Quy định về lấy lời khai người làm chứng, bị hại

0

Lấy lời khai người làm chứng là biện pháp điều tra, theo đó, Điều tra viên thu thập chứng cứ bằng cách đưa ra các câu hỏi đối với người làm chứng, bị hại để yêu cầu họ cung cấp những thông tin mà họ biết về các tình tiết của vụ án cũng như về người phạm tội.

Thông tin về tội phạm xảy ra trong thực tế có thể được phản ánh dưới dạng tinh thần (trong ý thức của người làm chứng, bị hại).

Do đó, việc thu thập chứng cứ từ người làm chứng, bị hại có vai trò quan trọng trong việc thu thập chứng cứ nhằm xác định sự thật của vụ án và giải quyết vụ án hình sự. Chính vì vậy, tìm chứng cứ từ lời khai người làm chứng, bị hại cẩn có những biện pháp mang tính chiến thuật và tuân theo thủ tục luật định nhằm bảo đảm tính khách quan, hợp pháp của chứng cứ từ lời khai người làm chứng, bị hại.

Để lấy lời khai người làm chứng, Cơ quan điều tra phải triệu tập người làm chứng để lấy lời khai. Giấy triệu tập người làm chứng ghi rõ họ tên, chỗ ở hoặc nơi làm việc, học tập của người làm chứng; giờ, ngày, tháng, năm và địa điểm có mặt; mục đích và nội dung làm việc, thời gian làm việc; gặp ai và trách nhiệm về việc vắng mặt không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan.

Việc giao giấy triệu tập người làm chứng cũng được quy định chặt chẽ nhằm bảo đảm để Cơ quan điều tra thực hiện trách nhiệm phải triệu tập người làm chứng, thu thập chứng cứ đẩy đủ để giải quyết vụ án, đồng thời ràng buộc nghĩa vụ của người làm chứng phải đến làm chứng theo yêu cầu của Cơ quan điều tra. Cụ thể: Giấy triệu tập được giao trực tiếp cho người làm chứng hoặc thông qua chính quyền xã, phường, thị trấn nơi người làm chứng cư trú hoặc cơ quan, tổ chức nơi người làm chứng làm việc, học tập. Trong mọi trường hợp, việc giao giấy triệu tập phải được ký nhận. Chính quyền xã, phường, thị trấn nơi người làm chứng cư trú hoặc cơ quan, tổ chức nơi người làm chứng làm việc, học tập có trách nhiệm tạo điều kiện cho người làm chứng thực hiện nghĩa vụ; giấy triệu tập người làm chứng dưới 18 tuổi được giao cho cha, mẹ hoặc người đại diện khác của họ; việc giao giấy triệu tập người làm chứng theo ủy thác tư pháp của nước ngoài được thực hiện theo quy định tại khoản 3 Điều 185 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015Luật Tương trợ tư pháp năm 2007.

Hình minh họa. Quy định về lấy lời khai người làm chứng, bị hại

Làm chứng là nghĩa vụ của bất cứ ai biết thông tin về vụ án hình sự. Do đó, nếu người làm chứng cố tình không đến cung cấp thông tin về vụ án theo yêu cầu của Cơ quan điều tra sẽ bị áp dụng biện pháp cưỡng chế là dẫn giải. Việc dẫn giải người làm chứng tác động đến quyền tự do của con người nên cẩn phải tuân thủ các quy định chặt chẽ về dẫn giải theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự. Cụ thể: việc dẫn giải người làm chứng phải trên cơ sở quyết định dẫn giải của người có thẩm quyền. Việc thi hành quyết định dẫn giải phải thực hiện đúng thủ tục dẫn giải quy định tại khoản 2 Điều 127 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015.

Việc lấy lời khai người làm chứng có thể thực hiện ở trụ sở Cơ quan điều tra, nơi ở, nơi làm việc của người làm chứng. Nếu nhiều người làm chứng thì phải lấy lời khai riêng từng người, không để họ tiếp xúc với nhau trong quá trình lấy lời khai. Trước khi lấy lời khai, Điều tra viên, cán bộ điều tra phải giải thích cho người làm chứng biết quyền và nghĩa vụ của họ theo quy định tại Điều 66 của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015. Việc này phải ghi vào biên bản.

Trước khi hỏi về nội dung vụ án, Điều tra viên phải hỏi về mối quan hệ giữa người làm chứng với bị can, bị hại và những tình tiết khác về nhân thân của người làm chứng. Điều tra viên yêu cầu người làm chứng trình bày hoặc tự viết một cách trung thực và tự nguyện những gì họ biết về vụ án, sau đó mới đặt câu hỏi.

Việc lấy lời khai của người làm chứng phải được lập thành biên bản và có thể ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015.

Về thủ tục, việc lấy lời khai bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan cũng tuân theo các quy định như lấy lời khai người làm chứng.

4.9/5 - (99 bình chọn)

 
® 2024 LawFirm.Vn - Thông tin do LawFirm.Vn cung cấp không thay thế cho tư vấn pháp lý. Nếu bạn yêu cầu bất kỳ thông tin nào, bạn có thể nhận được cuộc gọi điện thoại hoặc email từ một trong những Quản lý của chúng tôi. Để biết thêm thông tin, vui lòng xem chính sách bảo mật, điều khoản sử dụng, chính sách cookie và tuyên bố miễn trừ trách nhiệm của chúng tôi.
Có thể bạn cũng thích
Để lại phản hồi

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công khai.