Trọng tài hiện được coi như một phương thức giải quyết tranh chấp tư được ưa chuộng nhất trên thế giới, đặc biệt đối với những tranh chấp phát sinh từ các giao dịch thương mại quốc tế. Sở dĩ được ưa chuộng như vậy vì phương thức này đạt được một số ưu điểm sau
1. Tính nhanh chóng
Đối với các nhà kinh doanh, thời gian là cực kì quan trọng. Bất kì một sự trì hoàn kéo dài nào trong quá trình giải quyết tranh chấp thương mại đều sẽ ảnh hưởng tới công việc kinh doanh của họ. Trong suốt thời gian dài trong quá khứ cũng như hiện nay trọng tài được coi như một phương thức giải quyết tranh chấp có tốc độ. Quá trình trọng tài có thể diễn ra rất nhanh trong vòng vài tuần hay vài tháng nếu các bên muốn như vậy. Ngược lại, nếu so với toà án, vụ việc thường kéo dài bởi vì hệ thống toà án được tổ chức theo các cấp xét xử và thủ tục tư pháp phức tạp.
2. Tính trung lập
Mặc dù trọng tài là phương thức giải quyết tranh chấp thường được khuyến khích sử dụng, song việc lựa chọn toà án có thể vẫn có giá trị tùy theo từng trường hợp cụ thể. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, các bên tham gia tranh chấp đến từ các nước khác nhau và họ miễn cưỡng phải đưa vụ việc ra trước một toà án quốc gia bởi sự lo sợ có cơ sở về một định kiến hoặc cảm tình dân tộc của các quan toà. Các bên thường cảm thấy thiếu tự tin khi phải đối mặt với những thủ tục tư pháp nghiêm khắc, cứng nhắc và các thẩm phán – những người có thể sẽ có những định kiến khi đưa ra phán quyết. Và như thế, sẽ chỉ làm lợi cho một bên là những người có cùng quốc tịch với thẩm phán. Trong bối cảnh đó, trọng tài có thể làm cho các bên (những người khác nhau về quốc tịch) tránh được việc phải giải quyết tranh chấp tại toà án bằng một thoả thuận trọng tài. Và bằng cách đó tránh được những định kiến hay sự thiên vị của một thẩm phán. Phương pháp trọng tài sẽ giúp cho các bên tranh chấp tự do và bình đẳng để lựa chọn địa điểm xét xử trọng tài (tại một nước trung lập chăng hạn), ngôn ngữ sử dụng trong quá trình trọng tài, các quy tắc tố tụng, quốc tịch của các trọng tài viên và người đại diện. Về điểm này, rõ ràng trọng tài chiếm ưu thế hơn so với toà án.
3. Tính bí mật
Các nhà kinh doanh tham gia vào tranh chấp luôn e ngại rằng tranh chấp liên quan tới bí mật thương mại, các khiếm khuyết của hàng hoá, sự kém chất lượng của sản phẩm bị xét xử dưới sự theo dõi của công luận bởi vì điều này sẽ ảnh hưởng tới công việc kinh doanh của họ trong tương lai. Hội đồng trọng tài được thành lập để xét xử tranh chấp theo cách thức xét xử kín tách rời khỏi sự chú ý của công luận. Theo yêu cầu của các bên, phiên toà xét xử chỉ tiến hành với sự có mặt của các bên, thậm chí việc xét xử dựa trên những tài liệu, chứng cứ được cung cấp bởi các bên có thể được tiến hành mà không cần thiết phải mở một phiên toà.
4. Tính chuyên môn cao
Các trọng tài viên đều là những chuyên gia có trình độ cao về từng lĩnh vực xét xử. Họ có thể là những luật sư chuyên sâu về lĩnh vực đầu tư hay hàng hải, hay một lĩnh vực nào đó, cũng có thể là những kĩ sư giỏi và có thâm niên trong lĩnh vực xây dựng, hoặc những chuyên gia làm việc lâu năm và rất có kinh nghiệm trong ngành ngân hàng. Trong khi đó, một thẩm phán thường phải giải quyết tranh chấp trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Họ cũng không phải là những chuyên gia có trình độ cao trong tất cả các lĩnh vực.
* Tính chung thẩm
Về nguyên tắc, phán quyết trọng tài là chung thẩm. Nó buộc các bên phải thi hành. Đa số các phán quyết trọng tài đều được thi hành với sự trợ giúp của nhà nước trừ những trường hợp phán quyết bị hủy bởi toà án do vi phạm các thủ tục tố tụng trọng tài. Toà án không thể xét xử lại vụ tranh chấp nếu đã có phán quyết của trọng tài mà chỉ xem xét các thủ tục tố tụng trọng tài có được chấp hành đầy đủ hay không. Trong khi đó các quyết định của toà án thường bị kháng cáo, kháng nghị lên nhiều cấp xét xử và hậu quả của nó có thể là một phán quyết mới của toà án cấp cao hơn với nội dung khác với phán quyết ban đầu sẽ được đưa ra.