Khái niệm đi xe không chính chủ hiện vẫn đang bị hiểu sai khá nhiều, khiến nhiều người có tâm lý hoang mang khi tham gia giao thông. Để rõ hơn, bài viết dưới đây LawFirm.Vn sẽ giải thích thế nào là lỗi xe không chính chủ, những trường hợp bị xử phạt và mức phạt xe không chính chủ bị phạt bao nhiêu?
1. Thế nào là lỗi xe không chính chủ?
Theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP, xe không chính chủ là những trường hợp người mua, được cho, tặng, phân bổ, điều chuyển hoặc thừa kế tài sản là xe ô tô, xe mô tô, xe gắn máy,… mà không làm thủ tục sang tên.
Bên cạnh đó thông tư 58/2020/TT-BCA cũng nêu rõ việc chấp hành các quy định của pháp luật về đăng ký xe là trách nhiệm của chủ sở hữu phương tiện.
Cụ thể, trong 30 ngày tính từ khi làm giấy tờ chuyển quyền sở hữu xe thì người mua, người được điều chuyển, cho, tặng,… phải đến cơ quan đăng ký xe để làm thủ tục đăng ký và cấp biển số.
Như vậy, để không vi phạm lỗi xe không chính chủ và không bị xử phạt, trong vòng 30 ngày kể từ thời điểm phát sinh giao dịch mua bán, cho tặng,.. người mua cần phải thực hiện đăng ký sang tên xe.
2. Mức phạt lỗi xe không chính chủ
Chủ phương tiện không làm thủ tục đăng ký sang tên xe sẽ vi phạm lỗi xe không chính chủ, mức phạt đối với chủ sở hữu xe mô tô, xe gắn máy được quy định tại Nghị định 100/2019/NĐ-CP như sau:
- Đối với cá nhân : Phạt tiền từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng
- Đối với tổ chức: Phạt tiền 800.000 đồng đến 1.200.000 đồng
Tuy nhiên, không phải trường hợp nào người dân đi xe không chính chủ cũng bị xử phạt. Theo khoản 10 Điều 80 Nghị định 100/2019/NĐ-CP, việc xác minh để phát hiện các hành vi vi phạm được quy định tạo điểm a 4, và điểm l khoản 7 Điều 30.
Theo đó, hành vi không làm thủ tục sang tên xe máy chỉ bị xử phạt nếu được xác minh để phát hiện hành vi vi phạm trong 2 trường hợp:
- Thông qua công tác điều tra, giải quyết vụ tai nạn giao thông
- Qua công tác đăng ký xe
Như vậy, để không bị xử phạt lỗi xe không chính chủ, người dân cần mang đầy đủ giấy tờ cần thiết khi tham gia giao thông. Nếu xuất trình đủ các giấy tờ theo yêu cầu của lực lượng chức năng thì người điều khiển xe sẽ không bị xử phạt về lỗi đi xe không chính chủ dù tên trên cà vẹt và CMND/CCCD của người điều khiển khác nhau, bao gồm:
- Đăng ký xe;
- Giấy phép lái xe;
- Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe cơ giới
- Giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới.

3. Hướng dẫn thủ tục sang tên đổi chủ xe máy đúng quy định pháp luật
Thủ tục sang tên đổi chủ xe máy giúp bảo vệ quyền lợi và đảm bảo tuân thủ đúng quy định của pháp luật khi thực hiện các giao dịch mua, bán, cho, tặng, thừa kế,… xe máy cũ. Để nhanh chóng hoàn tất quy trình, 2 bên cần chuẩn bị đầy đủ hồ sơ giấy tờ và đóng lệ phí trước bạ.
3.1. Chuẩn bị giấy tờ cần thiết
Để thực hiện thủ tục sang tên xe máy, trước hết hai bên cần chuẩn bị các giấy tờ sau:
- Bên mua: CMND/CCCD bản chính;
- Bên bán: Giấy tờ xe bản chính; CMND/CCCD bản chính; Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân.
Trong trường hợp không thể trực tiếp đi làm thủ tục, người bán có thể ủy quyền cho người khác với điều kiện có hợp đồng ủy quyền đã được công chứng.
Bên cạnh đó, hợp đồng mua bán xe cần có đủ chữ ký của 2 bên, và theo Điểm b khoản 2 Điều 8 Thông tư 58/2020/TT-BCA, cần công chứng hoặc chứng thực của Ủy ban nhân dân (UBND) xã, phường, thị trấn đối với chữ ký của người bán, cho, tặng xe.
Công văn 3956/BTP-HTQTCT quy định về việc công chứng, chứng thực trong trường hợp mua bán xe chuyên dùng và xe của cá nhân như sau:
- Trường hợp xe chuyên dùng: Thực hiện công chứng tại Ủy ban nhân dân xã nơi đăng ký thường trú của người bán, cho, tặng xe.
- Trường hợp xe của cá nhân: Người bán, cho, tặng xe có quyền lựa chọn công chứng giấy bán, cho, tặng xe tại các Văn phòng công chứng được cấp phép hoặc chứng thực chữ ký trên giấy bán, cho, tặng xe đúng quy định.
3.2. Chi phí sang tên xe máy
Khi làm thủ tục sang tên xe máy, người mua sẽ phải nộp lệ phí sang tên, mức phí được áp dụng theo Thông tư 229/2016/TT-BTC, cụ thể:
- Người mua nộp mức phí = 30.000 đồng/xe máy nếu chỉ đổi giấy đăng ký xe mà không cần đổi lại biển số
- Người mua nộp mức lệ phí = 50.000 đồng/xe máy nếu sang tên xe khác tỉnh cần đổi cả biển số và giấy đăng ký xe
3.3. Thủ tục sang tên xe máy
Tùy từng trường hợp mà quy trình và thủ tục sang tên xe máy có thể khác nhau. Tuy nhiên các bước thực hiện đều khá đơn giản, thuận tiện cho người dân, cụ thể như sau:
Thủ tục sang tên xe máy cùng tỉnh
- Bước 1: Nộp giấy đăng ký xe cho cơ quan chức năng
- Bước 2: Nộp lệ phí trước bạ tại ngân hàng hoặc kho bạc địa phương
- Bước 3: Chuẩn bị hồ sơ đăng ký sang tên xe
- Bước 4: Nộp hồ sơ đăng ký sang tên xe
- Bước 5: Nhận kết quả
Khi làm thủ tục sang tên xe máy cùng tỉnh, hai bên mua bán xe cần lưu ý:
- Người bán, tặng, cho xe có thể đến trực tiếp hoặc ủy quyền cho người khác đến cơ quan Công an cấp huyện để ghi giấy đăng ký xe. Mẫu giấy được áp dụng chung trên toàn quốc và áp dụng với tất cả các loại xe được lưu hành.
- Người mua, người được tặng, được cho xe cần chuẩn bị đầy đủ các giấy tờ theo quy định, bao gồm: Giấy khai đăng ký xe theo mẫu số 01 ban hành theo Thông tư 58/2020/TT-BCA; Giấy chuyển quyền sở hữu xe (giấy bán, cho, tặng xe của cá nhân có công chứng hoặc giấy tờ mua bán, cho, tặng xe); Chứng từ lệ phí trước bạ xe; Giấy tờ của chủ xe.
- Hồ sơ đăng ký sang tên xe máy sẽ nộp tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả trụ sở Phòng Cảnh sát giao thông hoặc Công an huyện nơi đăng ký xe.
Thủ tục sang tên xe máy khác tỉnh
Quy trình thực hiện sang tên xe máy khác tỉnh tương tự với sang tên xe máy cùng tỉnh, tuy nhiên người mua bán cần lưu ý những điểm sau:
- Bên mua xe cần có thêm giấy chứng nhận thu hồi đăng ký, biển số xe của bên bán.
- Bên mua sẽ bấm lại biển số mới cho xe theo địa phương mới, thực hiện chọn biển trên hệ thống và nộp lên phí đăng ký. Thủ tục nhận biển số xe sang tên cũng tương tự thủ tục đăng ký biển cho xe mới.