Người tham gia tố tụng để bảo vệ quyền lợi của mình hoặc thực hiện nghĩa vụ liên quan đến vụ án

0 132

1. Bị hại

Theo quy định tại Khoản 1 Điều 62 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015, bị hại là cá nhân trực tiếp bị thiệt hại về thể chất, tinh thần, tài sản hoặc là cơ quan, tổ chức bị thiệt hại về tài sản, uy tín do tội phạm gây ra hoặc đe dọa gây ra.

Một trong những thay đổi về nhận thức đối với Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 đó là, bị hại không chỉ là cá nhân mà còn là cơ quan, tổ chức bị thiệt hại về tài sản, uy tín do tội phạm gây ra hoặc đe dọa gây ra. Theo tinh thần này, bị hại phải được hiểu là con người pháp lý chứ không chỉ là con người tự nhiên và có thể là cá nhân hay cơ quan, tổ chức. Bị hại là cá nhân trực tiếp bị thiệt hại về thể chất, tinh thần, tài sản do hành vi phạm tội gây ra hoặc đe dọa gây ra. Thể chất, tinh thần, tài sản của họ phải là đối tượng của tội phạm. Bị hại cũng có thể là cơ quan, tổ chức bị thiệt hại về tài sản, uy tín do hành vi phạm tội gây ra hoặc đe dọa gây ra; tài sản và uy tín của cơ quan, tổ chức đó phải là đối tượng của tội phạm.

Xét về mặt hình thức, người bị thiệt hại về thể chất, tinh thần, tài sản hoặc cơ quan, tổ chức bị thiệt hại về tài sản, uy tín do hành vi phạm tội gây ra hoặc đe dọa gây ra chỉ trở thành bị hại trong tố tụng hình sự khi họ được cơ quan có thẩm quyền công nhận là bị hại (thông qua giấy triệu tập bị hại). Trong trường hợp hành vi phạm tội không bị phát hiện và xử lý hoặc trường hợp không xác định được người bị thiệt hại mặc dù trên thực tế có người bị thiệt hại về vật chất, tinh thần, tài sản do hành vi phạm tội gây ra thì người đó cũng không trở thành bị hại trong vụ án hình sự.

Xem thêmNgười bị hại là gì? Quyền và nghĩa vụ của người bị hại


2. Nguyên đơn dân sự

Theo quy định tại Khoản 1 Điều 63 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015, nguyên đơn dân sự là cá nhân, cơ quan, tổ chức bị thiệt hại do tội phạm gây ra và có đơn yêu cầu bồi thường thiệt hại.

Nguyên đơn dân sự và bị hại đều có một số quyền như nhau theo quy định tại Điều 62 và Điều 63 Bộ luật Tố tụng hình sự. Tuy nhiên, khác với bị hại, thiệt hại của nguyên đơn dân sự không phải là thiệt hại trực tiếp do hành vi phạm tội gây ra và chỉ là thiệt hại về tài sản. Mục đích của người phạm tội không nhằm gây thiệt hại trực tiếp cho nguyên đơn dân sự. Nguyên đơn dân sự phải có đơn yêu cẩu bồi thường thiệt hại. Đơn yêu cầu có thể thể hiện dưới dạng đơn trình báo hoặc do Cơ quan điều tra ghi nhận yêu cầu của họ qua lời trình bày về thiệt hại do tội phạm gây ra và có yêu cầu bổi thường.

Cá nhân, cơ quan, tổ chức bị thiệt hại do tội phạm gây ra và có đơn yêu cầu bồi thường thiệt hại tham gia tố tụng với tư cách nguyên đơn dân sự khi có giấy triệu tập họ đến với tư cách nguyên đơn dân sự. Nguyên đơn dân sự có thể tự mình thực hiện các quyền và nghĩa vụ tố tụng hoặc có thể thực hiện thông qua người đại diện hợp pháp của họ.

Xem thêmNguyên đơn dân sự là gì? Quyền và nghĩa vụ của nguyên đơn dân sự

Hình minh họa. Người tham gia tố tụng để bảo vệ quyền lợi của mình hoặc thực hiện nghĩa vụ liên quan đến vụ án

3. Bị đơn dân sự

Theo quy định tại Khoản 1 Điều 64 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015, bị đơn dân sự là cá nhân, cơ quan, tổ chức mà pháp luật quy định phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại.

Trong tố tụng hình sự, bị đơn dân sự có thể là cha mẹ của bị can, bị cáo chưa thành niên. Người chưa đủ mười lăm tuổi gây thiệt hại mà còn cha, mẹ thì cha, mẹ phải bồi thường toàn bộ thiệt hại; nếu tài sản của cha, mẹ không đủ để bồi thường mà con chưa thành niên gây thiệt hại có tài sản riêng thì lấy tài sản đó để bồi thường phần còn thiếu, trừ trường hợp luật định.

Cơ quan, tổ chức phải bồi thường thiệt hại do bị can, bị cáo là người của mình gây ra trong khi thực hiện nhiệm vụ được giao; Nhà nước có trách nhiệm bồi thường thiệt hại do hành vi của bị can, bị cáo là người thi hành công vụ gây ra theo quy định của Luật Trách nhiệm bổi thường của Nhà nước; trường học phải bồi thường theo quy định của pháp luật những thiệt hại do bị can, bị cáo chưa đủ mười lăm tuổi gây thiệt hại trong thời gian trường học trực tiếp quản lý nếu có lỗi trong quản lý; nếu nhà trường không có lỗi, cha, mẹ, người giám hộ của bị can, bị cáo dưới mười lăm tuổi phải bồi thường; cá nhân, cơ quan, tổ chức phải bồi thường thiệt hại do bị can, bị cáo là người làm công, người học nghề gây ra trong khi thực hiện công việc được giao và có quyền yêu cầu người làm công, người học nghề có lỗi trong việc gây thiệt hại phải hoàn trả một khoản tiền theo quy định của pháp luật. Chủ sở hữu, người chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ có lỗi trong việc để nguồn nguy hiểm cao độ bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật thì phải liên đới bồi thường thiệt hại. Trong một vụ đồng phạm, nếu có bị can được miễn trách nhiệm hình sự nhưng vẫn có trách nhiệm phải bồi thường thiệt hại thì họ tham gia tố tụng với tư cách bị đơn dân sự, có trách nhiệm bồi thường những thiệt hại mà mình và các bị can khác đã gây ra cho bị hại hoặc nguyên đơn dân sự.

Xem thêmBị đơn dân sự là gì? Quyền và nghĩa vụ của bị đơn dân sự


4. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án

Theo quy định tại Khoản 1 Điều 65 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án là cá nhân, cơ quan, tổ chức có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án hình sự.

Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án là hai tư cách tố tụng khác nhau, thậm chí hoàn toàn đối lập nhau được quy định trong cùng một điều luật, bao gồm: Người có quyền lợi liên quan đến vụ án và người có nghĩa vụ liên quan đến vụ án. Trong vụ án hình sự có thể có người chỉ có quyền lợi liên quan đến vụ án, có người chỉ có nghĩa vụ liên quan đến vụ án, cũng có thể có người vừa có quyền lợi, vừa có nghĩa vụ liên quan đến vụ án. Việc các nhà làm luật quy định quyền và nghĩa vụ của họ trong cùng một điều luật là để các cơ quan tiến hành tố tụng dễ xác định tư cách tố tụng trong những trường hợp mà quyền lợi và nghĩa vụ của họ gắn liền với nhau. Như một người chủ tiệm vàng mua 10 chỉ vàng mà người phạm tội đã trộm cắp của người khác. Trong trường hợp chủ tiệm vàng không biết số vàng này là số vàng do phạm tội mà có thì, khi hành vi phạm tội bị phát hiện và xử lý, chủ tiệm vàng trước hết có trách nhiệm phải trả lại số vàng này cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp theo quy định về xử lý vật chứng nhưng đồng thời cũng có quyền đòi lại số tiền đã mua sỗ vàng nói trên.

Trong tố tụng hình sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án có thể là người không liên quan đến việc thực hiện tội phạm nhưng các cơ quan tiến hành tố tụng phải xử lý theo pháp luật những vấn đề có liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của họ như người, cơ quan, tổ chức mà tài sản của họ bị người phạm tội sử dụng làm công cụ, phương tiện phạm tội; người mà tài sản của họ bị kê biên, bị tạm giữ cùng tài sản của người phạm tội; người đã được kẻ phạm tội cho một số tài sản do phạm tội mà có…

Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án cũng có thể là người đã tham gia vào việc thực hiện tội phạm và đã được miễn trách nhiệm hình sự nhưng cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải giải quyết những vấn đề liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của họ như xử lý những vật thuộc sở hữu của họ đã dùng làm công cụ, phương tiện phạm tội; xử lý những tài sản do phạm tội mà có mà họ có được do tham gia vào vụ án…

Thực tiễn xác định tư cách tố tụng hình sự của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án hiện nay cũng chưa có sự thống nhất. Chẳng hạn, trong vụ án chống người thi hành công vụ, việc xác định tư cách tố tụng của người thi hành công vụ trong trường hợp họ bị người có hành vi chống người thi hành công vụ gây thương tích nhưng không cấu thành tội độc lập (tức là người có hành vi gây thương tích này không bị khởi tố về tội cố ý gây thương tích) cũng rất khác nhau. Cụ thể là:

– Người thi hành công vụ là người bị hại;

– Người thi hành công vụ là người làm chứng;

– Người thi hành công vụ là người có quyển lợi, nghĩa vụ liên quan;

– Người thi hành công vụ là nguyên đơn dân sự…

Việc xác định tư cách tố tụng của người thi hành công vụ trong trường hợp này phụ thuộc vào ý chí của họ khi tham gia tố tụng. Nếu họ có đơn yêu cầu bổi thường thiệt hại thì họ là nguyên đơn dân sự; nếu họ không có đơn yêu cầu bồi thường thiệt hại nhưng cơ quan có thẩm quyền vẫn giải quyết những vấn đề có liên quan đến họ thì họ là người có quyền lợi liên quan; nếu họ không bị thiệt hại về sức khỏe thì có thể tham gia tố tụng với tư cách là người làm chứng; họ chỉ có thể là người bị hại khi hành vi gây thương tích đối với họ cấu thành tội độc lập.

Xem thêmNgười có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án

4.7/5 - (100 bình chọn)

 
® 2024 LawFirm.Vn - Thông tin do LawFirm.Vn cung cấp không thay thế cho tư vấn pháp lý. Nếu bạn yêu cầu bất kỳ thông tin nào, bạn có thể nhận được cuộc gọi điện thoại hoặc email từ một trong những Quản lý của chúng tôi. Để biết thêm thông tin, vui lòng xem chính sách bảo mật, điều khoản sử dụng, chính sách cookie và tuyên bố miễn trừ trách nhiệm của chúng tôi.
Có thể bạn quan tâm
Để lại câu trả lời

Trường "Địa chỉ email" của bạn sẽ không được công khai.

ZaloFacebookMailMap