Phương pháp luận của tội phạm học
1. Khái niệm phương pháp luận của tội phạm học
Tội phạm học có đối tượng nghiên cứu phức tạp. Kết quả nghiên cứu có sự phụ thuộc vào phương pháp luận. Về mặt ngữ nghĩa, phương pháp luận là lý luận về phương pháp. Một hệ thống lý luận với các khái niệm, nguyên tắc, phạm trù nhận thức có vai trò định hướng chủ thể nghiên cứu tiếp cận, lý giải, đánh giá về đối tượng nghiên cứu, đó là phương pháp luận. Một phương pháp luận khoa học đòi hỏi ở nó tính khoa học, khách quan và toàn diện để có thể dựa vào đó nghiên cứu tội phạm học một cách đúng đắn. Phương pháp luận của tội phạm học có thể là những thành tựu lý luận của triết học, chính trị học, xã hội học, tâm lý học, sinh vật học...
Mặc dù không chính thức gọi là phương pháp luận, những tư tưởng của nhà xã hội học Pháp, Auguste Comte (1798 – 1857), trong việc sử dụng các phương pháp hiện đại của khoa học tự nhiên để nghiên cứu xã hội học và học thuyết tiến hóa của Charles Darwin (1809 – 1882) đã ảnh hưởng đến quan điểm của nhà tội phạm học thực chứng Cesare Lombroso (1835 – 1909). Comte đã khẳng định rằng không thể có một tri thức tin cậy về hiện tượng xã hội trừ khi nó được dựa trên một cách tiếp cận thực chứng (khoa học)”. Lombroso đã tiếp cận người phạm tội một cách trực tiếp bằng phương pháp quan sát, đo đạc, so sánh kích thước bề ngoài của họ để đưa ra kết luận về dấu hiệu của người phạm tội bẩm sinh. Mặt khác, trong tác phẩm Nguồn gốc của giống loài (Origin of Species) năm 1859, Darwin cho rằng giống loài đã tiến hóa thông qua quá trình biến đổi thích nghi, chọn lọc tự nhiên và đấu tranh sinh tồn. Năm 1871 ông lại cho xuất bản quyển sách thứ hai chứng minh rằng loài người có nguồn gốc từ một loại động vật bậc cao. Chính vì thế, Lombroso đã khẳng định người phạm tội là một dạng thấp hơn của loài người, gần với tổ tiên loài người, có đặc điểm thể chất của giống loài ở giai đoạn đầu thời kỳ phát triển trước khi họ trở thành con người toàn diện. Rõ ràng, Auguste Comte với Triết học thực chứng và Charles Darwin với Học thuyết tiến hóa không phải là những nhà tội phạm học. Lombroso đã kết hợp chủ nghĩa thực chứng của Comte và học thuyết tiến hóa của Darwin cùng với những nghiên cứu tiên phong khác về mối quan hệ giữa tội phạm và cơ thể con người, đã cho ra đời tác phẩm Con người phạm tội (The Criminal Man) vào năm 1876 ”. Đây là một trong những tác phẩm làm nên học thuyết tội phạm học – thuyết tội phạm bẩm sinh (born criminal Theory).
Một học thuyết khác ở lĩnh vực tâm lý học cũng có ảnh hưởng đến sự hình thành, phát triển trường phái tâm lý trong tội phạm học, đó là Phân tâm học (Psychoanalytic psychology) của thầy thuốc người Áo chuyên chữa bệnh thần kinh, Sigmund Freud (1856 – 1939). Freud không dành nhiều thời gian để tạo ra lý thuyết về tội phạm”. Chính Freud cũng định nghĩa “... Phân tâm học là một phương pháp y học chữa trị những bệnh thần kinh...” trong “Phân tâm học nhập môn” (1916)^. Thế nhưng Phân tâm học của ông với hệ thống lý thuyết về cấu trúc tinh thần (mind), bao gồm ý thức (conscious), tiền ý thức (preconscious) và vô thức (unconscious) cùng với cấu trúc nhân cách (personality), bao gồm bản năng (id), bản ngã (ego) và siêu ngã (superego) có thể áp dụng để lý giải cơ chế hình thành hành vi phạm tội ở khía cạnh tâm lý. Ví dụ, với tất cả ba phần của nhân cách, con người từ hoạt động đến kiểm soát hành vi. Trong đó, bản năng (id) có thể yêu cầu một sự thỏa mãn, chẳng hạn tình dục tiền hôn nhân, cái siêu ngã (superego) cảnh báo cảm giác tội lỗi vì sự thèm muốn đó; cái ngã (ego) có thể thỏa hiệp, dàn xếp, chẳng hạn họ có thể hoạt động tình dục nhưng không nên đi “quá xa” hoặc đại loại như vậy, vì có thể gặp rắc rối”.
Từ những nhận thức trên cho thấy phương pháp nghiên cứu nói chung và phương pháp luận nói riêng cũng là một trong những vấn đề cần được làm sáng tỏ khi tìm hiểu tội phạm học. Lịch sử tội phạm học cho thấy các kết quả nghiên cứu có sự khác nhau, hình thành các trường phái (học thuyết) tội phạm học khác nhau, lý do một phần là các nhà nghiên cứu có quan điểm tiếp cận, đánh giá đối tượng nghiên cứu khác nhau. Trước đây, có ý kiến phê phán phương pháp luận trong tội phạm tư sản: “Đặc trưng nổi bật nhất trong phương pháp luận của tội phạm học tư sản là không có một phương pháp luận thống nhất cho việc nghiên cứu những vấn đề của tội phạm học. Đặc điểm của phương pháp luận của tội phạm học tư sản là tính đa nguyên và tính chiết trung, tức là có sự kết hợp của những quan điểm triết học khác nhau, đôi khi đối lập nhau,...”. Trong khi đó, việc xây dựng tội phạm học xã hội chủ nghĩa đã được dựa trên những luận điểm của chủ nghĩa duy vật biện chứng và chủ nghĩa duy vật lịch sử (chủ nghĩa Mác – Lênin)”. C. Mác, Ph. Ăngghen, VILênin không phải là người xây dựng nên học thuyết về tội phạm học xã hội chủ nghĩa, nhưng các ông đã tạo các tiền đề, cơ sở lý luận cần thiết cho ngành khoa học này.
Như vậy, có thể hiểu phương pháp luận của tội phạm học là hệ thống các khái niệm, nguyên tắc, phạm trù nhận thức cho phép chủ thể nghiên cứu tiếp cận, lý giải, đánh giá về những vấn đề mà tội phạm học nghiên cứu.
2. Phương pháp luận của tội phạm học Việt Nam
Ở Việt Nam hiện nay, chủ nghĩa duy vật biện chứng và chủ nghĩa duy vật lịch sử cùng với các nguyên tắc, phạm trù nhận thức của nó có vai trò định hướng nghiên cứu các sự vật, hiện tượng trong tự nhiên, trong xã hội và trong tư duy, trong đó có những hiện tượng thuộc đối tượng nghiên cứu của tội phạm học. Hay nói cách khác, tội phạm học Việt Nam sử dụng hệ thống các khái niệm, nguyên tắc, quy luật, phạm trù của chủ nghĩa duy vật biện chứng và chủ nghĩa duy vật lịch sử làm phương pháp luận.
Trước hết, theo của chủ nghĩa duy vật biện chứng, mà cụ thể là nguyên lý về mối liên hệ phổ biến của sự vật, hiện tượng, tội phạm học Việt Nam khẳng định sự tồn tại khách quan của tình hình tội phạm và mối liên hệ, tác động qua lại giữa tình hình tội phạm với các hiện tượng xã hội khác. Chỉ khi nào đặt tình hình tội phạm trong mối quan hệ với những hiện tượng kinh tế, xã hội đang tồn tại để nghiên cứu thì mới có thể hiểu đúng bản chất, quy luật của tình hình tội phạm.
Với nguyên lý về sự phát triển của sự vật, hiện tượng, thì tình hình tội phạm không phải là hiện tượng tồn tại bất biến, mà nó hình thành, phát triển từ trạng thái này sang trạng thái khác. Sự vận động, thay đổi của tình hình tội phạm ở khía cạnh lượng – chất là quy luật khách quan của tình hình tội phạm. Quy luật mâu thuẫn và quy luật phủ định của phủ định của phép biện chứng duy vật là cơ sở để nhận thức nguyên nhân khách quan của sự thay đổi và cách thức thay đổi của tình hình tội phạm.
Mặt khác, trên cơ sở cặp phạm trù cái chung – cái riêng, cặp phạm trù nội dung – hình thức, cặp phạm trù nhân – quả, tội phạm học Việt Nam chỉ rõ mối quan hệ biện chứng giữa tình hình tội phạm – loại tội phạm tội phạm cụ thể, mối quan hệ giữa bản chất và các hình thức biểu hiện của tình hình tội phạm, mối quan hệ giữa tình hình tội phạm với những hiện tượng làm phát sinh ra nó...
Chủ nghĩa duy vật lịch sử định hướng tiếp cận lịch sử về tình hình tội phạm và con người phạm tội. Tình hình tội phạm xuất hiện, thay đổi, tiêu vong gắn với hoàn cảnh, sự kiện lịch sử cụ thể. Nó có nguyên nhân sâu xa từ những xung đột về lợi ích trong xã hội có mâu thuẫn giai cấp. VI. Lênin đã chỉ rõ: “Chúng ta biết rằng, nguyên nhân xã hội cơ bản của tội phạm, cần phải tìm trong sự bóc lột quần chúng, trong sự bần cùng hóa và sự đói nghèo của họ. Cùng với sự thanh toán các nguyên nhân chủ yếu này, tình hình tội phạm ắt sẽ bắt đầu tiêu vong”?”. Tình hình tội phạm còn phản ánh điều kiện vật chất xã hội với một hệ tư tưởng chính trị, pháp lý tương ứng. Con người phạm tội được tội phạm học nghiên cứu là con người cụ thể, là sản phẩm xã hội, của lịch sử, giai cấp, văn hóa, tôn giáo, truyền thống,..
Như vậy, chủ nghĩa duy vật biện chứng và chủ nghĩa duy vật lịch sử mà cụ thể là hệ thống các khái niệm, quy luật, phạm trù của nó có vai trò là nền tảng tư tưởng để nghiên cứu tội phạm học ở Việt Nam.