Có một thực tế không thể phủ nhận là pháp luật của các nước là khác nhau thậm chí trái ngược nhau, chính vì vậy nếu áp dụng luật nước này có thể đem lại nhiều thuận lợi hơn thì các đương sự rất “mong muốn để được áp dụng luật nước đó, và tìm mọi cách để không bị áp dụng luật nước khác có những quy định bất lợi với mình. Trong tư pháp quốc tế, hiện tượng này gọi là “lẩn tránh pháp luật”. Lần tránh pháp luật là hiện tượng các đương sự đã bằng các hành vi của mình như thay đổi quốc tịch, thay đổi nơi cư trú, hoặc chuyển hoá tài sản… để đạt được mục đích là áp dụng hệ thống pháp luật có lợi nhất cho mình.
Thực tế tư pháp quốc tế có thể xảy một số trường hợp đã từng được coi là “lẩn tránh pháp luật” như sau:
Trường hợp thứ nhất, chủ thể thấy rõ nếu quan hệ của họ nảy sinh sẽ phải chịu sự điều chỉnh của quy phạm xung đột của nước sở tại, và theo sự dẫn chiếu của quy phạm này thì một hệ thống pháp luật thực định của một nước nhất định sẽ được áp dụng để điều chỉnh quan hệ, nhưng pháp luật thực định nước đó được cho là không có lợi cho họ. Vì vậy, các chủ thể tìm cách để quy phạm xung đột của nước sở tại (đáng ra được áp dụng không được áp dụng nữa, điều đó cũng có nghĩa là hệ thống pháp luật bất lợi cho họ cũng sẽ không được áp dụng. Thông thường, các chủ thể có thể thay đổi quốc tịch hoặc nơi cư trú để đáp ứng điều kiện có thể áp dụng quy phạm xung đột của nước mà họ có quốc tịch mới hoặc cư trú mới, từ đó sẽ được áp dụng hệ thống luật thực định của nước mà họ cho là có lợi cho mình. Ví dụ, A là công dân nước ngoài có vợ là B là công dân Việt Nam, hai người cư trú tại Việt Nam. Nay họ muốn li hôn, và họ biết khi toà án Việt Nam giải quyết li hôn cho họ sẽ căn cứ vào khoản 1 Điều 127 Luật hôn nhân và gia đình Việt Nam 2014: “Việc li hôn giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài, giữa người nước ngoài với nhau thường trú ở Việt Nam được giải quyết tại cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam theo quy định của Luật này”. Họ cho rằng nếu áp dụng luật của Việt Nam sẽ không tốt cho A. Trong khi đó luật nước A mang quốc tịch lại cũng có quy phạm xung đột quy định rằng giải quyết li hôn có yếu tố nước ngoài sẽ tuân theo luật nước nơi cư trú chung của vợ chồng. Cuối cùng A cùng vợ là B đã thay đổi nơi cư trú, trở về nước mà A mang quốc tịch để cư trú và làm thủ tục xin li hôn tại cơ quan có thẩm quyền của nước này. Khi giải quyết cơ quan này sẽ áp dụng luật của nước A, nước mà vào thời điểm li hôn vợ chồng họ đang cư trú, và có lợi cho A.
Như vậy trong ví dụ này A đã thay đổi nơi cư trú, không xin li hôn tại Việt Nam nữa, nên không bị toà án Việt Nam áp dụng quy phạm xung đột tại Điều 127 Luật hôn nhân và gia đình Việt Nam, mà việc li hôn của A lúc này do cơ quan có thẩm quyền nước A mang quốc tịch giải quyết và quy phạm xung đột cũng do cơ quan đó xác định và áp dụng, hay trường hợp này A đã “bỏ qua” quy phạm xung đột (Điều 127) đáng ra được áp dụng.
Trường hợp thứ hai, đương sự không “bỏ qua” quy phạm xung đột như trường hợp trên mà vẫn đưa vụ việc ra trước cơ quan có thẩm quyền của nước sở tại, để rồi cơ quan này sẽ áp dụng các quy phạm xung đột của mình để điều chỉnh quan hệ, tuy nhiên đương sự bằng hành vi của mình đã làm thay đổi phạm vi hoặc uốn sự điều chỉnh của quy phạm xung đột theo xu hướng có lợi cho đương sự.
Ví dụ, A là công dân nước ngoài, đã sống và làm việc tại Việt Nam một thời gian dài. A có tài sản ở Việt Nam cả động sản và bất động sản. Mà theo pháp luật Việt Nam, mặc dù thừa kế đối với động sản hay bất động sản đều sẽ áp dụng hệ thuộc luật quốc tịch của người để lại thừa kế, tuy nhiên việc thực hiện quyền thừa kế đối với bất động sản sẽ do luật nơi có bất động sản quy định (Điều 680 Bộ luật dân sự 2015). Nhưng A muốn toàn bộ tài sản của mình phải được định đoạt theo pháp luật nước A là công dân, vì cho rằng đây là hệ thống pháp luật thân thuộc và sẽ tốt hơn cho A. Để thực hiện được điều này A đã chuyển đổi các bất động sản thành động sản (như bán nhà để quy thành vàng hoặc ngoại tệ...) thì luật điều chỉnh sẽ chỉ còn là một hệ thống pháp luật của nước mà A mang quốc tịch.
Vậy hậu quả pháp lí của việc “lẩn tránh pháp luật” là gì? Theo một số quốc gia thì hành vi lẩn tránh pháp luật không được công nhận,‘ còn tại Việt Nam trước đây có một quy định tại Điều 6 Pháp lệnh hôn nhân gia đình giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài 1993: “Việc kết hôn giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài được tiến hành ở nước ngoài và tuân theo pháp luật nước đó về nghi thức kết hôn thì được công nhận tại Việt Nam, trừ trường hợp việc kết hôn đó có ý định rõ ràng là để lẩn tránh quy định của pháp luật Việt Nam về điều kiện kết hôn và cấm kết hôn” nhưng đến nay quy định này đã hết hiệu lực, vì vậy thực tế hiện nay pháp luật Việt Nam không có quy định nào rõ ràng về hậu quả pháp lí của việc lẩn tránh pháp luật.
Nhưng ở một góc độ khác cũng nên nhìn nhận vấn đề một cách mềm dẻo hơn, bởi giữa hành vi bị coi là “lẩn tránh pháp luật” với hành vi để thực hiện các quyền của chủ thể đôi khi không dễ phân định. Khi có sự khác biệt giữa các hệ thống pháp luật thì mỗi chủ thể đều có nhu cầu tìm đến hệ thống pháp luật có lợi nhất, đó là điều bình thường, và khi họ có thể tức là pháp luật không cấm thì họ có quyền lựa chọn cái gì mà họ cho là tốt nhất. Việc thay đổi quốc tịch hay thay đổi nơi cư trú hoặc chuyển đổi tài sản… như các ví dụ nêu trên không phải là các việc làm bất hợp pháp. Vậy khi đương sự “bỏ qua sự tồn tại của quy phạm xung đột, không tạo cơ hội để quy phạm được áp dụng hoặc quy phạm nếu có được áp dụng cũng không giống” như những gì mà nó “đáng nhẽ” sẽ điều chỉnh thì điều đó cũng không nên xem là “lẩn tránh pháp luật” từ đó phủ nhận, triệt tiêu hoặc làm hạn chế hiệu lực của quy phạm xung đột. Đơn giản chỉ nên xem đây là trường hợp không thuộc phạm vi điều chỉnh của quy phạm xung đột hoặc cái “đáng nhẽ” chỉ là sự giả định còn cái mà quy phạm điều chỉnh mới là thực tế. Từ đó để thấy rằng chỉ vì quy phạm xung đột bị “bỏ qua” hoặc bị “dẫn dắt” mà cho rằng các hành vi như đã đề cập ở trên của đương sự là “lẩn tránh pháp luật”, là bất hợp pháp và không công nhận nó thì quả là chưa có cơ sở chắc chắn. Hiện tại ở Việt Nam, tư pháp quốc tế chưa ghi nhận một trường hợp nào bị xem là lẩn tránh pháp luật.