1. Khái quát sự ra đời và phát triển của Hiến pháp xã hội chủ nghĩa
Có thể chia lịch sử lập hiến xã hội chủ nghĩa thành 3 giai đoạn phát triển:
1.1. Giai đoạn thứ nhất được đánh dấu bằng thắng lợi của cách mạng tháng Mười Nga cho đến kết thúc chiến tranh thế giới lần thứ hai là giai đoạn Hiến pháp xã hội chủ nghĩa tồn tại trong khuôn khổ biên giới một quốc gia
Giai đoạn này có 3 bản Hiến pháp, đó là:
Hiến pháp năm 1918 của Cộng hòa xã hội chủ nghĩa liên bang Nga đánh dấu một bước ngoặt trong sự phát triển Hiến pháp nói chung. Đây là bản Hiến pháp đầu tiên tuyên bố chính quyền Nhà nước thuộc về nhân dân lao động, hủy bỏ quyền của bọn bóc lột, những kẻ chống đối xây dựng một cuộc sống mới. Hiến pháp năm 1918 của Cộng hòa xã hội chủ nghĩa liên bang Nga ghi nhận những biện pháp đầu tiên nhằm xây dựng nền kinh tế xã hội chủ nghĩa trong tương lai, quy định các quyền dân chủ và các nghĩa vụ cơ bản của công dân, quy định hình thức liên bang của Cộng hòa liên bang xã hội chủ nghĩa Nga và hệ thống các cơ quan nhà nước Xô Viết.
Hiến pháp năm 1924 của Liên bang Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô viết (Liên Xô) ghi nhận việc hợp nhất trên cơ sở tự nguyện của các nước cộng hòa Xô viết thành một Nhà nước liên bang; phân định các quyền của Liên bang và của các nước cộng hòa; hệ thống cơ quan nhà nước tối cao liên bang và của các nước cộng hòa. Hiến pháp năm 1924 của Liên bang Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô viết (Liên Xô) phản ánh con đường giải quyết vấn đề dân tộc trong một quốc gia nhiều dân tộc trên cơ sở nguyên tắc quốc tế và trong tình hữu nghị, bình đẳng giữa các dân tộc.
Hiến pháp năm 1936 của Liên bang Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô viết (Liên Xô) ghi nhận thành công của công cuộc xây dựng các cơ sở chủ nghĩa xã hội; các giai cấp bốc lột bị thủ tiêu về mặt giai cấp; ghi nhận quyền lực thuộc về nhân dân lao động thông qua các Xô viết đại biểu 35
nhân dân lao động. Hiến pháp năm 1936 của Liên bang Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô viết (Liên Xô) trở thành mẫu mực in dấu ấn rất sâu lên các bản Hiến pháp xã hội chủ nghĩa ra đời sau đó.
1.2. Giai đoạn thứ hai được đánh dấu bằng sự ra đời của hệ thống xã hội chủ nghĩa cho đến khi các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu và Liên Xô sụp đổ vào tháng 12 năm 1991
Trong giai đoạn này một loạt các bản Hiến pháp xã hội chủ nghĩa đã ra đời, ghi nhận chính quyền cách mạng thuộc về nhân dân lao động và những biện pháp nhằm xây dựng chủ nghĩa xã hội, đồng thời ghi nhận những thành quả đã đạt được trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở các nước xã hội chủ nghĩa. Giai đoạn kết thúc cùng với sự sụp đổ của các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu và Liên Xô vào tháng 12 năm 1991.
1.3. Giai đoạn thứ ba được bắt đầu sau khi các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu và Liên Xô sụp đổ vào tháng 12 năm 1991 cho đến nay
Trong giai đoạn này Hiến pháp xã hội chủ nghĩa chỉ còn lại ở một số nước xã hội chủ nghĩa. Nội dung của các bản Hiến pháp xã hội chủ nghĩa đã có sự thay đổi lớn phù hợp với hoàn cảnh lịch sử đã có nhiều biến đổi. Trong giai đoạn hiện nay, một số bản Hiến pháp xã hội chủ nghĩa tuyên bố xóa bỏ chế độ tập trung quan liêu bao cấp, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân, đồng thời quy định việc phát triển nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Chính sách đối ngoại của một số Nhà nước xã hội chủ nghĩa cũng đã có những thay đổi theo hướng mở rộng quan hệ với tất cả các nước trên thế giới trên cơ sở tôn trọng những nguyên tắc của pháp luật quốc tế. Tuy nhiên, Hiến pháp xã hội chủ nghĩa vẫn khẳng định bản chất giai cấp công nhân của Nhà nước xã hội chủ nghĩa, bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng cộng sản (Đảng của giai cấp công nhân), tiếp tục khẳng định mục đích xây dựng chủ nghĩa xã hội.

2. Bản chất, nội dung của Hiến pháp xã hội chủ nghĩa
Hiến pháp xã hội chủ nghĩa thể hiện ý chí của giai cấp công nhân, nhân dân lao động dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản (Đảng của giai cấp công nhân) là phương tiện để củng cố quyền lãnh đạo của giai cấp công nhân, của Đảng cộng sản đối với Nhà nước và xã hội, củng cố các quan hệ xã hội phù hợp với lợi ích của giai cấp công nhân và nhân dân lao động, phục vụ đắc lực công cuộc xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội.
Về cơ bản, các Hiến pháp xã hội chủ nghĩa có các dấu hiệu chung sau đây:
– Hiến pháp xã hội chủ nghĩa xác nhận rõ tính giai cấp của Nhà nước xã hội chủ nghĩa, công khai tuyên bố bản chất vô sản của chính quyền cách mạng, chính quyền chuyên chính vô sản. Hiến pháp năm 1980 của Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tuyên bố Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Nhà nước chuyên chính vô sản dựa trên nền tảng liên minh giai cấp công nhân với giai cấp nông dân dưới sự lãnh đạo của giai cấp công nhân;
– Hiến pháp xã hội chủ nghĩa thể chế hóa vai trò lãnh đạo của Đảng cộng sản – Đảng của giai cấp công nhân. Thể chế hóa vai trò lãnh đạo của Đảng cộng sản là một đặc trưng quan trọng của Hiến pháp xã hội chủ nghĩa. Tại Điều 6 Hiến pháp Liên bang Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô Viết (Liên Xô) năm 1977, Điều 4 Hiến pháp Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1980, năm 1992 và năm 2013 đã ghi nhận vấn đề này;
– Hiến pháp xã hội chủ nghĩa ghi nhận, củng cố các cơ sở của hệ thống chính trị, phát triển nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, đặc biệt nhấn mạnh vai trò, vị trí của các cơ quan dân cử – cơ quan đại diện trong nền dân chủ xã hội chủ nghĩa (Quốc hội, Hội đồng nhân dân, Xô Viết…);
– Hiến pháp xã hội chủ nghĩa ghi nhận, củng cố các cơ sở của cơ cấu kinh tế – xã hội. Khác với Hiến pháp tư sản thường lẩn tránh việc quy định các vấn đề trực tiếp liên quan đến chế độ kinh tế xã hội, các Hiến pháp xã hội chủ nghĩa ghi nhận, củng cố các cơ sở của cơ cấu kinh tế – xã hội như: xác định mục tiêu, chính sách phát triển kinh tế, văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ, xã hội, y tế;…
– Hiến pháp xã hội chủ nghĩa ghi nhận, khẳng định các nguyên tắc cơ bản của đường lối quốc phòng toàn dân, bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, đường lối đối ngoại hòa bình, hữu nghị giữa các dân tộc, thể hiện bản chất nhân đạo, tính nhân dân sâu sắc của chế độ mới; ghi nhận, khẳng định các quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân;
– Hiến pháp xã hội chủ nghĩa xác định một cơ cấu tổ chức Nhà nước dựa trên nguyên tắc tập quyền xã hội chủ nghĩa. Tất cả quyền lực Nhà nước tập trung ở cơ quan đại diện ở trung ương và địa phương do nhân dân trực tiếp bầu ra, đồng thời quy định một sự phân công, phân nhiệm một cách rõ ràng, rành mạch và hợp lý giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện quyền lực của nhân dân;
– Hình thức chính thể phổ biến của Nhà nước xã hội chủ nghĩa là chính thể Cộng hòa dân chủ;
– Các Hiến pháp xã hội chủ nghĩa có đối tượng điều chỉnh rộng hơn so với Hiến pháp tư sản.
3. Hiến pháp xã hội chủ nghĩa – Luật cơ bản của Nhà nước xã hội chủ nghĩa
Hiến pháp là một đạo luật cơ bản, khác với những đạo luật khác. Tính chất luật cơ bản của Hiến pháp trong Nhà nước xã hội chủ nghĩa thể hiện trên nhiều phương diện:
– Trước hết, Hiến pháp xã hội chủ nghĩa là một văn bản duy nhất quy định việc tổ chức quyền lực Nhà nước, là hình thức pháp lý thể hiện một cách tập trung hệ tư tưởng của giai cấp công nhân. Ở từng giai đoạn phát triển, Hiến pháp xã hội chủ nghĩa là văn bản, là phương tiện pháp lý thực hiện tư tưởng của Đảng dưới hình thức những quy phạm pháp luật.
– Xét về nội dung, nếu các luật khác thường chỉ điều chỉnh các quan hệ xã hội thuộc một lĩnh vực nhất định của đời sống xã hội, thì đối tượng điều chỉnh của Hiến pháp xã hội chủ nghĩa rất rộng, có tính chất bao quát nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội, đó là những quan hệ xã hội cơ bản liên quan đến các lợi ích cơ bản của mọi giai cấp, mọi công dân trong xã hội như chế độ chính trị, chính sách kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ và môi trường, chính sách đối ngoại, quốc phòng và an ninh quốc gia, địa vị pháp lý của công dân, chế độ bầu cử, tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước.
– Xét về mặt pháp lý, Hiến pháp xã hội chủ nghĩa có hiệu lực pháp lý cao nhất. Đặc tính đó của Hiến pháp có những biểu hiện cụ thể sau:
+ Các quy định của Hiến pháp là nguồn, là căn cứ của tất cả các ngành luật khác thuộc hệ thống pháp luật xã hội chủ nghĩa;
+ Tất cả các văn bản pháp luật khác không được mâu thuẫn mà phải hoàn toàn phù hợp với tinh thần và nội dung của Hiến pháp, được ban hành trên cơ sở của Hiến pháp và để thi hành Hiến pháp;
+ Các Điều ước quốc tế mà Nhà nước xã hội chủ nghĩa tham gia không được mâu thuẫn, đối lập với quy định của Hiến pháp. Khi có mâu thuẫn, đối lập với Hiến pháp thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền không được tham gia ký kết, không phê chuẩn hoặc bảo lưu đối với từng điều riêng biệt;
+ Tất cả các cơ quan nhà nước phải thực hiện chức năng của mình theo quy định của Hiến pháp, sử dụng đầy đủ các quyền hạn, làm tròn các nghĩa vụ mà Hiến pháp quy định;
+ Tất cả các công dân có nghĩa vụ tuân theo Hiến pháp, nghiêm chỉnh chấp hành các quy định của Hiến pháp;
+ Việc xây dựng, thông qua, ban hành, sửa đổi, thay đổi Hiến pháp phải tuân theo một trình tự đặc biệt: Chủ trương xây dựng Hiến pháp thường được biểu thị bằng một Nghị quyết của cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất; việc xây dựng dự thảo Hiến pháp thường được tiến hành bằng một cơ quan soạn thảo Hiến pháp do chính Quốc hội lập ra; việc lấy ý kiến nhân dân thường được tiến hành rộng rãi; việc thông qua Hiến pháp thường được tiến hành tại một kỳ họp đặc biệt của cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất; việc sửa đổi Hiến pháp thường được thực hiện theo một trình tự đặc biệt được quy định tại Hiến pháp; cả quá trình xây dựng, sửa đổi Hiến pháp được sự quan tâm và chỉ đạo của Đảng cộng sản.
Xem thêm: Hiến pháp là gì? Các đặc trưng cơ bản của hiến pháp