Quyền lưu cư của vợ hoặc chồng khi ly hôn được quy định như thế nào hiện nay? Cùng LawFirm.Vn tìm hiểu chi tiết qua bài viết này.
1. Quy định về quyền lưu cư
Theo quy định tại Điều 63 của Luật Hôn nhân và Gia đình 2014, nhà ở thuộc sở hữu riêng của vợ, chồng đã đưa vào sử dụng chung thì khi ly hôn vẫn thuộc sở hữu riêng của người đó; trường hợp vợ hoặc chồng có khó khăn về chỗ ở thì được quyền lưu cư trong thời hạn 06 tháng kể từ ngày quan hệ hôn nhân chấm dứt, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.
1.1. Căn cứ phát sinh quyền lưu cư
Từ quy định trên, quyền lưu cư được hiểu là quyền tiếp tục được cư trú tại nhà ở thuộc quyền sở hữu của vợ hoặc chồng trong một khoảng thời gian nhất định. Quyền lưu cư chỉ phát sinh khi vợ hoặc chồng có khó khăn về chỗ ở. Việc xác định có khó khăn về chỗ ở là một vấn đề khó, thường thì sẽ do các bên thỏa thuận hoặc tòa án sẽ xác định, đó có thể là do khó khăn về kinh tế nên chưa thể mua được nhà, thuê được nhà ở tạm thời; bị nhà nước thu hồi đất để phục vụ công tác giải phòng mặt bằng mà chưa được giải quyết về chỗ ở, hoặc các trường hợp khác. Vấn đề khó khăn về chỗ ở phải thực sự cấp thiết, thực tế, khách quan mà không thể khắc phục được, buộc vợ hoặc chồng phải lưu cư và được bên vợ (chồng) còn lại tôn trọng và bảo đảm quyền cho họ.
1.2. Thời hạn lưu cư
Thời hạn lưu cư được pháp luật ấn định là 06 tháng kể từ ngày quan hệ hôn nhân chấm dứt, tức là kể từ ngày bản án, quyết định của tòa án có thẩm quyền có hiệu lực pháp luật. Đánh giá sơ bộ về khoảng thời gian luật định, 06 tháng là con số khá hợp lý, đủ cơ bản để vợ hoặc chồng chuẩn bị chỗ ở mới và giải quyết những khó khăn về chỗ ở của mình. Tuy nhiên, con số này có thể thay đổi dựa trên thỏa thuận của vợ chồng, sao cho phù hợp nhất và đó cũng là điều mà pháp luật mong muốn, tôn trọng ý chí của các bên trong một mối quan hệ đã từng được pháp luật ghi nhận và bảo vệ.
Trên cơ sở tìm hiểu quy định về lưu cư, Luật Minh Khuê tóm tắt một số vấn đề cần lưu ý đối với quyền lưu cư của vợ, chồng như sau: Quyền lưu cư của vợ hoặc chồng phải là sự kết hợp của các điều kiện:
Thứ nhất, Nhà ở mà vợ (chồng) thực hiện quyền lưu cư là tài sản riêng của vợ (chồng) hoặc đó là tài sản được tòa án chia cho thuộc về vợ hoặc chồng (đã thanh toán khoản tiền cho bên còn lại);
Thứ hai, Vợ (hoặc chồng) có quyền lưu cư khi gặp những khó khăn về chỗ ở (khó khăn được xác định theo thỏa thuận hoặc nhờ tòa án xác định;
Thứ ba, Thời hạn lưu cư là 06 tháng hoặc khoảng thời gian khác do các bên thỏa thuận nhưng phải hợp lý và phù hợp với thực tế, tránh tình trạng hạn chế quyền của vợ, hoặc chồng đẩy họ vào tình cạnh khốn cùng về chỗ ở, làm trái với tinh thần, giá trị mà pháp luật về hôn nhân và gia đình mang lại.
2. Ví dụ về quyền lưu cư của vợ hoặc chồng sau khi ly hôn
Bản án 13/2018/HNGĐ-PT ngày 07/05/2018 về tranh chấp tài sản chung của Tòa án nhân dân tỉnh Hải Dương có nội dung:
“Bà Mai Thị T và ông Vũ Văn Đ kết hôn vào năm 1977, có đăng ký kết hôn. Tuy nhiên, sau khi kết hôn từ năm 1977 vợ chồng chung sống được một thời gian ngắn thì phát sinh mâu thuẫn. Bà T và ông Đ sống ly thân đã lâu và không còn tình cảm nên bà T làm đơn khởi kiện ly hôn, ông Đ nhất trí. Bà T ông Đ đều xác định tài sản chung của vợ chồng gồm có diện tích 123,2m2 đất ở, địa chỉ đường L, phường T, thành phố H, tỉnh Hải Dương, trên đất có nhà xây mái bằng bê tông cốt thép ba tầng.
Khi ly hôn ông bà đề nghị chia đôi tài sản chung của vợ chồng cho mỗi người một nửa. Quan điểm của bà T: bà nhận hiện vật hay tiền mặt bà đều nhất trí nhưng nếu nhận tiền mặt thì yêu cầu thực hiện ngay; còn ông Đ xin được hưởng bằng hiện vật nhưng ông không có tiền mặt để trả chênh lệch cho bà T .”
Hội đồng xét xử đưa ra phán quyết: giao toàn bộ nhà và đất cho bà T sử dụng, bà T có trách nhiệm thanh toán cho ông Đ ½ giá trị nhà và đất bằng tiền mặt. Tuy nhiên, Tòa án sẽ quyết định cho ông Đ được lưu cư trên nhà, đất đến khi bà T trả tiền xong cho ông Đ.