Kiểu nhà nước là gì? Các kiểu nhà nước

0 5.279

1. Kiểu nhà nước là gì?

Cơ sở để xác định các kiểu nhà nước trong lịch sử là dựa vào học thuyết Mác – Lênin về các hình thái kinh tế – xã hội. Theo học thuyết này tương ứng với mỗi hình thái kinh tế – xã hội có một kiểu nhà nước và các đặc trưng trong mỗi kiểu nhà nước cũng do hình thái kinh tế – xã hội tương ứng quyết định. Vì vậy có thể hiểu, kiểu nhà nước là tổng thể những dấu hiệu cơ bản, đặc thù của nhà nước thể hiện bản chất giai cấp, điều kiện tồn tại và phát triển của nhà nước trong một hình thái kinh tế – xã hội tương ứng. Xã hội loài người tồn tại bốn hình thái kinh tế – xã hội, vì vậy tương ứng với bốn hình thái kinh tế – xã hội này có bốn kiểu nhà nước đó là kiểu nhà nước chủ nô, phong kiến, tư sản và xã hội chủ nghĩa.


2. Các kiểu nhà nước

Có 04 kiểu nhà nước từ trước đến nay, bao gồm: kiểu nhà nước chủ nô, kiểu nhà nước phong kiến, kiểu nhà nước tư sản, kiểu nhà nước xã hội chủ nghĩa:

2.1. Kiểu nhà nước chủ nô

Nhà nước chủ nô là kiểu nhà nước đầu tiên ra đời trên cơ sở sự tan rã của chế độ thị tộc, gắn liền với sự xuất hiện chế độ tư hữu và phân chia xã hội thành các giai cấp. Bản chất của nhà nước chủ nô được thể hiện trên cơ sở các điều kiện về kinh tế và xã hội. Nhà nước chủ nô tồn tại cơ sở kinh tế là quan hệ sản xuất chiếm hữu nô lệ, chủ nô vừa sở hữu tư liệu sản xuất, vừa sở hữu cả người nô lệ. Trong xã hội chiếm hữu nô lệ, người nô lệ không được coi trọng như một con người mà chỉ được coi như “một công cụ biết nói”, chủ nô có toàn quyền với người nô lệ, có thể đem tặng, cho và cũng có thể giết đi. Chính điều này đã làm xuất hiện trong nhà nước chủ nô một kết cấu giai cấp phức tạp bởi tồn tại sự mâu thuẫn gay gắt giữa chủ nô và nô lệ. Không những vậy trong nhà nước chủ nô còn tồn tại một số giai tầng khác như nông dân, thợ thủ công… nhưng những giai tầng này cũng có thân phận thấp kém, cũng bị tầng lớp chủ nô chi phối mạnh mẽ. Với cơ sở kinh tế, xã hội nói trên, nhà nước chủ nô có bản chất thể hiện là một nhà nước bóc lột, là một công cụ bạo lực để giai cấp chủ nô thực hiện nền chuyên chính với các giai tầng khác trong xã hội. Trong quá trình tồn tại, nhà nước chủ nô thực hiện một số chức năng cơ bản như củng cố và bảo vệ sở hữu về tư liệu sản xuất và cả người nô lệ của giai cấp chủ nô; thực hiện đàn áp bằng quân sự đối với sự phản kháng của các giai tầng trong xã hội; thực hiện đàn áp về mặt tư tưởng đối với giai cấp bị trị; hoặc tiến hành chiến tranh xâm lược và phòng thủ đất nước. Nhà nước chủ nô có hình thức nhà nước gắn liền với các hình thức chính thể quân chủ, cộng hòa dân chủ và cộng hòa quý tộc.

Hình minh họa. Kiểu nhà nước là gì? Các kiểu nhà nước

2.2. Kiểu nhà nước phong kiến

Nhà nước phong kiến ra đời thay thế cho nhà nước chủ nô, có bản chất cũng được xác lập trên cơ sở kinh tế và cơ sở xã hội.Nhà nước phong kiến tồn tại cơ sở kinh tế là hình thức sở hữu của địa chủ phong kiến đối với ruộng đất và các tư liệu sản xuất khác và sở hữu mỗi cá nhân là những người nông dân trong sự lệ thuộc vào giai cấp địa chủ. Nhà nước phong kiến có kết cấu xã hội phức tạp với hai giai cấp chính trong xã hội là tầng lớp địa chủ và tầng lớp nông dân. Ngoài ra còn có các tầng lớp khác như thợ thủ công, tăng lữ… Việc chiếm hữu ruộng đất trong xã hội phong kiến phần lớn thuộc về tay giai cấp thống trị, tầng lớp bị trị có trong tay một số lượng ruộng đất nhất định nhưng vẫn chịu sự bóc lột và chi phối của tầng lớp địa chủ. Với cơ sở kinh tế và xã hội nói trên, nhà nước phong kiến cũng thể hiện bản chất là một nhà nước bóc lột nhằm duy trì và bảo vệ lợi ích cho giai cấp thống trị. Nhà nước phong kiến ra đời thực hiện một số chức năng cụ thể như bảo vệ và phát triển chế độ sở hữu phong kiến; thực hiện sự đàn áp đối với giai cấp nông dân và các tầng lớp khác trong xã hội; tiến hành chiến tranh xâm lược cũng như phòng thủ đất nước trước sự tấn công từ bên ngoài. Về hình thức nhà nước, nhà nước phong kiến có hình thức quân chủ với sự tồn tại đa dạng bao gồm: quân chủ phân quyền cát cứ; quân chủ đại diện đẳng cấp; quân chủ trung ương tập quyền và cộng hòa phong kiến.

2.3. Kiểu nhà nước tư sản

Nhà nước tư sản được hình thành bằng nhiều con đường khác nhau và được đánh giá là kiểu nhà nước đã đem lại nền văn minh cho nhân loại với nhiều tiến bộ mới. Tuy nhiên nhà nước tư sản về bản chất vẫn là một kiểu nhà nhà nước bóc lột. Điều này được thể hiện trên cơ sở kinh tế và cơ sở xã hội của nhà nước tư sản. Cơ sở kinh tế của nhà nước tư sản là các quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa, xác lập và duy trì chế độ sở hữu tư nhân về tư liệu sản xuất và bóc lột giá trị thặng dư. Trong nhà nước tư sản tồn tại hai giai cấp cơ bản là tư sản và vô sản. Ngoài ra còn có một số giai tầng khác trong xã hội đó là thợ thủ công, nông dân… và giữa giai cấp tư sản và các giai tầng khác trong xã hội có lợi ích mâu thuẫn và đối kháng với nhau. Vì vậy về bản chất thì nhà nước tư sản cũng giống như hai kiểu nhà nước chủ nô và phong kiến đều là các kiểu nhà nước bóc lột, thực chất bảo vệ và củng cố lợi ích cho giai cấp thống trị. Nhà nước tư sản trong quá trình tồn tại hướng đến thực hiện một số chức năng như bảo vệ chế độ tư sản; trấn áp sự đối kháng của các giai tầng khác và tiến hành chiến tranh xâm lược… Về hình thức nhà nước, nhà nước tư sản tồn tại nhiều hình thức nhà nước khác nhau như hình thức chính thể lập hiến; chính thể quân chủ đại nghị, chính thể cộng hòa (cộng hòa tổng thống và cộng hòa đại nghị).

2.4. Nhà nước xã hội chủ nghĩa

Nhà nước xã hội chủ nghĩa là nhà nước tiến bộ và được hình thành trên cơ sở những tiền đề về kinh tế và tiền đề chính trị – xã hội, có sứ mệnh lịch sử là lãnh đạo tầng lớp nhân dân đứng lên làm cuộc cách mạng nhằm lật đổ sự thống trị của giai cấp tư sản và lập nên chính đảng của mình. Nhà nước xã hội chủ nghĩa có bản chất dân chủ rộng rãi, thể hiện ý chí của đa số tầng lớp nhân dân trong xã hội. Nhà nước xã hội chủ nghĩa cũng thực hiện nhiều chức năng quan trọng như tổ chức và quản lý kinh tế, quản lý văn hóa – xã hội, đảm bảo trật tự an ninh, an toàn xã hội, bảo vệ tổ quốc và thực hiện, mở rộng các mối quan hệ hợp tác, hữu nghị với các quốc gia trên thế giới. Về hình thức nhà nước, các nhà nước xã hội chủ nghĩa đều có hình thức chính thể cộng hòa dân chủ.

Đây là bốn kiểu nhà nước đã tồn tại trong xã hội loài người và sự thay thế kiểu nhà nước này bằng kiểu nhà nước khác là một tất yếu khách quan. Kiểu nhà nước sau bao giờ cũng tiến bộ hơn kiểu nhà nước trước đó, hơn nữa các nhà nước có thể bỏ qua những giai đoạn phát triển nhất định, có thể từ xã hội nguyên thủy hình thành nhà nước phong kiến hoặc từ nhà nước phong kiến có thể tiến thẳng đến nhà nước xã hội chủ nghĩa (bỏ qua giai đoạn phát triển của nhà nước tư sản).

4.8/5 - (97 bình chọn)

 
® 2024 LawFirm.Vn - Thông tin do LawFirm.Vn cung cấp không thay thế cho tư vấn pháp lý. Nếu bạn yêu cầu bất kỳ thông tin nào, bạn có thể nhận được cuộc gọi điện thoại hoặc email từ một trong những Quản lý của chúng tôi. Để biết thêm thông tin, vui lòng xem chính sách bảo mật, điều khoản sử dụng, chính sách cookie và tuyên bố miễn trừ trách nhiệm của chúng tôi.
Có thể bạn quan tâm
Để lại câu trả lời

Trường "Địa chỉ email" của bạn sẽ không được công khai.

ZaloFacebookMailMap