1. Khái niệm quy chế pháp lý hành chính của các tổ chức xã hội
Quy chế pháp lý hành chính của các tổ chức xã hội là tổng thể các quy định của quy phạm pháp luật quy định về quyền, nghĩa vụ của các tổ chức xã hội.
Pháp luật nước ta chưa có văn bản điều chỉnh chung về các tổ chức xã hội, mà được điều chỉnh ở nhiều văn bản như: Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Luật Công đoàn, Luật hanh niên, Luật Luật sư, v.v. Nghị định số 45/2010/NĐ-CP ngày 21/4/2010 của Chính phủ quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý hội.
Tùy thuộc vào vị trí, vai trò của các loại tổ chức xã hội trong đời sống chính trị – xã hội mà pháp luật có quy định khác nhau đối với từng loại tổ chức xã hội, chẳng hạn như tại Điều 10 Hiến pháp năm 2013 quy định: Công đoàn Việt Nam là tổ chức chính trị – xã hội của giai cấp công nhân và của người lao động được thành lập trên cơ sở tự nguyện, đại diện cho người lao động, chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động; tham gia quản lý nhà nước, quản lý kinh tế – xã hội; tham gia kiểm tra, thanh tra, giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp về những vấn đề liên quan đến quyền, nghĩa vụ của người lao động; tuyên truyền, vận động người lao động học tập, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp, chấp hành pháp luật, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
2. Nội dung quy chế pháp lý hành chính của các tổ chức xã hội
2.1. Quyền và nghĩa vụ của tổ chức xã hội trong việc hợp tác với cơ quan nhà nước
Trong mối quan hệ giữa Đảng Cộng sản Việt Nam với Nhà nước thì Đảng đóng vai trò lãnh đạo, đường lối của Đảng được thể chế hóa thành pháp luật. Đảng lựa chọn, giới thiệu các Đảng viên ưu tú vào các chức vụ của Nhà nước.
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chủ trì trong việc hiệp thương với các tổ chức xã hội khác để giới thiệu người ra ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân. Đại diện Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên là những thành viên trong các tổ chức bầu cử. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam còn có quyền đề nghị các cơ quan quyền lực nhà nước bãi nhiệm các đại biểu không xứng đáng đồng thời tham gia việc bãi nhiệm đó. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam còn có quyền giới thiệu người để Hội đồng nhân dân bầu làm Hội thẩm nhân dân của Tòa án nhân dân cùng cấp.
2.2. Quyền và nghĩa vụ của các tổ chức xã hội trong quá trình xây dựng pháp luật
Đoàn Chủ tịch Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp với Ủy ban thường vụ Quốc hội hoặc Chính phủ ban hành văn bản quy phạm pháp luật với tên gọi là Nghị quyết liên tịch.
Các tổ chức xã hội có quyền sáng kiến pháp luật, tức là quyền đưa ra những kiến nghị hoặc trực tiếp trình dự án luật trước các cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Đối với các văn bản pháp luật liên quan đến lợi ích và hoạt động của các tổ chức xã hội thì cần phải tham khảo ý kiến của các tổ chức xã hội, chẳng hạn như tại Điều 12 Luật Công đoàn năm 2012 quy định: Công đoàn tham gia với cơ quan nhà nước xây dựng chính sách, pháp luật về kinh tế – xã hội, lao động, việc làm, tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hộ lao động, chính sách pháp luật khác liên quan đến tổ chức Công đoàn, quyền, nghĩa vụ của người lao động.
2.3. Quyền và nghĩa vụ của tổ chức xã hội trong lĩnh vực thực hiện pháp luật
Các tổ chức xã hội tuyên truyền, giáo dục ý thức pháp luật nâng cao ý thức pháp luật của các thành viên trong tổ chức mình và nhân dân nói chung. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Công đoàn, Đoàn thanh niên, v.v. đóng vai trò lớn trong việc phát động các phong trào quần chúng, tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tổ chức các phong trào thi đua, các chiến dịch tình nguyện, hội thảo khoa học về các vấn đề của đời sống xã hội, về bảo vệ môi trường, v.v..
Các tổ chức xã hội có quyền kiểm tra, giám sát việc thực hiện pháp luật của các cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân; có quyền đưa ra các ý kiến đóng góp với cơ quan nhà nước khắc phục những yếu kém trong quản lý nhà nước nhằm nâng cao hiệu quả quản lý.