Không giữ khoảng cách an toàn bị xử phạt như thế nào?
Không giữ khoảng cách an toàn để xảy ra va chạm với xe chạy liền trước hoặc không giữ khoảng cách theo quy định của biển báo hiệu “Cự ly tối thiểu giữa hai xe” là hành vi vi phạm quy tắc về giao đường bộ. Tùy thuộc vào hành vi vi phạm và loại phương tiện giao thông vi phạm, người vi phạm có thể bị xử phạt bằng nhiều hình thức khác nhau. Cùng LawFirm.Vn tìm hiểu chi tiết qua bài viết này nhé!
1. Quy định về khoảng cách giữa các xe
Người lái xe, người điều khiển xe máy chuyên dùng phải chấp hành quy định về tốc độ, khoảng cách an toàn tối thiểu với xe phía trước cùng làn đường hoặc phần đường.
Theo Điều 11 Thông tư 31/2019/TT-BGTVT quy định khoảng cách an toàn giữa 2 xe khi tham gia giao thông trên đường như sau:
– Khi điều khiển xe tham gia giao thông trên đường bộ, người lái xe, người điều khiển xe máy chuyên dùng phải giữ một khoảng cách an toàn đối với xe chạy liền trước xe của mình; ở nơi có biển báo “Cự ly tối thiểu giữa hai xe” phải giữ khoảng cách không nhỏ hơn trị số ghi trên biển báo.
– Trong điều kiện mặt đường khô ráo, khoảng cách an toàn ứng với mỗi tốc độ được quy định như sau:
+ Nếu vận tốc bằng 60km/h, khoảng cách an toàn tối thiểu là 35m.
+ Nếu vận tốc trên 60 – 80km/h, khoảng cách an toàn tối thiểu là 55m.
+ Nếu vận tốc từ trên 80 – 100km/h, khoảng cách an toàn tối thiểu là 70m.
+ Nếu vận tốc từ trên 100 – 120km/h, khoảng cách an toàn tối thiểu là 100m.
– Trường hợp điều khiển xe chạy với tốc độ dưới 60km/h, người lái xe phải chủ động giữ khoảng cách an toàn phù hợp với xe chạy liền trước xe của mình; khoảng cách này tùy thuộc vào mật độ phương tiện, tình hình giao thông thực tế để đảm bảo an toàn giao thông.
– Khi trời mưa, có sương mù, mặt đường trơn trượt, đường có địa hình quanh co, đèo dốc, tầm nhìn hạn chế, người lái xe phải điều chỉnh khoảng cách an toàn thích hợp lớn hơn trị số ghi trên biển báo hoặc trị số được quy định khi mặt đường khô ráo nêu trên.
Đối với trường hợp xe đi trên cao tốc, khoảng cách an toàn tối thiểu cũng dựa vào tốc độ của xe khi tham gia giao thông theo như quy định trên.
2. Hành vi không giữ khoảng cách an toàn bị xử phạt như thế nào?
2.1. Đối với xe mô tô, xe gắn máy
Người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy không giữ khoảng cách an toàn để xảy ra va chạm với xe chạy liền trước hoặc không giữ khoảng cách theo quy định của biển báo hiệu “Cự ly tối thiểu giữa hai xe” thì bị phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng. (Điểm c Khoản 1 Điều 6 NĐ 100)
2.2. Đối với xe ô tô
Người điều khiển xe ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô không giữ khoảng cách an toàn để xảy ra va chạm với xe chạy liền trước hoặc không giữ khoảng cách theo quy định của biển báo hiệu “Cự ly tối thiểu giữa hai xe” thì bị phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1.000.000 đồng (Điểm l Khoản 3 Điều 5 NĐ 100)
Người điều khiển xe ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô không tuân thủ quy định về khoảng cách an toàn đối với xe chạy liền trước khi chạy trên đường cao tốc thì bị phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng (Điểm g Khoản 5 Điều 5 NĐ 100, sửa đổi bởi Điểm đ Khoản 34 Điều 2 NĐ 123)
Hình thức phạt bổ sung: Bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 01 tháng đến 03 tháng. Nếu gây tai nạn giao thông thì bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 02 tháng đến 04 tháng (Điểm b Khoản 11 Điều 5 NĐ 100, Điểm c Khoản 11 Điều 5 NĐ 100)
2.3. Đối với máy kéo, xe máy chuyên dùng
Người điều khiển máy kéo, xe máy chuyên dùng không tuân thủ quy định về khoảng cách an toàn đối với xe chạy liền trước khi chạy trên đường cao tốc thì bị phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1.000.000 đồng (Điểm d Khoản 4 Điều 7 NĐ 100)
Hình thức phạt bổ sung:
– Tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe (khi điều khiển máy kéo), chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ (khi điều khiển xe máy chuyên dùng) từ 01 tháng đến 03 tháng.
– Thực hiện hành vi quy định tại một trong các điểm, khoản sau của Điều này mà gây tai nạn giao thông thì bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe (khi điều khiển máy kéo), chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ (khi điều khiển xe máy chuyên dùng) từ 02 tháng đến 04 tháng.
(Điểm a, b Khoản 10 Điều 7 NĐ 100)