Lập sổ đăng ký thành viên trong Công ty TNHH
Công ty TNHH hai thành viên trở lên phải lập sổ đăng ký thành viên ngay sau khi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp theo quy định tại Điều 48 Luật Doanh nghiệp 2020.
1. Nội dung của sổ đăng ký thành viên
Sổ đăng ký thành viên phải bao gồm các nội dung chủ yếu sau đây:
– Tên, mã số doanh nghiệp, địa chỉ trụ sở chính của công ty;
– Họ, tên, địa chỉ liên lạc, quốc tịch, số giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với thành viên là cá nhân; tên, mã số doanh nghiệp hoặc số giấy tờ pháp lý của tổ chức, địa chỉ trụ sở chính đối với thành viên là tổ chức;
– Phần vốn góp, tỷ lệ phần vốn góp đã góp, thời điểm góp vốn, loại tài sản góp vốn, số lượng, giá trị của từng loại tài sản góp vốn của từng thành viên;
– Chữ ký của thành viên là cá nhân, người đại diện theo pháp luật của thành viên là tổ chức;
– Số và ngày cấp giấy chứng nhận phần vốn góp của từng thành viên.
Sổ đăng ký thành viên được lưu giữ tại: trụ sở chính của công ty hoặc địa điểm khác được quy định trong Điều lệ công ty.
2. Chế độ lưu giữ
Sổ đăng ký thành viên được lưu giữ tại trụ sở chính của công ty
Các thành viên của công ty có quyền kiểm tra, xem xét, tra cứu và sao chụp sổ đăng ký thành viên.
3. Một số lưu ý
Trường hợp chuyển nhượng phần vốn góp:
– Thành viên chuyển nhượng phần vốn góp vẫn có các quyền và nghĩa vụ đối với công ty tương ứng với phần vốn góp có liên quan cho đến khi thông tin về người được chuyển nhượng được ghi đầy đủ vào sổ đăng ký thành viên.
– Nói cách khác, dù đã chuyển nhượng phần vốn góp cho cá nhân khác mà công ty chưa cập nhật thông tin vào sổ đăng ký thành viên thì thành viên chuyển nhượng vẫn có các quyền và nghĩa vụ tương ứng với phần vốn góp có liên quan cho đến khi thông tin về người được chuyển nhượng được ghi đầy đủ vào sổ đăng ký thành viên.
Trường hợp công ty đã được cấp Giấy chứng nhận đăng kí kinh doanh rồi mà không lập sổ đăng kí thành viên thì công ty sẽ bị phạt hành chính từ 10 triệu đồng đến 15 triệu đồng (khoản 2 Điều 34 Nghị định 50/2016/NĐ-CP).