Quản lý công trình kiến trúc có giá trị

0

Ngay từ buổi đầu lập nước, trải qua nhiều thăng trầm lịch sử, ông cha ta đã xây dựng và để lại được rất nhiều công trình kiến trúc có giá trị vượt thời gian, thể hiện sự sáng tạo và nét văn hóa truyền thống của người Việt qua nhiều năm hun đúc và phát triển. Các công trình ấy là các di sản vô giá của dân tộc và vấn đề quản lý công trình kiến trúc có giá trị cũng ngày càng được quan tâm nhiều hơn. Và qua bài viết này, LawFirm.Vn sẽ phân tích các quy định của Luật kiến trúc 2019 và Nghị định 85/2020/NĐ-CP liên quan đến vấn đề trên.

1. Khái niệm

Công trình kiến trúc có giá trị là công trình kiến trúc tiêu biểu, có giá trị về kiến trúc, lịch sử, văn hóa, nghệ thuật được cấp có thẩm quyền phê duyệt. (khoản 5 Điều 3 Luật Kiến trúc 2019)

2. Quản lý công trình kiến trúc có giá trị

Theo Điều 13 Luật Kiến trúc 2019 quy định về quản lý công trình kiến trúc có giá trị như sau:

– Công trình kiến trúc có giá trị đã được xếp hạng di tích lịch sử – văn hóa được quản lý theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa.

– Công trình kiến trúc có giá trị không thuộc quy định tại khoản 1 Điều này được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh rà soát, đánh giá hằng năm, lập danh mục công trình kiến trúc có giá trị để tổ chức quản lý.

– Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức lấy ý kiến hội đồng tư vấn về kiến trúc cấp tỉnh, tổ chức, cá nhân liên quan trong quá trình lập danh mục công trình kiến trúc có giá trị quy định tại khoản 2 Điều này trước khi phê duyệt.

– Chủ sở hữu, người sử dụng công trình kiến trúc thuộc danh mục công trình kiến trúc có giá trị có quyền và nghĩa vụ sau đây:

+ Được thụ hưởng lợi ích từ việc bảo vệ, giữ gìn, tu bổ và khai thác công trình;

+ Được Nhà nước xem xét hỗ trợ kinh phí bảo vệ, giữ gìn, tu bổ công trình;

+ Bảo vệ, giữ gìn, tu bổ các giá trị kiến trúc của công trình; bảo đảm an toàn của công trình trong quá trình khai thác, sử dụng;

+ Không tự ý thay đổi hình thức kiến trúc bên ngoài, kết cấu và khuôn viên của công trình;

+ Khi phát hiện công trình có biểu hiện xuống cấp về chất lượng, có kết cấu kém an toàn cần thông báo kịp thời cho chính quyền địa phương.

– Chính phủ quy định chi tiết tiêu chí đánh giá, phân loại công trình kiến trúc có giá trị; trình tự, thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh danh mục công trình kiến trúc có giá trị.

Hình minh họa. Quản lý công trình kiến trúc có giá trị

3. Tiêu chí đánh giá công trình kiến trúc có giá trị

Điều 3 Mục 1, chương II của Nghị định 85/2020/NĐ-CP quy định về tiêu chí đánh giá công trình kiến trúc có giá trị như sau:

– Tiêu chí về giá trị nghệ thuật kiến trúc, cảnh quan, gồm các yếu tố sau:

+ Tiêu biểu cho một loại hình kiến trúc, phong cách kiến trúc;

+ Giá trị nghệ thuật kiến trúc của bản thân công trình và tổng thể không gian trong phạm vi khuôn viên công trình;

+ Giá trị gắn liền với cảnh quan, đóng góp vào cảnh quan chung đô thị, danh lam thắng cảnh, cảnh quan thiên nhiên;

+ Giá trị về kỹ thuật, công nghệ xây dựng, sử dụng vật liệu xây dựng.

– Tiêu chí về giá trị lịch sử, văn hóa, gồm các yếu tố sau:

+ Tiêu biểu cho giai đoạn lịch sử;

+ Gắn với đặc điểm, tính chất tiêu biểu về văn hóa của địa phương;

+ Niên đại xây dựng, tuổi thọ công trình.

– Bảng tính điểm đánh giá công trình kiến trúc có giá trị quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này.

4. Phân loại công trình kiến trúc có giá trị

Điều 4 Mục 1, chương II của Nghị định 85/2020/NĐ-CP quy định về phân loại công trình kiến trúc có giá trị như sau:

– Công trình kiến trúc có giá trị được phân thành 03 loại:

Loại I khi đáp ứng hai tiêu chí về giá trị nghệ thuật kiến trúc, cảnh quan và tiêu chí về giá trị lịch sử, văn hóa; tiêu chí về giá trị nghệ thuật kiến trúc, cảnh quan phải đạt từ 80 điểm trở lên. Loại II khi đáp ứng hai tiêu chí; loại III khi đáp ứng một trong hai tiêu chí trên.

Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây viết tắt là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh) căn cứ quy định tại khoản 1 Điều này phân loại và quyết định biện pháp, kinh phí thực hiện để quản lý, bảo vệ và phát huy các giá trị của công trình kiến trúc.

5. Trình tự lập, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh danh mục công trình kiến trúc có giá trị

Điều 5 Mục 1, chương II của Nghị định 85/2020/NĐ-CP quy định về trình tự lập, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh danh mục công trình kiến trúc có giá trị như sau:

– Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phân cấp, ủy quyền cho cơ quan chuyên môn về kiến trúc thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc Ủy ban nhân dân cấp huyện lập, điều chỉnh danh mục công trình kiến trúc có giá trị.

– Lập danh mục công trình kiến trúc có giá trị:

+ Cơ quan lập danh mục công trình kiến trúc có giá trị chủ trì, phối hợp với cơ quan chuyên môn về văn hóa thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Ủy ban nhân dân cấp huyện tổ chức rà soát, đánh giá hồ sơ tư liệu công trình kiến trúc để lập danh mục công trình kiến trúc có giá trị trên địa bàn, trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt.

+ Trường hợp tổ chức, cá nhân có đề xuất đưa công trình kiến trúc vào danh mục công trình kiến trúc có giá trị thì gửi yêu cầu bằng văn bản kèm theo hồ sơ tư liệu công trình kiến trúc tới cơ quan chuyên môn về kiến trúc thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh để rà soát, đánh giá.

+ Hồ sơ tư liệu công trình kiến trúc, gồm nội dung về lịch sử và đánh giá giá trị của công trình; các hình ảnh hiện trạng kiến trúc và hình ảnh lịch sử công trình (nếu có); các bản vẽ tổng mặt bằng, mặt bằng các tầng, các mặt đứng và các mặt cắt; hình ảnh và bản vẽ mô tả các chi tiết trang trí (nếu có) và làm rõ các giá trị công trình.

+ Hồ sơ danh mục công trình kiến trúc có giá trị gồm: dự thảo Tờ trình; danh mục công trình kiến trúc có giá trị và phụ lục kèm theo; thuyết minh về các nội dung đề xuất trong danh mục; hồ sơ tư liệu của từng công trình kiến trúc và tài liệu liên quan kèm theo; đề xuất biện pháp quản lý bảo vệ, phát huy các giá trị kiến trúc của công trình, kinh phí thực hiện.

+ Cơ quan lập danh mục công trình kiến trúc có giá trị tổ chức lấy ý kiến bằng văn bản của Hội đồng tư vấn về kiến trúc cấp tỉnh, các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đối với hồ sơ tư liệu công trình kiến trúc và danh mục công trình kiến trúc có giá trị theo quy định tại khoản 3 Điều 13 của Luật Kiến trúc trong thời gian tối thiểu 15 ngày đối với cơ quan, 30 ngày đối với tổ chức, cá nhân có liên quan.

– Thẩm định danh mục công trình kiến trúc có giá trị:

+ Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thành lập Hội đồng thẩm định danh mục công trình kiến trúc có giá trị. Thành phần Hội đồng thẩm định gồm đại diện cơ quan quản lý nhà nước, hội nghề nghiệp, các chuyên gia lĩnh vực kiến trúc, văn hóa và các tổ chức, cá nhân có liên quan.

+ Hội đồng thẩm định danh mục công trình kiến trúc có giá trị theo tiêu chí đánh giá, phân loại quy định tại Điều 3, Điều 4 của Nghị định này.

– Cơ quan lập danh mục công trình kiến trúc có giá trị căn cứ kết quả thẩm định tiếp thu, giải trình và hoàn chỉnh hồ sơ, trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt danh mục công trình kiến trúc có giá trị.

– Thời gian thẩm định danh mục công trình kiến trúc có giá trị tối đa 20 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, thời gian phê duyệt danh mục công trình kiến trúc có giá trị tối đa 15 ngày kể từ ngày có đủ hồ sơ hoàn thiện theo kết quả thẩm định.

– Điều chỉnh danh mục công trình kiến trúc có giá trị:

+ Cơ quan lập danh mục công trình kiến trúc có giá trị rà soát, đánh giá các công trình kiến trúc có giá trị trên địa bàn hằng năm, báo cáo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định điều chỉnh danh mục công trình kiến trúc có giá trị phù hợp tình hình, điều kiện thực tế.

+ Nội dung cần điều chỉnh trong danh mục công trình kiến trúc có giá trị phải được lấy ý kiến, thẩm định, phê duyệt theo trình tự, thời gian quy định tại điểm đ khoản 1, khoản 2, khoản 3, khoản 4, khoản 5 Điều này; nội dung không điều chỉnh của danh mục đã được phê duyệt vẫn giữ nguyên giá trị pháp lý.

Kết luận: Như vậy, qua bài viết trên, LawFirm.Vn đã liệt kê các nội dung liên quan đến việc quản lý công trình kiến trúc có giá trị được quy định tại Luật Kiến trúc 2019. Việc quản lý các công trình có ý nghĩa quan trọng đối với mỗi quốc gia tạo nên nét đặc trưng bản sắc dân tộc.

4.7/5 - (98 bình chọn)

 
® 2024 LawFirm.Vn - Thông tin do LawFirm.Vn cung cấp không thay thế cho tư vấn pháp lý. Nếu bạn yêu cầu bất kỳ thông tin nào, bạn có thể nhận được cuộc gọi điện thoại hoặc email từ một trong những Quản lý của chúng tôi. Để biết thêm thông tin, vui lòng xem chính sách bảo mật, điều khoản sử dụng, chính sách cookie và tuyên bố miễn trừ trách nhiệm của chúng tôi.
Có thể bạn quan tâm
Để lại câu trả lời

Trường "Địa chỉ email" của bạn sẽ không được công khai.