Người bị tạm giữ là ai? Quyền và nghĩa vụ của người bị tạm giữ
1. Người bị tạm giữ là ai?
Theo quy định tại Khoản 1 Điều 59 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015, người bị tạm giữ là người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, bị bắt trong trường hợp phạm tội quả tang, bị bắt theo quyết định truy nã hoặc người phạm tội tự thú, đầu thú và đối với họ đã có quyết định tạm giữ.
Người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt là người bị nghi phạm tội, vì vậy lời khai ban đầu của họ có ý nghĩa quan trọng đối với việc xác định lý do họ bị giữ, bị bắt và góp phần làm rõ sự thật khách quan của vụ án. Việc Bộ luật Tố tụng hình sự quy định rõ địa vị pháp lý của họ với tư cách là người tham gia tố tụng góp phần bảo vệ quyền con người, quyền công dân trong tố tụng hình sự và hạn chế oan, sai trong quá trình giải quyết vụ án.
Người bị tạm giữ có thể là người chưa bị khởi tố về hình sự như người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, bị bắt trong trường hợp phạm tội quả tang hoặc người phạm tội tự thú.
Người bị tạm giữ cũng có thể là người đã bị khởi tố về hình sự như bị can, bị cáo, người bị kết án chưa chấp hành án, người đang chấp hành án, nếu bỏ trốn và bị bắt theo quyết định truy nã hoặc đầu thú và đã có quyết định tạm giữ đối với họ.
2. Quyền và nghĩa vụ của người bị tạm giữ
2.1. Quyền của người bị tạm giữ
Theo quy định tại Khoản 2 Điều 59 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015, người bị tạm giữ có các quyền:
– Được biết lý do mình bị tạm giữ; nhận quyết định tạm giữ, quyết định gia hạn tạm giữ, quyết định phê chuẩn quyết định gia hạn tạm giữ và các quyết định tố tụng khác theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự;
– Được thông báo và giải thích quyền và nghĩa vụ;
Người bị tạm giữ có các quyền và nghĩa vụ theo luật định và họ phải được biết các quyền và nghĩa vụ này để có thể thực hiện. Các cơ quan có thẩm quyền khi tạm giữ người phải thông báo và giải thích các quyền và nghĩa vụ của người bị tạm giữ cho họ biết.
– Trình bày lời khai, trình bày ý kiến, không buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc buộc phải nhận là mình có tội;
Nhận thức rõ trình bày lời khai, trình bày ý kiến, không buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc buộc phải nhận mình có tội là một trong những quyền quan trọng của người bị buộc tội, cần được quy định rõ hơn, cụ thể hơn nhằm tạo sự nhận thức thống nhất trong quá trình tiến hành các hoạt động tố tụng. Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định, người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt có quyền “không buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc buộc phải nhận mình có tội”. Quy định này phù hợp với Công ước của Liên hợp quốc về các quyền dân sự và chính trị năm 1966 mà Việt Nam là thành viên.
– Tự bào chữa, nhờ người bào chữa;
Khi bị tạm giữ, người bị tạm giữ có quyền đưa ra những lý lẽ chứng minh mình không phạm tội, không liên quan đến sự việc là lý do bắt giữ họ; có quyền nhờ người khác bào chữa cho mình. Quy định mới này nhằm bảo đảm hơn nữa quyền của người bị tạm giữ trong tố tụng hình sự.
– Đưa ra chứng cứ, tài liệu, đồ vật, yêu cầu;
Người bị tạm giữ có quyền đưa ra chứng cứ, tài liệu, đồ vật. Đây là quyền mà không phải nghĩa vụ của họ, họ có thể đưa ra những tài liệu, đồ vật nhằm chứng minh họ không liên quan đến vụ việc mà vì đó họ bị bắt giữ. Họ cũng có quyền yêu cầu xác minh lại sự việc, yêu cầu Cơ quan điều tra đưa ra những bằng chứng được coi là căn cứ bắt giữ họ…
– Trình bày ý kiến về chứng cứ, tài liệu, đồ vật liên quan và yêu cầu người có thẩm quyền tiến hành tố tụng kiểm tra, đánh giá;
– Khiếu nại quyết định, hành vi tố tụng của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng về việc tạm giữ.
Người bị tạm giữ có quyền khiếu nại về việc tạm giữ nếu thấy việc mình bị tạm giữ là sai trái và không có căn cứ, khiếu nại các quyết định khác có liên quan như khám nhà, khám người, tạm giữ đồ vật, tài liệu khi khám xét… Khiếu nại này được gửi cho người có thẩm quyền để xem xét và giải quyết.
2.2. Nghĩa vụ của người bị tạm giữ
Theo quy định tại Khoản 3 Điều 59 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015, người bị tạm giữ có nghĩa vụ chấp hành các quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự và Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam như: Chấp hành quyết định, yêu cầu, hướng dẫn của cơ quan, người có thẩm quyền quản lý, thi hành tạm giữ; Chấp hành nội quy của cơ sở giam giữ theo quy định của pháp luật.