Nguồn của luật biển quốc tế gồm: hành vi đơn phương, luật tập quán, luật điều ước, các học thuyết, các quyết định xét xử của tòa án và các nghị quyết của các tổ chức quốc tế.
1. Khái niệm nguồn của luật
Thuật ngữ “luật quốc tế” là một trong những thuật ngữ hết sức trừu tượng, đưa đến một khái niệm rộng và không chính xác khi nằm trong một bối cảnh xa rời thực tiễn của các quốc gia và các tổ chức quốc tế. Ngày nay phân biệt giữa cái gì thuộc pháp lý và cái gì không phải pháp lý là một vấn đề hết sức tế nhị, liên quan tới việc xác định nguồn của luật quốc tế. Việc áp dụng luật pháp không thể tách rời với việc hiểu rõ các nguồn của luật. Các chính phủ dựa trên các nguồn của luật để đưa ra các văn bản pháp lý hướng dẫn của mình, các quan toà dựa trên các nguồn của luật để giải quyết các tranh chấp.
Các nguồn của luật quốc tế đã được liệt kê trong điều 38 của Quy chế của Toà án pháp lý quốc tế:
– Những điều ước quốc tế, chung hoặc riêng thiết lập các quy tắc được các quốc gia tranh chấp thừa nhận một cách rõ ràng.
– Tập quán quốc tế như bằng chứng của một thực tiễn chung, được chấp nhận như là luật.
– Các nguyên tắc pháp luật chung được các nước văn minh thừa nhận.
– Những quyết định của các toà án và học thuyết của các luật gia trình độ cao của các nước khác nhau, như nguồn bổ xung xác định các quy tắc của luật.
Điều khoản này có từ năm 1920, năm biên soạn Quy chế của Toà án pháp lý quốc tế thường trực, nên không tránh khỏi bị chỉ trích. Những điều khoản này vẫn không mất đi giá trị của nó, vẫn tiếp tục được khẳng định trong hàng loạt các phán quyết của các cơ quan tài phán quốc tế. Điều khoản này để lại dấu ấn của mình trên ngành luật biển quốc tế. Là một nhánh của ngành luật quốc tế, các nguồn của luật quốc tế cũng chính là luật biển quốc tế. Tuy vậy, do tính đặc thù của biển, vấn đề nguồn của luật biển quốc tế đặt ra nhiều khó khăn đặc thù, nhất là trong giai đoạn phát triển mạnh mẽ của luật biển quốc tế trong những năm gần đây.
2. Nguồn của luật biển quốc tế
Nguồn của luật biển quốc tế gồm: hành vi đơn phương, luật tập quán, luật điều ước, các học thuyết, các quyết định xét xử của tòa án và các nghị quyết của các tổ chức quốc tế.
2.1. Hành vi đơn phương
Mặc dù không được coi là nguồn của luật pháp quốc tế, các hành vi đơn phương của các quốc gia lại là một trong những động lực chính, khởi động quá trình pháp điển hoá luật biển quốc tế. Các hành vi pháp lý đơn phương được đặc trưng bởi ba yếu tố chính: sự thể hiện ý chí của một chủ thể của luật pháp quốc tế; ý chí này là độc lập; các tác động của việc thực hiện ý chí này không kéo theo nghĩa vụ đối với các bên thứ ba. Các hành vi đơn phương, có một nội dung thống nhất, không gây ra bất kỳ một phản kháng hình thức nào từ phía các nước thứ ba, sẽ tạo thành các yếu tố thúc đẩy tạo ra một tập quán quốc tế. Các hành vi đơn phương đã có ảnh hưởng nhất định trong việc thúc đẩy luật biển quốc tế.
Hai tuyên bố của Tổng thống Mỹ Truman ngày 28 tháng 9 năm 1945, một liên quan đến các nguồn tài nguyên sinh vật của biển, một liên quan đến các nguồn tài nguyên khoáng sản của đáy biển và lòng đất dưới đáy biển, đã tạo ra điểm khởi đầu tạo ra các quy luật tập quán quốc tế mới, ảnh hưởng quyết định đến việc pháp điển hoá các quy tắc của luật biển quốc tế. Tiếp sau Tuyên bố Truman, hàng loạt các tuyên bố đơn phương của các quốc gia Mỹ La tinh đã mở rộng thềm lục địa của họ (Argentina ngày 11 tháng 10 năm 1946; Mexico ngày 29 tháng 10 năm 1946; Panama ngày 1 tháng 8 năm 1947; Costa Rica ngày 27 tháng 7 năm 1948, El Salvador ngày 14 tháng 9 năm 1950…). Khái niệm mới về vùng đặc quyền kinh tế cũng đi vào luật biển quốc tế thông qua các tuyên bố đơn phương (1947 Chi Lê, Peru và Equateur yêu sách lãnh hải rộng 200 hải lý) để mang một tính đa phương: nội dung các tuyên bố đơn phương đó là nhất quán, thể hiện cùng một ý chí của các quốc gia Mỹ La tinh trong các Tuyên bố chung Santiago (1952), Montevideo (1970), Lima (1970), Saint Domingue (1970), kết hợp với sáng kiến của Kenya (1972) để trở thành một khái niệm của luật tập quán. Toà án pháp lý quốc tế trong Vụ thềm lục địa Biển Bắc ngày 20 tháng 2 năm 1969 cũng nhận xét việc phân định các vùng biển trước hết “nhất thiết phải là một hành vi đơn phương” cho dù nó có những hậu quả quốc tế. Toà cũng tổng kết rằng “chế độ thềm lục địa là ví dụ của một lý thuyết pháp lý được sinh ra từ một giải pháp riêng biệt, giải pháp đã tạo nên một trường phái“. (Tuyển tập các phán quyết của Tòa ICJ, 1969, tr. 53).
2.2. Luật tập quán
Trong nhiều thế kỷ, luật tập quán là nguồn chính của luật biển quốc tế. Tập quán và tục lệ sử dụng biển tại Địa Trung Hải cũng như Đại Tây Dương, luôn được coi là cơ sở của luật hàng hải, và là một trong những nhân tố làm nên luật biển quốc tế. Colombos, luật gia Anh nổi tiếng, dẫn lời của Chánh toà Toà án Tối cao Mỹ, ông Marsall, năm 1833: “thực tiễn của các quốc gia trở thành luật và tục lệ đã được thiết lập là một quy tắc của luật”, để nhấn mạnh rằng “tập quán tạo nên nguồn quan trọng nhất của luật biển quốc tế; các tục lệ mà các cường quốc biển theo đuổi dẫn tới một ảnh hưởng mạnh trên sự phát triển của luật biển quốc tế ” (Colombos, Luật biển quốc tế, Paris, Pedone, 1952, tr. 1, 3). Luật biển quốc tế cổ điển, truyền thống được hình thành chính từ thực tiễn hoạt động của các hạm đội thương mại và quân sự. Trải qua một quá trình chậm chạp và phức tạp, các thực tiễn này đã được hòa nhập vào tập quán quốc tế. Tuy nhiên, nhận xét về vị trí hơn hẳn này của luật tập quán so với các nguồn khác của luật biển quốc tế chỉ có giá trị vào thời đại trước. Luật biển quốc tế hiện đại được hình thành nhờ những nỗ lực và sáng kiến của các quốc gia đang phát triển, các nước nhận thức được rằng quá trình tạo lập nên các quy tắc cổ điển của luật biển quốc tế thấm đượm các quyền lợi của các cường quốc biển vì vậy đã cố gắng đưa ra những đòi hỏi đối lập với một số quy tắc trên.
Luật tập quán được hình thành, trước hết do sự lặp đi lặp lại của nhiều hành vi đơn phương của các quốc gia mà ta đã xét ở trên. Luật tập quán còn là biểu hiện của thực tiễn không đổi và nhất quán của các quốc gia trong các lĩnh vực sử dụng biển. Tập quán hình thành dựa trên sự tham gia rộng lớn của các quốc gia, nhưng trong luật biển quốc tế, vai trò quyền lợi chung của các quốc gia có ý nghĩa quyết định tạo nên các nhóm quốc gia quan tâm hơn tới một vấn đề nào đó của luật biển quốc tế: quốc gia quần đảo, bảo vệ môi trường biển, quá cảnh qua eo biển, quyền tự do quá cảnh… Thành phần của các quốc gia quan tâm nhiều nhất không phải lúc nào cũng như nhau trong tất cả các vấn đề của luật biển quốc tế. Nhưng một quy tắc được thừa nhận chung phải ràng buộc tất cả các quốc gia, không phân biệt. Cũng như trong luật pháp quốc tế, trong luật biển quốc tế tồn tại tập quán mang tính khu vực giữa một nhóm quốc gia và tập quán quốc tế được đại bộ phận các quốc gia thừa nhận và áp dụng. Trong vụ Ngư trường Na Uy (Anh chống Na Uy) ngày 18 tháng 12 năm 1951, nước Anh đã viện dẫn quy tắc 10 hải lý áp dụng cho đường cửa vịnh như một quy tắc tập quán để
bác bỏ đường cơ sở thẳng mà Na Uy vạch ra. Theo Anh, các đường cơ sở của Na Uy không được vạch kéo dài quá 10 hải lý. Tuy nhiên, quy tắc 10 hải lý này không phải là quy tắc được thống nhất thừa nhận và Na Uy luôn luôn từ chối áp dụng quy tắc này. Toà án pháp lý quốc tế đã từ chối công nhận quy phạm tập quán cho quy tắc 10 hải lý đối với đường cửa vịnh: “Về mọi phương diện, quy tắc 10 hải lý không ràng buộc Na Uy, nước luôn luôn chống lại mọi mưu toan áp dụng quy tắc đó vào bờ biển Na Uy”. Quy tắc 10 hải lý cho đường cửa vịnh là quy tắc tập quán khu vực, nó chỉ có giá trị ràng buộc một nhóm quốc gia công nhận giá trị đó, quy tắc này không có tính phổ cập. Một quy tắc tập quán quốc tế mang tính phổ cập chung phải là một quy tắc “được áp dụng trong những điều kiện như nhau đối với tất cả các thành viên của cộng đồng quốc tế và do đó không thể phụ thuộc vào quyền loại bỏ được thực hiện một cách đơn phương và tuỳ ý bởi bất kỳ một thành viên nào của cộng đồng có lợi cho họ” (Tuyển tập các phán quyết của Tòa án quốc tế, ICJ 1969, tr. 38, § 63).
Quá trình hình thành một quy tắc tập quán thường kéo dài, hàng chục năm đến hàng trăm năm. Nhưng đó không phải là quy luật. Sự phát triển của luật biển quốc tế chứng minh, quá trình hình thành và khẳng định một quy tắc tập quán có thể được rút ngắn. Đó là trường hợp của khái niệm vùng đặc quyền kinh tế. Năm 1970 Kenya đưa ra đề nghị trước Uỷ ban tư vấn pháp lý Á-Phi, họp tại Colombo, về sáng kiến thành lập vùng đặc quyền kinh tế rộng 200 hải lý. Sau đó đề nghị này được chính thức đưa ra vào tháng 6 năm 1972, tại Hội nghị khu vực các quốc gia châu Phi tổ chức tại Yaoundé. Năm 1973, sáng kiến này được sửa đổi dưới dạng “Dự thảo các điều khoản về vùng đặc quyền về kinh tế do các nước Á-Phi trình bày cho Uỷ ban đáy biển” được thông qua ngày 24 tháng 5 năm 1973 tại Addis-Abeba. Chỉ vài năm sau, do thực tiễn thống nhất và phổ cập chung của các quốc gia, do tác động của các quan điểm được bảo vệ trong quá trình của Hội nghị lần thứ ba về luật biển, khái niệm này đã trở thành một quy phạm tập quán trước khi Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982 được thông qua. Toà án pháp lý quốc tế trong vụ thềm lục địa Tuynidi-Libi năm 1982, phân xử trước khi Công ước được ký kết, chỉ rõ: khái niệm vùng đặc quyền kinh tế “có thể được coi là một phần của luật quốc tế hiện đại”. (Tuyển tập các phán quyết của Tòa ICJ, 1982, tr. 18, và 74, khoản 100). Đây cũng là ví dụ điển hình của việc hình thành một quy phạm tập quán song song với quá trình điển chế hoá nó của luật điều ước.
2.3. Luật điều ước
Điều ước quốc tế là nguồn cơ bản của luật pháp quốc tế hiện đại. Trong lĩnh vực biển điều ước quốc tế đã tồn tại từ lâu đời và hết sức đa dạng. Ngay từ thế kỷ thứ V, VI, trước Công nguyên đã có những thỏa thuận phân chia Địa Trung Hải thành những khu vực bảo lưu cho thương mại hàng hải. Ngày 7 tháng 6 năm 1494, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha đã ký Hiệp ước Tordesillas phân chia vùng biển, dựa trên Sắc chỉ nổi tiếng của Giáo Hoàng ngày 4 tháng 5 năm 1493 phân chia khu vực ảnh hưởng của Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha. Đường phân chia theo Hiệp ước Tordesillas dịch cách đường của Giáo Hoàng 370 liên về phía ngoài của đảo Cap Vert, quy định các khu vực độc quyền của hai cường quốc biển vào thời kỳ đó trong giao thương hàng hải.
Trong lĩnh vực các quy định về đi lại của tàu thuyền, ta có thể nhắc đến; các hiệp ước thương mại ký giữa Pháp và Anh những năm 1303, 1406, 1417; hiệp ước ngày 14 tháng 2 năm 1663 giữa Pháp và Đan Mạch cho phép các tàu chiến vào trú ngụ tại các cảng, bến đậu của nhau trên cơ sở có đi có lại; hiệp ước Anh-Vương triều Ottoman ngày 5 tháng 1 năm 1809 tại Constantinople cấm các tàu chiến đi qua eo biển Thổ Nhĩ Kỳ; Tuyên bố Paris về trung lập ngày 16 tháng 4 năm 1856; Công ước Constantinople ngày 29 tháng10 năm 1888 ấn định chế độ tự do quá cảnh qua kênh đào Suez trong thời bình cũng như trong thời gian chiến tranh.
Để trấn áp nạn cướp biển, vào thế kỷ thứ XVII nhiều quốc gia đã bắt tay nhau thông qua các thoả thuận: hiệp ước Đan Mạch-Thuỵ Điển năm 1658, Anh- Hà Lan năm 1667, Pháp-Đan Mạch năm 1742, Pháp-Anh năm 1786… Với sự phát triển của khoa học kỹ thuật, điều ước quốc tế có mặt cả trong lĩnh vực đặt cáp và ống dẫn ngầm. Công ước Paris ngày 14 tháng 3 năm 1884 về bảo vệ cáp biển đến nay vẫn chưa có một thỏa thuận nào khác thay thế.
Liên quan đến lãnh hải, các quy chuẩn về ngấn nước thuỷ triều thấp nhất đã được đưa vào các hiệp ước ngày 2 tháng 8 năm 1839 giữa Pháp và Anh, ngày 27 tháng 3 năm 1893 giữa Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha, và hiệp ước về nghề cá trên Biển Bắc ngày 6 tháng 5 năm 1882.
Nhưng nhiều nhất, phải kể đến các thoả thuận về nghề cá, nhất là trong thế kỷ XIX: hiệp ước Pháp-Anh ngày 2 tháng 8 năm 1839 bảo lưu quyền đánh cá đặc quyền cho các công dân trong giới hạn 3 hải lý, Công ước ngày 6 tháng 5 năm 1882 quy định về cảnh sát nghề cá trên Biển Bắc giữa các quốc gia ven biển này… Chiều rộng lãnh hải 100 hải lý cũng được Hiệp ước Anh-Trung năm 1853 đề cập đến.
Cho đến đầu thế kỷ thứ XX, luật điều ước tập trung giải quyết các vấn đề riêng rẽ của luật biển quốc tế: chống buôn bán nô lệ, chống cướp biển, thương mại hàng hải, đánh cá…Các nhà luật pháp đã bắt đầu suy tính đến việc pháp điển hoá luật biển quốc tế. Đầu thế kỷ thứ XIX, Pardessus công bố”Tuyển tập các đạo luật biển trước thế kỷ XVIII”. Các công trình nghiên cứu của các cơ sở nghiên cứu như Viện Luật quốc tế Lausanne (các kỳ họp 1888, 1894, 1928), Viện Luật quốc tế Hoa Kỳ (kỳ họp 1925)…đã có những đóng góp tích cực trong việc đẩy nhanh quá trình pháp điển hoá luật biển quốc tế. Mặc dù có khá nhiều điều ước về các vấn đề hàng hải, ô nhiễm, bảo vệ cáp…phần lớn các quy tắc của nguồn điều ước của luật biển quốc tế tập trung trong 4 Công ước Giơ ne vơ năm 1958 về luật biển. Từ năm 1982, Luật biển quốc tế phát triển mạnh với chất lượng mới. Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982, Thỏa thuận thay đổi phần XI của Công ước 1982 năm 1994, Công ước về các đàn cá di cư xa 1995… đã góp phần tạo nên một trật tự pháp lý mới trên biển.
Luật biển quốc tế dựa trên hai nền tảng chính là luật tập quán và luật điều ước trong lĩnh vực sử dụng biển nhưng không thể bỏ qua vai trò của các nguồn luật bổ trợ khác.
2.4. Các học thuyết
Những khái niệm đầu tiên về luật biển xoay quanh hai tư tưởng lớn res nullius và res communis. Res nullius có nghĩa biển cả là vô chủ, cho phép quốc gia ven biển được toàn quyền hành động thiết lập chủ quyền quốc gia. Ngược lại, res communis ngụ ý biển cả là của chung, các quốc gia bình đẳng trong việc sử dụng biển.
Một khi biển cả là res nulliusv, không phụ thuộc vào ai cả, thì cũng thật khó mà tạo cho nó một quy chế pháp lý nào. Logic của khái niệm này sẽ đưa đến một tình trạng vô chính phủ, một sự phủ nhận mọi trật tự và chấp nhận một quy luật: luật của người mạnh sẽ là luật chung.
Sau sắc chỉ “Inter Coetera” của Giáo Hoàng Alexandre VI, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha đã nhanh chóng bảo lưu độc quyền thương mại của mình trong những vùng đất mới mà họ phát hiện và thăm dò ra – Đông Ấn và Tây Ấn. Người Hà Lan chậm chân đã buộc phải tìm cách khác để được tham dự vào cuộc đua tranh. Theo yêu cầu của Công ty Đông Ấn – Hà Lan, để bảo vệ cho các tham vọng của các lái buôn Hà Lan, năm 1609 Hugo Grotius đã viết cuốn Mare liberum (Tự do biển cả) để biện minh cho các quyền tự do trên biển. Theo ông các nguyên tắc tự do biển cả nhất thiết đưa đến tự do thương mại. Các chiến hạm tham gia cuộc cách mạng tư sản Pháp năm 1789 đã trương khẩu hiệu “Tự do biển cả, bình đẳng quyền lợi giữa tất cả các dân tộc”. Học thuyết này đã nhanh chóng phải đối đầu với tham vọng độc quyền của các quốc gia, nhất là nước Anh. Năm 1635, luật gia người Anh – John Selden đáp lại bằng Mare Clausum (Biển đóng) khẳng định quyền của vua Anh thực hiện chủ quyền trên các vùng biển bao quanh nước Anh. Philip Medows đã ủng hộ tư tưởng này trong cuốn sách của ông Observations concerning the Dominion and Sovereignty of the Seas: “biển cả lả hữu công cộng của Vua Anh”. Có một cuộc đấu tranh giữa Mare liberum và Mare Clausum. Tuy nhiên, nguyên tắc tự do trên biển đã thắng thế. Trước cuốn sách Mare liberum (Tự do biển cả) của Hugo Grotius, tự do biển cả chỉ là một tư tưởng, một học thuyết, sau cuốn sách nó trở thành một hiện thực.
Nhưng sau hai cuộc chiến tranh thế giới, nguyên tắc tự do biển cả lại được đặt lại. Những đổi thay trong nền kinh tế và chính trị thế giới, sự phát triển của khoa học kỹ thuật đã làm thay đổi sâu sắc các điều kiện sử dụng biển, và do đó, tới cả các vấn đề pháp lý liên quan. Biển cả không chỉ là môi trường đi lại, mà còn là một kho tàng tài nguyên thiên nhiên quý giá. Tư tưởng của Grotius dựa trên cơ sở cho rằng tài nguyên biển cả là vô tận, do đó quyền tự do đánh bắt cá là hệ quả của nguyên tắc tự do trên biển. Ngày nay, con người nhận thức được các tài nguyên đó không phải là không bị cạn kiệt nếu không bảo vệ và tái sinh lại chúng, một việc chỉ có thể thực hiện thông qua các điều khoản pháp lý đi ngược lại nguyên tắc tự do biển cả tuyệt đối. Các học thuyết lại tạo thành các lý do thúc đẩy các hành vi, các tuyên bố đơn phương của các quốc gia nhằm thiết lập sự thống trị của chủ quyền quốc gia trên biển. Quá trình chỉ dừng lại với học thuyết mới của Arvid Pardo và thắng lợi của Hội nghị lần thứ ba của Liên hợp quốc về Luật biển, đặt vùng đáy biển nằm ngoài vùng tài phán quốc gia dưới một quy chế pháp lý mới của Vùng-di sản chung của loài người. Vai trò của các học thuyết là rõ ràng. Nếu trong quá trình hình thành các quy phạm pháp luật, các luật gia trình độ cao không phải là những người trực tiếp sáng tạo riêng ra chúng nhưng bằng các học thuyết của mình, họ xác định lập trường và thái độ của các quốc gia, chủ thể tạo ra các quy phạm này.
2.5. Các quyết định xét xử của toà án
Trong lịch sử tài phán quốc tế, khá nhiều các tranh chấp đưa ra trước các cơ quan tài phán là các tranh chấp liên quan đến biển. Trước Hội nghị lần thứ nhất của Liên hợp quốc về luật biển đã có 54 vụ xét xử của các cơ quan tài phán quốc tế liên quan đến luật biển. Chỉ cần điểm qua các vụ án: Alabama (Mỹ-Anh, ngày 14 tháng 9 năm 1872), tàu Wimbledon (Pháp và đồng minh-Đức, ngày 17 tháng 8 năm 1923), tàu Lotus (Pháp-Thổ Nhĩ Kỳ, ngày 7 tháng 9 năm 1927), eo biển Corfou (Anh-Albani, ngày 9 tháng 4 năm 1949), Ngư trường Anh –
Nauy (ngày 18 tháng 12 năm 1951), thềm lục địa Anh- Pháp (ngày 30 tháng 6 năm 1977), thềm lục địa Biển Bắc (Đan Mạch, Hà Lan-CHLB Đức, ngày 20 tháng 2 năm 1969), thềm lục địa biển Égée (Hy Lạp-Thổ Nhĩ Kỳ, ngày 19 tháng 12 năm 1978), vụ thẩm quyền về đánh cá (Ai xơ len- Anh; Ai xơ len – Cộng hoà Liên bang Đức, ngày 25 tháng 7 năm 1974) cũng thấy sự can thiệp của các quan tòa là thường xuyên. Chức năng của các quan tòa và các thẩm phán không phải là sáng tạo ra các quy tắc của luật, mà chỉ giải thích các quy tắc đã có hoặc áp dụng chúng vào từng trường hợp cụ thể, hoặc nhận biết sự tồn tại của tập quán quốc tế và xác định nội dung của nó. Nhưng bằng công việc của mình, các quan tòa và thẩm phán đã góp phần thúc đẩy sự phát triển của luật pháp, nhất là trong lĩnh vực luật biển. Sự thống nhất của các tiền lệ là yếu tố quan trọng trong phát triển luật pháp quốc tế. Hơn nữa trong khi tìm cách giải thích các quy tắc và khái niệm của luật, các quan tòa và thẩm phán đôi khi phải tính đến những nhu cầu mới và phải giải quyết những xung đột mà các nhà làm luật chưa trù định đến. Họ không chỉ dừng lại trong việc nhận biết và áp dụng, mà thông qua việc giải thích các khái niệm đã đi dần tới chức năng soạn thảo, làm lộ ra hình hài của những quy phạm mới. Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982 chỉ đưa ra quy định áp dụng nguyên tắc công bằng trong phân định. Nhưng nội dung của nguyên tắc đó chỉ được làm rõ thông qua hàng loạt các phán quyết của Tòa án pháp lý quốc tế, toà án trọng tài cũng như của các cơ quan tài phán quốc tế khác liên quan tới các tranh chấp về phân định biển.
Các quyết định của các cơ quan tài phán quốc tế đều có nhiều đóng góp trong việc điển chế hóa Luật biển.
- Vụ eo biển Corfou ngày 9 tháng 4 năm 1949. Ngày 22 tháng 10 năm 1946, tàu chiến Anh đi qua eo biển Corfou, bị dính mìn, 44 thuỷ thủ chết và 42 bị thương. Anh gửi công hàm cho Albani thông báo sẽ tiến hành rà mìn trong eo biển Corfou, eo biển nằm trong lãnh hải của Albani mà Anh cho là eo biển quốc tế nơi tàu thuyền có quyền qua lại. Albani phản kháng việc tàu quân sự nước ngoài đi vào lãnh hải không xin phép trước và mọi sự rà mìn tại eo biển không có sự đồng ý của Albani là vi phạm chủ quyền của quốc gia ven biển. Anh kiện Albani ngày 22 tháng 5 năm 1947 trước Toà án pháp lý quốc tế, đòi Albani phải chịu trách nhiệm trước các thiệt hại mà Hải quân Anh phải chịu. Toà đã công nhận “nguyên tắc tự do thông thương hàng hải và nghĩa vụ của mọi quốc gia không được sử dụng lãnh thổ của mình nhằm mục đích chống lại quyền của các quốc gia khác”. Tàu chiến Anh được hưởng quyền qua lại không gây hại qua eo biển quốc tế với điều kiện nó không tiến hành các hoạt động rà soát mìn trong lãnh hải Albani, hành động được coi là sự can thiệp bị luật pháp quốc tế ngăn cấm, vi phạm chủ quyền của quốc gia ven biển. Toà đã đưa ra một quy chuẩn địa lý: eo biển nối hai phần của biển cả là một eo biển quốc tế. Phán quyết này có nhiều đóng góp cho việc pháp điển hoá quy chế của các eo biển quốc tế và quyền qua lại không gây hại của tàu thuyền.
- Vụ Ngư trường Anh – Nauy ngày 18 tháng 12 năm 1951 về đường cơ sở thẳng. Trước đại chiến thế giới lần thứ nhất, tàu thuyền đánh cá Anh thường hay vào vùng nước của Na Uy đánh bắt cá gây ra nhiều xô xát với dân địa phương. Sau nhiều đụng độ Anh quyết định đâm đơn kiện tại Toà án pháp lý quốc tế. Họ phản đối phương pháp mà Na Uy đã dùng để hoạch định đường cơ sở lãnh hải. Trên thực tế Na Uy đã không sử dụng phương pháp ngấn nước thuỷ triều thấp nhất để xác định đường cơ sở lãnh hải của mình mà lại áp dụng từ năm 1869 phương pháp đường cơ sở thẳng nối liền một số các điểm thích hợp chọn dọc theo bờ biển. Bằng phương pháp này, lãnh hải của Na Uy đã mở rộng ra biển. Toà án pháp lý quốc tế đã xử cho Na Uy thắng cuộc, công nhận tính hợp lý của đường cơ sở thẳng Na Uy, áp dụng cho vùng bờ biển bị khoét sâu và lồi lõm, có các chuỗi đảo chạy qua, một khi đường này không chạy cách xa xu thế chung của bờ biển. Toà cũng chỉ ra rằng hệ thống đường cơ sở thẳng của Na Uy đã nhận được sự công nhận mặc nhiên và Anh đã không có phản đối gì trong suốt 60 năm trời. Các tiêu chuẩn của đường cơ sở thẳng Na Uy, qua phán quyết của Toà đã trở thành các tiêu chuẩn chung được luật pháp quốc tế thừa nhận và được điển chế hoá trong các Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển.
- Vụ thềm lục địa Biển Bắc ngày 20 tháng 2 năm 1969. Trong vụ này, Cộng hoà Liên bang Đức kiện Hà Lan và Đan Mạch về vấn đề phân chia thềm lục địa giữa ba nước. Nước Đức phản đối việc áp dụng nguyên tắc đường cách đều do Công ước Giơnevơ 1958 về thềm lục địa quy định để phân định thềm lục địa Biển Bắc. Trên thực tế, sự lõm vào của bờ biển nước Đức tại Biển Bắc làm tăng thêm hiệu lực của đường cách đều và đã dẫn tới kết quả thu hẹp khá nhiều phần thềm lục địa của Đức tỷ lệ với chiều dài bờ biển của họ, theo Đức. Toà án pháp lý quốc tế đã chấp nhận nguyên tắc đường cách đều không phải là một nguyên tắc ưu tiên, nó không thể bắt buộc áp dụng cho nước Đức trên cơ sở luật điều ước (vì quốc gia này không phê chuẩn Công ước Giơnevơ năm 1958 về thềm lục địa), cũng như trên cơ sở luật tập quán, vì nguyên tắc này không được công nhận như một quy tắc của luật được thực tiễn công nhận. Toà đã đưa ra nguyên lý “Đất thống trị biển” và xác định bản chất pháp lý của thềm lục địa là sự kéo dài tự nhiên của lục địa ra biển. Toà mời các bên hữu quan tiến hành đàm phán phù hợp với các nguyên tắc công bằng, có tính đến các hoàn cảnh hữu quan (hình dạng bờ biển, cấu trúc tự nhiên và địa chất của thềm lục địa, tỷ lệ hợp lý giữa diện tích thềm lục địa và chiều dài bờ biển). Trên cơ sở khuyến nghị của Toà, các quốc gia hữu quan đã ký thỏa thuận phân chia thềm lục địa vào năm 1970.
2.6. Các Nghị quyết của các Tổ chức quốc tế
Các nghị quyết của Đại Hội đồng Liên hợp quốc cũng như của các tổ chức quốc tế khác không có giá trị pháp lý bắt buộc và vì vậy điều 38 Quy chế của Toà án pháp lý quốc tế không coi chúng như các nguồn của Luật quốc tế. Tuy nhiên các nghị quyết này, với điều kiện tuân thủ một số điều kiện, thể hiện ý chí, nguyện vọng của các nhóm quốc gia khác nhau tham gia vào quá trình hình thành các quy tắc của luật pháp quốc tế, nhất là của luật tập quán.
Rất nhiều các tổ chức quốc tế khác nhau trên phạm vi toàn cầu, căn cứ vào quy chế của mình, đều quan tâm đến các vấn đề biển, như IMO, FAO, UNESCO, EEC…và nhất là Liên hợp quốc.
Trong quá trình hình thành các quy phạm pháp luật của luật biển quốc tế có thể kể đến các Nghị quyết của Đại Hội đồng Liên hợp quốc:
Nghị quyết 1803 (XVII) ngày 14 tháng 12 năm 1962 “Tuyên bố về chủ quyền thường xuyên trên các tài nguyên thiên nhiên”, Nghị quyết 3016 (XXVII) năm 1972 về chủ quyền thường xuyên của Quốc gia trên các tài nguyên các vùng biển nằm trong ranh giới tài phán quốc gia và Nghị quyết 3171 (XXVIII) ngày 17 tháng 12 năm 1973 “Chủ quyền trên các tài nguyên thiên nhiên” nhắc lại các nguyên tắc của hai Nghị quyết trên. Các nghị quyết này là một trong những nhân tố hợp lý để đi đến tạo nên các quy tắc mang tính tập quán của khái niệm vùng đặc quyền kinh tế.
Nghị quyết 2749 (XXV) ngày 17 tháng 12 năm 1970 “Tuyên bố về các nguyên tắc quản lý đáy biển và đại dương cũng như các lòng đất của chúng nằm ngoài ranh giới quyền tài phán quốc gia” được thông qua với 108 phiếu thuận, 14 phiếu trắng, thể hiện quyết tâm của cộng đồng quốc tế tạo lập nên một khái niệm mới: Vùng với tất cả các tài nguyên của nó là di sản chung của loài người. Bằng tuyên bố: “không một quốc gia nào, không một tự nhiên nhân hay pháp nhân nào có thể chiếm đoạt bất cứ một phần nào đó của Vùng hoặc tài nguyên của Vùng“, Nghị quyết đã đặt cơ sở cho việc pháp điển hoá chế độ pháp lý của Vùng.
Các nghị quyết của Liên hợp quốc đã quy tụ các quan điểm xuất hiện trong lòng cộng đồng quốc tế, thúc đẩy việc hình thành các khái niệm mới. Trên góc độ đó, tầm quan trọng của các nghị quyết không cần phải nhấn mạnh thêm, và có thể coi chúng như những nguồn của luật biển quốc tế. Các nghị quyết của Liên hợp quốc còn có vai trò triệu tập các cuộc Hội nghị của Liên hợp quốc nhằm mục đích pháp điển hoá luật biển quốc tế.