Miễn trách nhiệm hình sự là gì? Căn cứ miễn trách nhiệm hình sự
1. Miễn trách nhiệm hình sự là gì?
Miễn trách nhiệm hình sự chính là việc người phạm tội không còn phải chịu các hậu quả pháp lý từ hành vi phạm tội khi có các căn cứ luật định. Nhưng phải khằng định rằng việc không phải chịu hậu quả ở đây chỉ đề cập đến góc độ về hình sự vì trong nhiều trường hợp mặc dù được miễn trách nhiệm hình sự nhưng người thực hiện hành vi phạm tội phải gánh chịu các hậu quả pháp lý khác như về hành chính, dân sự, lao động (bồi thường thiệt hại, bị xử phạt, đình chỉ quan hệ lao động…).
Miễn trách nhiệm hình sự là một trong những nội dung thể hiện chính sách nhân đạo, khoan hồng của Nhà nước. Biện pháp này được quy định và áp dụng trong một số trường hợp phạm tội nếu xét thấy không cần phải truy cứu trách nhiệm hình sự, không cần buộc họ phải chịu biện pháp cưỡng chế nghiêm khắc nhất của Nhà nước là hình phạt mà vẫn đảm bảo được yêu cầu phòng và chống tội phạm, vẫn đảm bảo được yêu cầu giáo dục người phạm tội để họ trở thành người có ích cho xã hội.
Cần phải phân biệt trường hợp miễn trách nhiệm hình sự với trường hợp người thực hiện hành vi nguy hiểm nhưng không cấu thành tội phạm. Bởi lẽ, miễn trách nhiệm hình sự không đồng nghĩa với không có trách nhiệm hình sự, cho nên trong quá trình điều tra, truy tố hoặc xét xử nếu không đủ căn cứ để buộc tội thì phải tuyên bố họ không phạm tội chứ không được tuyên bố miễn trách nhiệm hình sự cho họ.
2. Căn cứ miễn trách nhiệm hình sự là gì?
Căn cứ miễn trách nhiệm hình sự được quy định tại Điều 29 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), theo đó, người phạm tội được miễn trách nhiệm hình sự khi có một trong những căn cứ sau đây:
– Khi tiến hành điều tra, truy tố hoặc xét xử, do có sự thay đổi chính sách, pháp luật làm cho hành vi phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa;
– Khi có quyết định đại xá.
Người phạm tội có thể được miễn trách nhiệm hình sự khi có một trong các căn cứ sau đây:
– Khi tiến hành điều tra, truy tố, xét xử do chuyển biến của tình hình mà người phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa;
– Khi tiến hành điều tra, truy tố, xét xử, người phạm tội mắc bệnh hiểm nghèo dẫn đến không còn khả năng gây nguy hiểm cho xã hội nữa;
– Trước khi hành vi phạm tội bị phát giác, người phạm tội tự thú, khai rõ sự việc, góp phần có hiệu quả vào việc phát hiện và điều tra tội phạm, cố gắng hạn chế đến mức thấp nhất hậu quả của tội phạm và lập công lớn hoặc có cống hiến đặc biệt, được Nhà nước và xã hội thừa nhận.
Người thực hiện tội phạm nghiêm trọng do vô ý hoặc tội phạm ít nghiêm trọng gây thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm hoặc tài sản của người khác, đã tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả và được người bị hại hoặc người đại diện hợp pháp của người bị hại tự nguyện hòa giải và đề nghị miễn trách nhiệm hình sự, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự.
Việc miễn trách nhiệm hình sự theo Điều luật này được nghiên cứu dưới hai góc độ: đương nhiên và không đương nhiên. Đương nhiên được hiểu là khi một người có hành vi phạm tội nhưng có đầy đủ các điều kiện theo luật định thì họ hiển nhiên được miễn trách nhiệm hình sự mà không có bất kỳ chủ thể nào có thể ngăn cản. Không đương nhiên được hiểu là khi một người có hành vi phạm tội nhưng có các điều kiện theo luật định thì họ sẽ được cơ quan có thẩm quyền xem xét việc áp dụng chế định miễn trách nhiệm hình sự.
2.1. Trường hợp đương nhiên được miễn trách nhiệm hình sự
2.1.1. Khi tiến hành điều tra, truy tố hoặc xét xử, do có sự thay đổi chính sách, pháp luật làm cho hành vi phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa
Trường hợp này được hiểu, trước đây hành vi này là nguy hiểm cho xã hội và chủ thể thực hiện hành vi phải chịu trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên do sự chuyển biến của tình hình thực tế, nhận thức, đánh giá sự việc…mà đã dẫn đến sự thay đổi trong chính sách, pháp luật nên hành vi này nếu xem xét theo quy định mới thì không phải chịu trách nhiệm hình sự nữa. Việc miễn trách nhiệm trong trường hợp này có một số đặc điểm như sau:
– Sự thay đổi phải được ghi nhận, thể hiện bằng văn bản có hiệu lực pháp luật, nghĩa là việc áp dụng phải có cơ sở xác đáng, ràng buộc các bên liên quan phải thi hành mà không có một ngoại lệ nào.
– Việc miễn trách nhiệm hình sự không đồng nghĩa với việc chấm dứt các trách nhiệm pháp lý khác như trách nhiệm hành chính, dân sự, lao động.
2.1.2. Khi có quyết định đại xá
Việc đại xá thể hiện rõ nét chính sách khoan hồng của Đảng và Nhà nước ta trong công tác đấu tranh phòng chống tội phạm, được Quốc hội ban hành căn cứ trên tình hình thực tế, hoạt động tội phạm cũng như sự ảnh hưởng, mức độ tác động của một số loại tội phạm. Nếu căn cứ nêu trên cần phải được thể hiện rõ sự loại trừ hành vi ra khỏi nhóm các tội danh được pháp luật hình sự quy định thì việc đại xá không làm mất đi hay thay đổi các chế định pháp luật đối với các loại tội phạm đó. Nghĩa là theo pháp luật hình sự thì các hành vi mà người phạm tội được đại xá vẫn bị xem là tội phạm, người thực hiện hành vi buộc phải gánh chịu các hậu quả pháp lý hình sự tương ứng với mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi mà mình gây ra. Quyết định đại xá của Quốc hội sẽ là căn cứ làm cho một số loại tội phạm mà người thực hiện hành vi phạm tội không phải tiếp tục gánh chịu các hậu quả pháp lý hình sự nữa cho dù họ đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự trong giai đoạn nào. Nếu đang bị điều tra, truy tố, xét xử thì sẽ không bị điều tra, truy tố, xét xử nữa; nếu đang chấp hành hình phạt tù thì không phải tiếp tục chịu hình phạt tù còn lại, được tự do ngay lập tức và được xóa án tích, xem như chưa từng phạm tội danh được đại xá, không bị mang tiền án….Như vậy việc miễn trách nhiệm hình sự do đại xá là căn cứ phát sinh dựa trên thẩm quyền quyết định của Quốc hội khi xem xét các yếu tố, tình hình đời sống kinh tế chính trị xá hội.
2.2. Trường hợp không đương nhiên được miễn trách nhiệm hình sự
2.2.1. Sự chuyển biến của tình hình mà người phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa
Nếu như trước đây, căn cứ theo quy định của Bộ luật hình sự 1999 thì đây chính là trường hợp người phạm tội đương nhiên được miễn trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên quy định này hoàn toàn không phù hợp cả về mặt lý luận lẫn thực tiễn áp dụng, việc đương nhiên được miễn trách nhiệm phải dựa vào một căn cứ, quy định rõ ràng, được cụ thể hóa bằng một văn bản có hiệu lực pháp luật vì có như vậy mới ràng buộc được nghĩa vụ tuân thủ của các chủ thể liên quan cũng như bảo vệ được quyền của người phạm tội. Nhưng xuất phát từ căn cứ áp dụng là dựa trên sự chuyển biến của tình hình thì chắc chắn một điều rằng là chúng ta không thể dự liệu được một cách chính xác, tình hình có sự chuyển biến là sự thay đổi, vận động của cả một hệ thống các yếu tố, lĩnh vực như kinh tế, xã hội, văn hóa, chính trị, pháp luật …. hoặc sự chuyển biến có thể biểu hiện ở một lĩnh vực, khía cạnh nào đó của đời sống xã hội mà làm cho người phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa. Như vậy có thể thấy, Bộ luật hình sự 1999 đã luật hóa căn cứ này thành quyền đương nhiên được hưởng miễn trách nhiệm hình sự nhưng hoàn toàn không có một văn bản, quy định để chi tiết, cụ thể hóa sự chuyển biến của tình hình là như thế nào để xác định việc áp dụng cho người phạm tội. Bên cạnh đó, vì là sự chuyển biến nên chắc chắn sẽ có sự thay đổi liên tục, biến hóa theo từng thời điểm, trình độ nhận thức, đánh giá nên không thể áp khung một vật thể chuyển động để áp dụng cho một trường hợp.
Chính vì vậy mà trong Bộ luật hình sự hiện hành, việc các nhà làm luật đã điều chỉnh căn cứ này từ đương nhiên được hưởng thành có thể được hưởng. Sự có thể ở đây phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, đó là các yếu tố của tình hình đời sống xã hội và hơn hết là sự tùy nghi áp dụng căn cứ trên cơ sở nhận thức, nhìn nhận chủ quan của các cá nhân, tổ chức trong quá trình điều tra, truy tố và xét xử tội phạm.
2.2.2. Người phạm tội mắc bệnh hiểm nghèo dẫn đến không còn khả năng gây nguy hiểm cho xã hội nữa
Đây là căn cứ hoàn toàn mới mà các nhà làm luật áp dụng xem xét việc miễn trách nhiệm hình sự cho người phạm tội. So với yếu tố “sự chuyển biến của tình hình” thì căn cứ này hoàn toàn khả thi và có cơ sở để áp dụng trên thực tế. Tuy nhiên cũng cần phải xem xét chi tiết điều kiện để một người phạm tội có thể được vận dụng căn cứ này trong việc đưa ra yêu cầu được hưởng quyền miễn trừ trách nhiệm hình sự, cần lưu ý như sau:
– Người phạm tội phải mắc bệnh hiểm nghèo: căn cứ để xác đinh phải dựa vào danh mục các bệnh hiểm nghèo theo quy định của pháp luật.
– Không còn khả năng gây nguy hiểm cho xã hội: Điều này đồng nghĩa với việc không phải bất kỳ người phạm tội nào mắc bệnh hiểm nghèo đều được hưởng quyền miễn trừ trách nhiệm hình sự mà còn phải xác định khả năng gây nguy hiểm cho xã hội của họ trên thực tế. Ví dụ: A mắc bệnh ung thư nhưng được phát hiện, điều trị tại giai đoạn đầu nên vẫn còn khỏe mạnh, khả năng khỏi bệnh rất cao, vì vậy hoàn toàn không có cơ sở để miễn trách nhiệm hình sự cho A. Tuy nhiên, nếu xét trường hợp A bị ung thư giai đoạn cuối, đã di căn, sức khỏe ốm yếu thì cần phải xem xét áp dụng việc miễn trách nhiệm hình sự.
– Người phạm tội tự thú.
Về mặt khái niệm, nghĩa là hành vi phạm tội chưa bị phát hiện nhưng người thực hiện hành vi đã tự khai nhận và trình diện trước Cơ quan có thẩm quyền để xử lý theo quy định của pháp luật. Việc tự thú để có thể hưởng quyền yêu cầu xem xét miễn trách nhiệm hình sự được thể hiện rõ nét nhất trong các loại tội phạm có đồng phạm. Bởi đối với các tội phạm được thực hiện riêng lẻ thì việc tự thú chỉ được thực hiện sau khi tội phạm hoàn thành, tức là đã đạt được mục đích mong muốn của người phạm tội trước khi thực hiện hành vi, đã gây ra hậu quả nhất định cho xã hội. Trường hợp này việc tự thú chỉ được xem xét là tình tiết giảm nhẹ khi áp dụng khung hình phạt.
Tự thú đối với các tội phạm có đồng phạm: nghĩa là có từ hai chủ thể trở lên cùng thực hiện một tội phạm. Trước khi hành vi phạm tội bị phát hiện, một trong những chủ thể vì lý do nào đó mà tự thú trước cơ quan có thẩm quyền để khai nhận toàn bộ hành vi của mình cũng như khai báo hành vi chuẩn bị, đang hoặc đã thực hiện của các đồng phạm khác. Việc khai báo này giúp cho cơ quan có thẩm quyền ngăn chặn kịp thời tội phạm, không cho hậu quả xảy ra trên thực tế hoặc hạn chế đến mức thấp nhất hậu quả xảy ra.
Hành vi tự thú của một chủ thể tội phạm chỉ được xem xét áp dụng miễn trách nhiệm hình sự khi và chỉ khi việc khai nhận, khai báo của họ đã mang đến những lợi ích nhất định như:
– Hiệu quả trong việc phát hiện và điều tra tội phạm: Biểu hiện ở việc cung cấp các chứng cứ, lời khai, thông tin về các đồng phạm, địa điểm….
– Ngăn chặn hoặc hạn chế đến mức thấp nhất hậu quả của tội phạm: Biểu hiện ở việc giúp kịp thời ngăn chặn được hậu quả hoặc nếu hậu quả đang xảy ra thì hạn chế được đến mức thấp nhất có thể.
Ví dụ: A, B, C và D tổ chức buôn bán ma túy từ Lào về Việt Nam, toàn bộ 2 bánh heroin được vận chuyển trót lót vào Thành phố Hồ Chí Minh và chuẩn bị phân phối cho các tụ điểm, đại lý để bán lẻ đến các con nghiện trên địa bàn. C sau đó tự thú khai nhận hành vi của mình và đồng bọn, A, B và D lần lượt bị bắt, 2 bánh heroin bị thu giữ trước khi bị phân tán đi tiêu thụ. Chúng ta thấy việc tự thú của C giúp Cơ quan có thẩm quyền ngăn chặn và bắt giữ tội phạm, kịp thời tịch thu các bánh heroin, bên cạnh đó từ lời khai của C mà Cơ quan điều tra có cơ sở xác định được A, B, D có liên quan đến hàng loạt vụ án buôn bán trọng điểm ma túy khác. Rõ ràng hành vi tự thú của C đã mang lại một lợi ích rất lớn trong việc xử lý tội phạm ma túy trên địa bàn nên hoàn toàn có cơ sở xem xét áp dụng chế định miễn trách nhiệm hình sự.
Cuối cùng một căn cứ để xem xét miễn trách nhiệm hình sự cho người phạm tội là xuất phát từ yêu cầu, đề nghị của bị hại hoăc đại diện hợp pháp của bị hại. Căn cứ này không phải được áp dụng cho mọi loại tội phạm mà chỉ áp dụng cho: tội phạm nghiêm trọng do vô ý hoặc tội phạm ít nghiêm trọng gây thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm hoặc tài sản của người khác. Bên cạnh quy định về loại tội phạm thì để được xem xét áp dụng việc miễn trách nhiệm hình sự thì người phạm tội còn phải thỏa mãn các điều kiện sau:
– Đã tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả: Người phạm tội phải chủ động, tự nguyện thực hiện trước khi có yêu cầu, chế tài áp dụng của cơ quan có thẩm quyền. Tính tự nguyện đánh giá được sự hối lỗi, nhận biết được sai lầm cũng như thể hiện được mong muốn bù đắp cho bị hại của người phạm tội.
– Được bị hại hoặc người đại diện hợp pháp của bị hại tự nguyện hòa giả và đề nghị miễn trách nhiệm hình sự: Bên bị tác động bởi hành vi vi phạm chủ động, bằng thâm tâm của mình mong muốn bỏ qua tội lỗi của người phạm tội mà từ đó tự đưa ra yêu cầu, đề nghị cơ quan chức năng xem xét không truy cứu trách nhiệm hình sự người phạm tội nữa. Pháp luật quy định rất rõ, đề nghị này phải xuất phát tự sự tự nguyện, bởi lẽ trên thực tế khi có một hành vi phạm tội xảy ra, người thực hiện hành vi vì muốn né tránh các chế tài của pháp luật hình sự mà tìm mọi cách để đạt được mục đích đó mà không loại trừ yếu tố đe dọa, cưỡng ép buộc bị hại phải đưa ra yêu cầu trước cơ quan chức năng. Rõ ràng yêu cầu đưa ra trong trường hợp này không xuất phát tự sự tự nguyện, không phù hợp với ý chí của bị hại hoặc đại diện bị hại. Bên cạnh đó, có ý kiến cho rằng việc dùng tiền bạc, vật chất để bị hại hoặc đại diện bị hại đưa ra yêu cầu không phải xuất phát từ sự tự nguyện mà đúng đắn hơn là việc mua bán, đổi chát làm cho tính nghiệm minh của pháp luật không được đảm bảo, không răn đe được tội phạm, không công bằng vì những người giàu có khi phạm tội thì dùng tiền bạc để tránh sự trừng phạt của pháp luật. Ý kiến nêu trên xét ở một khía cạnh nào đó là có cơ sở, tuy nhiên chúng ta cần nhìn nhận tổng thể, đa chiều vì căn cứ xem xét miễn trách nhiệm hình sự khi có đề nghị của bị hại hoặc đại diện bị hại chỉ được áp dụng cho loại tội phạm mà tính nguy hiểm cho xã hội của nó không cao, trách nhiệm hình sự không nhất thiết phải được đặt ra, việc trao quyền cho phía bị hại là nên ghi nhận. Trong khi đó tại các quy định đầu, chúng ta đã hiểu Bộ luật hình sự không chỉ là công cụ để trừng phạt người phạm tội mà còn có một nhiệm vụ quan trọng không kém chính là giáo dục. Chính vì vậy, đối với các trường hợp này, các nhà làm luật đã quy định cho nó có thể trở thành một căn cứ xem xét miễn trách nhiệm hình sự là hoàn toàn hợp lý, có cơ sở. Chúng ta phải hiểu rằng, đây chỉ là căn cứ để xem xét có hay không việc áp dụng việc miễn trách nhiệm chứ không phải là trường hợp đương nhiên được miễn, do vậy khi thỏa mãn đầy đủ các điều kiện nêu trên thì điều kiện tiên quyết cuối cùng là sự đánh giá của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
3. Tải file Bình luận Bộ luật Hình sự 2015 (hợp nhất năm 2017) – Phần chung
Tải về: Bình luận Bộ luật Hình sự 2015 (hợp nhất năm 2017) – Phần chung