Những vấn đề cần lưu ý khi “đại diện”
1. Khái niệm đại diện
Trong giao lưu dân sự, các chủ thể có thể tự mình xác lập, thực hiện giao dịch dân sự nhưng trong những trường hợp nhất định có thể thông qua hành vi của người khác là người đại diện theo pháp luật hoặc theo uỷ quyền của mình. Theo quy định tại khoản 1 Điều 134 BLDS năm 2015: Đại diện là việc cá nhân, pháp nhân (sau đây gọi chung là người đại diện) nhân danh và vì lợi ích của cá nhân hoặc pháp nhân khác (sau đây gọi chung là người được đại diện) xác lập, thực hiện giao dịch dân sự...
Đại diện là một quan hệ pháp luật. Chủ thể của quan hệ đại diện bao gồm người đại diện và người được đại diện. Người đại diện là người nhân danh người được đại diện xác lập quan hệ với người thứ ba, vì lợi ích của người được đại diện. Người được đại diện là người tiếp nhận các hậu quả pháp lí từ quan hệ do người đại diện xác lập, thực hiện đúng thẩm quyền đại diện. Người được đại diện có thể là cá nhân không có năng lực hành vi, chưa đủ năng lực hành vi nên theo quy định của pháp luật phải có người đại diện trong quan hệ pháp luật. Cá nhân có đầy đủ năng lực hành vi có thể uỷ quyền cho người khác là đại diện theo uỷ quyền của mình. Pháp nhân hoạt động thông qua hành vi của những người nhất định có thẩm quyền đại diện cho chủ thể đó.
Quan hệ đại diện có thể được xác định theo quy định của pháp luật, có thể được xác định theo ý chí của các chủ thể tham gia, thể hiện bằng giấy uỷ quyền hoặc hợp đồng uỷ quyền. Trong phạm vi thẩm quyền đại diện, người đại diện xác lập, thực hiện các giao dịch dân sự, đem lại quyền và nghĩa vụ cho người được đại diện.
2. Phân loại đại diện
2.1. Đại diện theo pháp luật
Đại diện theo pháp luật là đại diện được xác lập theo quy định của pháp luật hoặc theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền (Điều 135 BLDS năm 2015).
Đại diện được quy định theo pháp luật chung là đại diện mặc nhiên, ổn định về người đại diện, về thẩm quyền đại diện… Đó là các trường hợp: Cha, mẹ đại diện cho con vị thành niên, người đứng đầu pháp nhân đại diện cho pháp nhân, người giám hộ đương nhiên đại diện cho người được giám hộ. Đại diện theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền” là đại diện theo quyết định của cơ quan hành chính trong những trường hợp riêng biệt. Đó là các trường hợp: Người giám hộ cử đối với người được giám hộ, người được toà án chỉ định đối với người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự. Trong một số trường hợp nhất định người đứng đầu pháp nhân có thể được xác định theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
2.2. Đại diện theo uỷ quyền
Có nhiều lí do khác nhau để cá nhân, người đứng đầu pháp nhân, các thành viên hộ gia đình, các thành viên tổ hợp tác... không thể trực tiếp xác lập, thực hiện giao dịch dân sự. Pháp luật cho phép họ có thể uỷ quyền cho người khác thay mặt mình tham gia giao dịch.
Khác với đại diện theo pháp luật là đại diện do pháp luật quy định hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định, đại diện theo uỷ quyền là trường hợp quan hệ đại diện được xác lập theo ý chí của hai bên – bên đại diện và bên được đại diện,
biểu hiện qua hợp đồng uỷ quyền hoặc giấy uỷ quyền. Nội dung uỷ quyền, phạm vi thẩm quyền đại diện và trách nhiệm của người đại diện theo uỷ quyền được xác định thông qua sự thoả thuận của người đại diện và người được đại diện.
Uỷ quyền là phương tiện pháp lí cần thiết tạo điều kiện cho cá nhân, pháp nhân, hộ gia đình, tổ hợp tác bằng nhiều hình thức khác nhau có thể tham gia vào giao dịch dân sự một cách thuận lợi nhất, bảo đảm thoả mãn nhanh chóng các lợi ích vật chất, tinh thần mà chủ thể quan tâm.
Ngoại lệ, có một số trường hợp pháp luật không cho phép xác lập giao dịch thông qua người đại diện (bất kể đại diện theo pháp luật hay theo uỷ quyền) như lập di chúc…
Người đại diện (cả người đại diện theo pháp luật và người đại diện theo uỷ quyền) có thể là cá nhân hoặc pháp nhân (nếu là cá nhân thì phải có năng lực hành vi dân sự đầy đủ). Ngoại lệ, riêng đối với đại diện theo uỷ quyền thì người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi có thể là người đại diện theo uỷ quyền, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
3. Phạm vi thẩm quyền đại diện
Người đại diện thực hiện hành vi nhân danh người được đại diện. Bởi vậy, cần phải có giới hạn nhất định cho hành vi đó. Giới hạn này là phạm vi thẩm quyền đại diện. Việc xác định phạm vi thẩm quyền đại diện có ý nghĩa quan trọng: Người đại diện xác lập, thực hiện giao dịch dân sự trong phạm vi đó làm phát sinh quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của người được đại diện. Trường hợp không có thẩm quyền đại diện hoặc vượt quá phạm vi thẩm quyền đại diện, thì về nguyên tắc người đại diện phải tự chịu trách nhiệm (các điều 141, 142 và 143 BLDS năm 2015).
Phạm vi thẩm quyền đại diện là giới hạn quyền, nghĩa vụ theo đó người đại diện nhân danh người được đại diện xác lập, thực hiện giao dịch dân sự với người thứ ba.
Tuỳ thuộc vào quan hệ đại diện là đại diện theo pháp luật hay đại diện theo uỷ quyền, phạm vi thẩm quyền đại diện được xác định khác nhau (khoản 1 Điều 141 BLDS năm 2015).
– Đại diện theo pháp luật: Thẩm quyền đại diện của những người đại diện theo pháp luật được pháp luật quy định hoặc thể hiện trong quyết định cử người đại diện của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Việc xác lập quan hệ đại diện này thường không phụ thuộc vào ý chí của người được đại diện. Người đại diện theo pháp luật có thẩm quyền xác lập, thực hiện mọi giao dịch dân sự vì lợi ích của người được đại diện, trừ trường hợp pháp luật quy định khác hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền có quyết định khác.
Trong trường hợp đại diện cho người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự có một số nét đặc biệt riêng. Chính người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự vẫn trực tiếp tham gia giao kết hợp đồng nhưng với sự chấp thuận của người đại diện. Người đại diện chỉ đóng vai trò giám sát, đồng ý hay không đồng ý cho xác lập giao dịch. Nếu giao dịch đó không làm ảnh hưởng đến lợi ích của chính người đại diện, của những người thân thích trong gia đình của người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự thì người đại diện cho phép người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự xác lập, thực hiện giao dịch.
– Đại diện theo uỷ quyền: Phạm vi thẩm quyền của người đại diện theo uỷ quyền được xác định trong chính văn bản uỷ quyền. Người đại diện theo uỷ quyền chỉ được thực hiện hành vi pháp lí trong khuôn khổ văn bản uỷ quyền quy định. Việc xác lập văn bản uỷ quyền và giải quyết các tranh chấp phát sinh phải tuân thủ các quy định của pháp luật về hợp đồng uỷ quyền.
Để bảo vệ lợi ích chính đáng cho người thứ ba, là người xác lập giao dịch dân sự với người đại diện, pháp luật quy định nghĩa vụ của người đại diện phải thông báo cho người thứ ba biết về phạm vi thẩm quyền đại diện của mình (khoản 4 Điều 141 BLDS năm 2015). Người đại diện cũng không được thực hiện các giao dịch dân sự với chính mình hoặc với người thứ ba mà mình cũng là đại diện của người đó, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác (khoản 3 Điều 141 BLDS năm 2015). Quy định này nhằm ngăn ngừa và loại trừ những giao dịch dân sự được xác lập, thực hiện có thể đem lại hậu quả bất lợi cho người được đại diện.
4. Chấm dứt đại diện
Cũng như các quan hệ pháp luật dân sự khác, quan hệ đại diện không tồn tại mãi. Nó chấm dứt khi xảy ra những sự kiện pháp lí nhất định. Khi chấm dứt đại diện, mọi hậu quả pháp lí phát sinh từ giao dịch dân sự do người đại diện xác lập, thực hiện đều không có giá trị pháp lý đối với người được đại diện.
4.1. Đối với cá nhân
* Đại diện theo pháp luật của cá nhân chấm dứt trong các trường hợp sau:
– Người được đại diện đã thành niên hoặc năng lực hành vi dân sự đã được khôi phục. Trong trường hợp này người được đại diện đã đầy đủ năng lực hành vi dân sự để tự mình thực hiện quyền, nghĩa vụ và tự chịu trách nhiệm trước pháp luật, quan hệ đại diện không cần phải tiếp tục tồn tại.
– Người đại diện hoặc người được đại diện chết làm chấm dứt từ cách chủ thể mọi quan hệ pháp luật của họ, trong đó có quan hệ đại diện.
– Các trường hợp khác do pháp luật quy định.
* Đại diện theo uỷ quyền của cá nhân chấm dứt trong các trường hợp sau:
– Thời hạn uỷ quyền đã hết hoặc công việc được uỷ quyền đã hoàn thành.
– Người uỷ quyền huỷ bỏ việc uỷ quyền hoặc người được uỷ quyền từ chối việc uỷ quyền. Trong trường hợp này quan hệ uỷ quyền chấm dứt theo ý chí của các chủ thể khi xuất hiện điều kiện để họ huỷ bỏ hoặc từ chối việc uỷ quyền.
– Người uỷ quyền hoặc người được uỷ quyền chết, bị toà án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự, bị hạn chế năng lực hành vi dân sự, bị toà án tuyên bố mất tích hoặc tuyên bố chết. Mỗi sự kiện trong số các sự kiện này đều làm cho việc uỷ quyền trở nên không thể thực hiện được, quan hệ đại diện phải chấm dứt.
4.2. Đối với pháp nhân
– Đại diện theo pháp luật của pháp nhân chấm dứt khi pháp nhân chấm dứt, đó là các trường hợp: hợp nhất pháp nhân, sáp nhập pháp nhân, chia pháp nhân, giải thể pháp nhân, pháp nhân bị tuyên bố phá sản theo quy định của pháp luật về phá sản. Pháp nhân chấm dứt đồng thời làm chấm dứt đại diện theo pháp luật của pháp nhân.
– Đại diện theo uỷ quyền của pháp nhân chấm dứt trong các trường hợp: Khi hết thời hạn uỷ quyền hoặc công việc được uỷ • quyền đã hoàn thành, khi người đại diện theo pháp luật của pháp nhân huỷ bỏ việc uỷ quyền; khi pháp nhân chấm dứt hoặc người được uỷ quyền chết, bị toà án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự, bị hạn chế năng lực hành vi dân sự, mất tích hoặc là đã chết.