Phân loại chứng cứ trong tố tụng hình sự
Phân loại chứng cứ là phân chứng cứ thành các nhóm trên cơ sở các căn cứ khác nhau nhằm mục đích nhất định. Việc phân loại chứng cứ có ý nghĩa quan trọng trong hoạt động xây dựng các quy định của pháp luật tố tụng hình sự cũng như thực tiễn chứng minh vụ án hình sự.
Từ góc độ lập pháp tố tụng hình sự, việc phân loại chứng cứ giúp cho các nhà làm luật quy định trình tự, thủ tục thu thập từng loại chứng cứ, giá trị chứng minh của chúng để từ đó quy định phương pháp kiểm tra, đánh giá phù hợp, bảo đảm tính chính xác, khách quan của quá trình chứng minh.
Từ góc độ hoạt động chứng minh, việc phân loại chứng cứ giúp cho cơ quan tiến hành tố tụng tuân thủ các quy định của pháp luật về thu thập, kiểm tra, đánh giá chứng cứ, lựa chọn phương pháp chứng minh, xác định đúng giá trị chứng minh và sử dụng hợp lý từng loại chứng cứ thu thập được trong quá trình chứng minh vụ án cụ thể.
Trong khoa học luật tố tụng hình sự Việt Nam có nhiều cách phân loại chứng cứ dựa trên các căn cứ khác nhau bao gồm chứng cứ trực tiếp và chứng cứ gián tiếp, chứng cứ buộc tội và chứng cứ gỡ tội, chứng cứ gốc và chứng cứ thuật lại (chứng cứ sao chép lại)…
1. Chứng cứ trực tiếp và chứng cứ gián tiếp
Chứng cứ được phân thành chứng cứ trực tiếp và chứng cứ gián tiếp trên cơ sở mối liên hệ giữa chứng cứ với đối tượng chứng minh. Đồng thời do mối liên hệ với đối tượng chứng minh của chứng cứ trực tiếp và chứng cứ gián tiếp khác nhau nên giá trị chứng minh của chúng cũng khác nhau.
1.1. Chứng cứ trực tiếp
Chứng cứ trực tiếp là chứng cứ liên quan trực tiếp đến đối tượng chứng minh, chứng cứ xác định đối tượng chứng minh. Thông qua chứng cứ trực tiếp có thể xác định ngay được những vấn đề cần phải chứng minh được quy định tại Điều 85 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015. Bằng chứng cứ trực tiếp, cơ quan tiến hành tố tụng có thể chứng minh được ngay hành vi phạm tội, người thực hiện tội phạm, lỗi của người phạm tội, động cơ, mục đích phạm tội, các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, các yếu tố nhân thân và các tình tiết khác có ý nghĩa đối với việc giải quyết vụ án.
Do có quan hệ trực tiếp đến đối tượng chứng minh cho nên chứng cứ trực tiếp có giá trị chứng minh rất cao. Tuy nhiên, lời nhận tội của bị can, bị cáo không được sử dụng làm chứng cứ duy nhất để buộc tội. Chứng cứ trực tiếp có giá trị chứng minh độc lập.
Chứng cứ trực tiếp có thể được rút ra từ các nguồn khác nhau như lời khai của người bị bắt, bị tạm giữ, bị can, bị cáo, người làm chứng, người bị hại, vật chứng, biên bản, tài liệu…
1.2. Chứng cứ gián tiếp
Chứng cứ gián tiếp là chứng cứ không liên quan trực tiếp mà chỉ liên quan gián tiếp đến đối tượng chứng minh. Chỉ thông qua chứng cứ gián tiếp không thể xác định được những vấn đề cần phải chứng minh được quy định tại Điều 85 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015. Chứng cứ gián tiếp chỉ xác định sự kiện chứng minh; chứng cứ gián tiếp không chỉ rõ hành vi phạm tội, người thực hiện tội phạm, lỗi của người phạm tội, động cơ, mục đích phạm tội, các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, các yếu tố nhân thân và các tình tiết khác có ý nghĩa đối với việc giải quyết vụ án. Chỉ khi kết hợp với các chứng cứ khác, chứng cứ gián tiếp mới có thể giúp xác định được đối tượng chứng minh. Chứng cứ gián tiếp cũng có giá trị chứng minh nhất định về những vấn đề cần phải chứng minh. Do chỉ có mối liên hệ gián tiếp với đối tượng chứng minh nên chứng cứ gián tiếp có giá trị chứng minh không cao. Chứng cứ gián tiếp không có giá trị chứng minh độc lập, chứng cứ gián tiếp chỉ có giá trị chứng minh khi được thu thập, đánh giá trong tổng thể các chứng cứ khác nhau của vụ án.
Cũng như chứng cứ trực tiếp, chứng cứ gián tiếp có thể được rút ra từ các nguồn khác nhau như lời khai, tài liệu, vật chứng… Ví dụ: Lời khai của người làm chứng rằng vào thời điểm phạm tội người đó trông thấy A ở nơi xảy ra tội phạm. Qua thông tin đó không thể khẳng định A là người thực hiện tội phạm nhưng kết hợp với lời khai của người làm chứng khác là giữa A và người bị hại có mâu thuẫn với nhau và ngày hôm trước khi xảy ra vụ án A đã nói là sẽ giết người bị hại, với kết luận giám định là trên cán con dao gây án đang cắm ở ngực người bị hại có dấu vân tay của A thì có thể xác định được rằng A là người thực hiện tội phạm.
Như vậy, do tính chất mối liên hệ với đối tượng chứng minh khác nhau nên chứng cứ trực tiếp và chứng cứ gián tiếp có giá trị chứng minh khác nhau. Tuy nhiên, mỗi loại chứng cứ đều có những vai trò quan trọng trong quá trình chứng minh vụ án hình sự. Vì vậy, trong quá trình chứng minh, cơ quan tiến hành tố tụng phải thu thập, kiểm tra, đánh giá đầy đủ các chứng cứ, không coi trọng hay xem nhẹ chứng cứ nào. Thực tiễn cho thấy trong nhiều vụ án chứng cứ trực tiếp thu thập được rất hạn chế mà phải dùng các chứng cứ gián tiếp để giải quyết vụ án. Trong điều tra nhiều vụ án, không phải lúc nào cũng tìm ngay ra chứng cứ trực tiếp mà phải thông qua chứng cứ gián tiếp để lập các phương án điều tra tiếp theo; thông qua chứng cứ gián tiếp để tìm ra chứng cứ trực tiếp. Ngay trong trường hợp vụ án thu thập được các chứng cứ trực tiếp thì chứng cứ gián tiếp cũng có vai trò củng cố niềm tin nội tâm của chủ thể chứng minh trong kiểm tra, đánh giá chứng cứ trực tiếp.
2. Chứng cứ buộc tội và chứng cứ gỡ tội
Chứng cứ được phân thành chứng cứ buộc tội hay chứng cứ gỡ tội căn cứ vào ý nghĩa pháp lý hình sự của chứng cứ đó.
2.1. Chứng cứ buộc tội
Chứng cứ buộc tội là chứng cứ xác định tội phạm được thực hiện, xác định người phạm tội, lỗi của người phạm tội, các tình tiết định khung tăng nặng, các tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự và các tình tiết khác bất lợi cho người phạm tội khi giải quyết vụ án. …
2.2. Chứng cứ gỡ tội
Chứng cứ gỡ tội là chứng cứ xác định không có hành vi phạm tội, xác định hành vi không cấu thành tội phạm, xác định các tình tiết loại trừ trách nhiệm hình sự, các tình tiết định khung giảm nhẹ, các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự và các tình tiết khác có lợi cho người phạm tội khi giải quyết vụ án.
Chứng cứ buộc tội và chứng cứ gỡ tội có ý nghĩa pháp lý hoàn toàn khác nhau và độc lập với nhau. Có thể có trường hợp vụ án chỉ có chứng cứ buộc tội hoặc chỉ có chứng cứ gỡ tội. Tuy nhiên, trong thực tế các vụ án, có thể đồng thời có cả chứng cứ buộc tội và chứng cứ gỡ tội. Trong vụ án đổng phạm, một chứng cứ có thể là chứng cứ buộc tội đối với người phạm tội này; nhưng lại là chứng cứ gỡ tội đối với người khác. Ví dụ: trong vụ án đồng phạm, có sự nghi ngờ A và B là người cầm đầu. Chứng cứ chứng minh A là người cầm đầu có ý nghĩa buộc tội đối với A; nhưng lại là chứng cứ gỡ tội đối với B.
Vì vậy, trong quá trình chứng minh cần phải coi trọng cả hai loại chứng cứ; cần phải thu thập cả chứng cứ buộc tội, cả chứng cứ gỡ tội; đánh giá tổng hợp tất cả chứng cứ thu thập được… Như vậy mới có đủ căn cứ để giải quyết vụ án được chính xác, khách quan, toàn diện, công bằng; bảo đảm điều tra, truy tố, xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật.
3. Chứng cứ gốc và chứng cứ thuật lại (sao chép)
Căn cứ vào xuất xứ của thông tin, tư liệu thu thập được, chứng cứ được phân thành chứng cứ gốc và chứng cứ thuật lại (hay còn gọi là chứng cứ sao chép).
3.1. Chứng cứ gốc
Chứng cứ gốc là chứng cứ được thu thập trực tiếp từ nơi xuất xứ mà không thông qua một khâu trung gian nào. Trường hợp người làm chứng trực tiếp biết được các tình tiết liên quan đến vụ án và tự mình khai báo với cơ quan tiến hành tố tụng thì nội dung lời khai đó là chứng cứ gốc.
Thông thường chứng cứ gốc là chứng cứ trực tiếp, chỉ thẳng vào đối tượng chứng minh. Tuy nhiên, cũng không loại trừ trường hợp chứng cứ gốc cũng chỉ là chứng cứ gián tiếp. Ví dụ: A thấy B đe dọa giết c và vài ngày sau thì c bị giết. A đã đến khai báo với Cơ quan điều tra. Nội dung lời khai của A là chứng cứ gốc vì nó được thu thập trực tiếp từ A nhưng đó là chứng cứ gián tiếp vì nó không chỉ rõ là liệu B có hành vi giết c hay không.
3.2. Chứng cứ thuật lại
Chứng cứ thuật lại là chứng cứ thu thập được không phải trực tiếp từ nơi xuất xứ mà qua một hay nhiều khâu trung gian. Những thông tin, tư liệu liên quan đến đối tượng chứng minh hay sự kiện chứng minh được thu thập thông qua bản sao hoặc qua một người được nghe kể lại. Ví dụ: A trông thấy B chém chết c và về nhà kể cho vợ nghe. Vợ A đã đến khai báo với Cơ quan điều tra. Nội dung lời khai của vợ A là chứng cứ thuật lại, vì vợ A không trực tiếp biết được sự việc mà chỉ biết được qua khâu trung gian là lời kể của A.
Chứng cứ gốc hay chứng cứ thuật lại đều có giá trị chứng minh. Tuy nhiên, do được thu thập thông qua các khâu trung gian, nên tính chính xác, khách quan của chứng cứ thuật lại bị hạn chế hơn.
Vì vậy, trong quá trình chứng minh cần cố gắng thu thập chứng cứ gốc nhưng nếu chứng cứ gốc chưa thoả mãn giới hạn chứng minh thì việc thu thập chứng cứ thuật lại cũng rất quan trọng. Không nên coi thường hoặc bỏ qua chứng cứ thuật lại.