Trong nền kinh tế thị trường các doanh nghiệp có sức mạnh thị trường có thể hạn chế sản lượng, tăng giá bán trên mức cạnh tranh và kiếm lợi nhuận độc quyền. Việc này tất yếu sẽ dẫn đến những hậu quả không mong muốn cho xã hội nói chung.
1. Sức mạnh thị trường là gì?
Khi có sức mạnh thị trường, doanh nghiệp có thể tăng giá bán sản phẩm mà không hề bị giảm doanh thu. Tuy nhiên, việc tăng giá bán hàng hóa sẽ còn phụ thuộc vào nhiều nhân tố sau đây:
– Sự sẵn có của sản phẩm thay thế từ các nhà sản xuất khác;
– Sự tồn tại của rào cản và khả năng gia nhập thị trường của các đối thủ cạnh tranh tiềm năng.
Do đó, điều quan trọng là sức mạnh thị trường chỉ phát sinh khi đặt trong mối quan hệ với thị trường. Sức mạnh thị trường có nghĩa rằng một doanh nghiệp có sức mạnh thị trường sẽ được bảo vệ trước những đối thủ cạnh tranh tiềm năng, những đối thủ bị ngăn cản không thể tham gia thị trường được. Những rào cản tham gia thị trường một mặt cho phép một doanh nghiệp thu lợi nhuận độc quyền mặt khác cản trở các doanh nghiệp khác tham gia thị trường đó, sẽ là yếu tố quan trọng trong việc xác định sức mạnh thị trường. Định nghĩa, nhận dạng và tầm quan trọng của rào cản tham gia thị trường là những vấn đề gây tranh cãi nhất trong kinh tế học chống độc quyền.
Quy mô thị phần của một doanh nghiệp, theo Ủy ban châu Âu, là “một chỉ số quan trọng cho sự tồn tại của sức mạnh thị trường”. Thị phần đo “quy mô tương đối của một doanh nghiệp trong một ngành hoặc một thị trường về mặt tỷ lệ của tổng sản lượng và doanh thu hoặc khả năng chiếm thị phần sở hữu” là điểm bắt đầu để đánh giá sức mạnh thị trường. Tuy nhiên, theo cách tiếp cận của Ủy ban châu Âu thì việc xác định sức mạnh thị trường chỉ dựa vào thị phần là không đủ mà còn cần phân tích chi tiết các đặc điểm kinh tế của thị trường. Ví dụ như việc cần xác định rào cản gia nhập thị trường là để làm rõ sức ép cạnh tranh lên doanh nghiệp. Trên thực tế, trong quá trình điều tra một số vụ việc cạnh tranh, doanh nghiệp có thị phần lớn đồng nghĩa với doanh nghiệp đó có sức mạnh thị trường. Theo quan điểm chính thức của Ủy ban châu Âu, nhiều thỏa thuận giữa các doanh nghiệp mang tính phản cạnh tranh nhưng vì thiếu sức mạnh thị trường nên cũng sẽ không bị coi là vi phạm Luật Cạnh tranh. Quan điểm này cũng tương tự cách tiếp cận của Luật Cạnh tranh Việt Nam. Trong đa số trường hợp, điều kiện cần để xác định hành vi vi phạm Luật Cạnh tranh là doanh nghiệp hay nhóm doanh nghiệp thực hiện hành vi đó có sức mạnh thị trường hay không. Việc xác định sức mạnh thị trường chủ yếu thông qua thị phần là cách tiếp cận vừa đơn giản vừa hiệu quả.
2. Xác định sức mạnh thị trường đáng kể
Theo quy định tại Điều 26 Luật Cạnh tranh 2018 và Điều 12 Nghị định 35/2020/NĐ-CP, sức mạnh thị trường đáng kể của doanh nghiệp, nhóm doanh nghiệp được xác định căn cứ vào một số yếu tố sau đây:
– Tương quan thị phần giữa các doanh nghiệp trên thị trường liên quan: được đánh giá trên cơ sở so sánh thị phần giữa các doanh nghiệp, nhóm doanh nghiệp trên thị trường liên quan
– Sức mạnh tài chính, quy mô của doanh nghiệp, nhóm doanh nghiệp: được cánh giá căn cứ vào năng lực tài chính, khả năng tiếp cận nguồn vốn, tín dụng và các nguồn tài chính khác, tổng nguồn vốn, tổng tài sản, số lao động, quy mô sản xuất, mạng lưới phân phối, tiêu thụ hàng hóa, dịch vụ của doanh nghiệp, nhóm doanh nghiệp đó trong tương quan với các doanh nghiệp khác là đối thủ cạnh tranh;
– Rào cản gia nhập, mở rộng thị trường đối với doanh nghiệp khác: được đánh giá dựa trên những yếu tố ảnh hưởng đến việc quyết định của doanh nghiệp khi gia nhập, mở rộng thị trường quy định tại Điều 8 Nghị định 35/2020/NĐ-CP;
– Khả năng nắm giữ, tiếp cận, kiểm soát thị trường phân phối, tiêu thụ hàng hóa, dịch vụ hoặc nguồn cung hàng hóa, dịch vụ: được đánh giá căn cứ vào ưu thế của doanh nghiệp, nhóm doanh nghiệp so với đối thủ cạnh tranh nhờ việc nắm giữ, kiểm soát mạng lưới phân phối, tiêu thụ hàng hóa, dịch vụ hoặc nguồn cung hàng hóa, dịch vụ trên thị trường
– Lợi thế về công nghệ, hạ tầng kỹ thuật của doanh nghiệp, nhóm doanh nghiệp: được đánh giá căn cứ vào ưu thế về công nghệ, hạ tầng kỹ thuật của doanh nghiệp, nhóm doanh nghiệp đang sở hữu hoặc sử dụng cho sản xuất, kinh doanh so với đối thủ cạnh tranh;
– Quyền sở hữu, nắm giữ, tiếp cận cơ sở hạ tầng: được đánh giá để xác định ưu thế của doanh nghiệp, nhóm doanh nghiệp so với đối thủ cạnh tranh căn cứ vào mức độ thiết yếu, khả năng tiếp cận cơ sở hạ tầng cho sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ;
– Quyền sở hữu, quyền sử dụng đối tượng quyền sở hữu trí tuệ: được đánh giá để xác định ưu thế của doanh nghiệp, nhóm doanh nghiệp so với đối thủ cạnh tranh căn cứ vào mức độ thiết yếu, khả năng tiếp cận đối tượng quyền sở hữu trí tuệ của doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ;
– Khả năng chuyển sang nguồn cung hoặc cầu đối với các hàng hóa, dịch vụ liên quan khác: được xác định dựa trên chi phí và thời gian cần thiết để khách hàng, doanh nghiệp chuyển sang mua, bán hàng hóa, dịch vụ của doanh nghiệp khác trên cùng thị trường liên quan;
– Các yếu tố đặc thù trong ngành, lĩnh vực mà doanh nghiệp đang hoạt động kinh doanh: được đánh giá để xác định ưu thế của doanh nghiệp, nhóm doanh nghiệp so với đối thủ cạnh tranh trong điều kiện cụ thể của ngành, lĩnh vực đó.