi tố vụ án.
1.2.1. Thẩm quyền điều tra của Bộ đội biên phòng
Bộ đội biên phòng khi thực hiện nhiệm vụ trong lĩnh vực quản lý của mình mà phát hiện tội phạm quy định tại Chương XIII và các điều 150, 151, 152, 153, 188, 189, 192, 193, 195, 207, 227, 235, 236, 242, 247, 248, 249, 250, 251, 252, 253, 254, 255, 256, 303, 304, 305, 306, 309, 330, 337, 338, 346, 347, 348, 349 và 350 của Bộ luật Hình sự năm 2015 xảy ra trong khu vực biên giới trên đất liền, bờ biển, hải đảo và các vùng biển do Bộ đội biên phòng quản lý.
1.2.2. Thẩm quyền điều tra của Hải quan
Cơ quan Hải quan khi thực hiện nhiệm vụ trong lĩnh vực quản lý của mình mà phát hiện tội phạm quy định tại các Điều 188,189 và 190 của Bộ luật Hình sự năm 2015.
1.2.3. Thẩm quyền điều tra của Kiểm lâm
Cơ quan Kiểm lâm khi thực hiện nhiệm vụ trong lĩnh vực quản lý của mình mà phát hiện tội phạm quy định tại các điều 232, 243, 244, 245, 313 và 345 của Bộ luật Hình sự năm 2015.
1.2.4. Thẩm quyền điều tra của lực lượng Cảnh sát biển
Các đơn vị thuộc lực lượng Cảnh sát biển khi thực hiện nhiệm vụ trong lĩnh vực quản lý của mình mà phát hiện tội phạm quy định tại Chương XIII và các điều 188,189,227,235, 236,237,242, 249,250, 251,252,253, 254, 272, 273, 282, 284, 303, 304, 305, 309, 311, 346, 347 và 348 của Bộ luật Hình sự năm 2015 xảy ra trên các vùng biển và thềm lục địa của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam do lực lượng Cảnh sát biển quản lý.
1.2.5. Thẩm quyền điều tra của Kiểm ngư
Cơ quan Kiểm ngư khi thực hiện nhiệm vụ trong lĩnh vực quản lý của mình mà phát hiện tội phạm quy định tại các điểu 111, 242, 244,245,246, 305 và 311 của Bộ luật Hình sự năm 2015 xảy ra trên các vùng biển và thềm lục địa của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam do Kiểm ngư quản lý.
2. Thẩm quyền điều tra theo lãnh thổ
Cơ quan điều tra có thẩm quyền điều tra những vụ án hình sự mà tội phạm xảy ra trên địa phận của mình. Như vậy, về nguyên tắc, tội phạm xảy ra ở đâu thì Cơ quan điều tra nơi đó có thẩm quyền điều tra. Nơi tội phạm xảy ra có thể sẽ chứa nhiều dấu vết về tội phạm, thông tin về tội phạm và người phạm tội. Do vậy, quy định này tạo thuận lợi cho hoạt động điều tra, truy tố, xét xử đối với vụ án đó. Trường hợp tội phạm được thực hiện tại nhiều nơi khác nhau hoặc không xác định được địa điểm xảy ra tội phạm thì thẩm quyền điều tra sẽ theo thứ tự ưu tiên sau: nơi phát hiện tội phạm, nơi bị can cư trú hoặc bị bắt.
3. Thẩm quyển điều tra theo đối tượng
Đây là việc phân định thẩm quyền điều tra giữa Cơ quan điều tra cấp trên và Cơ quan điều tra cấp dưới. Hiện nay, hệ thống Cơ quan điều tra của Công an nhân dân được tổ chức từ trung ương đến địa phương, gồm: Cơ quan điều tra Bộ Công an, Cơ quan điều tra Công an cấp tỉnh và Cơ quan điều tra Công an cấp huyện. Hệ thống Cơ quan điều tra trong Quân đội nhân dân gồm: Cơ quan điều tra Bộ Quốc phòng, Cơ quan điều tra quân sự cấp quân khu và tương đương, Cơ quan điều tra quân sự khu vực.
– Cơ quan điều tra Công an cấp huyện, Cơ quan điều tra quân sự khu vực điều tra vụ án hình sự về những tội phạm thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án nhân dân cấp huyện, Tòa án quân sự khu vực. về cơ bản, đó là các tội phạm ít nghiêm trọng, tội phạm nghiêm trọng và tội phạm rất nghiêm trọng trừ một số tội phạm đặc biệt được liệt kê cụ thể tại Điều 268 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015.
– Tương tự như vậy, Cơ quan điều tra Công an cấp tỉnh có thẩm quyền điều tra các vụ án hình sự thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án nhân dân cấp tỉnh, những vụ án thuộc thẩm quyền điều tra của Cơ quan điều tra Công an cấp huyện xảy ra trên địa bàn nhiều huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hoặc có yếu tố nước ngoài xét thấy cần trực tiếp điều tra. Nếu xét thấy cần thiết, Cơ quan điều tra Công an cấp tỉnh có thể trực tiếp tiến hành điều tra các tội phạm này. Quy định này thu hẹp thẩm quyền về phạm vi các vụ án mà Cơ quan điều tra Công an cấp tỉnh xét thấy cần trực tiếp điều tra so với Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003.
Cơ quan điều tra cấp quân khu và tương đương điều tra vụ án hình sự về những tội phạm thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án quân sự cấp quân khu hoặc những vụ án thuộc thẩm quyền điều tra của Cơ quan điều tra cấp khu vực nếu xét thấy cần trực tiếp điều tra.
Thẩm quyền điều tra của Cơ quan điều tra Bộ Công an, Cơ quan điều tra Bộ Quốc phòng cũng được quy định cụ thể, chặt chẽ. Các cơ quan này chỉ có thẩm quyền điều tra vụ án hình sự trong các trường hợp sau: vụ án hình sự về tội phạm đặc biệt nghiêm trọng và các vụ án này phải do Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hủy để điều tra lại; vụ án hình sự về tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp liên quan đến nhiều tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; vụ án hình sự về tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp liên quan đến nhiều quốc gia nếu xét thấy cần trực tiếp điều tra.