Nhận diện các hành vi trốn tránh khoản nợ của bên nợ
Hiện nay, việc thu hồi nợ tại Việt Nam gặp phải nhiều khó khăn do bên nợ sử dụng nhiều biện pháp tinh vi để trốn tránh, kéo dài thời gian trả nợ. Khi các doanh nghiệp phát hiện ra thì các bên nợ này đã thực hiện xong các biện pháp. Điều này khiến cho tỷ lệ thu hồi nợ thành công giảm sâu. Vì vậy, việc nhận diện các hành vi trốn tránh khoản nợ của bên nợ rất quan trọng. Nó giúp các doanh nghiệp sớm ngăn chặn các hành vi của bên nợ. Vì vậy, bài viết này sẽ đưa ra các hành vi trốn tránh của bên nợ cũng như giải pháp cho doanh nghiệp khi gặp trường hợp tương tự.
1. Bên nợ che giấu địa chỉ hoạt động thực tế
Đây là một hành vi thường xuyên xảy ra khi doanh nghiệp thu hồi nợ. Rất nhiều trường hợp khi doanh nghiệp tiến hành thu hồi khoản nợ thì phát hiện ra bên nợ đã không còn hoạt động ở địa chỉ ghi trong Hợp đồng, thỏa thuận; không hoạt động tại địa chỉ trụ sở mà bên nợ đăng ký với cơ quan có thẩm quyền. Khi doanh nghiệp làm việc, trao đổi với bên nợ thì bên nợ luôn cố tình che giấu địa chỉ hoạt động thực tế bằng các lý do như:
- Đề nghị doanh nghiệp gửi công văn, văn bản tới địa chỉ trụ sở đăng ký, bên nợ sẽ cử người để nhận;
- Chỉ cần trao đổi, làm việc qua tin nhắn và email là đủ, không đồng ý làm việc trực tiếp;
- Khi doanh nghiệp đề nghị cung cấp địa chỉ hoạt động thực tế, bên nợ luôn luôn lảng tránh và không đồng ý cung cấp.
2. Bên nợ bán tài sản, rút vốn của công ty và chuyển chủ sở hữu
Một hành vi khác mà bên nợ cũng thường xuyên thực hiện để trốn tránh khoản nợ đó là bên nợ bán toàn bộ tài sản, rút vốn của công ty và chuyển chủ sở hữu, người đại diện theo pháp luật, chỉ để lại cái “vỏ” của công ty.
Về mặt pháp lý, công ty vẫn đang hoạt động hoặc chỉ tạm ngừng hoạt động. Tuy nhiên, trên thực tế, công ty đã không còn hoạt động, không có tài sản để thanh toán khoản nợ. Những công ty này không thực hiện thủ tục giải thể hay phá sản bởi nếu thực hiện các thủ tục này thì công ty sẽ phải trả toàn bộ nợ của công ty cũng như các khoản thuế, nghĩa vụ tài chính cho cơ quan có thẩm quyền. Ngoài ra, thông tin của chủ sở hữu, người đại diện theo pháp luật mới thường mập mờ, không rõ ràng và không thể xác minh.
Hành vi trốn tránh khoản nợ này của bên nợ khiến doanh nghiệp gặp khó khăn bởi không có thông tin cụ thể về số điện thoại, địa chỉ của chủ sở hữu, người đại diện theo pháp luật mới; không thể tìm và yêu cầu chủ sở hữu, người đại diện theo pháp luật cũ thanh toán khoản nợ bởi bên nợ là pháp nhân; bên nợ đã không còn tài sản để thanh toán. Trong trường hợp này, LawFirm.Vn đánh giá khả năng thu hồi nợ thành công là thấp.
Để tránh vướng phải tình huống này, doanh nghiệp cần thường xuyên liên hệ và theo dõi tình hình hoạt động của bên nợ trước khi bên nợ thực hiện xong việc bán tháo tài sản, rút vốn và chuyển chủ sở hữu, người đại diện theo pháp luật. Nếu doanh nghiệp có căn cứ cho rằng bên nợ đang gặp khó khăn về tài chính hoặc đang thực hiện các thủ tục để bán tài sản công ty, đổi người đại diện theo pháp luật hoặc chủ sở hữu, doanh nghiệp nên áp dụng các biện pháp để thúc giục bên nợ thanh toán khoản nợ nhanh nhất có thể bởi vì một khi bên nợ đã hoàn thành việc bán tài sản, doanh nghiệp sẽ rất khó khăn để có thể thu hồi lại khoản nợ.