Phương pháp điều chỉnh của một ngành luật là tổng hợp các cách thức tác động của ngành luật đó lên các quan hệ xã hội thuộc đối tượng điều chỉnh của ngành luật đó.
Phương pháp điều chỉnh của một ngành luật phụ thuộc trước hết vào tính chất, nội dung của quan hệ xã hội mà ngành luật đó điều chỉnh.
Về cơ bản, pháp luật thi hành án hình sự sử dụng những phương pháp điều chỉnh sau:
1. Phương pháp quyền uy
Phương pháp này là một dạng biểu hiện của phương pháp mệnh lệnh – phục tùng. Đặc trưng của phương pháp này là sự bất bình đẳng giữa các bên tham gia quan hệ đó và khả năng cưỡng chế thực hiện tối đa. Phương pháp này được sử dụng để điều chỉnh mối quan hệ giữa Nhà nước (thông qua các cơ quan đại diện) với người phải chấp hành án hình sự. Nhà nước áp dụng các biện pháp cưỡng chế buộc người chấp hành án thực hiện các nội dung được quy định trong bản án, quyết định hình sự đã có hiệu lực pháp luật mà không phụ thuộc vào ý chí của người phải chấp hành án hay của bất kỳ cơ quan, tổ chức, cá nhân nào.
2. Phương pháp mệnh lệnh hành chính
Trong quá trình thi hành án hình sự, thường xuyên phát sinh các quan hệ điều hành và chấp hành giữa nhiều loại chủ thể khác nhau trong việc tổ chức thực hiện và thực hiện các nội dung của bản án hình sự. Trong trường hợp này, phương pháp điều chỉnh là mệnh lệnh – phục tùng nhưng không phải là phương pháp quyền uy, mà là phương pháp mệnh lệnh hành chính.
3. Phương pháp phối, kết hợp
Nội dung của phương pháp này là các cơ quan có trách nhiệm phối hợp với nhau để thi hành trên cơ sở quy định của pháp luật nhằm thực hiện nhiệm vụ chung.
Đây là phương pháp được sử dụng rỗng rãi trong các quan hệ gữa các cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân trong quá trình thi hành án hình sự. Ví dụ: sự phối hợp giữa cơ quan Kiểm sát với cơ quan quản lý trại giam để đảm bảo hiệu quả thi hành án phạt tù.
Từ những phân tích trên, có thể định nghĩa một cách khái quát pháp luật thi hành án hình sự như sau: Pháp luật thi hành án hình sự là một ngành luật trong hệ thống pháp luật Việt Nam, gồm tổng hợp các quy phạm pháp luật do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành, điều chỉnh các quan hệ xã hội phát sinh trong lĩnh vực thi hành các bản án, quyết định hình sự của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật.
Xem thêm: Đối tượng điều chỉnh của pháp luật thi hành án hình sự Việt Nam