Người phiên dịch, người dịch thuật trong tố tụng hình sự
1. Người phiên dịch, người dịch thuật là ai?
Người phiên dịch, người dịch thuật là người có khả năng phiên dịch, dịch thuật và được cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng yêu cầu trong trường hợp có người tham gia tổ tụng không sử dụng được tiếng Việt hoặc có tài liệu tố tụng không thể hiện bằng tiếng Việt.
Theo quy định tại Điều 29 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, tiếng nói và chữ viết dùng trong tố tụng hình sự là tiếng Việt. Người tham gia tố tụng có quyền dùng tiếng nói và chữ viết của dân tộc mình. Do vậy, trong trường hợp mà vụ án có người tham gia tố tụng không sử dụng được tiếng Việt hoặc có tài liệu tố tụng không thể hiện bằng tiếng Việt thì phải có người phiên dịch, người dịch thuật.
2. Quyền và nghĩa vụ của người phiên dịch, người dịch thuật
2.1. Quyền của người phiên dịch, người dịch thuật
Theo quy định tại Khoản 2 Điều 70 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015, người phiên dịch, người dịch thuật có quyền:
– Được thông báo, giải thích quyền và nghĩa vụ quy định tại Điều 70 Bộ luật Tố tụng hình sự;
– Đề nghị cơ quan yêu cầu bảo vệ tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, tài sản và các quyền, lợi ích hợp pháp khác của mình, người thân thích của mình khi bị đe dọa;
– Khiếu nại quyết định, hành vi tố tụng của cơ quan, người có thẩm quyển tiến hành tố tụng liên quan đến việc phiên dịch, dịch thuật;
– Được cơ quan yêu cầu chi trả thù lao phiên dịch, dịch thuật và các chế độ khác theo quy định của pháp luật.
2.2. Nghĩa vụ của người phiên dịch, người dịch thuật
Theo quy định tại Khoản 3 Điều 70 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015, người phiên dịch, người dịch thuật có nghĩa vụ:
– Có mặt theo giấy triệu tập của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng;
– Phiên dịch, dịch thuật trung thực. Nếu phiên dịch, dịch thuật gian dối thì người phiên dịch, người dịch thuật phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật Hình sự;
– Giữ bí mật điều tra mà mình biết được khi phiên dịch, dịch thuật;
– Phải cam đoan trước cơ quan đã yêu cầu về việc thực hiện nghĩa vụ của mình.
3. Trường hợp người phiên dịch, người dịch thuật phải từ chối tham gia tố tụng hoặc bị thay đổi
Người phiên dịch, người dịch thuật phải từ chối tham gia tố tụng hoặc bị thay đổi khi thuộc một trong các trường hợp:
– Đồng thời là bị hại, đương sự; là người đại diện, người thân thích của bị hại, đương sự hoặc của bị can, bị cáo;
– Đã tham gia với tư cách là người bào chữa, người làm chứng, người giám định, người định giá tài sản trong vụ án đó;
– Đã tiến hành tố tụng trong vụ án đó.
Việc thay đổi người phiên dịch, người dịch thuật do cơ quan yêu cầu phiên dịch, dịch thuật quyết định.
Những quy định trên cũng áp dụng đối với người biết được cử chỉ, hành vi của người câm, người điếc, chữ của người mù.