1. Nội dung quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu
Nội dung các quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu bao gồm:
1.1. Quyền sử dụng nhãn hiệu
Quyền sử dụng nhãn hiệu được hiểu là quyền của chủ sở hữu nhãn hiệu dùng nhãn hiệu của mình theo cách thức mà mình muốn để mang lại lợi ích cho mình. Theo quy định tại khoản 5 Điều 124 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 thì: “Sử dụng nhãn hiệu là việc thực hiện các hành vi sau đây: Gắn nhãn hiệu được bảo hộ lên hàng hóa, bao bì hàng hóa, phương tiện kinh doanh, phương tiện dịch vụ, giấy tờ giao dịch trong hoạt động kinh doanh; lưu thông, chào bán, quảng cáo để bán, tàng trữ để bán hàng hóa mang nhãn hiệu được bảo hộ; nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ mang nhãn hiệu được bảo hộ”.
1.2. Quyền cho phép người khác sử dụng nhãn hiệu
Đồng thời với việc trao cho chủ sở hữu nhãn hiệu quyền năng được sử dụng nhãn hiệu, pháp luật SHTT hiện hành còn trao cho họ khả năng có thể cho phép người khác sử dụng nhãn hiệu. Theo quy định của pháp luật, việc cho phép sử dụng nhãn hiệu phải được thực hiện thông qua hợp đồng bằng văn bản.
1.3. Quyền ngăn cấm người khác sử dụng nhãn hiệu
Cơ sở pháp lý cho quyền năng này của chủ sở hữu nhãn hiệu là quy định tại khoản 1 Điều 125 Luật Sở hữu trí tuệ 2005. Mặc dù Luật SHTT quy định chủ sở hữu nhãn hiệu có quyền ngăn cấm người khác sử dụng nhãn hiệu thuộc quyền sở hữu của mình, nhưng quyền năng này không phải là tuyệt đối, hay nói cách khác, không phải trong mọi trường hợp, chủ sở hữu đều có quyền ngăn cấm người khác sử dụng nhãn hiệu của mình. Vẫn có một số trường hợp ngoại lệ được đặt ra, theo đó chủ sở hữu nhãn hiệu không có quyền ngăn cấm các chủ thể khác trong việc sử dụng nhãn hiệu.
1.4. Quyền định đoạt nhãn hiệu
Định đoạt nhãn hiệu là việc chủ sở hữu nhãn hiệu chuyển giao toàn bộ quyền sở hữu nhãn hiệu của mình cho một chủ thể khác. Theo quy định của pháp luật SHTT hiện hành, việc chuyển nhượng quyền SHCN nói chung và quyền sở hữu nhãn hiệu nói riêng phải được thực hiện thông qua hợp đồng bằng văn bản. Hợp đồng chuyển nhượng quyền SHCN chỉ có hiệu lực khi đã được đăng ký tại cơ quan quản lý nhà nước về quyền SHCN. Ngoài ra, chủ sở hữu quyền SHCN chỉ được chuyển nhượng quyền của mình trong phạm vi được bảo hộ và quyền đối với nhãn hiệu chỉ được chuyển nhượng cho tổ chức, cá nhân đáp ứng các điều kiện đối với người có quyền đăng ký nhãn hiệu đó.
2. Các trường hợp giới hạn quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu
Theo quy định của pháp luật SHTT hiện hành, nhãn hiệu được bảo hộ sẽ mang lại cho chủ sở hữu nhãn hiệu độc quyền trong việc khai thác, sử dụng nhãn hiệu. Tuy nhiên, việc thực hiện quyền SHCN đối với nhãn hiệu của chủ sở hữu trong một số trường hợp có thể ảnh hưởng đến cạnh tranh, cản trở lưu thông hàng hóa, dịch vụ và hạn chế khả năng tiếp cận của cộng đồng, gây ảnh hưởng xấu đến người tiêu dùng, các chủ thể sản xuất, kinh doanh khác và sự phát triển chung của xã hội. Để cân bằng, hài hòa giữa lợi ích của chủ sở hữu nhãn hiệu với những chủ thể khác; giữa một bên là quyền lợi của chủ sở hữu và một bên là lợi ích chung của xã hội, pháp luật quy định một số giới hạn đối với quyền của chủ sở hữu nhãn hiệu.
2.1. Nghĩa vụ sử dụng nhãn hiệu
Cơ sở cho quy định về nghĩa vụ sử dụng nhãn hiệu của chủ sở hữu nhãn hiệu có thể có nhiều cách tiếp cận và giải thích khác nhau, trong đó một trong các ý kiến được cho là khá hợp lý dựa trên lập luận rằng, thực chất kho nhãn hiệu không phải là vô tận, nó là hữu hạn và do đó phải coi nó là một thứ tài nguyên hiếm. Xuất phát từ quan điểm này, các nhà làm luật đã đưa ra một nghĩa vụ đặc thù, theo đó nhãn hiệu khi đã được đăng ký thì chủ sở hữu có nghĩa vụ phải sử dụng nó, nếu không họ có thể sẽ mất quyền sở hữu đối với đối tượng này sau một thời hạn nhất định. Khoản 2 Điều 136 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 quy định: ” Chủ sở hữu nhãn hiệu có nghĩa vụ sử dụng liên tục nhãn hiệu đó. Trong trường hợp nhãn hiệu không được sử dụng liên tục từ năm năm trở lên thì quyền sở hữu nhãn hiệu đó bị chấm dứt hiệu lực theo quy định tại Điều 95 của Luật này”.
Liên quan đến hậu quả pháp lý mà chủ sở hữu nhãn hiệu có thể phải gánh chịu trong trường hợp vi phạm quy định về nghĩa vụ sử dụng nhãn hiệu, điểm d khoản 1 Điều 95 Luật SHTT quy định rằng, nếu nhãn hiệu không được chủ sở hữu hoặc người được chủ sở hữu cho phép sử dụng trong 05 năm liên tục tính cho đến ngày có đơn yêu cầu chấm dứt hiệu lực, thì văn bằng bảo hộ nhãn hiệu có thể bị chấm dứt hiệu lực.
2.2. Hành vi sử dụng nhãn hiệu một cách trung thực không bị coi là xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu
Theo quy định tại Điều 125 Luật Sở hữu trí tuệ 2005, chủ sở hữu nhãn hiệu không được ngăn cấm người khác thực hiện các hành vi sau đây (nói cách khác, đây là hành vi không bị coi là xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu): “Sử dụng một cách trung thực tên người, dấu hiệu mô tả chủng loại, chất lượng, số lượng, công dụng, giá trị, nguồn gốc địa lý và các đặc tính khác của hàng hóa, dịch vụ”.
Hành vi sử dụng những dấu hiệu này chỉ nhằm mục đích thông tin một cách chính xác đến người tiêu dùng những thông tin có thật, đang tồn tại liên quan đến hàng hóa, dịch vụ mà người sử dụng dấu hiệu đang cung cấp.