1. Được lợi về tài sản không có căn cứ pháp luật là gì?
Sự chuyển dịch tài sản từ người này sang người khác thông thường dựa trên những căn cứ pháp lý như: mua bán, vay, mượn, thừa kế… Trong thực tế, có những trường hợp, tài sản của người này chuyển sang người khác không dựa trên các căn cứ do pháp luật quy định. Nếu do hành vi bất hợp pháp chiếm đoạt tài sản của người khác thì người chiếm hữu bất hợp pháp không ngay tình phải hoàn trả tài sản và bồi thường thiệt hại cho chủ sở hữu hoặc người chiếm hữu hợp pháp.
Được lợi về tài sản không có căn cứ pháp luật cần được hiểu là sự phát sinh quyền chiếm hữu, sử dụng tài sản của một chủ thể đối với một tài sản nhưng không dựa trên những căn cứ do pháp luật quy định. Người được lợi về tài sản không biết tài sản đó là của người khác mà coi tài sản đó là của mình.
Được lợi về tài sản không có căn cứ pháp luật, tuy có làm giảm sút một phần khối tài sản thuộc quyền sở hữu của người khác nhưng không phải là hành vi trái pháp luật gây thiệt hại về tài sản. Do vậy không phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng. Người được lợi về tài sản của người khác phải hoàn trả cho chủ sở hữu khoản lợi đó (khoản 2 Điều 581 Bộ luật Dân sự 2015).
Phân biệt hai loại nghĩa vụ trên có ý nghĩa quan trọng trong thực tiễn. Trong trách nhiệm bồi thường thiệt hại, người gây thiệt hại phải bồi thường toàn bộ thiệt hại xảy ra, kể cả thu nhập bị mất, bị giảm sút do chủ sở hữu không sử dụng được tài sản.
2. Điều kiện phát sinh nghĩa vụ hoàn trả do được lợi về tài sản không có căn cứ pháp luật
2.1. Phải có thiệt hại về tài sản cho chủ sở hữu
Thiệt hại trong trường hợp này được hiểu là sự mất mát tài sản, thiếu hụt một phần trong khối tài sản thuộc quyền sở hữu của người khác, chủ sở hữu không còn tài sản để sử dụng. Do vậy, tài sản của chủ sở hữu không gia tăng hoặc chủ sở hữu không thu được hoa lợi từ việc khai thác công dụng của tài sản.
2.2. Được lợi tài sản không dựa trên căn cứ pháp luật
Pháp luật quy định một số căn cứ làm phát sinh quyền sở hữu, chiếm hữu tài sản của một chủ thể như: thông qua hợp đồng dân sự, được thừa kế tài sản…
Thông thường, việc được lợi về tài sản bắt đầu ngay từ thời điểm chiếm hữu tài sản không dựa trên căn cứ cụ thể do pháp luật quy định. Có một số trường hợp khác khi chiếm hữu tài sản có căn cứ như thông qua các hợp đồng hoặc bản án dân sự có hiệu lực nhưng sau đó hợp đồng bị vô hiệu hoặc bản án bị huỷ theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm, việc chiếm hữu của một người từ chỗ có căn cứ pháp luật đã chuyển thành chiếm hữu không có căn cứ pháp luật: Tùy từng trường hợp cụ thể mà xác định đó là hành vi chiếm hữu không có căn cứ pháp luật hay được lợi về tài sản.
2.3. Người được lợi về tài sản không có lỗi
Khi được lợi tài sản, người được lợi không biết, mà coi tài sản đó là của mình. Nếu người được lợi tài sản biết được tài sản đó không phải là của mình thì phải trả lại cho chủ sở hữu hoặc giao nộp cho uỷ ban nhân dân xã, phường (Điều 228 Bộ luật Dân sự 2015). Nếu người được lợi cố ý chiếm hữu tài sản thì phải chịu trách nhiệm về hành vi chiếm hữu tài sản do được lợi của mình. Trong trường hợp này, họ trở thành người chiếm hữu không có căn cứ pháp luật, không ngay tình.
3. Nghĩa vụ của người được lợi về tài sản không có căn cứ pháp luật
Người được lợi không có căn cứ pháp luật có nghĩa vụ hoàn trả khoản lợi đã nhận (khoản 2 Điều 581 Bộ luật Dân sự 2015). Khoản lợi phải trả là khoản lợi thực tế mà người được lợi đã hưởng hoặc khoản lợi tại thời điểm phát sinh nghĩa vụ. Những hoa lợi và lợi tức thu được trước thời điểm phát sinh nghĩa vụ không phải hoàn trả. Trường hợp này cần phân biệt tính trung thực hoặc không trung thực của người được lợi tài sản. Có nghĩa là việc người đó thu lợi là do không biết rằng không có căn cứ pháp luật trong việc sử dụng tài sản, người đó coi tài sản là của mình, trong ý thức chủ quan, họ coi tài sản đó thuộc quyền sở hữu của mình, cho nên người được lợi tự do khai thác lợi ích từ tài sản.
Vào thời điểm phát sinh nghĩa vụ hoàn trả, giá trị tài sản có thể bị giảm đi so với giá trị khi bắt đầu có tài sản đó. Nếu trong thời gian chiếm giữ tài sản, người được lợi đã sử dụng tài sản đó hoặc vô ý làm cho tài sản bị hư hỏng thì người được lợi phải trả tài sản đang còn và bồi thường thiệt hại phần hư hỏng. Nếu tài sản bị tiêu huỷ hoặc bị mất, người được lợi phải đền bù bằng tiền. Giá trị đền bù tính tại thời điểm trả.
Có quan điểm cho rằng nếu vật bị hư hỏng, khi phát sinh nghĩa vụ, người được lợi trả cho chủ sở hữu tài sản trong tình trạng thực tế đó. Trong trường hợp vật bị mất hoặc tiêu huỷ, người được lợi về tài sản không phải đền bù. Theo quan điểm này, trước khi phát sinh nghĩa vụ, người được lợi coi tài sản đó là của mình cho nên có thể họ không quan tâm đến tài sản, để cho tài sản hư hỏng, mất mát hoặc tài sản đó đối với họ không cần thiết. Do vậy, họ không bảo quản, giữ gìn tài sản.
Đối với những hoa lợi, lợi tức thu được từ việc sử dụng tài sản: khi phải trả lại tài sản, người được lợi không phải trả những khoản hoa lợi, lợi tức đó. Người được lợi chỉ phải trả hoa lợi, lợi tức thu được từ thời điểm biết hoặc phải biết việc được lợi tài sản của người khác (khoản 2 Điều 581 Bộ luật Dân sự 2015).
Trường hợp tài sản được lợi đã được chuyển cho người thứ ba, chủ sở hữu có quyền yêu cầu người thứ ba hoàn trả tài sản cho mình. Nếu người thứ ba mua tài sản của người được lợi thì có quyền yêu cầu người đó phải trả lại tiền cho mình.
Nếu tài sản do người thứ ba chiếm hữu bị hư hỏng do lỗi của họ thì người thứ ba phải bồi thường thiệt hại. Trường hợp tài sản do người thứ ba chiếm hữu không còn, người được lợi về tài sản phải bồi thường thiệt hại cho chủ sở hữu.