Những lưu ý khi người lao động nghỉ từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng
Khi làm việc tại doanh nghiệp, sẽ có không ít trường hợp người lao động xin nghỉ từ 14 ngày làm việc trở lên. Vậy đối với trường hợp này, người lao động và doanh nghiệp cần lưu ý những vấn đề gì theo quy định của pháp luật?
1. Người lao động không làm việc và không hưởng tiền lương từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng
Theo quy định tại Khoản 4 Điều 42 Quyết định 595/QĐ-BHXH năm 2017 thì người lao động không làm việc và không hưởng tiền lương từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng thì không đóng bảo hiểm xã hội tháng đó. Thời gian này không được tính để hưởng bảo hiểm xã hội. .
Khi người lao động không làm việc và không hưởng lương từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng, doanh nghiệp phải làm thủ tục báo giảm lao động.
Ví dụ: Ngày 20/10/2020, anh A xin nghỉ không hưởng lương 16 ngày liên tiếp kể từ ngày 21/10/2020 đến hết ngày 05/11/2020. Biết rằng, ngày nghỉ hàng tuần là ngày Chủ nhật.
Theo quy định tại Khoản 4 Điều 42 Quyết định 595/QĐ-BHXH năm 2017, thì người lao động không làm việc và không hưởng tiền lương từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng thì không đóng bảo hiểm xã hội tháng đó. Ở đây, mặc dù anh A đã nghỉ liên tiếp 16 ngày, nhưng tháng 10 anh A chỉ nghỉ 10 ngày làm việc; tháng 11 nghỉ 03 ngày nên vẫn phải bảo hiểm xã hội tháng 10 và tháng 11 theo quy định.
2. Người lao động nghỉ việc hưởng chế độ ốm đau từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng
Căn cứ theo quy định tại Khoản 5 Điều 42 Quyết định 595/QĐ-BHXH năm 2017 thì người lao động nghỉ việc hưởng chế độ ốm đau từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội thì không phải đóng bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế, Bảo hiểm thất nghiệp, Bảo hiểm tai nạn lao động, Bệnh nghề nghiệp nhưng vẫn được hưởng quyền lợi bảo hiểm y tế.
3. Người lao động nghỉ việc hưởng chế độ thai sản từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng
Theo quy định tại Khoản 6 Điều Điều 42 Quyết định 595/QĐ-BHXH năm 2017, người lao động nghỉ việc hưởng chế độ thai sản từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng thì đơn vị và người lao động không phải đóng đóng bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế, Bảo hiểm thất nghiệp, Bảo hiểm tai nạn lao động, Bệnh nghề nghiệp, thời gian này được tính là thời gian đóng bảo hiểm xã hội, không được tính là thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp và được cơ quan bảo hiểm y tế đóng bảo hiểm y tế cho người lao động.
Khi báo giảm lao động, doanh nghiệp lưu ý ghi chú cụ thể thời gian nghỉ thai sản để cơ quan bảo hiểm xã hội đối chiếu và giải quyết.