1. Cơ sở pháp lý
Nhà nước ta là Nhà nước của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân, tất cả quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân. Để bảo đảm nguyên tắc thực hiện quyền lực của nhân dân trong hoạt động xét xử của Tòa án, khoản 1 Điều 103 Hiến pháp năm 2013 quy định: “Việc xét xử sơ thẩm của Tòa án nhân dân có Hội thẩm tham gia, trừ trường hợp xét xử theo thủ tục rút gọn”. Cụ thể hóa quy định này, Điều 22 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 đã ghi nhận nguyên tắc thực hiện chế độ xét xử có Hội thẩm tham gia.
2. Nội dung của nguyên tắc
– Việc xét xử sơ thẩm của Tòa án có Hội thẩm tham gia theo quy định của pháp luật. Hội thẩm là người được bầu hoặc cử tham gia vào hoạt động xét xử. Với kinh nghiệm sống cùng với kiến thức chuyên môn của mình, Hội thẩm góp phần quan trọng vào việc xác định sự thật của vụ án. Hội thẩm là người trực tiếp làm việc và sinh hoạt xã hội cùng quần chúng nhân dân, họ mang đến phiên tòa những suy nghĩ và ý kiến quần chúng đối với vụ án, góp phần giúp Tòa án xử lý vụ án được chính xác.
– Khi xét xử theo thủ tục rút gọn không có Hội thẩm tham gia. Những vụ án được áp dụng thủ tục rút gọn là những vụ án có đủ các điều kiện để có thể giải quyết nhanh chóng và rút gọn thủ tục hơn so với những vụ án được tiến hành theo thủ tục chung. Việc quy định xét xử theo thủ tục rút gọn chỉ do một Thẩm phán giải quyết nhằm đơn giản hơn về thủ tục xét xử và qua đó rút ngắn thời gian giải quyết vụ án, bảo đảm việc xét xử nhanh chóng, chính xác.
Hội thẩm là những người có uy tín trong xã hội, được quần chúng tín nhiệm và có ảnh hưởng nhất định trong xã hội. Qua sự tham gia xét xử của Hội thẩm, uy tín của cơ quan xét xử ngày càng được nâng cao và được nhân dân tin cậy, ủng hộ, đổng thời Hội thẩm còn đóng vai trò to lớn trong công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật. Bằng vai trò cá nhân, Hội thẩm có đóng góp nhất định trong việc giữ gìn “tình làng nghĩa xóm” ổn định xã hội, phòng, chống tội phạm.
Thực hiện tốt nguyên tắc này góp phần vào việc nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động xét xử và phòng ngừa tội phạm.