1. Hình phạt là gì?
Theo quy định tại Điều 30 Bộ luật Hình sự 2015, hình phạt là biện pháp cưỡng chế nghiêm khắc nhất của Nhà nước được quy định trong Bộ luật này, do Tòa án quyết định áp dụng đối với người hoặc pháp nhân thương mại phạm tội nhằm tước bỏ hoặc hạn chế quyền, lợi ích của người, pháp nhân thương mại đó.
Khi quyết định hình phạt, Tòa án căn cứ vào quy định của Bộ luật này, cân nhắc tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, nhân thân người phạm tội, các tình tiết giảm nhẹ và tăng nặng trách nhiệm hình sự.

2. Quyết định hình phạt trong trường hợp chuẩn bị phạm tội, phạm tội chưa đạt
Quyết định hình phạt trong trường hợp chuẩn bị phạm tội, phạm tội chưa đạt được quy định tại Điều 57 Bộ luật Hình sự 2015, cụ thể như sau:
Điều 57. Quyết định hình phạt trong trường hợp chuẩn bị phạm tội, phạm tội chưa đạt
1. Đối với hành vi chuẩn bị phạm tội và hành vi phạm tội chưa đạt, hình phạt được quyết định theo các điều của Bộ luật này về các tội phạm tương ứng tùy theo tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi, mức độ thực hiện ý định phạm tội và những tình tiết khác khiến cho tội phạm không thực hiện được đến cùng.
2. Đối với trường hợp chuẩn bị phạm tội, hình phạt được quyết định trong phạm vi khung hình phạt được quy định trong các điều luật cụ thể.
3. Đối với trường hợp phạm tội chưa đạt, nếu điều luật được áp dụng có quy định hình phạt cao nhất là tù chung thân hoặc tử hình thì áp dụng hình phạt tù không quá 20 năm; nếu là tù có thời hạn thì mức hình phạt không quá ba phần tư mức phạt tù mà điều luật quy định.
Như chúng ta đã biết không phải đến khi tội phạm hoàn thành mới phát sinh trách nhiệm hình sự mà đối với một số loại tội phạm ngay khi giai đoạn chuẩn bị phạm tội, phạm tội chưa đạt cũng đã phải chịu trách nhiệm về hành vi phạm tội dự kiến thực hiện hoặc đã thực hiện nhưng chưa đạt.
Điều luật này so với quy định cũ tại Điều 52 Bộ luật Hình sự 1999 ngoại trừ Khoản 1 liên quan đến căn cứ quyết định mức phạt là giống nhau, còn lại Khoản 2 và Khoản 3 có rất nhiều sự khác biệt.
Trước tiên chúng ta sẽ cùng xem xét phân tích quy định cũ tại Bộ luật Hình sự 1999:
Điều 52. Quyết định hình phạt trong trường hợp chuẩn bị phạm tội, phạm tội chưa đạt
…
2. Đối với trường hợp chuẩn bị phạm tội, nếu điều luật được áp dụng có quy định hình phạt cao nhất là tù chung thân hoặc tử hình, thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng là không quá hai mươi năm tù; nếu là tù có thời hạn thì mức hình phạt không quá một phần hai mức phạt tù mà điều luật quy định.
3. Đối với trường hợp phạm tội chưa đạt, nếu điều luật được áp dụng có quy định hình phạt cao nhất là tù chung thân hoặc tử hình, thì chỉ có thể áp dụng các hình phạt này trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng; nếu là tù có thời hạn thì mức hình phạt không quá ba phần tư mức phạt tù mà điều luật quy định.
Quy định trên cho thấy rất rõ mức hình phạt áp dụng trong trường hợp chuẩn bị phạm tội và phạm tội chưa đạt theo hướng chuẩn bị phạm tội sẽ được áp dụng mức hình phạt nhẹ hơn. Cụ thể, nếu mức cao nhất là chung thân hoặc tử hình thì mức cao nhất không quá 20 năm tù, nếu tù có thời hạn thì không quá 1/2 mức phạt tù mà điều luật quy định. Trong khi đó đối với trường hợp phạm tội chưa đạt, nếu mức cao nhất là chung thân hoặc tử hình thì vẫn có thể áp dụng hình phạt này trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng, nếu tù có thời hạn thì không quá 3/4 mức phạt tù mà điều luật quy định.
Tuy nhiên, khi vấn đề trên được quy định tại Bộ luật Hình sự 2015 thì đã có nhiều sự khác biệt, cụ thể:
Điều 57. Quyết định hình phạt trong trường hợp chuẩn bị phạm tội, phạm tội chưa đạt
…
2. Đối với trường hợp chuẩn bị phạm tội, hình phạt được quyết định trong phạm vi khung hình phạt được quy định trong các điều luật cụ thể.
3. Đối với trường hợp phạm tội chưa đạt, nếu điều luật được áp dụng có quy định hình phạt cao nhất là tù chung thân hoặc tử hình thì áp dụng hình phạt tù không quá 20 năm; nếu là tù có thời hạn thì mức hình phạt không quá ba phần tư mức phạt tù mà điều luật quy định.
Như vậy có thể thấy cách xác định mức phạt trong trường hợp chuẩn bị phạm tội quy định tại Khoản 2 đã hoàn toàn khác so với quy định cũ. Sẽ không còn nguyên tắc xác định mức tối đa dựa theo mức hình phạt mà điều luật đó quy định mà sẽ căn cứ vào khung hình phạt được quy định trong các Điều luật cụ thể. Sự khác biệt này xuất phát từ sự khác biệt về kỹ thuật lập pháp giữa 2 Bộ luật. Bộ luật Hình sự cũ không hề quy định khung hình phạt cho trường hợp chuẩn bị phạm tội mà chỉ quy định trong trường hợp thông thường và Tòa án phải dựa vào nguyên tắc được quy định tại Khoản 2 Điều 52 để xác định mức hình phạt. Tuy nhiên đến Bộ luật Hình sự mới, việc xác định này đã được các nhà làm luật thực hiện luôn bằng việc đưa ra khung hình phạt trong trường hợp chuẩn bị phạm tội và Tòa chỉ cần dựa vào khung đó để quyết định mức hình phạt.
Ví dụ:
“Điều 108. Tội phản bội Tổ quốc
…
3. Người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.”
“Điều 123. Tội giết người
…
3. Người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.”
Cách làm trên đã góp phần giảm tải việc quyết định mức hình phạt của Tòa cũng như góp phần đảm bảo tính thống nhất hơn giữa các Tòa khi quyết định hình phạt, hạn chế sự tự do quyết định khi đã ban hành khung hình phạt cố định cũng như nhìn vào một điều luật có thể xác định được ngay người phạm tội đó trong giai đoạn chuẩn bị có bị truy cứu trách nhiệm hình sự hay không.
Ví dụ: Điều 140. Tội hành hạ người khác; Điều 141. Tội hiếp dâm, nhà làm luật không hề có quy định khung hình phạt trong trường hợp chuẩn bị phạm tội. Điều đó đồng nghĩa với việc người chuẩn bị phạm 2 tội này sẽ không phải chịu trách nhiệm hình sự, đối chiếu với Khoản 2 Điều 14 Bộ luật này chúng ta có thể thấy ngay kết luận trên là chính xác.
Một khác biệt nữa cũng rất quan trọng đó là khác biệt về xác định mức phạt cao nhất trong trường hợp phạm tội chưa đạt mà điều luật quy định mức cao nhất là chung thân hoặc tử hình. Nếu như quy định tại Bộ luật cũ vẫn cho phép áp dụng trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng thì Bộ luật mới giới hạn tối đa sẽ là mức phạt tù 20 năm (bằng với mức cao nhất của trường hợp chuẩn bị phạm tội tại Bộ Luật cũ). Đây là quy định rất có lợi cho người phạm tội, thể hiện tính nhân đạo ngày càng cao của quan điểm lập pháp trong mảng hình sự của nhà nước ta.
3. Tải file Bình luận Bộ luật Hình sự 2015 (hợp nhất năm 2017) – Phần chung
Tải về: Bình luận Bộ luật Hình sự 2015 (hợp nhất năm 2017) – Phần chung