Những loại việc dân sự thuộc thẩm quyền của toà án bao gồm các vụ án dân sự và các việc dân sự phát sinh từ các quan hệ pháp luật về dân sự, hôn nhân gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động và các việc khác do pháp luật quy định. Hiện nay, các vụ việc thuộc thẩm quyền dân sự của toà án được quy định tại các điều từ Điều 26 đến Điều 33 BLTTDS năm 2015 và một số điều luật của các văn bản pháp luật khác. Theo đó, toà án có thẩm quyền giải quyết các vụ việc dân sự sau:
1. Những vụ việc phát sinh từ quan hệ pháp luật dân sự
Về nguyên tắc, toà án có thẩm quyền thụ lý và giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự đối với những vụ việc dân sự phát sinh từ quan hệ pháp luật dân sự do pháp luật dân sự điều chỉnh. Những vụ việc phát sinh từ quan hệ pháp luật dân sự thuộc thẩm quyền giải quyết của toà án bao gồm những loại việc sau:
– Các tranh chấp giữa cá nhân với cá nhân về quốc tịch Việt Nam
– Tranh chấp về quyền sở hữu tài sản và các quyền khác đối với tài sản
Các tranh chấp về quyền sở hữu tài sản thuộc thẩm quyền của toà án bao gồm các tranh chấp về quyền chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản. Trong trường hợp đối tượng của việc tranh chấp là các vật khác nhau của thế giới vật chất nhưng không phải là tài sản theo quy định của pháp luật dân sự thì toà án không có thẩm quyền thụ lý giải quyết.
– Tranh chấp về quyền sở hữu trí tuệ, chuyển giao công nghệ
Khác với tranh chấp về quyền sở hữu đối với tài sản là động sản và bất động sản, các tranh chấp về quyền sở hữu trí tuệ thuộc thẩm quyền dân sự của toà án bao gồm tranh chấp về quyền tác giả, quyền liên quan đến quyền tác giả, quyền sở hữu công nghiệp và quyền đối với giống cây trồng. Ngoài ra, các tranh chấp về hợp đồng chuyển giao công nghệ cũng thuộc thẩm quyền của toà án. Đối với các tranh chấp về quyền sở hữu trí tuệ, chuyển giao công nghệ mà cả hai bên đều có mục đích lợi nhuận thì được coi là | tranh chấp về kinh doanh, thương mại.
Khi giải quyết tranh chấp này toà án có thẩm quyền buộc bên vi phạm phải chấm dứt hành vi vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, thực hiện các cam kết trong hợp đồng chuyển giao công nghệ, huỷ bỏ hợp đồng hoặc buộc bồi thường thiệt hại nếu có thiệt hại xảy ra.
– Tranh chấp về giao dịch dân sự, hợp đồng dân sự
Toà án có thẩm quyền thụ lý giải quyết đối với các tranh chấp về giao dịch dân sự và về hợp đồng dân sự phát sinh từ việc giao kết, thực hiện, sửa đổi và chấm dứt hợp đồng. Ngoài ra, toà án cũng có thẩm quyền giải quyết các tranh chấp phát sinh từ các biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự như cầm cố, thế chấp, đặt cọc, ký cược, ký quỹ, bảo lãnh, phạt vi phạm.
– Hiện nay, các tranh chấp phát sinh từ hợp đồng dân sự, hợp đồng thương mại, hợp đồng lao động đều thuộc thẩm quyền của toà án theo thủ tục tố tụng dân sự. Tuy nhiên, cũng cần phải phân biệt giữa tranh chấp hợp đồng dân sự với hợp đồng thương mại, hợp đồng lao động. Việc phân biệt này có ý nghĩa quan trọng trong việc xác định luật nội dung được áp dụng để giải quyết tranh chấp, thời hiệu khởi kiện cũng như án phí mà các bên phải chịu.
– Tranh chấp về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng
Đây là tranh chấp về thiệt hại xảy ra mà trước đó, người bị thiệt hại và người gây thiệt hại không có quan hệ hợp đồng hoặc có quan hệ hợp đồng nhưng thiệt hại xảy ra không có liên quan tới hợp đồng giữa các bên. Ví dụ: Yêu cầu bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ, súc vật, cây cối, nhà cửa, công trình xây dựng gây ra v...
– Tranh chấp về thừa kế tài sản
Toà án có thẩm quyền giải quyết đối với các tranh chấp về thừa kế như yêu cầu toà án buộc người thừa kế thực hiện nghĩa vụ về tài sản do người chết để lại, thanh toán các khoản chi từ di sản hoặc yêu cầu chia di sản thừa kế (theo pháp luật hoặc theo di chúc), xác nhận quyền thừa kế của mình hoặc bác bỏ quyền thừa kế của người khác.
– Tranh chấp liên quan đến hoạt động nghiệp vụ báo chí theo quy định của pháp luật
Các tranh chấp liên quan đến hoạt động nghiệp vụ báo chí bao gồm nhiều loại. Tuy vậy, chỉ những tranh chấp liên quan đến hoạt động báo chí mà pháp luật quy định thuộc thẩm quyền của toà án như tranh chấp về việc không đăng bài cải chính những tin tức xúc phạm đến danh dự, nhân phẩm của công dân, tranh chấp về bồi thường thiệt hại do báo chí đăng tin không đúng gây thiệt hại cho cá nhân, tổ chức v.v. thì toà án mới được thụ lý giải quyết. Các loại tranh chấp này đã được quy định tại Điều 9 Luật báo chí ngày 28/12/1989 và Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật báo chí ngày 12/6/1999.
– Tranh chấp về quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất theo quy định của pháp luật về đất đai
Quyền sử dụng đất là loại tài sản đặc biệt. Do vậy, các tranh chấp về quyền sử dụng đất thực chất cũng là một dạng của tranh chấp về tài sản. Quyền sử dụng đất được coi là tài sản và được pháp luật bảo hộ nếu như người sử dụng đất có đủ giấy tờ cần thiết chứng minh quyền sử dụng hợp pháp của mình. Theo quy định của Luật đất đai năm 2013, toà án có thẩm quyền giải quyết các tranh chấp về quyền sử dụng đất mà đương sự có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc có một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 100 Luật đất đai năm 2013 và tranh chấp về tài sản gắn liền với đất. Đối với trường hợp tranh chấp đất đai mà đương sự không có một trong các giấy tờ trên thì đương sự có thể lựa chọn yêu cầu uỷ ban nhân dân giải quyết hoặc khởi kiện tại toà án.
– Tranh chấp liên quan đến yêu cầu tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu
Văn bản công chứng bao gồm, hợp đồng, giao dịch bằng văn bản đã được công chứng. Trong trường hợp giữa người yêu cầu công chứng và công chứng viên, tổ chức hành nghề công chứng có tranh chấp liên quan đến hoạt động hành nghề công chứng thì các bên có quyền khởi kiện yêu cầu toà án giải quyết tranh chấp đó. Các tranh chấp giữa các bên liên quan đến yêu cầu tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu có bản chất là tranh chấp dân sự sẽ thuộc thẩm quyền dân sự của toà án.
– Tranh chấp liên quan đến tài sản bị cưỡng chế để thi hành án theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự.
Thực chất đây là trường hợp tranh chấp về quyền sở hữu, sử dụng đối với tài sản bị cưỡng chế để thi hành án. Tranh chấp này có thể nảy sinh giữa người phải thi hành với các đồng sở hữu chủ khác hoặc người thứ ba liên quan đến tài sản bị cưỡng chế kê biên. Theo quy định của pháp luật, trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được thông báo của chấp hành viên về việc cưỡng chế kê | biên thì chủ sở hữu chung hoặc người thứ ba có tranh chấp về tài sản kê biên có quyền khởi kiện yêu cầu toà án xác định quyền sở hữu, sử dụng của họ. Hết thời hạn trên mà các chủ thể có tranh chấp không khởi kiện thì tài sản đã kê biên được xử lí theo quy định của pháp luật thi hành án dân sự.
– Tranh chấp về kết quả bán đấu giá tài sản, thanh toán phí tổn đăng ký mua tài sản bán đấu giá theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự
Việc bán tài sản kê biên để thi hành án dân sự tuỳ trường hợp sẽ được bán thông qua hình thức bán đấu giá hoặc bán không qua thủ tục bán đấu giá. Trong trường hợp tổ chức bán đấu giá hoặc chấp hành viên bán đấu giá tài sản để thi hành án thì tranh chấp về kết quả bán đấu giá, về thanh toán chi phí đăng ký mua tài sản đấu giá sẽ thuộc thẩm quyền giải quyết của toà án theo thủ tục tố tụng dân sự.
– Tranh chấp về bồi thường thiệt hại do áp dụng biện pháp ngăn chặn hành chính không đúng theo quy định của pháp luật về cạnh tranh, trừ trường hợp yêu cầu bồi thường thiệt hại được giải quyết trong vụ án hành chính.
– Tranh chấp về khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả thải vào nguồn nước theo quy định của Luật tài nguyên nước.
– Tranh chấp về quyền sở hữu, quyền sử dụng rừng theo quy định của Luật bảo vệ và phát triển rừng.
– Yêu cầu tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu
Xét về về bản chất thì đây là trường hợp giữa người yêu cầu
công chứng và công chứng viên, tổ chức hành nghề công chứng không có tranh chấp mà chỉ yêu cầu tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu do không thoả mãn các điều kiện có hiệu lực của văn bản công chứng. Tuy nhiên, theo quy định tại Điều 52 Luật công chứng năm 2014 thì công chứng viên, người yêu cầu công chứng, người làm chứng, người có quyền, lợi ích liên quan, cơ quan nhà nước có thẩm quyền có quyền đề nghị toà án tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu khi có căn cứ cho rằng việc công chứng có vị phạm pháp luật. Theo quy định tại khoản 6 Điều 27 BLTTDS năm 2015 thì yêu cầu tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu thuộc thẩm quyền về dân sự của toà án.
– Yêu cầu xác định quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản; phân chia tài sản chung để thi hành án theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự
Trên đây, chúng ta đã xét tới thẩm quyền dân sự của toà án trong việc giải quyết các tranh chấp liên quan đến tài sản bị cưỡng chế để thi hành án theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự. Theo quy định tại Điều 27 BLTTDS năm 2015 thì các yêu cầu về xác định quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản; phân chia tài sản chung để thi hành án theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự cũng thuộc thẩm quyền về dân sự của toà án. Tuy nhiên, về bản chất thì đây là các việc dân sự do các bên đương sự không có tranh chấp về quyền lợi mà chỉ yêu cầu toà án xác định hoặc phân chia tài sản để thi hành án theo quy định của pháp luật.
– Việc xác định năng lực hành vi dân sự của cá nhân
Các việc liên quan đến xác định năng lực hành vi dân sự của một cá nhân, toà án có thẩm quyền thụ lý giải quyết gồm có yêu cầu tuyên bố một người mất năng lực hành vi dân sự, bị hạn chế năng lực hành vi dân sự, có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi và yêu cầu huỷ bỏ quyết định tuyên bố một người mất năng lực hành vi dân sự, hạn chế năng lực hành vi dân sự, có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi.
– Các việc liên quan đến sự vắng mặt của cá nhân tại nơi cư trú
Các loại việc liên quan đến sự vắng mặt của một cá nhân tại nơi cư trú mà toà án có thẩm quyền thụ lý giải quyết bao gồm yêu cầu thông báo tìm kiếm người vắng mặt tại nơi cư trú và quản lý tài sản của người đó; yêu cầu tuyên bố một người mất tích hoặc đã chết; huỷ bỏ quyết định tuyên bố một người mất tích hoặc đã chết.
– Yêu cầu công nhận kết quả hoà giải thành ngoài toà án
– Yêu cầu công nhận tài sản có trên lãnh thổ Việt Nam là vô chủ, công nhận quyền sở hữu của người đang quản lý đối với tài sản vô chủ trên lãnh thổ Việt Nam
2. Những vụ việc phát sinh từ quan hệ pháp luật hôn nhân và gia đình
Về nguyên tắc, hầu hết các vụ việc phát sinh từ quan hệ pháp luật hôn nhân và gia đình do Luật hôn nhân và gia đình điều chỉnh đều thuộc thẩm quyền dân sự của toà án. Toà án có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự những vụ việc về hôn nhân và gia đình sau đây:
– Ly hôn, tranh chấp về nuôi con, chia tài sản khi ly hôn, chia tài sản sau khi ly hôn;
– Tranh chấp về chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân;
– Tranh chấp về thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn;
– Tranh chấp về xác định cha, mẹ cho con hoặc xác định con cho cha, mẹ.
Hiện nay, toà án có thẩm quyền giải quyết các tranh chấp về xác định cha, mẹ cho con hoặc xác định con cho cha, mẹ. Tuy nhiên, đối với các yêu cầu về việc xác định cha, mẹ, con tự nguyện, không có tranh chấp, không thuộc thẩm quyền giải quyết của toà án. Trong trường hợp này, đương sự có thể yêu cầu cơ quan hộ tịch giải quyết theo thủ tục đăng ký hộ tịch.
– Tranh chấp về cấp dưỡng;
Toà án có thẩm quyền giải quyết đối với các tranh chấp về nghĩa vụ cấp dưỡng giữa cha, mẹ và con; giữa anh chị em với nhau giữa ông bà nội, ngoại và cháu; giữa vợ và chồng khi ly hôn mà các bên không thoả thuận được.
– Tranh chấp về sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản, mang thai hộ vì mục đích nhân đạo;
– Tranh chấp về nuôi con, chia tài sản của nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn hoặc khi huỷ kết hôn trái pháp luật;
– Yêu cầu huỷ việc kết hôn trái pháp luật;
– Yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn, thoả thuận nuôi con, chia tài sản khi ly hôn;
– Yêu cầu công nhận sự thoả thuận về thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn;
– Yêu cầu hạn chế quyền của cha, mẹ đối với con chưa thành niên hoặc quyền thăm nom con sau khi ly hôn;
– Yêu cầu chấm dứt việc nuôi con nuôi;
– Yêu cầu tuyên bố không công nhận quan hệ vợ chồng;
– Yêu cầu liên quan đến việc mang thai hộ theo quy định của pháp luật hôn nhân và gia đình;
– Yêu cầu công nhận thoả thuận chấm dứt hiệu lực của việc chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân đã được thực hiện theo bản án, quyết định của Toà án;
– Yêu cầu tuyên bố vô hiệu thoả thuận về chế độ tài sản của vợ chồng theo quy định của pháp luật hôn nhân và gia đình;
– Yêu cầu xác định cha, mẹ cho con hoặc con cho cha, mẹ theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình.
3. Những vụ việc phát sinh từ quan hệ pháp luật kinh doanh, thương mại
Các vụ việc phát sinh từ hoạt động kinh doanh, thương mại rất đa dạng và phức tạp, các bên có thể lựa chọn phương thức giải quyết bằng con đường trọng tài hoặc khởi kiện yêu cầu toà án giải quyết. Đối với trường hợp các bên có thoả thuận trọng tài thì các vụ việc này sẽ thuộc thẩm quyền giải quyết của trọng tài thương mại. Toà án có thẩm quyền thụ lý giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự nếu các bên không có thoả thuận trọng tài hoặc thoả thuận trọng tài bị vô hiệu. Theo đó, toà án có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự các tranh chấp về kinh doanh, thương mại sau:
– Các tranh chấp phát sinh trong hoạt động kinh doanh, thương mại giữa cá nhân, tổ chức có đăng ký kinh doanh với nhau và đều có mục đích lợi nhuận;
– Tranh chấp về quyền sở hữu trí tuệ, chuyển giao công nghệ giữa cá nhân, tổ chức với nhau và đều có mục đích lợi nhuận;
– Tranh chấp giữa người chưa phải là thành viên công ty nhưng có giao dịch về chuyển nhượng phần vốn góp với công ty, thành viên công ty.
Cùng với ba loại việc nói trên, toà án còn có thẩm quyền giải quyết các tranh chấp giữa công ty với các thành viên của công ty, giữa công ty với người quản lý trong công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc thành viên hội đồng quản trị, giám đốc, tổng giám đốc trong công ty cổ phần, giữa các thành viên của công ty với nhau liên quan đến việc thành lập, hoạt động, giải thể, sáp nhập, hợp nhất, chia, tách, bàn giao tài sản của công ty, chuyển đổi hình thức tổ chức của công ty.
Ngoài ra, toà án cũng có thẩm quyền thụ lý giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự các việc về kinh doanh, thương mại như yêu cầu huỷ bỏ nghị quyết của đại hội đồng cổ đông, nghị quyết của hội đồng thành viên theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp; yêu cầu bắt giữ tàu bay, tàu biển theo quy định của pháp luật về hàng không dân dụng Việt Nam, về hàng hải Việt Nam; các việc liên quan đến trọng tài thương mại Việt Nam như yêu cầu chỉ định, thay đổi trọng tài viên; yêu cầu áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời trong quá trình hội đồng trọng tài giải quyết vụ tranh chấp; yêu cầu huỷ quyết định trọng tài v.v..
4. Những vụ việc phát sinh từ quan hệ pháp luật lao động
Về nguyên tắc, toà án có thẩm quyền giải quyết những vụ việc phát sinh từ quan hệ pháp luật lao động do pháp luật lao động điều chỉnh. Các vụ việc về lao động thuộc thẩm quyền của toà án bao gồm các tranh chấp lao động cá nhân, tranh chấp lao động tập thể, các tranh chấp liên quan đến lao động và các yêu cầu về lao động. Đối với các tranh chấp lao động cá nhân, toà án có thẩm quyền giải quyết trong trường hợp tranh chấp đó đã được hoà giải viên lao động hoà giải không thành hoặc hoà giải thành thành nhưng các bên không thực hiện, thực hiện không đúng hoặc không hoà giải trong thời hạn do pháp luật quy định.
Tuy nhiên, đối với một số tranh chấp lao động cá nhân toà án có thẩm quyền thụ lý giải quyết ngay mà không nhất thiết phải qua hoà giải. Đó là các tranh chấp về xử lý kỷ luật lao động theo hình thức sa thải hoặc tranh chấp về trường hợp bị đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động; tranh chấp về bồi thường thiệt hại, về trợ cấp khi chấm dứt hợp đồng lao động; tranh chấp giữa người giúp việc gia đình với người sử dụng lao động; tranh chấp về bảo hiểm xã hội; về bảo hiểm y tế theo quy định của pháp luật về bảo hiểm y tế, về bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật về việc làm, về bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo quy định của pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động; tranh chấp về bồi thường thiệt hại giữa người lao động với doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập đưa người lao động đi làm việc nước ngoài theo hợp đồng.
Các tranh chấp lao động tập thể bao gồm các tranh chấp lao động tập thể về quyền và tranh chấp lao động tập thể về lợi ích. Các tranh chấp lao động tập thể về quyền thuộc thẩm quyền dân sự của toà án bao gồm tranh chấp về việc thực hiện các quy định của pháp luật lao động, nội quy lao động đã được đăng kí với cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc các quy chế, thoả thuận hợp pháp khác ở doanh nghiệp đã được chủ tịch uỷ ban nhân dân cấp quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh giải quyết mà tập thể người lao động hoặc người sử dụng lao động không đồng ý hoặc chủ tịch uỷ ban nhân dân cấp quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh không giải quyết trong thời hạn pháp luật quy định.
Ngoài các tranh chấp lao động cá nhân và tập thể nói trên, toà án còn có thẩm quyền giải quyết các tranh chấp về bồi thường thiệt hại do đình công bất hợp pháp; các tranh chấp liên quan đến lao động như tranh chấp về học nghề, tập nghề; tranh chấp về cho thuê lại lao động; tranh chấp về quyền công đoàn, kinh phí công đoàn; tranh chấp về an toàn lao động, vệ sinh lao động. Bên cạnh đó, BLTTDS năm 2015 đã bổ sung thẩm quyền của toà án đối với những yêu cầu về lao động, bao gồm yêu cầu tuyên bố hợp đồng lao động, thoả ước lao động tập thể vô hiệu; yêu cầu xét tính hợp pháp của cuộc đình công.
5. Yêu cầu công nhận hoặc không công nhận các bản án quyết định của toà án nước ngoài, quyết định của trọng tài nước ngoài
Ngoài các vụ việc dân sự phát sinh từ các quan hệ pháp luật dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động đã được đề cập ở trên, toà án còn có thẩm quyền giải quyết các yêu cầu công nhận và cho thi hành tại Việt Nam các bản án quyết định của toà án nước ngoài, quyết định của trọng tài nước ngoài hoặc không công nhận các bản án, quyết định của toà án nước ngoài sau đây:
– Yêu cầu công nhận và cho thi hành tại Việt Nam bản án, quyết định về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động; quyết định về tài sản trong bản án, quyết định hình sự, hành chính của toà án nước ngoài.
– Yêu cầu hoặc không công nhận bản án, quyết định về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động; quyết định về tài sản trong bản án, quyết định hình sự, hành chính của toà án nước ngoài mà không có yêu cầu thi hành tại Việt Nam.
– Yêu cầu công nhận và cho thi hành tại Việt Nam quyết định kinh doanh, thương mại, lao động của trọng tài nước ngoài.