Cuộc sống thường ngày với áp lực từ nhiều phía mà có khi hôn nhân “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt”. Bởi thế mà người ta thường nói “hôn nhân là nấm mồ chôn hạnh phúc”. Khi lấy nhau về, cuộc sống cơm áo gạo tiền, các vấn đề cuộc sống, gia đình, họ hàng, công việc hay con cái phát sinh rất nhiều vấn đề và gây tranh cãi. Nhiều cặp đôi vợ chồng không thể hiểu và thông cảm cho nhau và quyết định ly hôn. Bên cạnh nhiều vấn đề như chia tài sản, con cái do ai nuôi dưỡng,.. thì nộp đơn ly hôn ở đâu? cũng là vấn đề được nhiều cặp đôi quan tâm. Cùng LawFirm.Vn tìm hiểu qua bài viết dưới đây
1. Ly hôn là gì?
Theo quy định tại khoản 14 Điều 3 Luật Hôn nhân gia đình năm 2014 thì: “Ly hôn là việc chấm dứt quan hệ vợ chồng theo bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án”.
Có thể thấy, cũng như kết hôn, ly hôn là quyền tự do của hai bên nam nữ. Khi cuộc sống phát sinh nhiều vấn đề và đời sống hôn nhân giữa vợ chồng mâu thuẫn, không có tiếng nói chung thì cả 2 vợ chồng hay những người thân thích khác theo quy định pháp luật đều có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn.
2. Các trường hợp ly hôn
Khi hai bên không thể chung sống với nhau và muốn chấm dứt quan hệ hôn nhân thì nam, nữ hoặc cả hai người đều có quyền đề nghị tòa án giải quyết việc ly hôn. Việc ly hôn có thể thuận tình ly hôn hoặc đơn phương ly hôn.
2.1. Thuận tình ly hôn
Thuận tình ly hôn được căn cứ theo quy định tại điều 56 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014. Theo đó, khi cả hai bên tự nguyện và cùng yêu cầu ly hôn. Bên cạnh đó cũng tự thỏa thuận về việc chia tài sản, việc trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con trên cơ sở bảo đảm quyền lợi chính đáng của vợ và con thì Tòa án công nhận thuận tình ly hôn. Trường hợp không thỏa thuận được hoặc có thỏa thuận nhưng không bảo đảm quyền lợi chính đáng của vợ và con thì Tòa án giải quyết việc ly hôn.
2.2. Đơn phương ly hôn
Bên cạnh việc thỏa thuận ly hôn thuận tình của cả hai bên, có nhiều trường hợp ly hôn đơn phương. Theo quy định tại Điều 56 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định về ly hôn theo yêu cầu của một bên như sau:
“1. Khi vợ hoặc chồng yêu cầu ly hôn mà hòa giải tại Tòa án không thành thì Tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được.
2. Trong trường hợp vợ hoặc chồng của người bị Tòa án tuyên bố mất tích yêu cầu ly hôn thì Tòa án giải quyết cho ly hôn.
3. Trong trường hợp có yêu cầu ly hôn theo quy định tại khoản 2 Điều 51 của Luật này thì Tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc chồng, vợ có hành vi bạo lực gia đình làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của người kia”
3. Nộp đơn ly hôn ở đâu? Tòa án cấp huyện hay cấp tỉnh?
Theo quy định tại Điểm a Khoản 1 và Điểm a Khoản 2 Điều 35 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015, thẩm quyền giải quyết việc ly hôn (đơn phương ly hôn, thuận tình ly hôn) thuộc Tòa án nhân dân cấp huyện.
Lưu ý:
– Vụ việc ly hôn mà có đương sự hoặc tài sản ở nước ngoài hoặc cần phải ủy thác tư pháp cho cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài, cho Tòa án, cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài sẽ thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân cấp tỉnh.
– Tòa án nhân dân cấp huyện nơi cư trú của công dân Việt Nam hủy việc kết hôn trái pháp luật, giải quyết việc ly hôn, các tranh chấp về quyền và nghĩa vụ của vợ chồng, cha mẹ và con, về nhận cha, mẹ, con, nuôi con nuôi và giám hộ giữa công dân Việt Nam cư trú ở khu vực biên giới với công dân của nước láng giềng cùng cư trú ở khu vực biên giới với Việt Nam theo quy định của Bộ luật này và các quy định khác của pháp luật Việt Nam.
Vậy, câu hỏi đặt ra tiếp theo là Tòa án nhân dân cấp huyện, cấp tỉnh nào có thẩm quyền giải quyết ly hôn?
Căn cứ Điều 39 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015, thẩm quyền giải quyết vụ việc dân sự của Tòa án theo lãnh thổ được xác định như sau:
– Trường hợp đơn phương ly hôn:
+ Tòa án nơi bị đơn cư trú có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm về ly hôn;
+ Các đương sự có quyền tự thỏa thuận với nhau bằng văn bản yêu cầu Tòa án nơi cư trú việc của nguyên đơn, nếu nguyên đơn giải quyết việc ly hôn;
– Trường hợp thuận tình ly hôn: Tòa án nơi một trong các bên thuận tình ly hôn.
Kết luận: Đơn xin ly hôn sẽ được nộp tại Tòa án nhân dân cụ thể như sau:
(i) Tòa án thụ lý hồ sơ đối với trường hợp thuận tình ly hôn:
Trường hợp ly hôn thuận tình, hai vợ chồng có thể thỏa thuận đến Tòa án cấp quận/huyện nơi cư trú (đăng ký thường trú) của vợ hoặc của chồng để làm thủ tục ly hôn.
(ii) Tòa án thụ lý hồ sơ đối với trường hợp đơn phương ly hôn:
Đối với trường hợp đơn phương ly hôn, người khởi kiện ly hôn sẽ nộp đơn đến Tòa án nhân dân cấp quận/huyện nơi bị đơn (người bị khởi kiện ly hôn) đăng ký thường trú hoặc tạm trú.
Ví dụ: Anh X (chồng) là bị đơn trong vụ án ly hôn, Anh X có hộ khẩu thường trú tại 371 Nguyễn Kiệm, P.3, Q. Gò Vấp, TP. Hồ Chí Minh. Chị Y (vợ) là nguyên đơn, sẽ nộp đơn ly hôn tại tòa án nhân dân quận Gò Vấp.
(iii) Tòa án thụ lý hồ sơ ly hôn có yếu tố nước ngoài
Trường này áp dụng theo điểm a khoản 1 Điều 37 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015, Tòa án nhân dân cấp tỉnh/thành phố có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những vụ ly hôn trừ những vụ thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án cấp huyện trừ khi giải quyết giữa công dân Việt Nam cư trú ở khu vực biên giới với công dân nước láng giềng cùng cư trú ở khu vực biên giới với Việt Nam.