Tác phẩm là gì? Các loại hình tác phẩm được bảo hộ

0

1. Tác phẩm là gì?

Công ước Berne không đưa ra định nghĩa thế nào là tác phẩm mà chỉ liệt kê các dạng tác phẩm được bảo hộ. Theo Công ước, các tác phẩm văn học nghệ thuật bao gồm các sản phẩm trong lĩnh vực văn học, khoa học và kỹ thuật, bất kỳ được hiểu theo phương thức hay dưới hình thức nào, như sách, tập in nhỏ và các bài viết khác, các bài giảng, bài phát biểu, bài thuyết giáo, các tác phẩm cùng loại; các tác phẩm kịch hay nhạc kịch, các tác phẩm hoạt cảnh và kịch câm, các bản nhạc có lời hay không lời, các tác phẩm điện ảnh và các tác phẩm được diễn tả bằng một kỹ thuật tương tự với điện ảnh, các tác phẩm đồ họa, hội họa, kiến trúc, điêu khắc, chạm trổ, in thạch bản; các tác phẩm nhiếp ảnh và các tác phẩm được dàn dựng bằng một kỹ thuật tương tự như nhiếp ảnh; các tác phẩm nghệ thuật ứng dụng, minh hoạ, địa đồ, đồ án, bản phác hoạ và các tác phẩm liên quan đến địa lý, địa hình, kiến trúc hay khoa học…

Tác phẩm khoa học là công trình bằng văn bản hoặc vật thể chứa đựng những thông tin khoa học, trình bày nội dung một cách có hệ thống về một hướng hay một vấn đề nghiên cứu nào đó, là phương tiện công bố kết quả nghiên cứu của tác giả như báo cáo khoa học, giáo trình…

Công ước Berne được ký vào năm 1886, qua sửa đổi nhiều lần (lần cuối vào năm 1971) nên chưa có quy định một số đối tượng bảo hộ mới như chương trình máy tính, sưu tập dữ liệu… Sự vi phạm và tranh chấp các tác phẩm trong lĩnh vực mới này này khá phổ biến nên Hiệp định TRIPS bổ sung các tác phẩm là chương trình máy tính, sưu tập dữ liệu.

Luật Sở hữu trí tuệ 2005, tại Khoản 7, Điều 4 định nghĩa tác phẩm như sau: Tác phẩm là sản phẩm sáng tạo trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật và khoa học thể hiện bằng bất kỳ phương tiện hay hình thức nào.

Khoản 3 Điều 14 bổ sung: Tác phẩm được bảo hộ theo quy định tại Khoản 1, Khoản 2 Điều này phải do tác giả trực tiếp sáng tạo bằng trí tuệ của mình mà không sao chép từ tác phẩm của người khác.

Từ định nghĩa theo quy định của pháp luật thì giữa tác phẩm và các ấn phẩm hoàn toàn khác nhau. Những bản sao được tồn tại dưới một hình thức nhất định đáp ứng nhu cầu xã hội (một cuốn tiểu thuyết, một tập thơ,…); những sản phẩm tinh thần tồn tại nhưng chỉ là sự sao chép toàn bộ, một phần tác phẩm của người khác đã được thể hiện ra bên ngoài mà bản thân không phải là tác phẩm. Do vậy, tác phẩm phải là những sáng tạo tinh thần của tác giả trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật và khoa học được thể hiện dưới một phương tiện hay hình thức nhất định. Các tác phẩm được bảo hộ quyền tác giả phải đảm bảo các yếu tố sau:

Một là, tác phẩm phải là thành quả của quá trình lao động trí tuệ mang tính chất sáng tạo.

Chủ thể của hoạt động sáng tạo là các tác giả (con người cụ thể) thông qua quá trình hoạt động của trí não, kinh nghiệm của bản thân và các yếu tố hỗ trợ khác tạo ra thành quả chính là tác phẩm. Sự lao động sáng tạo trong lĩnh vực khoa học có những khám phá mới về đời sống xã hội, khám phá về cuộc sống, con người, phát hiện những chủ đề mới, nhân vật mới hay vấn đề mới thể hiện tính sáng tạo, tính độc đáo trong quan niệm, phương thức biểu hiện tư tưởng hay tình cảm. Vì vậy, tác phẩm hết sức đa dạng và phong phú, chứa đựng những giá trị tinh thần. Thời gian sáng tạo ra tác phẩm có thể dài, ngắn, phụ thuộc vào những hoàn cảnh xã hội, hoàn cảnh của bản thân tác giả.

Tác phẩm làm cho công chúng tiếp nhận được những nội dung tư tưởng, tình cảm nhất định hay nói cách khác là thể hiện dấu ấn của cá nhân. Tuy nhiên, ngoài những giá trị tinh thần thì tác phẩm còn có khả năng mang lại những giá trị kinh tế – thương mại nên cần phải có sự bảo hộ đặc biệt.

Hai là, tác phẩm phải mang tính nguyên gốc.

Công ước Berne, Bộ luật Dân sự 2005 và Luật Sở hữu trí tuệ 2005 quy định tác phẩm bảo hộ phải mang tính nguyên gốc, có nghĩa là tác giả phải tự mình trực tiếp sáng tạo nên tác phẩm mà không sao chép từ tác phẩm/những tác phẩm khác. Cụm từ “trực tiếp sáng tạo” được hiểu là tác phẩm được hình thành trên cơ sở sáng tạo trí tuệ của tác giả. Bởi vậy, trong thực tế nhà văn khiếm thị có thể nhờ người khác tạo nên tác phẩm.

Trong thực tế có thể dẫn đến hai bản gốc của hai tác phẩm được sáng tạo độc lập lại có thể giống hệt nhau. Ví dụ: hai nhiếp ảnh gia, sử dụng hai máy ảnh khác nhau, đặt các tiêu chí về cự ly, tốc độ và ánh sáng giống nhau, có thể độc lập sáng tạo nên hai bức ảnh giống hệt nhau. Khi xảy ra tranh chấp quyền tác giả trong trường hợp này người ta không truy tìm bản gốc của tác phẩm theo nghĩa vật chất, bởi vì thực tế đã tồn tại hai bản gốc nên không thể chứng minh được bản này là bản sao của bản kia, mà phải chứng minh tính nguyên gốc của tác phẩm, khi người này không sao chép tác phẩm của người kia.

Tiêu chí để xác định một tác phẩm gốc dựa trên cơ sở: (1) Nếu tác phẩm chứa đựng sự sao chép từ một hoặc một số tác phẩm có trước mà dấu ấn cá nhân hoặc tính cách riêng của tác giả không còn thể hiện trong tác phẩm nữa thì tác phẩm không coi là tác phẩm gốc; (2) Nếu toàn bộ hoặc một phần quan trọng của một tác phẩm có trước và đang được bảo hộ bị chiếm đoạt để sử dụng trong một tác phẩm khác, tức là bị sao chép sang một tác phẩm khác thì trong trường hợp này có sự xâm phạm quyền tác giả đối với tác phẩm trước đó.

Do vậy, xem xét tính nguyên gốc để phân biệt với bản gốc của tác phẩm (bản thảo viết tay hoặc tranh) hoặc để phân biệt bản gốc với những tác phẩm phái sinh. Hiện nay, sự sao chép tác phẩm hết sức tinh vi nhằm mục đích lấy tên tuổi, để kinh doanh thu lợi nhuận diễn ra khá rầm rộ và công khai. Nhiều tạp chí, sách báo, tài liệu, sử dụng toàn văn các tác phẩm của người khác với mục đích kinh doanh mà không có trích dẫn nguồn, không xin phép và không trả nhuận bút. Việc xâm phạm quyền tác giả do tác phẩm bị sao chép đa dạng, phức tạp xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó một phần do các tác giả ít quan tâm đến việc đăng ký bảo hộ bản quyền nhất là các tác giả nổi tiếng, có nhiều tác phẩm có giá trị; mặt khác vì mục đích lợi nhuận các cá nhân, tổ chức cố tình xâm phạm dù biết rằng có bị kiện cũng không thể giải quyết và xử lý dứt điểm ngay mà qua nhiều cấp giải quyết.

Mặc dù đã có các tiêu chí xác định tác phẩm mang tính nguyên gốc nhưng khi có tranh chấp, tác giả phải chứng minh tác phẩm được sáng tạo độc lập hoặc nếu có sử dụng tác phẩm của người khác thì phải chỉ rõ phần sử dụng này để có thể xác định tính nguyên gốc tác phẩm của mình và đảm bảo quyền của tác giả khác.

Trong thực tế các nhà khoa học, các văn nghệ sỹ,… chỉ quan tâm đến thành quả lao động cuối cùng là tác phẩm khoa học, văn học, nghệ thuật mà ít quan tâm đến các căn cứ, chứng cứ chứng minh tính nguyên gốc trong quá trình sáng tạo tác phẩm (bản thảo, bản nháp, xác nhận, ghi nhận ý tưởng sáng tạo…) nên nhiều trường hợp khi bị sao chép hoặc bị đăng ký bảo hộ trước nhưng hoàn toàn không có các căn cứ chứng minh đó là tác phẩm gốc của mình.

Ba là, tác phẩm phải được định hình trong một “phương tiện thể hiện” cụ thể.

Phương tiện để thể hiện tác phẩm dưới dạng văn bản hay vật thể. Hình thức thể hiện bằng văn bản rất đa dạng tùy thuộc vào loại hình tác phẩm như tác phẩm văn học (tiểu thuyết, truyện ngắn, thơ…), tác phẩm nghệ thuật (tranh, ảnh, thư pháp…).

Điều 6 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 quy định quyền tác giả phát sinh kể từ khi tác phẩm được sáng tạo và được thể hiện dưới một hình thức vật chất nhất định, không phân biệt nội dung, chất lượng, hình thức phương tiện, ngôn ngữ, đã công bố hay chưa công bố, đã đăng ký hay chưa. Tác phẩm còn được thể hiện dưới dạng vật thể, nghĩa là dưới những hình khối nhất định, nhưng đa số các loại hình tác phẩm nêu trên đều được sử dụng trong hoạt động xuất bản. Tác giả của các tác phẩm đó được hưởng quyền tác giả theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, để đảm bảo an ninh và ổn định chính trị cũng như lợi ích chung của cộng đồng, nhà nước không bảo hộ những tác phẩm có nội dung sau: chống lại nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, phá hoại khối đoàn kết toàn dân; tuyên truyền bạo lực, chiến tranh xâm lược, gây hận thù giữa các dân tộc và nhân dân các nước; truyền bá tư tưởng văn hóa phản động, lối sống dâm ô đồi trụy, các hành vi tội ác, tệ nạn xã hội, mê tín dị đoan, phá hoại thuần phong mỹ tục; tiết lộ bí mật của Đảng, Nhà nước, bí mật quân sự, đời tư của công dân và bí mật khác do pháp luật quy định; xuyên tạc lịch sử, phủ nhận thành tựu cách mạng, xúc phạm vĩ nhân, anh hùng dân tộc, vu khống, xúc phạm uy tín, danh dự và nhân phẩm của công dân.

Những tác phẩm có nội dung nêu trên không được nhà nước bảo hộ, đồng thời cũng không được sử dụng để xuất bản dưới bất kỳ loại hình xuất bản phẩm nào.

Bốn là, tác phẩm là kết quả sáng tạo của tác giả.

Kết quả sáng tạo của tác giả dưới hình thức nhất định tạo nên sự phong phú, đa dạng của tác phẩm được bảo hộ. Việc sao chép dập khuôn theo một lối mòn không được bảo hộ. Các ấn phẩm như biểu mẫu in sẵn, sách hướng dẫn,… không có những yếu tố tối thiểu cần thiết của sự sáng tạo cá nhân.

Kết quả sáng tạo của tác phẩm trong từng lĩnh vực xác định dựa trên cơ sở đánh giá của các nhà chuyên môn gắn với “sự sáng tạo của tác giả”. Xác định tính “mới” tùy thuộc vào từng yêu cầu của tác phẩm hay lĩnh vực nhất định, có những trường hợp chỉ là sự sắp đặt, tuyển chọn lại những tác phẩm đang tồn tại và được bảo hộ (tuyển tập truyện ngắn, tuyển tập thơ, nghệ thuật sắp đặt…).

Hình minh họa. Tác phẩm là gì? Các loại hình tác phẩm được bảo hộ

2. Các loại hình tác phẩm được bảo hộ

Đối tượng được bảo hộ quyền tác giả là các tác phẩm được chia thành tác phẩm văn học, nghệ thuật và khoa học.

Các loại hình tác phẩm được bảo hộ quyền tác giả được quy định tại Khoản 1 Điều 14 của Luật Sở hữu trí tuệ 2005 (sửa đổi bởi Khoản 5 Điều 1 Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi 2009) bao gồm:

Tác phẩm văn học, khoa học, sách giáo khoa, giáo trình và các tác phẩm khác được thể hiện dưới dạng chữ viết hoặc ký tự khác (chữ nổi cho người khiếm thị, ký hiệu tốc ký và các ký hiệu tương tự khác mà các đối tượng tiếp cận có thể sao chép được bằng nhiều hình thức khác nhau).

Bài giảng, bài phát biểu và bài nói khác là loại hình tác phẩm thể hiện bằng ngôn ngữ nói và phải đuợc định hình dưới một hình thức vật chất nhất định. Chẳng hạn, Bài phát biểu trong lễ tuyên thệ nhậm chức của Tổng thống Mỹ thứ 44, Barack Obama…

Tác phẩm báo chí bao gồm các thể loại phóng sự, ghi nhanh, tường thuật, phỏng vấn, phản ánh, điều tra, bình luận, xã luận, chuyên luận, ký báo chí và các thể loại báo chí khác nhằm đăng, phát trên báo in, báo nói, báo hình, báo điện tử hoặc phương tiện khác.

Tác phẩm âm nhạc là tác phẩm được thể hiện dưới dạng nốt trong bản nhạc hoặc các ký tự âm nhạc khác có hoặc không có lời, phụ thuộc vào việc trình diễn hay không trình diễn.

– Tác phẩm sân khấu là tác phẩm thuộc các loại hình nghệ thuật biểu diễn bao gồm (kịch nói, ca kịch, kịch câm), xiếc, múa, múa rối và các loại hình tác phẩm sân khấu khác.

Tác phẩm điện ảnh là những tác phẩm được hợp thành bằng hàng loạt hình ảnh liên tiếp tạo nên hiệu ứng chuyển động kèm theo hoặc không kèm theo âm thanh, được thể hiện trên một chất liệu nhất định và có thể phân phối, truyền đạt tới công chúng bằng các thiết bị kỹ thuật, công nghệ bao gồm loại hình phim truyện, phim tài liệu, phim khoa học, phim hoạt hình và các loại hình tương tự khác.

Tác phẩm tạo hình, mỹ thuật ứng dụng là tác phẩm được thể hiện bởi đường nét, màu sắc, hình khối, bố cục như: hội họa, đồ họa, điêu khắc, nghệ thuật sắp đặt và các hình thức thể hiện tương tự, tồn tại dưới dạng độc bản. Riêng đối với loại hình đồ họa, có thể được thể hiện tới phiên bản thứ 50, được đánh số thứ tự có chữ ký của tác giả.

Tác phẩm nhiếp ảnh là tác phẩm thể hiện hình ảnh của thế giới khách quan trên chất liệu bắt sáng hoặc trên phương tiện mà hình ảnh được tạo ra hay có thể được tạo ra bằng bất cứ phương pháp kỹ thuật nào (hóa học, điện tử hoặc phương pháp khác).

Tác phẩm kiến trúc là các bản vẽ thiết kế dưới bất kỳ hình thức nào thể hiện ý tưởng sáng tạo về ngôi nhà, công trình xây dựng, quy hoạch không gian (quy hoạch xây dựng) đã hoặc chưa xây dựng. Tác phẩm kiến trúc bao gồm các bản vẽ thiết kế về mặt bằng, mặt đứng, mặt cắt, phối cảnh, thể hiện ý tưởng sáng tạo về ngôi nhà, công trình, tổ hợp công trình kiến trúc, tổ chức không gian, kiến trúc cảnh quan của một vùng, một đô thị, hệ thống đô thị, khu chức năng đô thị, khu dân cư nông thôn.

Đối với mô hình, sa bàn về ngôi nhà, công trình xây dựng hoặc quy hoạch không gian được coi là tác phẩm kiến trúc độc lập. Bản họa đồ, sơ đồ, bản vẽ bao gồm họa đồ, sơ đồ, bản đồ, bản vẽ liên quan đến địa hình, các loại công trình khoa học và kiến trúc. Tác phẩm văn học nghệ thuật dân gian là các sáng tạo tập thể trên nền tảng truyền thống của một nhóm hoặc các cá nhân nhằm phản ánh khát vọng của cộng đồng, thể hiện tương xứng đặc điểm văn hoá xã hội của họ, các tiêu chuẩn và giá trị được lưu truyền bằng cách mô phỏng hoặc bằng cách khác. Tác phẩm văn học, nghệ thuật dân gian bao gồm truyện, thơ, câu đối, điệu hát, làn điệu âm nhạc, điệu múa, vở diễn, nghi lễ và các trò chơi; sản phẩm nghệ thuật đồ họa, hội họa, điêu khắc, nhạc cụ, hình mẫu kiến trúc và các loại hình nghệ thuật khác được thể hiện dưới bất kỳ hình thức vật chất nào.

Tác phẩm văn học – nghệ thuật dân gian được hiểu là sự bao hàm các sản phẩm chứa đựng các yếu tố đặc thù của di sản nghệ thuật, được duy trì và phát triển bởi một cộng đồng trong nước, hoặc bởi các cá nhân phản ánh các tác phẩm văn học – nghệ thuật truyền thống của một cộng đồng. Có thể hình dung các đối tượng này ở bốn nhóm cơ bản hay nói theo cách khác là bốn hình thức của “hình thức” thể hiện văn học – nghệ thuật dân gian là:

+ Loại hình thức thể hiện bằng ngôn ngữ (lời nói) bao gồm truyện, thơ, câu đối dân gian;

+ Loại hình được thể hiện bằng âm nhạc (nhạc) gồm bài hát và nhạc cụ dân gian;

+ Loại hình được thể hiện bằng hành động (qua ngôn ngữ hình thể) bao gồm các điệu múa, vở kịch và nghi lễ nghệ thuật dân gian;

+ Loại biểu đạt lồng trong một vật thể, có thể nhận thấy qua xúc giác bởi lẽ nó tồn tại dưới dạng hữu hình, bao gồm các bức tranh vẽ, tượng, tác phẩm điêu khắc, đồ gốm, khảm; mộc, tác phẩm kim loại, đá quý, dệt, thảm, trang phục, nhạc cụ và các hình mẫu kiến trúc dân gian. Đối với loại hình này, tác phẩm vật thể nên nhất thiết phải được thể hiện bằng một chất liệu tồn tại hữu hình.

Đối với ba loại hình đầu nêu trên không nhất thiết đưa về dưới dạng vật chất, ngôn từ không cần phải viết ra, âm nhạc không cần phải tồn tại dưới dạng nốt nhạc, ký âm. Các hình thức thể hiện bằng hình thể (như múa) cũng không được mô tả bằng văn bản, viết ra dưới dạng ký tự múa.

Tổ chức, cá nhân khi sử dụng tác phẩm văn học nghệ thuật dân gian phải dẫn chiếu xuất xứ của loại hình tác phẩm đó và đảm bảo giữ gìn các giá trị đích thực của tác phẩm văn học, nghệ thuật dân gian. Việc sử dụng tác phẩm văn học nghệ thuật dân gian là việc nghiên cứu sưu tầm, giới thiệu giá trị đích thực của tác phẩm văn học, nghệ thuật dân gian. Tuy nhiên, người sử dụng phải dẫn chiếu xuất xứ của tác phẩm thông qua việc chỉ ra địa danh của cộng đồng dân cư nơi tác phẩm văn học nghệ thuật dân gian được hình thành. Đây là một việc khá khó khăn vì nhiều tác phẩm văn học dân gian được định hình từ nhiều địa phương, vùng, miền khác nhau. Chẳng hạn, Dân ca quan họ Bắc Ninh hoặc Bài chòi ở miền Trung,… đặc biệt là tác phẩm văn học nghệ thuật dân gian thường có các dị bản có ở các địa phương khác nhau. “Dị bản của cùng một tác phẩm văn học dân gian là những ví dụ sưu tầm được từ trong đời sống giống nhau về chủ đề và các nội dung chính: (1) Cô kia cắt cỏ bên sông/Có muốn ăn nhãn thì lồng sang đây/Sang đây anh nắm cổ tay/Anh hỏi câu này: lấy anh không?”, (2) Cô kia cắt cỏ bên sông/Muốn ăn sung chín thì lồng sang đây/Sang đây anh bấm cổ tay/Anh hỏi câu này: lấy anh không?.

Pháp luật cũng quy định người sử dụng tác phẩm văn học nghệ thuật dân gian phải thỏa thuận trả thù lao cho người lưu giữ tác phẩm văn học nghệ thuật dân gian và được hưởng quyền tác giả đối với phần nghiên cứu, sưu tầm, giới thiệu của mình. Người giữ tác phẩm là người giữ bản gốc chứ không phải bản “sao chép”, bức tranh Đông Hồ “Thầy Đồ cóc” được sao chép rất nhiều nhưng bản gốc do ông Nguyễn Hữu Hiệp (Hội Văn học nghệ thuật tỉnh An Giang) giữ. Sự phân biệt bản gốc và bản sao chép đòi hỏi phải có kiến thức chuyên môn, đồng thời sự thỏa thuận thù lao dựa trên cơ sở giá trị của của tác phẩm văn học nghệ thuật dân gian và mục đích sử dụng của người sưu tầm giới thiệu. Trong trường hợp sưu tầm để kinh doanh, xuất bản vì mục đích kinh doanh hoặc theo các đề tài nghiên cứu thì người nghiên cứu, sưu tập có kinh phí trả thù lao theo quy định, có những trường hợp việc sưu tầm nghiên cứu chỉ mang tính chất học thuật rất khó khăn để thực hiện quy định này. Ví dụ, trường hợp sinh viên và giáo viên khoa Ngữ văn của một trường đại học, cao đẳng sư phạm đi thực tập sưu tầm, giới thiệu các tác phẩm văn học nghệ thuật dân gian phục vụ cho việc học tập nghiên cứu trong nhà trường. Vì vậy, trong những trường hợp để phục vụ cho hoạt động giáo dục, minh hoạ trong các công trình nghiên cứu,… người cung cấp không được hưởng thù lao nhưng người sưu tầm, nghiên cứu không được cắt xén làm biến đổi tác phẩm văn học dân gian.

Chương trình máy tính là tập hợp các chỉ dẫn được thể hiện dưới dạng các lệnh, các mã lược đồ hoặc bất kỳ dạng nào khác, khi gắn vào một phương tiện nào mà máy tính đọc được, có khả năng làm cho máy tính thực hiện được một công việc hoặc đạt được một kết quả cụ thể. Chương trình máy tính được bảo hộ như tác phẩm văn học dù được thể hiện dưới dạng mã nguồn hay mã máy. Mã nguồn (từ tiếng Anh: Source code; tiếng Đức: Quellcode) được hiểu trong tin học là một dãy các câu lệnh được viết bằng một ngôn ngữ lập trình. Mã nguồn thường được lưu trong một hoặc một vài tệp văn bản hoặc có thể được in trong sách. Thuật ngữ này thường được dùng trong ngữ cảnh của một phần mềm máy tính. Mã nguồn của một chương trình máy tính là một tập các tệp có thể chuyển đổi được từ dạng con người có thể đọc được sang dạng máy có thể thực hiện. Mã nguồn được dịch sang dạng tệp mã máy tương ứng với một kiến trúc máy tính cụ thể bởi một trình biên dịch, hoặc được thực hiện trực tiếp với sự trợ giúp của một trình thông dịch.

Những nội dung này tương tự với những quy định tại Điều 4 Chương II Quyền SHTT của Hiệp định thương mại Việt Nam – Hoa Kỳ và Khoản 1 Điều 10 của Hiệp định TRIPS: “chương trình máy tính và cơ sở dữ liệu cũng được bảo hộ như tác phẩm văn học”.

Sưu tập dữ liệu là tập hợp có tính sáng tạo thể hiện ở sự tuyển chọn, sắp xếp các tư liệu dưới dạng điện tử hoặc dạng khác, ví dụ Cơ sở dữ liệu Luật Việt Nam… Việc bảo hộ quyền tác giả đối với sưu tập dữ liệu không bao hàm chính các tư liệu đó, không gây phương hại đến quyền tác giả của chính tư liệu đó. Phù hợp với Khoản 2 Điều 10 của Hiệp định TRIPS, các sưu tập dữ liệu được bảo hộ về hình thức thể hiện, không bảo hộ về bản thân các dữ liệu. Trong trường hợp các dữ liệu được bảo hộ quyền tác giả thì người làm sưu tập dữ liệu phải có nghĩa vụ đối với tác giả tác phẩm gốc trước khi thực hiện các sưu tập.


3. Các đối tượng không được bảo hộ quyền tác giả

Đối tượng không được bảo hộ quyền tác giả là tin tức thời sự thuần tuý đưa tin, văn bản quy phạm pháp luật, văn bản hành chính, văn bản khác thuộc lĩnh vực tư pháp và bản dịch chính thức các văn bản đó; quy trình, hệ thống phương pháp hoạt động, khái niệm, nguyên lý, số liệu. Đây là các đối tượng không thuộc phạm vi bảo hộ quyền tác giả theo quy định của Điều 15 của Luật Sở hữu trí tuệ 2005.

Đối với các tin tức thời sự theo Công ước Berne chỉ thuần tuý việc đưa tin không được bảo hộ dưới dạng quyền tác giả. Những tin tức thời sự cần được tuyên truyền đến công chúng nhanh nhất như các tin về dịch bệnh, bão, thảm hoạ, tai nạn giao thông nghiêm trọng… Nếu những tin tức thời sự mà được bảo hộ dưới dạng quyền tác giả thì phẩi thông qua những thủ tục nhất định nên khó khăn cho việc tiếp cận và mất đi tính thời sự. Tuy nhiên, nếu việc đưa tin thời sự có kèm theo những nhận định, bình luận của tác giả như phóng sự, sự kiện và bình luận,… đã thể hiện sự sáng tạo của tác giả thì được bảo hộ theo quy định của pháp luật.

Ví dụ:

– Tin lâm tặc đánh cán bộ kiểm lâm ở huyện A (tin tức thời sự thuần tuý).

– Tin lâm tặc đánh cán bộ kiểm lâm ở huyện A, trong đó kèm theo bình luận về nguyên nhân của tình trạng phá rừng, sự buông lỏng quản lý của chính quyền địa phương và những kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền đã thể hiện ý kiến, quan điểm của tác giả được bảo hộ quyền tác giả.

Các văn bản pháp luật do cơ quan có thẩm quyền ban hành theo trình tự, thủ tục pháp luật quy định. Bất cứ nhà nước nào cũng ban hành pháp luật để điều chỉnh các quan hệ xã hội. Các văn bản pháp luật và những bản dịch của văn bản đó được phổ biến rộng rãi, tuyên truyền đến mọi chủ thể qua nhiều kênh thông tin khác nhau nên không bảo hộ quyền tác giả. Thực tế, có nhiều tài liệu dưới dạng “Tìm hiểu” một văn bản pháp luật như Tìm hiểu Bộ luật Hình sự, Tìm hiểu Bộ luật Dân sự,… nhưng đăng toàn văn của văn bản đó thì thực chất cũng chỉ là những văn bản pháp luật. Trường hợp các văn bản pháp luật được tác giả sắp xếp, hệ thống (theo lĩnh vực, theo năm ban hành, theo hiệu lực của văn bản) một cách khoa học để thuận tiện cho người sử dụng, nghĩa là đã có sự sáng tạo của tác giả nên được bảo hộ hình thức thể hiện. Trong một tài liệu giảng dạy đã có nhận định “chúng ta thấy rằng bản thân văn bản thì không được bảo hộ nhưng toàn bộ tuyển tập, cách sắp xếp của chúng dưới dạng một tổng thể cũng là thành quả của sức lao động và óc suy xét vì thế cũng được bảo hộ quyền tác giả”.

4.8/5 - (100 bình chọn)

 
® 2024 LawFirm.Vn - Thông tin do LawFirm.Vn cung cấp không thay thế cho tư vấn pháp lý. Nếu bạn yêu cầu bất kỳ thông tin nào, bạn có thể nhận được cuộc gọi điện thoại hoặc email từ một trong những Quản lý của chúng tôi. Để biết thêm thông tin, vui lòng xem chính sách bảo mật, điều khoản sử dụng, chính sách cookie và tuyên bố miễn trừ trách nhiệm của chúng tôi.
Có thể bạn quan tâm
Để lại câu trả lời

Trường "Địa chỉ email" của bạn sẽ không được công khai.