Quyền đối với hình ảnh cá nhân theo quy định pháp luật
Hiện nay, với sự phát triển của công nghệ đã làm thay đổi nhiều quan hệ xã hội, chi phối mạnh mẽ đến đời sống của con người. Trong đó, phải kể đến việc hình ảnh cá nhân của người khác – đặc biệt là người nổi tiếng như hoa hậu, người mẫu, ca sĩ, diễn viên… khi chưa được cho phép đã bị phát tán, sử dụng tràn lan, khó kiểm soát. Đồng thời, tồn tại những hành vi lợi dụng hình ảnh người người nổi tiếng nhằm quảng bá sản phẩm, dịch vụ chưa qua kiểm duyệt thậm chí kém chất lượng gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín, hình ảnh cá nhân của người bị xâm phạm. Cùng LawFirm.Vn tìm hiểu quy định của pháp luật về quyền đối với hình ảnh của cá nhân qua bài viết dưới đây.
1. Quyền của cá nhân đối với hình ảnh là gì?
Cá nhân có quyền với hình ảnh của mình; việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được người đó đồng ý. Nếu sử dụng hình ảnh của người khác vì mục đích thương mại phải trả thù lao cho người có hình ảnh, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác (Điều 32 Bộ luật Dân sự năm 2015 về quyền của cá nhân đối với hình ảnh).
Việc sử dụng hình ảnh trong trường hợp sau đây không cần có sự đồng ý của người có hình ảnh hoặc người đại diện theo pháp luật của họ: hình ảnh được sử dụng vì lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng; hình ảnh được sử dụng từ các hoạt động công cộng, bao gồm hội nghị, hội thảo, hoạt động thi đấu thể thao, biểu diễn nghệ thuật và hoạt động công cộng khác mà không làm tổn hại đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của người có hình ảnh.
2. Xâm phạm quyền của cá nhân đối với hình ảnh
Trong thời đại truyền thông phát triển bùng nổ, hình ảnh của cá nhân ngày càng có vai trò quan trọng, trở thành một xu thế “kinh doanh” mới của những người nổi tiếng, đem lại thu nhập không hề nhỏ từ việc quảng cáo sản phẩm.
Tuy nhiên, điều này cũng là một mặt trái, có thể khiến nhiều người bị lạm dụng bản quyền hình ảnh cá nhân, tự ý sử dụng hình ảnh vào mục đích riêng, xâm phạm quyền lợi hợp pháp, thậm chí còn bôi nhọ danh dự, nhân phẩm của người đó.
Việc người mẫu chụp ảnh quảng cáo bị người bán hàng online sử dụng hình ảnh không xin phép, thậm chí cắt ghép hình ảnh không còn là điều xa lạ trên các trang mạng xã hội. Những ca sỹ, diễn viên nổi tiếng cũng không tránh khỏi việc hình ảnh của mình bị xâm phạm, sử dụng cho những mục đích thương mại, quảng bá sản phẩm, dịch vụ (mà không được cho phép). Việc này, không những ảnh hưởng lớn đến tinh thần cũng như quyền lợi chính đáng của cá nhân, mà còn gây hiểm lầm về sản phẩm tới người tiêu dùng.
3. Hành vi xâm phạm quyền hình ảnh cá nhân, xử lý thế nào?
Việc sử dụng hình ảnh vi phạm quy định tại Điều 32 của Bộ luật Dân sự 2015 thì người có hình ảnh có quyền yêu cầu tòa án ra quyết định buộc người vi phạm, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan phải thu hồi, tiêu hủy, chấm dứt việc sử dụng hình ảnh, bồi thường thiệt hại và áp dụng các biện pháp xử lý khác theo quy định của pháp luật.
Cũng theo điều 592 Bộ luật Dân sự 2015 về thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm: thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm bao gồm: chi phí hợp lý để hạn chế, khắc phục thiệt hại; thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút; thiệt hại khác do luật quy định.
Người chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác bị xâm phạm phải bồi thường những thiệt hại trên và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận. Nếu không thỏa thuận được, mức tối đa cho một người có danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm không quá 10 lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định.
Như vậy, việc một đơn vị khác sử dụng hình ảnh cá nhân của người khác (gồm những người nổi tiếng) vì mục đích thương mại mà không xin phép là hành vi xâm phạm nghiêm trọng quyền cá nhân với hình ảnh.
Với hành vi xâm phạm trên bạn có quyền yêu cầu tòa án ra quyết định buộc người vi phạm, cơ quan, tổ chức cá nhân có liên quan thu hồi, tiêu hủy, chấm dứt việc sử dụng hình ảnh, bồi thường thiệt hại.
4.1. Sử dụng hình ảnh cá nhân của người khác gây ảnh hưởng danh dự nhân phẩm uy tính
Về mức bồi thường thiệt hại, nếu hành vi sử dụng hình ảnh không xin phép trên làm ảnh hưởng đến danh dự, nhân phẩm, uy tín thì mức bồi thường sẽ bao gồm: chi phí hợp lý để hạn chế, khắc phục thiệt hại; thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút; thiệt hại khác do luật quy định; và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu.
4.2. Sử dụng hình ảnh cá nhân của người khác gây tổn thất tinh thần
Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận. Nếu không thỏa thuận được, mức tối đa cho một người có danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm không quá 10 lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định.
Ngoài ra, theo khoản 3 và khoản 8 Điều 34 Nghị định 38/2021/NĐ-CP về xử phạt vi phạm với hành vi quảng cáo có sử dụng hình ảnh của cá nhân khi chưa được cá nhân đó đồng ý: Người có hành vi vi phạm sẽ bị phạt tiền 20-40 triệu đồng với hành vi quảng cáo có sử dụng hình ảnh, lời nói, chữ viết của cá nhân khi chưa được cá nhân đó đồng ý, trừ trường hợp được pháp luật cho phép. Đồng thời, người vi phạm còn bị buộc tháo gỡ, tháo dỡ hoặc xóa quảng cáo với hành vi vi phạm trên.
Mức bồi thường bao gồm: Chi phí hợp lý để hạn chế, khắc phục thiệt hại; thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút; thiệt hại khác do luật quy định và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu.
Tổ chức, cá nhân có vi phạm trên sẽ bị xử lý hành chính với mức phạt 20-40 triệu đồng; đồng thời phải tháo gỡ, tháo dỡ hoặc xóa quảng cáo.