1. Quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân Việt Nam theo Hiến pháp năm 1946
Một trong những nguyên tắc xây dựng Hiến pháp năm 1946 là “Bảo đảm các quyền tự do dân chủ” của nhân dân. Hiến pháp năm 1946 đã giành trọn vẹn chương II để quy định quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân với tên gọi là “Nghĩa vụ và quyền lợi công dân”. Trong chương này chưa có quy định cụ thể về quyền con người.
Lần đầu tiên nhân dân lao động Việt Nam được xác nhận có tư cách công dân của một Nhà nước độc lập có chủ quyền, mọi công dân đều được bình đẳng trước pháp luật. Công dân Việt Nam có quyền tự do ngôn luận, xuất bản, tín ngưỡng, cư trú, đi lại trong nước và ra nước ngoài; quyền bầu cử, ứng cử, tư hữu tài sản, học tập… Công dân có nghĩa vụ bảo vệ Tổ quốc, tôn trọng Hiến pháp, tuân thủ pháp luật, đi lính.
2. Quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân theo Hiến pháp năm 1959
Hiến pháp năm 1959 đã giành trọn vẹn chương III để quy định quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân với tên gọi là “Quyền lợi và nghĩa vụ cơ bản của công dân”. Trong chương này chưa có quy định cụ thể về quyền con người.
So với Hiến pháp năm 1946, Hiến pháp năm 1959 đã mở rộng quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, quy định nhiều hơn các quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, đồng thời có quy định bảo đảm việc thực hiện các quyền cơ bản của công dân trên thực tế. Hiến pháp năm 1959 đã quy định các quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội. Đó là quyền bầu cử, bình đẳng trước pháp luật, làm việc, được giúp đỡ về vật chất khi già yếu, bệnh tật hoặc mất sức lao động… Công dân Việt Nam có nghĩa vụ tuân theo Hiến pháp, pháp luật, trật tự công cộng và những quy tắc sinh hoạt xã hội; nghĩa vụ đóng thuế, bảo vệ Tổ quốc. Điều 25 Hiến pháp năm 1959 quy định Nhà nước bảo đảm những điều kiện vật chất cần thiết để công dân có thể thực hiện các quyền của mình.
3. Quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân theo Hiến pháp năm 1980
Hiến pháp năm 1980 đã giành trọn vẹn chương V để quy định quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân với tên gọi là “Quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân”. Trong chương này chưa có quy định cụ thể về quyền con người.
Các quy định về quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân rất đa dạng và phong phú. Cùng với sự kế thừa và phát triển các quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân được quy định ở Hiến pháp năm 1946 và Hiến pháp năm 1959, Hiến pháp năm 1980 còn quy định mới một loạt các quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân như: quyền có việc làm; quyền học tập không phải trả tiền; quyền có nhà ở; quyền khám chữa bệnh không phải trả tiền; quyền nghiên cứu khoa học, kỹ thuật, sáng tác văn học, nghệ thuật; nghĩa vụ trung thành với Tổ quốc; nghĩa vụ bảo vệ Tổ quốc; nghĩa vụ bảo vệ an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội… Tuy vậy, nhiều quyền cơ bản của công dân không có tính khả thi, không thể thực hiện được trên thực tế như quyền có việc làm, quyền có nhà ở…
4. Quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân theo Hiến pháp năm 1992
Hiến pháp năm 1992 đã giành trọn vẹn chương V để quy định quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân với tên gọi là “Quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân”. Trong chương này đã có đề cập đến quyền con người.
So với các Hiến pháp trước đó, những quy định về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân trong Hiến pháp năm 1992 đã có nhiều tiến bộ. Điều đó được thể hiện ở các điểm sau đây:
– Lần đầu tiên trong lịch sử lập hiến của nước ta “quyền con người” được ghi nhận trong Hiến pháp năm 1992. Đây là một bước tiến trong nhận thức về vấn đề quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, về mối quan hệ giữa Nhà nước với công dân.
– Khắc phục những nhược điểm của Hiến pháp năm 1980, Hiến pháp năm 1992 đã gạt bỏ những quy định thiếu tính hiện thực, bổ sung những quy định phù hợp với tình hình thực tế của xã hội. Phần lớn các quy định về quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân trong Hiến pháp năm 1980 đã được sửa đổi theo hướng quy định rõ hơn, đầy đủ hơn, phù hợp hơn với điều kiện kinh tế, chính trị, xã hội của đất nước và xu thế phát triển của thời đại.
– Lần đầu tiên quy định quyền tự do kinh doanh theo quy định của pháp luật, quyền được thông tin; mở rộng quyền sở hữu của công dân; bổ sung quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của công dân; mở rộng quyền tự do đi lại và cư trú của công dân… Tất cả những quy định này đã góp phần thúc đẩy sự phát triển mọi mặt của đất nước cũng như của mọi công dân Việt Nam, thể hiện bản chất tốt đẹp của Nhà nước xã hội chủ nghĩa Việt Nam – Nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân.
– Hiến pháp năm 1992 còn khẳng định: Nhà nước bảo hộ quyền lợi chính đáng của người Việt Nam định cư ở nước nước ngoài. Bên cạnh đó điều 81 Hiến pháp năm 1992 có quy định quyền và nghĩa vụ của người nước ngoài cư trú ở Việt Nam. Những quy định này của Hiến pháp năm 1992 hoàn toàn phù hợp với chính sách đối ngoại của Nhà nước trên tinh thần “Việt Nam muốn làm bạn với các nước trên thế giới”.
5. Quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân theo Hiến pháp năm 2013
So với các Hiến pháp trước đây, chế định quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân trong Hiến pháp năm 2013 đã tiến một bước dài trên con đường phát triển và hoàn thiện.
Hiến pháp năm 2013 đã giành trọn vẹn chương II để quy định quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân với tên gọi là “Quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân”.
Chương II của Hiến pháp được xây dựng trên cơ sở sủa đổi, bổ sung và bố cục lại Chương V của Hiến pháp năm 1992 (Quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân) thành chương: “Quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân” và đặt trang trọng sau Chương I – Chế độ chính trị; đồng thời, chuyển qua các quy định liên quan đến quyền con người, quyền công dân tại các chương khác của Hiến pháp 1992 về Chương này. Sự thay đổi tên gọi và bố cục này nhằm khẳng định, vai trò quan trọng của quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân trong Hiến pháp, thể hiện nhất quán đường lối của Đảng, Nhà nước ta trong việc công nhận, tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân. So với Hiến pháp năm 1992, Hiến pháp 2013 có những sửa đổi, bổ sung và phát triển quan trọng về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân sau đây:
– Khẳng định: Ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, các quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật (Điều 14). Như vậy, trong quy định tại Hiến pháp 2013 đã có sự phân biệt rõ hơn giữa quyền con người và quyền công dân Quyền con người, quyền công dân không chỉ được tôn trọng mà còn được công nhận, bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật. Đồng thời Hiến pháp năm 2013 đã bổ sung nguyên tắc hạn chế quyền con người, quyền công dân phù hợp với các công ước quốc tế về quyền con người mà Việt Nam là thành viên. Theo đó, quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng (Điều 14).
– Khẳng định và làm rõ hơn các nguyên tắc về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân theo hướng quyền công dân không tách rời nghĩa vụ công dân; mọi người có nghĩa vụ tôn trọng quyền của người khác; công dân có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ đối với nhà nước và xã hội; việc thực hiện quyền con người, quyền công dân không được xâm phạm lợi ích quốc gia, dân tộc, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác (Điều 15).
– Tiếp tục làm rõ nội dung quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, xã hội, văn hóa và trách nhiệm của Nhà nước và xã hội trong việc tôn trọng, bảo đảm và bảo vệ quyền con người. Đồng thời, Hiến pháp năm 2013 sắp xếp lại các điều khoản theo các nhóm quyền để bảo đảm tính thống nhất giữa quyền con người và quyền công dân và bảo đảm tính khả thi của chúng.
– Bổ sung một số quyền mới như sau: quyền sống (Điều 19); quyền hiến mô, bộ phận cơ thể người, hiến xác (Điều 20); quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư (Điều 21); quyền được bảo đảm an sinh xã hội (Điều 34); quyền kết hôn và ly hôn (Điều 36); quyền hưởng thụ và tiếp cận các giá trị văn hóa, tham gia vào đời sống văn hóa, sử dụng các cơ sở văn hóa (Điều 41); quyền xác định dân tộc (Điều 42); quyền được sống trong môi trường trong lành (Điều 43)… Việc ghi nhận các quyền mới này hoàn toàn phù hợp với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, thể hiện nhận thức ngày càng rõ hơn về quyền con người và khẳng định cam kết mạnh mẽ của Việt Nam trong việc thực hiện quyền con người.
– Tiếp tục kế thừa các nghĩa vụ cơ bản của công dân như nghĩa vụ trung thành với Tổ quốc (Điều 44); nghĩa vụ quân sự (Điều 45); nghĩa vụ tuân theo Hiến pháp và pháp luật, tham gia bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội và chấp hành những quy tắc sinh hoạt công cộng (Điều 46). Riêng nghĩa vụ nộp thuế được sửa đổi về chủ thể là mọi người có nghĩa vụ nộp thuế theo luật định (Điều 47) mà không phải chỉ công dân có nghĩa vụ nộp thuế như theo quy định của Hiến pháp năm 1992.
– Về cách thức thể hiện, Hiến pháp năm 2013 có sự đổi mới quan trọng. Những quy định của Hiến pháp năm 2013 về quyền con người và quyền công dân được diễn đạt rất rõ ràng. Những điều, khoản quy định về quyền con người thường được ghi “Mọi người có quyền…”, những điều, khoản quy định về quyền công dân thường được ghi “Công dân có quyền…”.
Hiến pháp năm 2013 có nhiều quy định được diễn đạt một cách ngắn gọn, súc tích như: “Công dân có quyền được bảo đảm an sinh xã hội” (Điều 34); “Công dân có quyền và nghĩa vụ học tập” (Điều 34) …
Để bảo đảm thực hiện các quyền con người và quyền cơ bản của công dân, Hiến pháp năm 2013 quy định trách nhiệm của Nhà nước là ban hành các văn bản pháp luật để tạo điều kiện thuận lợi cho mọi người và mọi công dân thực hiện tốt các quyền của mình.
6. Những đặc trưng cơ bản của sự phát triển chế định quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân qua các bản Hiến pháp
Sự phát triển chế định quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân qua các bản Hiến pháp nước ta có những đặc trưng cơ bản sau đây:
6.1. Các bản Hiến pháp Việt Nam đều dành một chương quy định về quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân
Trong khi một số nước trên thế giới không đưa quy định quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân vào Hiến pháp thì tại Việt Nam, chế định này được đưa vào tất cả các bản Hiến pháp. Cụ thể là: Chương II Hiến pháp năm 1946 với tên gọi “Nghĩa vụ và quyền lợi công dân”, chương III Hiến pháp năm 1959 với tên gọi “Quyền lợi và nghĩa vụ cơ bản của công dân”, chương V của Hiến pháp năm 1980 và Hiến pháp năm 1992 đều có tên gọi “Quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân”, Chương II Hiến pháp năm 2013 với tên gọi “Quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân”. Việc quy định quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, Nhà nước Việt Nam đã thể hiện sự tôn trọng con người, củng cố địa vị pháp lý của người làm chủ đất nước.
6.2. Các quy định về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân ngày càng tăng về số lượng và phong phú về nội dung
Về số lượng: Các quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân ngày càng được quy định nhiều hơn trong các Hiến pháp: Hiến pháp năm 1946 có 18 điều, Hiến pháp năm 1959 có 21 điều, Hiến pháp năm 1980 có 29 điều, Hiến pháp năm 1992 có 34 điều và Hiến pháp năm 2013 có 36 điều quy định quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân.
Về nội dung: Các Hiến pháp sau luôn có những quy định mới mà các Hiến pháp trước không quy định. Ví dụ: Hiến pháp năm 1959 có những quy định mới so với Hiến pháp năm 1946 như: Quyền làm việc; quyền nghỉ ngơi; quyền tự do nghiên cứu khoa học, sáng tác văn học, nghệ thuật; quyền khiếu nại, tố cáo… Hiến pháp 1980 có thêm các quy định: Quyền tham gia quản lý công việc Nhà nước và xã hội; quyền được bảo hiểm xã hội; quyền được bảo vệ sức khỏe… Hiến pháp năm 1992 có những quy định mới: Nguyên tắc tôn trọng quyền con người; quyền tự do kinh doanh; quyền bồi thường thiệt hại về vật chất và phục hồi danh dự; người nước ngoài cư trú tại Việt Nam được Nhà nước bảo hộ tính mạng, tài sản và các quyền lợi chính đáng theo quy định của pháp luật… Hiến pháp năm 2013 có những quy định mới: quyền sống; quyền hiến mô, bộ phận cơ thể người, hiến xác; quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư; quyền được bảo đảm an sinh xã hội; quyền kết hôn và ly hôn; quyền hưởng thụ và tiếp cận các giá trị văn hóa, tham gia vào đời sống văn hóa, sử dụng các cơ sở văn hóa; quyền xác định dân tộc; quyền được sống trong môi trường trong lành…
Điều đáng nói ở đây là: Sự phát triển về số lượng và nội dung của chế định quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân qua các bản Hiến pháp không phải là sự ngẫu nhiên hay do kỹ thuật lập pháp mà điều này đã cho thấy địa vị pháp lý, địa vị xã hội của công dân ngày càng được tăng lên một cách rõ rệt.
6.3. Các quy định về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân tại Hiến pháp Việt Nam thể hiện mối quan hệ bình đẳng, hài hòa giữa công dân với công dân, giữa nhà nước với công dân
Bình đẳng trước pháp luật là bình đẳng trong việc công dân được hưởng các quyền và thực hiện các nghĩa vụ do pháp luật quy định. Sự bình đẳng này thể hiện trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội và không phân biệt dân tộc, tôn giáo, thành phần xã hội…
Sự bình đẳng còn biểu hiện trong quan hệ giữa Nhà nước với công dân. Trong các Hiến pháp đều ghi nhận quyền của công dân và nghĩa vụ của Nhà nước và ngược lại. Vì thế, trong các bản Hiến pháp, bên cạnh việc xác lập ngày càng đầy đủ các quyền của công dân thì Nhà nước cũng xác lập một cách cụ thể, chi tiết và cân đối các nghĩa vụ của công dân. Ngoài ra, các Hiến pháp cũng ghi nhận rõ ràng trách nhiệm của Nhà nước trong việc đảm bảo các quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân. Điều 8 Hiến pháp năm 2013 quy định: “Các cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức, viên chức phải tôn trọng Nhân dân, tận tụy phục vụ Nhân dân, liên hệ chặt chẽ với Nhân dân, lắng nghe ý kiến và chịu sự giám sát của Nhân dân; kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí và mọi biểu hiện quan liêu, hách dịch, cửa quyền” và Điều 28 Hiến pháp năm 2013 quy định: “Nhà nước tạo điều kiện để công dân tham gia quản lý nhà nước và xã hội; công khai, minh bạch trong việc tiếp nhận, phản hồi ý kiến, kiến nghị của công dân”…
Các quy định nêu trên giúp cho mối quan hệ giữa Nhà nước và công dân thật sự hài hòa. Lợi ích của công dân phải gắn với lợi ích của Nhà nước và ngược lại. Trong các quy định tại Hiến pháp cũng như trên thực tế mối quan hệ hài hòa và bình đẳng này ngày càng được củng cố và tăng cường.
6.4. Qua các bản Hiến pháp, quyền con người, quyền tự do dân chủ của công dân ngày càng được mở rộng
Các bản Hiến pháp năm 1946, năm 1959, năm 1980 không có quy định cụ thể và quyền con người, nhưng Hiến pháp năm 1992 đã có một điều luật quy định nguyên tắc tôn trọng quyền con người và Hiến pháp năm 2013 đã có rất nhiều quy định về quyền con người. Bên cạnh đó, các Hiến pháp được ban hành sau luôn có những quy định mở rộng quyền tự do dân chủ so với các Hiến pháp được ban hành trước đó.
Về quyền tự do tín ngưỡng, Hiến pháp năm 1959 quy định: “Công dân nước Việt Nam dân chủ cộng hoà có các quyền tự do tín ngưỡng, theo hoặc không theo một tôn giáo nào”, Hiến pháp năm 1980 quy định: “Công dân có quyền tự do tín ngưỡng, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Không ai được lợi dụng tôn giáo để làm trái pháp luật và chính sách của Nhà nước”, Hiến pháp năm 1992 quy định: “Công dân có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các tôn giáo đều bình đẳng trước pháp luật. Những nơi thờ tự của các tín ngưỡng, tôn giáo được pháp luật bảo hộ. Không ai được xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để làm trái pháp luật và chính sách của Nhà nước”, Hiến pháp năm 2013 quy định mở rộng quyền này hơn và quy định quyền này dưới góc độ là quyền con người:
“1. Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật;
2. Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo;
3. Không ai được xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để vi phạm pháp luật”.
Về quyền sở hữu, Hiến pháp năm 1980 quy định: công dân chỉ có quyền sở hữu “những công cụ sản xuất dùng trong trường hợp được phép lao động riêng lẻ” thì tại Hiến pháp năm 1992 đã mở rộng quyền sở hữu đối với “tư liệu sản xuất, vốn và tài sản khác trong doanh nghiệp hoặc trong các tổ chức kinh tế khác”, Hiến pháp năm 2013 quy định mở rộng quyền này hơn và quy định quyền này dưới góc độ là quyền con người:
“1. Mọi người có quyền sở hữu về thu nhập hợp pháp, của cải để dành, nhà ở, tư liệu sinh hoạt, tư liệu sản xuất, phần vốn góp trong doanh nghiệp hoặc trong các tổ chức kinh tế khác;
2. Quyền sở hữu tư nhân và quyền thừa kế được pháp luật bảo hộ;
3. Trường hợp thật cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh hoặc vì lợi ích quốc gia, tình trạng khẩn cấp, phòng, chống thiên tai, Nhà nước trưng mua hoặc trưng dụng có bồi thường tài sản của tổ chức, cá nhân theo giá thị trường”.
Hiến pháp năm 1980 không quy định về quyền tự do kinh doanh của công dân thì Hiến pháp năm 1992 đã quy định: “Công dân có quyền tự do kinh doanh theo quy định của pháp luật”, Hiến pháp năm 2013 quy định mở rộng quyền này hơn và quy định quyền này dưới góc độ là quyền con người: “Mọi người có quyền tự do kinh doanh trong những ngành nghề mà pháp luật không cấm.”…
Chế định quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân là một chế định cực kỳ quan trọng của Hiến pháp Việt Nam. Bởi vì qua đó nó thể hiện vị trí pháp lý của người công dân trong xã hội dân chủ, thể hiện mối quan hệ bình đẳng giữa công dân với công dân và sự kết hợp hài hòa giữa lợi ích của Nhà nước và lợi ích của công dân. Các quy định về quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân ngày càng được hoàn thiện và mở rộng, góp phần giữ vững bản chất Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân.