Sự cần thiết của việc áp dụng pháp luật nước ngoài
Xuất phát từ các quan hệ thuộc đối tượng điều chỉnh của tư pháp quốc tế là các quan hệ dân sự theo nghĩa rộng có yếu tố nước ngoài nên khi giải quyết các quan hệ này nếu không có các quy phạm thực chất trực tiếp điều chỉnh quan hệ thì các cơ quan có thẩm quyền bắt buộc phải dùng các quy phạm xung đột, một trong các phương pháp được áp dụng phổ biến trong tư pháp quốc tế. Thừa nhận quy phạm xung đột cũng là thừa nhận có thể áp dụng pháp luật nước ngoài theo su dẫn chiếu của quy phạm này. Thực tiễn chứng minh việc áp dụng pháp luật nước ngoài ở một mức độ nhất định được thừa nhận ở hầu hết các nước trên thế giới.
Việc áp dụng pháp luật nước ngoài là một nhu cầu khách quan, tất yếu trong quan hệ quốc tế nhằm đảm bảo lợi ích của nhà nước áp dụng, đảm bảo quyền lợi của các bên tham gia quan hệ và để thúc đẩy mối quan hệ giữa các quốc gia trong quan hệ quốc tế. Trong nhiều trường hợp việc áp dụng pháp luật nước ngoài là phương án hợp lí nhất có thể đảm bảo trọn vẹn mọi khía cạnh. Ví dụ, hai công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài kết hôn với nhau theo những điều kiện và nghi thức kết hôn do pháp luật nước sở tại quy định. Về điều kiện kết hôn thì giữa luật nước đó và luật Việt Nam không có gì mâu thuẫn, nhưng về nghi thức kết hôn thì có sự khác biệt giữa hai hệ thống pháp luật này, họ kết hôn theo nghi thức tôn giáo, phù hợp với quy định của nước sở tại. Vấn đề là việc kết hôn đó có được thừa nhận tại Việt Nam hay không? Nếu căn cứ vào luật Việt Nam thì cuộc kết hôn đó trái pháp luật Việt Nam về nghi thức kết hôn (Việt Nam theo nghi thức dân sự tức là việc kết hôn phải được tiến hành trước cơ quan nhà nước có thẩm quyền) nên sẽ không được công nhận tại Việt Nam. Nhưng cuộc kết hôn này hoàn toàn phù hợp với pháp luật nơi cuộc kết hôn diễn ra vì vậy nó cần phải được thừa nhận để đảm bảo lợi ích cũng như tôn trọng ý chí của các bên và nhà nước nước ngoài. Nếu công nhận cuộc kết hôn này tức là Việt Nam đã thừa nhận áp dụng pháp luật nước ngoài mà cụ thể là luật nước nơi tiến hành kết hôn. Xét thấy nếu thừa nhận việc kết hôn này thì không những không ảnh hưởng gì đến pháp luật Việt Nam vì bản chất quan hệ là một cuộc hôn nhân đúng nghĩa, việc áp dụng pháp luật nước ngoài không trái nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam, vì vậy cuộc kết hôn này được pháp luật Việt Nam công nhận với căn cứ là phù hợp pháp luật nước nơi tiến hành kết hôn, hay phù hợp pháp luật nước ngoài.
Một căn cứ nữa của việc áp dụng pháp luật nước ngoài là luật nước ngoài chỉ được áp dụng trên cơ sở của sự quy định của các quy phạm xung đột do luật quốc gia hoặc điều ước quốc tế mà quốc gia tham gia dẫn chiếu. Tuy nhiên, áp dụng pháp luật nước ngoài luôn phải đảm bảo độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ và bảo đảm trật tự pháp luật quốc gia.