Nội dung quyền đối với giống cây trồng
Việc bảo hộ quyền đối với giống cây trồng là sự ghi nhận và bảo vệ của pháp luật đối với những thành quả, công sức tạo ra giống cây trồng. Vậy nôi dung quyền đối với giống cây trồng mà pháp luật quy định gồm những gì? Câu trả lời sẽ được LawFirm.Vn đem đến thông qua các quy định của Luật sở hữu trí tuệ 2005.
1. Khái niệm
Quyền đối với giống cây trồng là quyền của tổ chức, cá nhân đối với giống cây trồng mới do mình chọn tạo hoặc phát hiện và phát triển hoặc được hưởng quyền sở hữu. (khoản 5 Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ 2005)
2. Nội dung quyền đối với giống cây trồng
Đối với tác giả giống cây trồng: Sẽ có các quyền sau đây theo quy định tại Điều 185 Luật Sở hữu trí tuệ 2005
– Được ghi tên với danh nghĩa là tác giả trong Bằng bảo hộ giống cây trồng, Sổ đăng ký quốc gia về giống cây trồng được bảo hộ và trong các tài liệu công bố về giống cây trồng;
– Nhận thù lao theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 191 của Luật này.
Đối với chủ bằng bảo hộ: Theo các khoản 1, 2, 3 Điều 185 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 quy định thì:
– Chủ bằng bảo hộ có quyền sử dụng hoặc cho phép người khác sử dụng các quyền sau đây liên quan đến vật liệu nhân giống của giống đã được bảo hộ:
+ Sản xuất hoặc nhân giống;
+ Chế biến nhằm mục đích nhân giống;
+ Chào hàng;
+ Bán hoặc thực hiện các hoạt động tiếp cận thị trường khác;
+ Xuất khẩu;
+ Nhập khẩu;
+ Lưu giữ để thực hiện các hành vi quy định tại các điểm a, b, c, d, đ và e khoản này.
– Quyền của chủ bằng bảo hộ giống cây trồng quy định tại khoản 1 Điều này được áp dụng đối với vật liệu thu hoạch thu được từ việc sử dụng bất hợp pháp vật liệu nhân giống của giống cây trồng được bảo hộ, trừ trường hợp chủ bằng bảo hộ đã có cơ hội hợp lý để thực hiện quyền của mình đối với vật liệu nhân giống nhưng không thực hiện.
– Ngăn cấm người khác sử dụng giống cây trồng theo quy định tại Điều 188 của Luật này.
– Để thừa kế, kế thừa quyền đối với giống cây trồng và chuyển giao quyền đối với giống cây trồng theo quy định tại Chương XV của Luật này.
Ngoài ra, theo Điều 188 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 quy định thì quyền của chủ bằng bảo hộ được mở rộng đối với các giống cây trồng sau đây:
– Giống cây trồng có nguồn gốc chủ yếu từ giống cây trồng được bảo hộ, trừ trường hợp giống cây trồng được bảo hộ có nguồn gốc chủ yếu từ một giống cây trồng đã được bảo hộ khác.
Giống cây trồng được coi là có nguồn gốc chủ yếu từ giống được bảo hộ, nếu giống cây trồng đó vẫn giữ lại biểu hiện của các tính trạng thu được từ kiểu gen hoặc sự phối hợp các kiểu gen của giống được bảo hộ, trừ những tính trạng khác biệt là kết quả của sự tác động vào giống được bảo hộ;
– Giống cây trồng không khác biệt rõ ràng với giống cây trồng đã được bảo hộ;
– Giống cây trồng mà việc sản xuất đòi hỏi phải sử dụng lặp lại giống cây trồng đã được bảo hộ
Quyền tạm thời đối với giống cây trồng: Theo quy định ở Điều 189 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 thì
– Quyền tạm thời đối với giống cây trồng là quyền của người đăng ký bảo hộ giống cây trồng phát sinh từ ngày đơn đăng ký bảo hộ giống cây trồng được công bố đến ngày cấp Bằng bảo hộ giống cây trồng. Trong trường hợp giống cây trồng không được cấp Bằng bảo hộ thì người đăng ký bảo hộ không có quyền này.
– Trong trường hợp người đăng ký biết giống cây trồng đăng ký bảo hộ đang được người khác sử dụng nhằm mục đích thương mại thì người đăng ký bảo hộ giống cây trồng có quyền thông báo bằng văn bản cho người sử dụng về việc đã nộp đơn đăng ký bảo hộ giống cây trồng, trong đó ghi rõ ngày nộp đơn và ngày mà đơn đăng ký bảo hộ giống cây trồng được công bố để người đó chấm dứt việc sử dụng giống cây trồng hoặc tiếp tục sử dụng.
– Trong trường hợp đã được thông báo theo quy định tại khoản 2 Điều này mà người được thông báo vẫn tiếp tục sử dụng giống cây trồng thì khi Bằng bảo hộ giống cây trồng được cấp, chủ bằng bảo hộ có quyền yêu cầu người đã sử dụng giống cây trồng phải trả một khoản tiền đền bù tương đương với giá chuyển giao quyền sử dụng giống cây trồng đó trong phạm vi và thời hạn sử dụng tương ứng.
Kết luận: Như vậy, qua bài viết trên, LawFirm.Vn đã liệt kê các nội dung quyền đối với giống cây trồng được quy định tại Luật Sở hữu trí tuệ. Các cá nhân tổ chức cần nắm rõ để thực hiện tốt theo quy định của pháp luật.