Đầu thú và tự thú đều là hành vi của người phạm tội tự mình đến trình diện và khai báo tại cơ quan có thẩm quyền về hành vi phạm tội của mình. Tuy nhiên, đầu thú và tự thú có những điểm khác biệt cơ bản. Cùng LawFirm.Vn tìm hiểu qua những tiêu chí dưới đây.
Tiêu chí | Tự thú | Đầu thú |
Căn cứ pháp lý | – Điều 29 và Điều 51 Bộ luật Hình sự 2015. – Điểm h khoản 1 Điều 4 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015; | Điểm i khoản 1 Điều 4 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015. |
Khái niệm | Tự thú là việc người phạm tội tự nguyện khai báo với cơ quan, tổ chức về hành vi phạm tội của mình trước khi tội phạm hoặc người phạm tội bị phát hiện. | Đầu thú là việc người phạm tội sau khi bị phát hiện đã tự nguyện ra trình diện và khai báo với cơ quan có thẩm quyền về hành vi phạm tội của mình. |
Đặc điểm nổi bật | Nhận tội khi chưa ai biết mình phạm tội hoặc đã có người biết hành vi phạm tội nhưng chưa xác định được chủ thể thực hiện hành vi. | Đã có người biết mình thực hiện hành vi phạm tội |
Giảm nhẹ trách nhiệm hình sự | Được xem là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự | Không được xem là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên trong quá trình điều tra, xét xử việc xem xét giảm nhẹ trách nhiệm hình sự sẽ tùy thuộc vào quyết định của Tòa án và tùy thuộc vào thái độ sau đó của người đầu thú (thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, lập công chuộc tội…). Việc giảm nhẹ trách nhiệm hình sự phải được ghi rõ trong bản án. |
Việc miễn trách nhiệm hình sự | Có thể được miễn trách nhiệm hình sự nếu: Trước khi hành vi phạm tội bị phát giác người phạm tội tự thú, khai rõ sự việc, góp phần có hiệu quả vào việc phát hiện và điều tra tội phạm, cố gắng hạn chế đến mức thấp nhất hậu quả của tội phạm và lập công lớn hoặc có cống hiến đặc biệt, được Nhà nước và xã hội thừa nhận | Không được miễn trách nhiệm hình sự |