Kỹ năng xác định điều kiện khởi kiện vụ án dân sự
Xác định điều kiện khởi kiện là kỹ năng cơ bản, cốt lõi Luật sư cần phải nắm vững khi thực hiện việc khởi kiện vụ án dân sự. Trên cơ sở đánh giá, xác định điều kiện khởi kiện, Luật sư thực hiện các chuỗi kỹ năng khác trong giai đoạn khởi kiện, thụ lý vụ án dân sự như tiếp xúc, trao đổi với khách hàng, chuẩn bị hồ sơ khởi kiện; khiếu nại về việc trả lại đơn khởi kiện.
1. Điều kiện về chủ thể khởi kiện vụ án dân sự
Để khởi kiện vụ án dân sự, chủ thể khởi kiện phải có quyền khởi kiện và có đủ năng lực hành vi tố tụng dân sự. Đây là điều kiện đầu tiên phải xác định khi đương sự thực hiện việc khởi kiện và được quy định tại điểm a khoản 1 Điều 192 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015.
Thứ nhất, người khởi kiện phải là người có quyền, lợi ích hợp pháp về dân sự; Hôn nhân và Gia đình; kinh doanh, thương mại; lao động (sau đây gọi tắt là dân sự), về nguyên tắc, quyền, lợi ích hợp pháp về dân sự chỉ có được khi chủ thể tham gia vào quan hệ pháp luật nội dung quan hệ dân sự; Hôn nhân và Gia đình; kinh doanh, thương mại; lao động (viết tắt là quan hệ dân sự). Chủ thể không có quyền, lợi ích dân sự không có quyền khởi kiện trừ một số trường hợp ngoại lệ theo quy định của pháp luật. Luật sư cần lưu ý rằng, có quyền, lợi ích dân sự hợp pháp chỉ là điều kiện cần trong quyền khởi kiện của chủ thể khởi kiện mặc dù người khởi kiện có quyền, lợi ích dân sự nhưng quyền, lợi ích đó không hoặc chưa bị xâm phạm thì cũng chưa đủ điều kiện khởi kiện vụ án dân sự.
Thứ hai, ngoài quyền khởi kiện, người khởi kiện phải có đủ năng lực hành vi tố tụng dân sự. Năng lực hành vi tố tụng dân sự là khả năng tự mình thực hiện quyền, nghĩa vụ tố tụng dân sự hoặc ủy quyền cho người đại diện tham gia tố tụng dân sự. Người khởi kiện không có đủ năng lực hành vi tố tụng dân sự là người không có khả năng tự mình thực hiện quyền, nghĩa vụ tố tụng dân sự hoặc ủy quyền cho người đại diện tham gia tố tụng dân sự theo quy dịnh tại Điều 69 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015. Người khởi kiện vụ án dân sự là cá nhân phải là con người cụ thể, không phân biệt là người nước ngoài hay người Việt Nam ở trong nước hay người Việt Nam định cư, làm ăn, học tập, công tác ở nước ngoài hoặc người nước ngoài không ở Việt Nam có mặt tại Việt Nam. Tuy nhiên, họ phải là người đạt độ tuổi nhất định, sức khỏe bình thường, không bị mất khả năng nhận thức và điều khiển hành vi của mình. Luật sư cần căn cứ quy định tại Điều 69 Bộ luật Tố tụng dân sự nám 2015 để xác định năng lực hành vi tố tụng dân sự của cá nhân. Người từ đủ mười tám tuổi trở lên có đầy đủ năng lực hành vi tố tụng dân sự, trừ người mất năng lực hành vi dân sự hoặc pháp luật có quy định khác.
2. Đủ điều kiện khởi kiện vụ án dân sự
Điều kiện này được quy định tại điểm b khoản 1 Điều 192 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015. Theo đó, “chưa có đủ điều kiện khởi kiện là trường hợp pháp luật có quy định về các điều kiện khởi kiện nhưng người khởi kiện đã khởi kiện đến Toà án khi còn thiếu một trong các điều kiện đó”. Chưa có đủ điều kiện khởi kiện là trường hợp các đương sự có thoả thuận hoặc pháp luật có quy định về các điều kiện để khởi kiện (kể cả quy định về hình thức, nội dung đơn khởi kiện), nhưng đương sự đã khởi kiện khi còn thiếu một trong các điều kiện đó. So với nội dung hướng dẫn trên, điều cần chú ý là Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 chỉ quy định điều kiện khởi kiện do pháp luật quy định, không quy định điều kiện khởi kiện do các đương sự có thoả thuận. Khi xác định điều kiện khởi kiện do pháp luật quy định, Luật sư cần nghiên cứu quy định của pháp luật nội dung như BLDS năm 2005, BLDS năm 2015, Luật Đất đai năm 2013, Bộ luật Lao động năm 20121 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014… Ngoài các quy định của pháp luật nêu trên về điều kiện khởi kiện, Luật sư cần xác định các trường hợp khác mà pháp luật có quy định tranh chấp cần phải được giải quyết bởi cơ quan, tổ chức khác trước khi khởi kiện vụ án dân sự.
Tuy nhiên, Luật sư cần lưu ý điều kiện này không áp dụng đối với tất cả các tranh chấp mà chỉ giới hạn đối với một số tranh chấp. Cụ thể là: tranh chấp đất đai; tranh chấp về bồi thường thiệt hại do người thi hành công vụ của Nhà nước gây ra; tranh chấp liên quan đến hoạt động nghiệp vụ báo chí; tranh chấp lao động cá nhân, tranh chấp lao động tập thể về quyền; một số loại tranh chấp như đòi nhà cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ… theo quy định của Nghị quyết số 1037/2006/NQ-UBTVQH11 ngày 27/7/2006 của ủy ban thường vụ Quốc hội về giao dịch dân sự về nhà ở được xác lập trước ngày 01/7/1991 có người Việt Nam định cư ở nước ngoài tham gia; tranh chấp về ly hôn theo quy định tại khoản 3 Điều 51 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014; tranh chấp thừa kế theo quy định tại Điều 661 BLDS năm 2015…
3. Yêu cầu khởi kiện phải thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án
Xác đinh thẩm quyền giải quyết của Toà án là một trong những điều kiện quan trọng của điều kiện khởi kiện vụ án dân sự. Điều 192 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 quy định Tòa án trả lại đơn khởi kiện trong trường hợp: “Vụ án không thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa ản”. Tiếp cận theo góc độ điều kiện khởi kiện, vụ án không thuộc thẩm quyền giải quyết của Toà án là trường họp theo quy định của pháp luật tranh chấp thuộc thấm quyền giải quyết của các cơ quan, tổ chức khác.
Các tranh chấp thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án quy định tại các điều 26, 28, 30 và 32 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015. Theo đó, Toà án có thẩm quyền giải quyết các tranh chấp phát sinh từ bốn loại quan hệ pháp luật, đó là những tranh chấp phát sinh từ quan hệ pháp luật dân sự (Điều 26 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015), những tranh chấp phát sinh từ quan hệ pháp luật Hôn nhân và Gia đình (Điều 28 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015), những tranh chấp phát sinh từ quan hệ pháp luật kinh doanh, thương mại (Điều 30 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015), những tranh chấp phát sinh từ quan hệ pháp luật lao động (Điều 32 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015).
4. Điều kiện về đơn khởi kiện và tài liệu, chứng cứ
Đơn khởi kiện và tài liệu, chứng cứ nộp kèm theo là điều kiện về thủ tục của việc khởi kiện. Theo quy định tại Điều 192 Bộ luật Tố tụng dân sự nam 2015, Thẩm phán trả lại đơn khởi kiện trong trường hợp “người khởi kiện không sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện theo yêu cầu của Thẩm phán quy định tại khoản 2 Điều 193 của Bộ luật này”. Khoản 5 Điều 189 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 quy định: Kèm theo đơn khởi kiện phải có tài liệu, chứng cứ chứng minh quyền, lợi ích hợp pháp của người khởi kiện bị xâm phạm.