Phát hành chứng khoán là gì? Đặc điểm của hoạt động phát hành chứng khoán
1. Khái niệm phát hành chứng khoán là gì?
Phát hành chứng khoán là hoạt động chào bán chứng khoán để thu hút vốn, nhằm thoả mãn nhu cầu về vốn của chủ thể phát hành. Chủ thể phát hành chứng khoán rất đa dạng và có thể là Chính phủ Trung ương, chính quyền địa phương và các doanh nghiệp.
2. Đặc điểm của hoạt động phát hành chứng khoán
Từ định nghĩa trên có thể thấy, phát hành chứng khoán có một số đặc điểm giúp ta phân biệt với hoạt động phát hành các loại giấy tờ khác.
Một là, phát hành chứng khoán được thực hiện bởi một số chủ thể nhất định. Chính phủ (cả ở cấp Trung ương và địa phương) thường phát hành chứng khoán dưới dạng trái phiếu chính phủ hoặc tín phiếu kho bạc để huy động vốn khi có nhu cầu. Các doanh nghiệp có thể phát hành chứng khoán dưới dạng cổ phiếu hoặc trái phiếu hoặc cả cổ phiếu và trái phiếu, tuỳ thuộc vào loại hình doanh nghiệp. Không phải tất cả các doanh nghiệp đều được phát hành chứng khoán mà quyền phát hành thường chỉ dành cho công ty cổ phần và công ty trách nhiệm hữu hạn. Công ty cổ phần có quyền phát hành cả cổ phiếu và trái phiếu; Còn công ty trách nhiệm hữu hạn chỉ có quyền phát hành trái phiếu.
Hai là, phát hành chứng khoán là hoạt động được tiến hành để huy động vốn nhằm thoả mãn nhu cầu về vốn của chủ thể phát hành. Đối với chủ thể phát hành là chính phủ, phát hành chứng khoán có khả năng giúp chính phủ thu hút được nguồn vốn lớn từ khắp nơi trên toàn quốc để thoả mãn nhu cầu chi tiêu của mình mà không phải dùng đến những biện pháp tạo tiền có nguy cơ dẫn đến lạm phát. Đối với các doanh nghiệp, phát hành chứng khoán giúp các doanh nghiệp trực tiếp huy động vốn từ các chủ thể có nguồn vốn nhàn rỗi để thoả mãn nhu cầu vốn kinh doanh mà không bị lệ thuộc quá nhiều vào vốn tín dụng ngân hàng và giảm bớt được khâu trung gian trong huy động vốn, qua đó doanh nghiệp tiết kiệm được chi phí trong quá trình huy động vốn.