1. Các quan niệm về thuế
1.1. Quan niệm cổ điển về thuế
Theo quan niệm cổ điển về thuế, các học giả cổ điển cho rằng bản chất của thuế được thể hiện rõ nhất ở bốn điểm sau:
– Thuế là khoản trích nộp bằng tiền của tổ chức, cá nhân cho nhà nước;
– Thuế là khoản đóng góp bắt buộc dựa trên quyền lực nhà nước;
– Thuế là khoản thu không có hoàn trả;
– Thuế là khoản thu không có đối khoản trực tiếp.
Quan niệm cổ điển và các đặc điểm này vẫn tiếp tục được thừa nhận trong xã hội ngày nay, dù rằng quan niệm này hiện tại đã có nhiều thay đổi. Có thể nhận thấy điểm hạn chế lớn nhất của quan niệm cổ điển về thuế chính là ở chỗ nó đã tuyệt đối hoá vai trò của quyền lực nhà nước trong việc xác lập và hành thu thuế, trên cơ sở nhấn mạnh tính cưỡng chế và bắt buộc, tính không hoàn trả của thuế. Ngược lại, quan điểm này coi nhẹ vai trò và địa vị kinh tế, thành phần xã hội của người nộp thuế trong quan hệ nộp thuế với nhà nước.
1.2. Quan niệm hiện đại về thuế
Kế thừa những nhân tố hợp lý của học thuyết cổ điển về thuế, các học giả của học thuyết thuế hiện đại đã và đang cố gắng đi tìm những chân lý mới cho sự tồn tại và phát triển của thuế trong xã hội đương đại. Trái với những gì mà các học thuyết cổ điển chủ trương theo hướng phê phán chế độ thuế, các học thuyết hiện đại về thuế lại tìm cách khẳng định vai trò không thể phủ nhận của thuế trong địa hạt kinh tế và địa hạt xã hội. Những ví dụ điển hình cho các học thuyết thuế hiện đại là học thuyết về thuế-trao đổi và sau đó là học thuyết về thuế-đoàn kết. Trong lịch sử học thuyết thuế, ngoài hai học thuyết cơ bản nói trên về thuế hiện đại, người ta còn biết đến một học thuyết khác về thuế, với tên gọi là học thuyết về thuế-bù đắp.
2. Bản chất của thuế
C.Mác đã viết “Thuế là cơ sở kinh tế của bộ máy nhà nước, là thủ đoạn đơn giản để kho bạc thu được tiền hay tài sản của người dân để để dùng vào việc chi tiêu của nhà nước”
Ăng ghen cũng đã viết “ Để duy trì quyền lực công cộng, cần phải có sự đóng góp của công dân cho nhà nước, đó là thuế” Thuế là một hình thức phân phối thu nhập tài chính của nhà nước để thực hiện chức năng của mình, dựa vào quyền lực chính trị, tiến hành phân phối sản phẩm thặng dư của xã hội một cách cưỡng chế và không hoàn lại.
Thuế là một khoản nộp bắt buộc mà các thể nhân và pháp nhân có nghĩa vụ phải thực hiện đối với Nhà nước, phát sinh trên cơ sở các văn bản pháp luật do Nhà nước ban hành, không mang tính chất đối giá và hoàn trả trực tiếp cho đối tượng nộp thuế.
Bản chất của thuế được thể hiện ở những khía cạnh sau đây:
Một là, sự ra đời và tồn tại của thuế gắn liền với sự phân chia xã hội thành các giai cấp đối kháng và sự xuất hiện của Nhà nước – pháp luật.
Hai là, thuế do cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất ban hành. Ðây là nguyên tắc sớm được ghi nhận trong pháp luật của các nước. Chẳng hạn ở nước Anh đạo Luật về dân quyền năm 1688 quy định: cấm mọi sự thu thuế để dùng vào việc chi tiêu của Nhà nước nếu không được Quốc hội chấp thuận. ở Pháp, Quốc hội Pháp quy định: bất cứ một khoản thuế nào nếu không được Quốc hội chấp thuận thì không được áp dụng. Hiến pháp của nước Cộng hoà Pháp năm 1791 quy định Quốc hội Pháp có quyền biểu quyết và định đoạt các Luật thuế.
Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam quy định: Quốc hội có nhiệm vụ và quyền hạn quy định, sửa đổi hoặc bãi bỏ các Luật thuế. Tuy vậy, do yêu cầu điều chỉnh các quan hệ pháp luật về thuế, Quốc hội có thể giao cho Uớy ban Thường vụ Quốc hội quy định, sửa đổi hoặc bãi bỏ một số loại thuế thông qua hình thức ban hành Pháp lệnh hoặc Nghị quyết về thuế.
Ba là, thuế là khoản nộp mang tính nghĩa vụ bắt buộc của các pháp nhân và thể nhân đối với Nhà nước không mang tính đối giá hoàn trả trực tiếp
Bốn là, thuế là công cụ phản ánh quan hệ phân phối lại của cải vật chất dưới hình thức giá trị giữa Nhà nước với các chủ thể khác trong xã hội
Trên cơ sở bản chất của thuế, có thể rút ra những đặc điểm của thuế như sau:
– Thuế là khoản thu bắt buộc vào ngân sách nhà nước;
– Thuế gắn với yếu tố quyền lực;
– Thuế không mang tính đối giá và hoàn trả trực tiếp.