Những trường hợp cần áp dụng pháp luật

0 5.410

Áp dụng pháp luật là hoạt động phức tạp, được tiến hành trong những trường hợp sau:


1. Khi cần phải áp dụng chế tài pháp luật đối với chủ thể vi phạm pháp luật

Vi phạm pháp luật là hiện tượng tồn tại trong đời sống. Để đảm bảo trật tự, an toàn xã hội, xử lý người vi phạm, răn đe, phòng ngừa đối với người khác, các chủ thể có thẩm quyền phải áp dụng các biện pháp cưỡng chế nhà nước được quy định trong phần chế tài của quy phạm pháp luật đối với người vi phạm. Chẳng hạn, khi người điều khiển mô tô vượt đèn đỏ thì cảnh sát giao thông có quyền áp dụng pháp luật để xử phạt người vi phạm đó.


2. Khi cần áp dụng các biện pháp tác động nhà nước nhưng không liên quan đến trách nhiệm pháp lý

Trường hợp này không có vi phạm pháp luật, tuy nhiên vì lợi ích chung của cộng đồng, nhà nước có thể phải can thiệp, tiến hành các biện pháp cưỡng chế, buộc chủ thể có liên quan phải thực hiện những hành vi nhất định. Chẳng hạn, cưỡng chế trưng thu, trưng mua một số tài sản, phương tiện cần thiết cho quốc phòng, an ninh, cứu nạn…

Hình minh họa. Những trường hợp cần áp dụng pháp luật

3. Khi quyền và nghĩa vụ pháp lý của chủ thể không mặc nhiên phát sinh, thay đổi, chấm dứt nếu thiếu sự can thiệp của nhà nước

Đây là trường hợp đã có quy định của pháp luật về quyền và nghĩa vụ của các chủ thể, nhưng các cá nhân, tổ chức không tự mình làm phát sinh, thay đổi hay chấm dứt quyền và nghĩa vụ đó. Trong trường hợp này, bằng sự can thiệp của chủ thể có thẩm quyền, quyền, nghĩa vụ của các cá nhân, tổ chức sẽ được phát sinh, thay đổi hay chấm dứt trên thực tế. Chẳng hạn, cơ quan quân sự ra lệnh gọi nhập ngũ; cơ quan có thẩm quyền ra quyết định yêu cầu một người tham gia lao động công ích.


4. Khi xảy ra tranh chấp về quyền hoặc nghĩa vụ pháp lý giữa các bên tham gia quan hệ pháp luật mà các bên đó không tự giải quyết được

Trong trường hợp này, quan hệ pháp luật đã phát sinh, nhưng quyền và nghĩa vụ của các bên không được thực hiện do có tranh chấp. Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền tham gia vào quá trình này với với vai trò vừa là người trung gian vừa là nhà chức trách có thẩm quyền đưa ra phán quyết. Căn cứ vào quy định chung của pháp luật, cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ giải quyết xung đột, giúp các bên hiểu rõ và thực hiện đúng các quyền và nghĩa vụ của họ. Chẳng hạn, các tranh chấp hợp đồng dân sự, tranh chấp về tài sản thừa kế…


5. Trong một số quan hệ pháp luật mà nhà nước thấy cần thiết

Trong một số quan hệ pháp luật mà nhà nước thấy cần thiết phải tham gia để kiểm tra, giám sát các bên tham gia quan hệ đó hoặc xác nhận sự tồn tại hay không tồn tại của một số sự việc, sự kiện thực tế. Chẳng hạn, cơ quan công chứng áp dụng pháp luật để xác nhận vào hợp đồng mua bán nhà ở.

4.8/5 - (97 bình chọn)

 
® 2024 LawFirm.Vn - Thông tin do LawFirm.Vn cung cấp không thay thế cho tư vấn pháp lý. Nếu bạn yêu cầu bất kỳ thông tin nào, bạn có thể nhận được cuộc gọi điện thoại hoặc email từ một trong những Quản lý của chúng tôi. Để biết thêm thông tin, vui lòng xem chính sách bảo mật, điều khoản sử dụng, chính sách cookie và tuyên bố miễn trừ trách nhiệm của chúng tôi.
Có thể bạn quan tâm
Để lại câu trả lời

Trường "Địa chỉ email" của bạn sẽ không được công khai.

ZaloFacebookMailMap