1. Cơ sở pháp lý
Quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở, đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình, an toàn và bí mật thư tín, điện thoại, điện tín của cá nhân là nhóm quyền con người liên quan đến đời sống riêng tư của các cá nhân trong xã hội. Do đó, trên cơ sở quy định của Hiến pháp năm 2013, Điều 12 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 đã quy định nguyên tắc này.
2. Nội dung của nguyên tắc
Chỗ ở, đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình, an toàn và bí mật thư tín , điện thoại, điện tín, dữ liệu điện tử và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của cá nhân là các quyền con người được pháp luật tôn trọng, bảo vệ. Nhà nước quy định các điều kiện để bảo đảm các quyền con người này trong mọi trường hợp và chỉ bị hạn chế hay tước bỏ khi có căn cứ theo quy định của Hiến pháp và bằng một đạo luật của Nhà nước.
Trong quá trình giải quyết vụ án, cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng được quyền thực hiện các biện pháp cưỡng chế, biện pháp ngăn chặn, điều tra như: khám người, chỗ ở, đồ vật, thư tín, điện thoại, điện báo, dữ liệu điện tử và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của cá nhân… Khi áp dụng đòi hỏi cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải tuân theo các quy định của pháp luật tố tụng hình sự về căn cứ, thẩm quyền, thủ tục, trình tự của các biện pháp đó.
Mọi vi phạm quyển bất khả xâm phạm về chỗ ở của công dân (khám xét trái phép chỗ ở của công dân…) hoặc hành vi vi phạm về bí mật, an toàn thư tín, điện thoại, điện tín của công dân (chiếm đoạt, khám xét, thu giữ… thư tín, điện thoại, điện tín, dữ liệu điện tử và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của cá nhân) đều bị xử lý. Tùy mức độ vi phạm mà bị xử lý hành chính, kỷ luật hoặc có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật Hình sự.