1. Khái niệm cơ quan đại diện ngoại giao
1.1. Định nghĩa
Cơ quan đại diện ngoại giao là cơ quan nhà nước, có trụ sở trên lãnh thổ quốc gia khác để thực hiện quan hệ ngoại giao với quốc gia đó.
Cơ quan đại diện ngoại giao được thành lập theo thoả thuận giữa hai quốc gia. Cơ quan này đại diện cho quốc gia về tất cả các lĩnh vực trong quan hệ với nước nhận đại diện và quan hệ với cơ quan đại diện ngoại giao của các quốc gia khác nước nhận đại diện.
2.2. Phân loại
Từ thời cổ đại cho đến đầu thế kỷ XV, cơ quan đại diện ngoại giao của nhà nước ở nước ngoài chỉ mang tính chất tạm thời, nhằm thực hiện những nhiệm vụ nhất định trong một thời gian cụ thể. Từ giữa thế kỷ XV, bắt đầu xuất hiện cơ quan đại diện ngoại giao thường trực ở nước ngoài. Tuy vậy, cho đến trước Chiến tranh thế giới thứ ! chỉ có các cường quốc mới trao đổi đại diện ở cấp đại sứ quán. Ngày nay trên cơ sở nguyên tắc bình đẳng về chủ quyền, mọi quốc gia đều có thể đặt cơ quan đại diện ngoại giao ở nước ngoài.
Có hai loại cơ quan đại diện ngoại giao là đại sứ quán và công sứ quán.
– Đại sứ quán là cơ quan đại diện ngoại giao cao nhất của một nước ở nước ngoài. Người đứng đầu đại sứ quán là đại sứ.
– Công sứ quán là cơ quan đại diện ngoại giao ở mức thấp hơn đại sứ quán. Người đứng đầu công sứ quán là công sứ.
Từ những năm 20 của thế kỷ XX, đặc biệt từ sau Chiến tranh thế giới lần thứ II, số lượng cơ quan đại diện ngoại giao ở cấp công sứ quán giảm mạnh và cấp đại sứ quán ngày càng tăng nhanh. Đến nay, các quốc gia chủ yếu đặt cơ quan đại diện ngoại giao ở cấp đại sứ quán, cấp công sứ quán chỉ còn rất ít.
2. Chức năng của cơ quan đại diện ngoại giao
Chức năng của cơ quan đại diện ngoại giao được quy định trong điều ước quốc tế và trong pháp luật quốc gia, bao gồm:
– Thay mặt cho nhà nước mình tại nước nhận đại diện;
– Bảo vệ quyền lợi của nhà nước và công dân nước Imình ở nước nhận đại diện (bảo hộ ngoại giao);
– Đàm phán với chính phủ nước nhận đại diện;
– Bằng những phương tiện hợp pháp, tìm hiểu về điều kiện và sự tiến triển của tình hình nước nhận đại diện và báo cáo với chính phủ nước mình;
– Thúc đẩy quan hệ hữu nghị và phát triển quan hệ kinh tế, văn hoá, khoa học giữa nước mình với nước nhận đại diện.
Ngoài các chức năng trên, ngày nay cơ quan đại diện ngoại giao cũng có thể thực hiện cả chức năng lãnh sự, vì thế trong đại sứ quán của các nước thường có phòng lãnh sự.
3. Cấp, hàm, chức vụ ngoại giao
3.1. Cấp ngoại giao
Là thứ bậc của người đứng đầu cơ quan đại diện ngoại giao, được xác định theo quy định của luật quốc tế và thoả thuận của các quốc gia hữu quan. Theo luật ngoại giao, người đứng đầu cơ quan đại diện ngoại giao được chia thành ba cấp:
– Cấp đại sứ (hoặc Đại sứ Toà thánh Va-ti-căng) do nguyên thủ quốc gia bổ nhiệm;
– Cấp công sứ (hoặc Công sứ Toà thánh Va-ti–căng) do nguyên thủ quốc gia bổ nhiệm;
– Cấp đại biện do bộ trưởng bộ ngoại giao bổ nhiệm.
Trên thực tế, hiện nay cấp đại biện và cấp công sứ chỉ còn rất ít. Luật quốc tế không ấn định bất kỳ sự phân biệt nào về địa vị pháp lý giữa những người đứng đầu cơ quan đại diện ngoại giao có cấp bậc ngoại giao khác nhau.
Cân phân biệt cấp đại biện với cấp đại hiện lâm thời. Sự khác nhau giữa hai cấp này thể hiện ở chỗ, cấp đại biện là cấp của người đứng đầu cơ quan đại diện ngoại giao, còn cấp đại biện lâm thời là chỉ tạm thời thực hiện chức năng của người đứng đầu đại sứ quán khi không có vị đại sứ.
3.2. Hàm ngoại giao
Là chức danh nhà nước, phong cho công chức ngành ngoại giao để thực hiện công tác đối ngoại ở trong và ngoài nước. Theo pháp luật của các nước, thông thường hàn ngoại giao gồm có đại sứ, công sứ, tham tán, bí thư thứ nhất, bí thư thứ hai, bí thư thứ ba, tùy viên.
3.3. Chức vụ ngoại giao
Là chức vụ được bổ nhiệm cho thành viên có cương vị ngoại giao công tác tại các cơ quan quan hệ đối ngoại của nhà nước ở nước ngoài. Những người được bổ nhiệm vào chức vụ ngoại giao có thể là công chức của ngành ngoại giao và cũng có thể là công chức của các ngành khác được điều động đến Công tác trong đại sứ quán hoặc trong phái đoàn đại diện thường trực của quốc gia tại tổ chức quốc tế liên chính phủ. Họ có thể là người mang hàm ngoại giao nhưng cũng có thể không mang hàm ngoại giao.
Theo pháp luật Việt Nam, chức vụ ngoại giao Việt Nam gồm có đại sứ đặc mệnh toàn quyền, công sứ đặc mệnh toàn quyền, đại biện, trưởng đoàn đại diện thường trực tại tổ chức quốc tế liên chính phủ; công sức tham tán công sứ, tham tán; bí thư thứ nhất; bí thư thứ hai, bí thư thứ ba; tùy viên.
4. Khởi đầu và chấm dứt chức năng đại diện ngoại giao
Quan hệ ngoại giao giữa các quốc gia được thiết lập theo thoả thuận. Khi thiết lập quan hệ ngoại giao, các bên cũng đồng thời thoả thuận về việc mở cơ quan đại diện ngoại giao, trong đó xác định rõ về cấp của cơ quan này.
Cơ quan đại diện ngoại giao bắt đầu hoạt động sau khi đã thực hiện các thủ tục đề nghị xin chấp thuận của nước nhận đại diện; bổ nhiệm chính thức người đứng đầu cơ quan đại diện ngoại giao, người đứng đầu cơ quan đại diện ngoại giao đến nước nhận đại diện; người đứng đầu cơ quan đại diện ngoại giao chính thức nhận nhiệm vụ.
Trước khi bổ nhiệm chính thức người đứng đầu cơ quan đại diện ngoại giao ở nước ngoài, nước cử đại điện phải nhận được sự chấp thuận của nước nhận đại diện. Chấp thuận (agrement) là sự đồng ý của nước nhận đại diện đối với người được nước cử đại diện dự kiến bổ nhiệm là người đứng đầu cơ quan đại diện ngoại giao tại nước nhận đại diện. Nước nhận đại diện có thể đồng ý hoặc từ chối chấp thuận mà không cần nêu rõ lý do.
Người đứng đầu cơ quan đại diện ngoại giao được coi như bắt đầu thực hiện nhiệm vụ của mình ở nước nhận đại diện từ các thời điểm khác nhau, tùy thuộc vào thực tiễn hiện hành ở mỗi nước:
– Từ thời điểm trình quốc thư;
– Từ thời điểm báo tin đã đến nước nhận đại diện và trao một bản sao quốc thư lên bộ ngoại giao nước nhận đại diện.
Ở Việt Nam, thời điểm này được tính từ khi trình quốc thư.
Các viên chức ngoại giao khác được coi như đảm nhiệm chức vụ sau khi được bổ nhiệm và đến nước nhận đại diện từ thời điểm thông báo của cơ quan có thẩm quyền của nước sở tại (thường là bộ ngoại giao). Đối với họ, không cần phải có sự chấp thuận.
Người đứng đầu cơ quan đại diện ngoại giao chấm dứt nhiệm vụ trong các trường hợp:
– Hết nhiệm kỳ công tác;
– Bị triệu hồi về nước;
– Chính phủ nước tiếp nhận tuyên bố đại diện ngoại giao là người không được chấp nhận, mất tín nhiệm (Persona non grata);
– Từ trần;
– Từ chức.
Cơ quan đại diện ngoại giao chấm dứt chức năng của mình trong trường hợp:
– Xung đột vũ trang giữa hai nước;
– Quan hệ ngoại giao giữa hai nước bị cắt đứt;
– Khi một trong hai nước không còn là chủ thể luật quốc tế;
– Khi một trong hai nước có sự thay đổi chính phủ bằng con đường không hợp hiến.
5. Cơ cấu tổ chức và thành viên
Cơ cấu tổ chức của cơ quan đại diện ngoại giao các nước được sắp xếp khác nhau và được quy định căn cứ vào truyền thống và đặc trưng của các mối quan hệ giữa nước cử đại diện với nước nhận đại diện. Thông thường, trong đại sứ quán có các bộ phận: văn phòng, phòng chính trị, phòng kinh tế, phòng văn hoá, phòng lãnh sự, tùy viên quân sự.
Thành viên của cơ quan đại diện ngoại giao được chia ra làm ba loại: Viên chức ngoại giao, nhân viên hành chính-kỹ thuật, nhân viên phục vụ.
– Viên chức ngoại giao gồm những người có hàm hoặc chức vụ ngoại giao (còn được gọi là người có thân phận ngoại giao), bao gồm: đại sứ (công sứ, đại biện); tham tán công sứ; tham tán (tham tán chính trị, tham tán kinh tế-thương mại, tham tán văn hoá...); tùy viên quân sự, bí thư thứ nhất, bí thư thứ hai, bí thư thứ ba; tùy viên.
– Nhân viên hành chính – kỹ thuật là những người làm các Công việc về hành chính và kỹ thuật trong cơ quan đại diện ngoại giao, như phiên dịch, tài vụ, văn thư, đánh máy…
– Nhân viên phục vụ là những người làm các công việc phục vụ cho cơ quan đại diện ngoại giao như lái xe, bảo vệ, thợ điện nước, quét dọn, nấu ăn…
Theo nguyên tắc chung, viên chức ngoại giao phải là công dân của nước cử đại diện. Công dân nước nhận đại diện hoặc công dân của nước thứ ba có thể giữ chức vụ ngoại giao nhưng phải được sự đồng ý của nước nhận đại điện. Đối với nhân viên hành chính-kỹ thuật và nhân viên phục vụ thì không cần phải có sự đồng ý này.
Nước nhận đại diện có thể bất kỳ lúc nào thông báo cho nước cử đại diện rằng người đứng đầu cơ quan đại diện ngoại giao hoặc viên chức nào đó của cơ quan này bị mất tín nhiệm (Persona non grata) hoặc bất cứ thành viên nào khác của cơ quan đại diện là không được chấp nhận mà không cần phải nêu rõ lý do. Trong trường hợp này, nước cử đại diện phải triệu hồi ngay những người bị mất tín nhiệm hoặc đình chỉ chức năng của họ trong cơ quan đại diện ngoại giao.
6. Đoàn ngoại giao
Đoàn ngoại giao được hiểu theo hai nghĩa:
– Theo nghĩa hẹp, đoàn ngoại giao bao gồm tất cả những người đứng đầu cơ quan đại diện ngoại giao của các nước đóng tại nước nhận đại điện.
– Theo nghĩa rộng, đoàn ngoại giao bao gồm tất cả những người có hộ chiếu ngoại giao và thẻ ngoại giao do nước nhận đại diện cấp.
Đoàn ngoại giao không phải là một tổ chức, không hoạt động hàng ngày, mà chỉ thực hiện chức năng lễ tân trong hoạt động tại nước sở tại. Trưởng đoàn ngoại giao là người có cấp bậc cao nhất, đứng đầu cơ quan đại diện ngoại giao của một nước và công tác lâu nhất ở nước tiếp nhận đại diện. Ở một số nước thiên chúa giáo, theo truyền thống, Đại sứ của Toà thánh Va-ti-căng là Trưởng đoàn ngoại giao.