Sáng chế là gì? Bảo hộ sáng chế theo quy định pháp luật

0 1.225

Về khái niệm sáng chế, có nhiều cách tiếp cận khác nhau. Theo cách hiểu thông thường, sáng chế là sản phẩm sáng tạo của bộ óc con người, không hề có trong tự nhiên. Theo khía cạnh này, bất cứ cái gì được con người sáng tạo ra đều có thể được xem là sáng chế. Chẳng hạn, T. Edisson là người sáng chế ra bóng đèn, máy ghi âm; người Trung Hoa sáng chế ra giấy, thuốc súng…

Một cách hiểu khác, sáng chế là một giải pháp kỹ thuật mới, có tính sáng tạo và có khả năng áp dụng trong công nghiệp.

Luật Sở hữu trí tuệ 2005 (sửa đổi, bổ sung 2009) tại Khoản 12, điều 4 có những điểm khác trong cách định nghĩa sáng chế: “Sáng chế là giải pháp kỹ thuật dưới dạng sản phẩm hoặc quy trình nhằm giải quyết một vấn đề xác định bằng việc ứng dụng các quy luật tự nhiên”. Sáng chế cũng thể được hiểu theo một cách khác: “Giải pháp kỹ thuật – đối tượng được bảo hộ dưới danh nghĩa là sáng chế – là tập hợp cần và đủ các thông tin về cách thức kỹ thuật và/hoặc phương tiện kỹ thuật nhằm giải quyết một nhiệm vụ (một vấn đề) xác định”.

Như vậy, sáng chế được xác định là giải pháp kỹ thuật dưới dạng sản phẩm hoặc quy trình nhằm giải quyết một vấn đề xác định bằng việc ứng dụng các quy luật tự nhiên.

Hình minh họa. Sáng chế là gì? Bảo hộ sáng chế theo quy định pháp luật

Từ phân thích khái niệm có nhiều cách hiểu khác nhau về sáng chế tuy nhiên, nếu xem xét ở các khía cạnh bản chất, sáng chế có thể được thể hiện ở các đặc trưng sau:

Thứ nhất, sáng chế có bản chất là tạo ra phương tiện mới, sản phẩm mới về nguyên lý kỹ thuật, chưa từng tồn tại hoặc đã tồn tại trong một nhóm người nhỏ song không phổ biến và là bí mật đối với cộng đồng, tức sáng chế vẫn có thể là mô tả chi tiết kỹ thuật tạo ra một sản phẩm kỹ thuật hoặc quy trình kỹ thuật bí mật. Đặc tính này tạo nên tính mới và trình độ sáng tạo.

Thứ hai, sáng chế có khả năng áp dụng công nghiệp, tức là có khả năng áp dụng trực tiếp hoặc qua thử nghiệm để ứng dụng vào sản xuất và đời sống, phục vụ đời sống và con người.

Cuối cùng, sáng chế có thể bị lạc hậu và tiêu vong theo sự phát triển tiến bộ của KH&CN. Đây là quy luật tất yếu của sự phủ định và phát triển của thế giới. Thế giới luôn vận động, biến đổi trong khi sự sáng tạo của con người là không ngừng nghỉ, điều này làm cho các sáng chế hôm nay có thể trở nên lạc hậu và không còn giá trị trong nay mai.

Nếu là giải pháp kỹ thuật – đối tượng được bảo hộ dưới danh nghĩa là sáng chế – được hiểu là tập hợp cần và đủ các thông tin về cách thức kỹ thuật và/hoặc phương tiện kỹ thuật nhằm giải quyết một nhiệm vụ (một vấn đề) xác định. Giải pháp kỹ thuật nếu muốn được bảo hộ dưới danh nghĩa sáng chế, phải thuộc một trong các dạng sau:

Thứ nhất, sản phẩm dưới dạng vật thể (dụng cụ, máy móc, thiết bị, linh kiện, mạch điện…) được thể hiện bằng một tập hợp các thông tin xác định một sản phẩm nhân tạo được đặc trưng bởi các dấu hiệu (đặc điểm) về kết cấu, sản phẩm đó có chức năng (công dụng) như một phương tiện nhằm đáp ứng một nhu cầu nhất định của con người; hoặc sản phẩm dưới dạng chất thể (vật liệu, chất liệu, thực phẩm, dược phẩm…) được thể hiện bằng một tập hợp các thông tin xác định một sản phẩm nhân tạo được đặc trưng bởi các dấu hiệu (đặc điểm) về sự hiện diện, tỷ lệ và trạng thái của các phần tử, có chức năng (công dụng) như một phương tiện nhằm đáp ứng một nhu cầu nhất định của con người; hoặc sản phẩm dưới dạng vật liệu sinh học (gen, thực vật/động vật biến đổi gen…) được thể hiện bằng một tập hợp các thông tin về một sản phẩm chứa thông tin di truyền bị biến đổi dưới tác động của con người, có khả năng tự tái tạo.

Thứ hai, quy trình (quy trình công nghệ; phương pháp chẩn đoán, dự báo, kiểm tra, xử lý…) được thể hiện bằng một tập hợp các thông tin xác định cách thức tiến hành một quy trình, một công việc cụ thể được đặc trưng bởi các dấu hiệu (đặc điểm) về trình tự, điều kiện, thành phần tham gia, biện pháp, phương tiện thực hiện các thao tác nhằm đạt được một mục đích nhất định.

Ngoài ra, để tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân dễ dàng trong việc xác định phạm vi của sáng chế được bảo hộ, Luật Sở hữu trí tuệ 2005 cũng đã đưa ra một số trường hợp không được bảo hộ với danh nghĩa sáng chế, đó là các đối tượng: phát minh, lý thuyết khoa học, phương pháp toán học; sơ đồ, kế hoạch, quy tắc và phương pháp để thực hiện các hoạt động trí óc, huấn luyện vật nuôi, thực hiện trò chơi, kinh doanh; chương trình máy tính; cách thức thể hiện thông tin; giải pháp chỉ mang đặc tính thẩm mỹ; giống thực vật, giống động vật; quy trình sản xuất thực vật, động vật chủ yếu mang bản chất sinh học mà không phải là quy trình vi sinh; phương pháp phòng, chẩn đoán và chữa bệnh cho người và động vật.

Có thể thấy rằng, trong thực tế xã hội sáng chế rất đa dạng, phong phú và có thể có trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Tuy vậy, ở khía cạnh pháp lý, nhằm tạo ra sự thống nhất trong việc quản lý, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của những người liên quan và khuyến khích sáng tạo, nhà nước chỉ giới hạn các đối tượng sáng chế được xem xét bảo hộ. Chẳng hạn, đối với phương pháp toán học, có thể đây là một đối tượng có một số đặc tính của sáng chế nhưng không được bảo hộ dưới danh nghĩa sáng chế.

4.9/5 - (98 bình chọn)

 
® 2024 LawFirm.Vn - Thông tin do LawFirm.Vn cung cấp không thay thế cho tư vấn pháp lý. Nếu bạn yêu cầu bất kỳ thông tin nào, bạn có thể nhận được cuộc gọi điện thoại hoặc email từ một trong những Quản lý của chúng tôi. Để biết thêm thông tin, vui lòng xem chính sách bảo mật, điều khoản sử dụng, chính sách cookie và tuyên bố miễn trừ trách nhiệm của chúng tôi.
Có thể bạn quan tâm
Để lại câu trả lời

Trường "Địa chỉ email" của bạn sẽ không được công khai.

ZaloFacebookMailMap